Nói đến Hà Nội, trước tiên phải nói đến sông Hồng, dòng sông lớn đỏ nặng phù sa đã đi vào huyền thoại và lịch sử, bởi sông Hồng không chỉ là cái kho vô tận về phù sa, ngày ngày vun đắp cho đồng ruộng thêm tươi tốt mà từ xưa, dòng sông đỏ này còn là “Hồng Hà chiến trận”, khắc ghi những dấu tích chiến công của nhiều thời kỳ chống giặc ngoại xâm. Lịch sử ghi lại trận đánh ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than bây giờ) chống quân Nguyên - Mông xâm lược gần thứ nhất (năm 1258). Sông Hồng đã dựng lớp lớp sóng thần khi thuỷ binh nhà Trần tiến đánh tiêu diệt quân giặc. Về phía hữu ngạn, phía dưới bến Đông Bộ Đầu (chỗ có cột đồng hồ gần Ô Quan Chưởng) thời xưa có bến đò ngang mang tên bến đò Đông Tân. Chính chỗ này, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho bắc chiếc cầu phao để quân Minh chạy tháo thân rút khỏi Thăng Long, khi nghĩa quân do Lê Lợi chỉ huy đánh tới. Không chỉ có vậy, sông Hồng còn ghi dấu ấn với các trận đánh Hàm Tử, Chương Dương do Thượng tướng Trần Quang Khải và tướng Trần Nhật Duật chỉ huy đánh hai đồn lớn của địch trên dọc sông Hồng, quân Nguyên - Mông thua to, số sống sót nhảy xuống thuyền chạy trốn. Sông Hồng vốn nước đã đỏ, thêm hai trận đánh này máu giặc đổ xuống dòng sông càng thêm đỏ “Sông Hồng ơi, đỏ phù sa/mấy đời máu giặc còn hoà với sông”.
Cũng dòng sông này, còn chứng kiến câu chuyện tình của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa (con vua Hùng thứ 16), bây giờ nơi ấy là ngôi đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đến thời Pháp thuộc, sông Hồng được khoác trên mình cây cầu Long Biên đi vào lịch sử và sau ngày giải phóng Thủ đô là cầu Thăng Long, rồi tiếp theo là cầu Chương Dương, bằng chính bàn tay khối óc người Việt Nam xây dựng. Không chỉ dừng ở đó, giờ đây sông Hồng đang mọc thêm cây cầu Vĩnh Tuy và sắp tới là cầu Nhật Tân, những cây cầu này sẽ biến Hà Nội trở thành một “thành phố trên sông”.
Sau sông Hồng, phải nói đến dòng sông Tô Lịch. “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông/Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này”. Không biết câu ca dao xưa có tự bao giờ nhưng đến nay vẫn trở thành câu ca nằm lòng về dòng sông Tô Lịch, dòng sông đã “sinh” ra những bài thơ, những câu hát dân ca đằm thắm chất trữ tình.
Theo sử sách, xưa kia ở thành Long Đỗ có nhà họ Tô tên Lịch, nhà này có ba anh em trai, sống với nhau rất thuận hoà, gia đình đầm ấm. Nên khi anh em nhà Tô mất đi, dân làng lấy tên đặt tên làng. Rồi dòng sông chảy về Hồ Khẩu (hàng Bưởi) nguồn nước tách ra từ Nhị Hà và được mang tên là Tô Lịch. Nước sông Tô xưa trong xanh, dòng chảy êm đềm, bầu trời Thăng Long ngày ấy khoáng đạt và tinh khiết, những dải mây ngũ sắc in dấu làn nước xanh của sông Tô làm nên cảnh đẹp diệu kỳ. Hai bên bờ sông, những dãy nhà nối nhau được dựng lên, tạo ra phố phường sầm uất đông vui của kinh thành “trên bến dưới thuyền”, vì vậy mới có câu “Sông Tô nước chảy trong ngần / Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa / Lướt đi lướt lại như là bướm gieo”. Những con thuyền chở đầy hàng hoá từ bốn phương bơi về kinh thành, theo sông Tô mà đến các chợ, các bến, các bãi ở Hàng Buồm, chợ Gạo (mạn chợ Đồng Xuân bây giờ).
Tiếp đến, là sông Kim Ngưu. Chuyện rằng: có một ông vua ở phương Bắc có người con bị một căn bệnh rất nặng, các thầy thuốc bên ấy đều chịu bó tay. Khổng Minh Không - một người nổi tiếng của đất nước Vua Hùng, được ví vua phương Bắc mời sang chữa bệnh cho con mình. Ông sang và với ví thuốc thần diệu, ông đã chữa cho con vị vua phương bắc lành bệnh. Nhà vua thưởng công cho ông đồng đen, một thứ kim loại nước ta đang hiếm. Sau đó, ông mở cái túi vải thần kỳ thu hết đồng đen nước này rồi vác lên vai về nước. Nhà vua tiếc quá, nên đã cho quân đuổi theo ông và ra lệnh không cấp thuyền để chở ông về nước. Đến bờ biển, ông thả cái nón tu lờ làm thuyền rồi ngồi lên đấy, vượt qua muôn trùng sóng gió, về nước an toàn. Đem số đồng đen về, ông cho đúc quả chuông cực to và mỗi lần rung chuông lên thì âm thanh của chuông vọng đến bốn phương trời. Lần ấy, nghe một hồi chuông vọng, con trâu ở phương Bắc ngỡ tiếng mẹ gọi, nó lồng lên chạy sang nước ta. Nó lồng lộn hết vùng này sang vùng khác, chỗ nó quần lâu nhất đất lõm xuống hoá thành Hồ Tây và sông Kim Ngưu bây giờ. Kim Ngưu - sông Trâu Vàng xuất hiện từ ấy. Sông Kim bây giờ chỉ còn một đoạn không dài, bắt đầu từ Ô Đống Mác chảy qua cầu Mai Động, rồi đổ xuống phía mạn Thanh Trì. Lòng sông rộng không quá lõm, dù đã được kè hai bờ nhưng nước bị ô nhiễm nặng, phơi ra dưới nắng mưa một màu đen xám. Bên sông bây giờ vẫn giữ được cái chợ Cầu Voi, chợ này không lớn, nhưng cũng đủ mặt hàng phục vụ đời sống hàng ngày cho bà con khu vực này.
Cũng chính từ sông Kim Ngưu - sông Trâu Vàng đã sinh ra một nhánh đẹp, nhánh ấy là sông Lừ. Thời xưa, khi những ngả đường bộ chưa được toả rộng trên vùng đất kinh thành thì sông Lừ là một con sông giữ vai trò đầu mối giao thông đường thuỷ nối liền vùng đất Hoàng Mai với các vùng đất thuộc phía Nam kinh thành bên cạnh dòng sông Lừ còn có khu Đền Lù, đó là một ngôi đền đẹp, tên chữ là Lữ Giang Tự. Đền Lừ thờ các vị tướng đứng dưới trướng của thượng tướng Trần Khát Chân, người được nhà vua phong cho vùng đất Cổ Mai làm ấp trang riêng. Ngôi đền tô đẹp thêm dòng không lớn, không rộng, nhưng vẫn góp phần làm đẹp và thoát nước thật hữu ích cho Hà Nội. Còn sông Sét bắt nguồn từ Hồ Bảy Mẫu - Công viên Thống Nhất thoát nước qua đường Đại Cồ Việt chỗ có cái cống to gọi là cống Nam Khang. Là con sông nhỏ, chạy qua địa phận phường Bách Khoa, phường Trương Định, phường Tương Mai và phường Đồng Tâm rồi chảy qua làng Sét phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) sau đó đổ nước ra trạm bơm Yên Sở.
Mặc dù sông Lừ và sông Sét ít được nhắc đến trong câu chuyện ngày thường của Hà Nội, thế nhưng cho đến nay, hai dòng sông này vẫn còn tồn tại và có tên trong bản đồ Hà Nội. Hai bên bờ sông đã được kè đá, trồng hàng cây xanh toả mát, trông cũng đẹp mắt như các dòng sông Tô, Kim Ngưu. Bà con các phường sinh sống hai bên bờ các con sông này đều mong muốn một ngày gần đây, thành phố sẽ hoàn thành việc sửa sang, giữ vẹn nguyên đôi bờ cho tất cả các dòng sông Hà Nội đều xanh - sạch - đẹp.
Nguồn Thuế nhà nước. –Số 37-38, Kỳ 1-2/10/2010. –Tr.12-13