Cột cờ được xây dựng dưới triều Nguyễn, bắt đầu từ năm 1805 đến 1812 trong triều vua Gia Long, trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ thời nhà Nguyễn, còn có chức năng là vọng canh, vì theo trục Bắc-Nam, kiến trúc này chỉ cách Đoan Môn khoảng 300m cách điện Kính Thiên 500 m và cách cửa Bắc chừng gần 1.000m.
Chân cột cờ có hình dạng khối vuông kiểu bậc thang, cao ba tầng. Khối thứ nhất dài mỗi chiều 42,5m, cao 3,1m, có hai cầu thang. Khối thứ hai mỗi chiều dài 2m, cao 3,7m - có bốn cửa: cửa phía Đông có hai chữ “nghênh húc” nghĩa là đón nắng ban mai; cửa phía Tây có hai chữ “hồi quang” nghĩa là ánh sáng phản chiếu; cửa phía Nam có hai chữ “hướng minh”, nghĩa là nhìn về phía ánh sáng. Tầng ba mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m. Phần thân cột có dạng bát giác, cao 12,8m, bên trong lòng cột có 54 bậc cầu thang dẫn lên đỉnh. Dọc theo thân cột có 39 cửa lấy sáng hình hoa thị và 6 cửa hình rẻ quạt. Tổng chiều cao của phần xây dựng của Cột cờ Hà Nội là 33,4m. Nếu tính cả phần cột thép để treo cờ là hơn 40m. Đỉnh của cột cờ cũng có hình bát giác, có tám cửa sổ, từ đây có thể nhìn thấy cả Hà Nội và vùng ngoại ô.
Cột cờ cũng thể hiện rất rõ trình độ và kỹ thuật xây dựng của các người thợ Việt Nam, các cửa được tính toán khoa học sao cho mưa lớn đến đâu nước cũng không chảy vào trong lòng tháp. Còn vào những ngày nóng nhất bên trong vẫn luôn mát mẻ như có máy lạnh. Trong thời gian quân Pháp chiếm đóng, cột cờ được dùng làm đài quan sát. Và trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, một lần nữa nó lại được các chiến sĩ phòng không tận dụng chiều cao để làm đài quan sát. Giờ đây dưới chân cột cờ là những cây xà cừ cổ thụ, một vườn nhãn um tùm và một quán cà phê ngay trong khuôn viên bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (LSQSVN). Cột cờ Hà Nội được công nhận là di tích lịch sử năm 1989.
Hình ảnh 1á cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trong gió đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Thủ Đô, như một biểu tượng hùng thiêng của Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong gió trên đỉnh Cột cờ Hà Nội là năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Đến năm 1954, một lần nữa lá quốc kỳ lại tung bay trên đỉnh kỳ đài lịch sử. Trước đây cờ chỉ được treo vào ngày lễ, tết nhưng từ năm 1986 tới nay, lá cờ được treo thường trực trên đỉnh cột. Theo Trung tá Nguyễn Hữu Thanh, người phụ trách công tác bảo vệ của Bảo tàng LSQSVN cho biết: Trên đỉnh tháp gạch là một cột thép cao 12m, gió ở trên đó rất lớn nên dù được may bằng chất liệu tốt, kỹ thuật tốt nhưng cờ rất hay bị rách. Trung bình mỗi 1á cờ chỉ được khoảng 23 tuần là phải thay mới, trung bình mỗi năm, khoảng gần 20 lá cờ được thay.
Không chỉ ngắm Cột cờ Hà Nội từ xa, nhiều người còn muốn được vào bên trong để tận mắt chiêm ngưỡng công trình lịch sử này, và 1ên tận đỉnh để được ngắm thủ đô từ giữa lòng phố cổ. Vào những ngày lễ như 01.5, 02.9, 22.12, lượng khách tham quan rất đông phải xếp hàng. Nhiều người vượt hàng ngàn cây số chỉ để một lần được thăm và kể cho con cháu nghe. Ở Bảo tàng LSQSVN có lưu truyền chuyện Tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez khi đến Hà Nội để dự một sự kiện, khi đi qua cột cờ bỗng yêu cầu dừng xe và ngỏ ý muốn vào thăm. Ông đã trèo lên tận đỉnh và tỏ ra cảm kích trước công trình đặc biệt này nên đã viết lưu niệm.
Ít người biết rằng lá cờ này được may bằng vải phi bóng sản xuất trong nước, có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m2. Lá cờ được may bởi cơ sở thêu may cờ 67 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm. Theo ông Trần Quang Minh, phụ trách kỹ thuật thì để có thể chống chọi được với gió mạnh trên cao, các đường may cần đến 3 lần chỉ, góc cờ chần hình quả trám. Vì lá cờ quá lớn, nên công nhân khi may xong phần nền đỏ thì phải trải ra một sàn nhà rộng để khoét hình sao vàng trước khi may thêm.
Quan sát từ mọi góc nhìn, cột cờ là một khối hoàn chỉnh kiến trúc nghệ thuật hài hòa, uy nghi, cổ kính; là nơi biểu tượng chủ quyền quốc gia, thể hiện ý chí vươn lên với tinh thần bất khuất của dân tộc đối với các thế lực xâm lược từ ngoại bang. Khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh của Cột cờ Hà Nội đã được in trang trọng trên đồng tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành lần đầu tiên. Hình tượng cột cờ đã được chọn làm mẫu trên các áp phích, con tem, bìa sách… và cả trong trái tim mỗi người Việt Nam. Hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh “Cột Cờ Hà Nội” và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh tung bay lồng lộng trên nền trời của Thủ đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, mãi mãi là biểu tượng hùng thiêng của đất nước và con người Việt Nam.
Trích Tạp chí Phụ nữ thời đại, số 41, tr. 20 – 21.