Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Thăng Long Hà Nội Thứ Hai, 29/11/2010, 15:10

Thăng Long là gốc Gia Định thành là ngọn

NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU
…SỰ THẬT GỐC THĂNG LONG - HÀ NỘI CÓ NHIỀU NGỌN : ĐÔNG BẮC, TÂY BẮC, ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG, TÂY NGUYÊN, ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG, ... NHƯNG GIA ĐỊNH - SÀI GÒN LÀ NGÀNH NGỌN CHÍNH. CHO NÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH PHẢI "VÌ CẢ NƯỚC, CÙNG CẢ NƯỚC" PHÁT TRIỂN HÀI HÒA, VỮNG MẠNH, VÀ THANH LỊCH NHƯ GƯƠNG MẪU CỦA 1.000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI...

Đất nước ta khởi nguồn từ bộ lạc Giao Chỉ. Đại Việt sử ký tiền biên chép rằng: "Sử thời Thần Nông viết phía nam vỗ về đất Giao Chỉ, thì vốn đã tự thành một nước"1. Như vậy tên nước Giao Chỉ có trước tên nước Văn Lang do Hùng Vương đặt ra. Nước Văn Lang khởi nguồn từ năm 2879 trước Công nguyên, chia ra 15 bộ. Bộ thứ nhất là Giao Chỉ (nay là đất Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên).

Năm 258 trước Công nguyên, Thục Phán chiếm được một phần nước Văn Lang, lập ra nước Âu Lạc và chia thành 17 bộ lạc. Bộ lạc Long Biên chính là địa bàn Giao Chỉ.

Năm 207 trước Công nguyên, nhà Tần đổi nước Âu Lạc thành Tương Quận, song vẫn để họ Thục làm vua. Nhà Tần suy, Triệu Đà nổi lên, làm chủ gần khắp nước Văn Lang cũ và lập thành nước Nam Việt, chia làm hai quận: Giao Chỉ và Cửu Chân.

Năm 111 trước Công nguyên, nhà Tây Hán sai Lộ Bác Đức đánh lấy nước Nam Việt, rồi cải là Giao Chỉ bộ và chia ra 9 quận, trong có quận Giao Chỉ. Năm 40 (sau Công nguyên), Trưng Trắc - người con gái quận Giao Chỉ - dấy binh đánh đuổi thái thú Tô Định, tự lập làm vua đóng đô ở Mê Linh"2. Năm 43 , Mã Viện đánh thắng Trưng Trắc, lại đem đất Giao Chỉ thuộc về nhà Đông Hán và đưa phủ trị từ Mê Linh về Long Biên như cũ.

Năm 865, Cao Biền là một danh tướng nhà Đường đi đánh quân Nam Chiếu (ở Vân Nam, Trung Quốc nay), sau được phong làm Tiết độ sứ quận Giao Chỉ, tức nước ta ngày xưa"3. Để bảo vệ chống quân Nam Chiếu và quân Chiêm Thành, Cao Biền liền cho xây dựng thành Đại La trên địa bàn Long Biên, bao quanh lỵ sở Tống Bình, chu vi khoảng 6km.

Suốt thời gian từ khi lập nước Văn Lang (2879 trước CN) đến lúc Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt (968) - một thời gian dài 3847 năm - địa danh Giao Chỉ luôn tồn tại, lúc là bộ, quận, hoặc huyện, mà trung tâm bao giờ cũng là Tống Bình hay thành Đại La.

Khi nước ta đã tự chủ có quốc hiệu riêng, nhưng thiên triều Trung Quốc chỉ phong cho các vua nhà Đinh, nhà Tiền Lê và sáu vua đầu nhà Lý là Giao Chỉ quận vương. Từ năm 1164 (đời vua Lý Anh Tông) đến năm 1802 (qua các đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Tây Sơn), các vua ta mới được phong là An Nam quốc vương. Tuy nhiên trong thư tịch hay bia ký phân ranh biên giới, vẫn còn tồn tại danh xưng Giao Chỉ quốc. Khi nước ta bị nhà Minh thôn tính (1407-1427), thì lại chỉ là quận Giao Chỉ lệ thuộc bắc phương.

Nhà Đinh và Tiền Lê lấy Hoa Lư (Ninh Bình) làm kinh đô. Lý Thái Tổ tức Lý Công Uẩn tiếp ngôi nhà Tiền Lê liền cho dời đô về thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long - đây là địa điểm trung tâm của đất nước Giao Chỉ từ ngàn xưa. Khí thế Giao Chỉ - Thăng Long liền được khởi sắc và tung hoành.

Năm 1044, Lý Thái Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, tiến chiếm quốc đô Phật Thệ (Thừa Thiên).

Năm 1054, Lý Thánh Tông vừa lên nối ngôi, liền đổi quốc hiệu là Đại Việt (trước là Đại Cồ Việt). Năm 1069, Lý Thánh Tông chọn Lý Thường Kiệt làm đại tướng quân, đi chinh phạt Chiêm Thành. Chế Củ xin chuộc tội bằng ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (sau là Quảng Bình, Quảng Trị). Công cuộc Nam tiến bắt đầu từ đó.

Năm 1059, Lý Thánh Tông sai Lý Thường Kiệt đi "đánh nhà Tống đến Khâm Châu mới trở về” 4 nhằm mục đích bảo vệ các châu ki mi (ràng buộc) của ta ở vùng biên giới và đối kháng với chính sách của Vương An Thạch định cấm chỉ giao thương giữa hai nước. Chiến dịch này được coi là sứ mệnh Bắc tiến của nhà Lý.

Năm 1306, Trần Anh Tông "đem Huyền Trân công chúa gả cho vua Chiêm Thành, vua Chiêm Thành dâng đất hai châu Ô - Lý... Năm 1307, đổi hai châu Ô - Lý ra Thuận Châu và Hóa Châu”5. Thế là cuộc Nam tiến đã vượt qua đèo Hải Vân.

Năm 1402, dưới đời Hồ Hán Thương, "Đỗ Mãn đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành xin hàng, dâng động Cổ Lũy. Chia ra làm 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa"6, sau là địa phận Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cuộc Nam tiến khựng lại vì nhà Minh xâm chiếm nước ta.

Năm 1471, Lê Thánh Tông "tiến binh vây thành Chà Bàn (Bình Định), bắt Trà Toàn. Tướng Chiêm Thành là Bô Trì Trì xưng chúa ở Phan Rang vào cống được vua phong cho làm quốc vương Chiêm Thành, lại phong cho Hoa Anh và Nam Bàn có quốc vương riêng, lấy đất Đại Chiêm và Cổ Lũy đặt ra đạo Quảng Nam", đưa biên cương tới đèo Cù Mông ở phía nam Bình Định nay. Cuộc Nam tiến đến đây ngưng lại vì Mạc Đăng Dung thao túng triều chính (1508) rồi cướp ngôi nhà Lê, lập ra nhà Mạc, tạo ra tình thế Bắc Triều (Mạc) và Nam Triều (Lê trung hưng).

Nhà Mạc định đô ở thành Thăng Long. Năm 1533, Nguyễn Kim tìm được con của Lê Chiêu Tông tên là Ninh, liền đem sang Ai Lao tôn lên ngôi với hiệu là Lê Trang Tông. Năm 1539, Nguyễn Kim sai Trịnh Kiểm đem quân về chiếm Thanh Hóa. Năm 1545, Nguyễn Kim rước vua Lê đi đánh Sơn Nam (Ninh Bình, Nam Định), đang khi ấy qua đời. Con trai là Nguyễn Hoàng được chức Hạ Khê hầu lãnh binh đánh giặc. Con rể là Trịnh Kiểm được chức Đô Tượng và Lượng Quốc công, nắm toàn bộ quyền hành.

 

Năm l546, lập hành điện ở sách Vạn Lại (Thanh Hóa), sử gọi là Nam triều. Năm 1553, đổi về An Trường. Năm 1558, Trịnh Kiểm lại vây Sơn Nam. Nguyễn Hoàng được làm trấn thủ Thuận Hóa, đóng dinh ở Ái Tử (Quảng Trị). Năm 1570, Nguyễn Hoàng được nhận thêm cai trị Quảng Nam.

Năm 1593, với sự trợ giúp của Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm giải phóng Thăng Long, rước vua Lê Thế Tông về định đô tại đây. Nguyễn Hoàng được tiến tước là Đoàn quốc công Tổng binh. Vì Trịnh Kiểm có ý giữ chân ở lại Thăng Long, mãi tới năm 1600 Nguyễn Hoàng mới lén về Thuận Hóa mang theo cả quân đội và gia nhân làm hậu thuẫn. Thế là từ đấy tạo ra cảnh Đàng Ngoài, Đàng Trong phân tranh.

Đương thời, Đàng Ngoài gồm 9 xứ (sau là tỉnh): Lạng Sơn, Kinh Bắc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Sơn Tây, An Bang (Quảng Yên), Hải Dương, Sơn Nam (Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam), Thanh Hóa, Nghệ An. Còn Đàng Trong chỉ gồm 2 xứ: Thuận Hóa, Quảng Nam. Đàng Trong cát cứ chống chúa Trịnh, nhưng vẫn theo quốc hiệu nhà Lê. Trịnh Nguyễn phân tranh, nhưng quốc gia dân tộc vẫn là một, là Đại Việt với đế đô Thăng Long thành.

Về hành chính, chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đổi xứ thành dinh mang nhiều tính quân sự hơn. Xứ Thuận Hóa chia làm 3 dinh: Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Xuân (sau là Thừa Thiên). Xứ Quảng Nam cũng chia làm 3 dinh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Năm 1611 , Nguyễn Hoàng tiếp nối cuộc Nam tiến, lập dinh Phú Yên. Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời. Con là Nguyễn Phước Nguyên lên kế vị được mệnh danh là chúa Sãi. Năm 1618, chúa Sãi gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey Chetta II và năm 1620 gửi tài lực võ khí cho Chân Lạp chống Xiêm La đang mưu tính xâm chiếm Chân Lạp . Năm 1623, cho xây hai đồn thu thuế tại Bến Nghé (Sài Gòn) và Sài Gòn (Chợ Lớn nay). Năm 1653, chúa Thượng - Nguyễn Phước Lan lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa) đưa biên cương tới sông Phan Rang. Chúa Hiền - Nguyễn Phước Tần cho quân sang U Đông và Nam Vang để ngăn chặn quân Xiêm chiếm đóng Chân Lạp hồi 1658-1672. Năm 1679, chúa cho người Minh Hương đến cư ngụ làm ăn ở Mỹ Tho và Biên a.

Năm 1697, chúa Minh - Nguyên Phước Chu lập phủ Bình Thuận. Năm 1698, chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, vì khi ấy ở đây đã có trên bốn vạn hộ dân và khai khẩn được cả nghìn dặm ruộng đất. Nguyễn Hữu Cảnh bèn lập phủ Gia Định gồm hai huyện: Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (bao gồm Sài Gòn, Mỹ Tho). Phủ Gia Định sau gồm hết địa bàn của Nam kỳ lục tỉnh.

Như vậy, từ năm 1044 Lý Thái Tông đem quân chinh phạt Chiêm Thành, đến năm 1471  Lê Thánh Tông đánh hạ thành Chà Bàn - mất 427 năm - biên giới nước ta mới Nam tiến được từ Đèo Ngang tới Đèo Cù Mông. Còn từ năm 1611, Nguyễn Hoàng lập dinh Phú Yên, đến năm 1698, Nguyễn Phước Chu đưa biên cương tới đồng bằng sông Cửu Long, chỉ mất 87 năm. Tới đây nước ta mới có bờ biển dài hình cong như chữ S , và mới có hình tượng ví von: Bắc và Nam là hai thúng lúa, còn Trung là đòn gánh.

Có đồng bằng sông Cửu Long thì nước ta mới hoàn chỉnh vững vàng về mặt địa lý. Năm 1600, Nguyễn Hoàng đem quân bản bộ từ thành Thăng Long vào Đàng Trong cát cứ và hậu duệ mở mang bờ cõi, được vậy thực là đáng kể. Thành Thăng Long là trung tâm của đất Giao Chỉ xưa, chính là gốc. Thành Gia Định là trung tâm của Nam bộ, chỉ là ngọn, dẫu là ngọn chính yếu.

Sau đó là 30 năm xáo trộn. Năm 1771, anh em Tây Sơn dấy binh rồi chiếm thành Quy Nhơn. Năm 1774, quân chúa Trịnh vào chiếm Phú Xuân. Chúa Định - Nguyễn Phước Thuần và cháu là Nguyễn Ánh chạy vào nam. Năm 1776, Tây Sơn vào chiếm Nam bộ và giết Chúa Định. Nguyễn Ánh chạy thoát. Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân chiếm Thuận Hóa, rồi thừa thắng ra lấy thành Thăng Long, viện cớ phù Lê diệt Trịnh. Thế là cái thế vua Lê chúa Trịnh chấm dứt.

Lấy được Bắc Hà rồi, nhà Tây Sơn phân quyền: Nguyễn Nhạc làm Trung ương Hoàng đế đóng đô ở Quy Nhơn, Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở đất Gia Định nhưng chết sớm, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở Thuận Hóa. Năm 1787, Nguyễn Huệ ra Bắc dứt bỏ nhà Lê, Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu viện.

Năm 1788, Nguyễn Ánh lấy lại được đất Gia Định và năm 1790 xây thành Bát Quái rộng lớn theo kiểu Vauban bố phòng tây phương mệnh danh là Gia Định kinh.

Năm 1789, được tin Lê Chiêu Thống mang quân nhà Thanh về xâm chiếm nước ta, Nguyễn Huệ bèn tức vị xưng là Quang Trung hoàng đế, rồi tức tốc đem quân ra bắc đại phá quân Thanh. Mùng 5 tết Quang Trung đắc thắng vào thành Thăng Long. Thế là chấm dứt hẳn nhà Lê và tình trạng Đàng Trong - Đàng Ngoài. Nhà - Thanh phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Thành Thăng Long đổi là Bắc Thành. Từ đó Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bất hòa.

Năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ băng hà. Năm 1793, Nguyễn Nhạc qua đời. Từ đó, Tây Sơn yếu thế. Nguyễn Ánh lợi dụng gió mùa, hàng năm kéo quân ra đánh. Năm 1802, thu phục được: toàn quốc, tức vị xưng là Gia Long, đổi quốc hiệu là Việt Nam. Vẫn theo Quang Trung, gọi Thăng Long là Bắc Thành cai quản toàn xứ Bắc, và lấy Phú Xuân làm kinh đô.

Năm 1804, xứ nhà Thanh tới phong cho Gia Long là Việt Nam quốc vương tại thành Thăng Long, có ý vẫn coi đây là trung tâm quan. trọng nhất của dân tộc Giao Chỉ. Năm 1805, thành Thăng Long được xây lại với quy mô vững chắc lớn lao theo kiểu Vauban, có ý tôn vinh di tích xưa và cũng để gây thanh thế với Bắc phương.

Năm 1835, sau vụ Lê Văn Khôi nổi loạn, Minh Mạng cho phá thành Bát Quái rồi xây thành Phụng nhỏ hơn nhiều, lại cho hạ thấp tường thành Thăng Long, để ngăn ngừa nổi loạn có thể xẩy ra, nhưng thế là hạ thấp khả năng thành trì chống ngoại xâm.

Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Năm 1873, Pháp hạ thành Thăng Long - khi ấy gọi là thành Hà Nội - lần thứ nhất. Năm 1883, Pháp chiếm hẳn thành Thăng Long rồi đặt nền bảo hộ trên toàn quốc với Nam kỳ là thuộc địa. Đến thời điểm ấy, Pháp coi Sài Gòn - Gia Định là chính yếu.

Năm 1887, Pháp đặt chức Toàn quyền Đông Dương để coi cả 5 xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao, Cao Miên. Phủ toàn quyền lấy dinh Norodom (sau là dinh Độc Lập) ở Sài Gòn làm trụ sở. Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902) lập thêm phủ Toàn quyền ở Hà Nội và chuyển các cơ quan đầu não ra Hà Nội. Hà Nội được coi là thủ đô của cả Đông Dương. Kể cả giáo dục, Pháp xây dựng đại học hay cao đẳng đều ở Hà Nội. Các xứ khác chỉ có trung học phổ thông.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm giữ hết mọi cơ quan. Cách mạng tháng 8-1945 chiếm lĩnh được các cơ quan mà Nhật đã chuyển giao cho chính quyền Bảo Đại. Còn phủ Toàn quyền Nhật vẫn giữ, ở Hà Nội thì trao cho quân đội Tưởng Giới Thạch, ở Sài Gòn thì trao cho quân đội Anh.

Ngày 19-12-1946, toàn quốc kháng chiến, chính phủ Hồ Chí Minh dời bỏ Hà Nội, lên Khu an toàn. Tháng 5-1954, Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. Tháng 7-1954, Hiệp định Genève ký kết, tạm chia Việt Nam ra hai miền. Cuối năm 1954, chính phủ Hồ Chí Minh về Hà Nội, lấy phủ Toàn quyền làm phủ Chủ tịch nước. Đầu năm 1955, Pháp trao dinh Norodom cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Thủ đô miền Bắc là Hà Nội. Thủ đô miền nam là Sài Gòn.

Cuối tháng 4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn và toàn thể miền nam. Việt Nam : thống nhất vẫn lấy Hà Nội làm thủ đô và đô thành Sài Gòn được mang tên mới là Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua lịch sử, Thăng Long - Hà Nội rất gắn bó với Gia Định - Sài Gòn. Thăng Long - Hà Nội coi như gốc, Gia Định - Sài Gòn coi như ngọn. Phải có cả gốc và ngọn mới thành cây xum xuê vững chắc. Quá khứ đã chứng minh mất Sài Gòn là mất tất cả, được Hà Nội là được tất cả.

Sự thật gốc Thăng Long - Hà Nội có nhiều ngọn: Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,... Nhưng Gia Định - Sài Gòn là ngành ngọn chính. Cho nên Thành phố Hồ Chí Minh phải "vì cả nước, cùng cả nước" phát triển hài hòa, vững mạnh và thanh lịch như gương mẫu của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

CHÚ THÍCH:

(1) Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Đại Việt sử ký. Tiền biên. Nxb Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, 1997. Trang 89.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt  sử thông giám cương mục. Tiền Biên. Quyển nhất. Phiên dịch và chú thích: Trương Bửu Lâm, Bửu Cầm, Tạ Quang Phát. Nxb Bộ QGGD, Sài Gòn, 1960. Trang 177-195.

(3) Đào Duy Anh, Hán Việt  từ điển. Nxb Minh Tân, Paris, 1942. trang 90.

(4) Nguyễn Bá Trác, Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu. Phiên dịch và chú thích: Bửu Cầm, Đỗ Văn Anh, Hà Văn Liên, Tạ Quang Phát, Trương Bửu Lâm. Bộ QGGD xuất bản. Sài Gòn, 1963. Trang 187.

(5) Như trên, trang 224.

(6) Như trên, trang 243.

 


Số lượt người xem: 9288 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày