Lời ca hào hùng của nhạc sĩ Văn Cao cùng đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến về giải phóng Thủ đô từ năm Cửa Ô vào ngày 10l10l1954. Anh hùng quân đội Nguyễn Quốc Trị dẫn đầu đoàn quân tiến về Hà Nội qua Cửa Ô Cầu Giấy:
Ngã tư cầu Giấy của ta
Bàn tay mở giữa bao la đất trời
Dù đi, dù ở muôn nơi
Hai bốn tháng Tám ngược xuôi nhớ về
Đó là câu ca được quyền tụng từ hàng trăm năm ở cửa Ô Cầu Giấy, nhắc nhở mọi người thiện nam, tín nữ nhớ ngày lễ chính (24l8 âm lịch hàng năm) đến điện Nghiễm Phúc - nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương thắp nén hương tưởng nhớ đến Ngài. Cách đây hai thế kỷ, người dân lập điện thờ ở xóm Quan Hoa. Gọi là Quan Hoa vì nơi đây có cụ Nguyễn Đình Thịnh là Giám sinh ở Quốc Tử Giám được cử lên Hoa Khê, Phong Châu, Phú Thọ dạy học sau đó cụ về đây mở trường gọi là Quan Hoa Học Đường, trường này tồn tại đến năm 1945 mới thôi. Cụ không có con, nhưng khi cụ mất các môn sinh đã lập mộ cho cụ rất khang trang. Ngôi mộ này cách Điện khoảng 100 mét vẫn được mọi người hương khói.
Cách Hồ Gươm 6km về phía Tây, Điện tọa lạc giữa xóm Quan Hoa nhưng vẫn được rất đông thiện nam tín nữ từ khắp nơi đổ về đây cầu lễ. Truớc năm 1940, xóm Quan Hoa còn lập trạm đón tiếp người ở xa đến. Điện được coi là rất tôn nghiêm tới mức mỗi lần đến lễ Thánh, Tri phủ Hoài Đức thường buộc ngựa ngoài cây đa đầu làng cùng các quan đi bộ vào Điện.
Đầu Thế kỷ XX, người trông coi Điện, chăm lo hương khói là cụ Nguyễn Trần Đóa. Ông từng giữ chức Đội trưởng của nghĩa quân Đề Thám, tháng 7 năm 1908 cụ đã chỉ huy đội tập kích vào đồn Liễu Giai của Pháp, làm hậu thuẫn cho vụ Hà Thành đầu độc. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế thất bại, cụ Nguyễn Trần Đóa đã đưa Hoàng Luân - cháu đích tôn cụ Hoàng Hoa Thám từ Bắc Giang, qua Điện Thái Bình ở làng Viên Nội, Đông Anh về Điện Nghiễm Phúc nuôi giấu. Hiện giờ cháu nội của cụ, ông Nguyễn Trần Vựng tiếp tục thờ phụng Ngài.
Cửa Điện đắp nổi ba chữ Đông A Trấn. Ba gian chính điện xây dựng vào năm Khải Định thứ tư, sau này được tu bổ thêm. Hậu cung thờ Quốc Mẫu. Gian bên phải thờ Tứ vị Thánh Tử là bốn con trai của Ngài: Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Nghiền, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, cùng con rể của ngài - Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Gian bên trái thờ nhị vị Vương cô là hai người con gái của Ngài: một là Hoàng hậu - vợ vua Trần Nhân Tông, một là phu nhân Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nơi oai nghiêm của gian chính điện đặt pho tượng Đức Thánh Trần do cụ Nguyễn Trần Ba tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng theo nguyên mẫu ở đền Kiếp Bạc. Tượng ở tư thế ngồi, nét mặt trang nghiêm, nhân hậu, đôi mắt sáng ngời anh linh.
Điện còn giữ được 6 ngai thờ, một ngai đặt tượng Ngài và một ngai đặt bài vị ngài, 2 biển gỗ, 5 bức hoành phi, trong đó có bức Trần Thượng Tướng làm năm Canh Thìn đời Tự Đức và Hiển Thánh Điện làm năm Kỷ Tỵ đời Bảo Đại, 12 câu đối ca ngợi công đức của Hưng Đạo Đại Vương trong đó có đôi câu đối nổi tiếng của Tiến sĩ Giang Văn Minh: thời Lê Vĩnh Tộ:
Đồng trụ chí kim đài dĩ lục
Đằng Giang tự cổ huyết do huyết do hồng
Tạm dịch: Cột đồng đến nay rêu đã xanh
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ Và đôi câu đối về sắc thái của Điện:
Đông A danh tướng uy do tạc
Nam quốc linh Thần cảm tất thống
Điện Nghiễm Phúc còn giữ được 10 sắc phong như sắc phong triều Gia Long năm thứ 2 - 1803, sắc phong đời Tự Đức năm thứ 3 - 1849 và năm thứ 35 - 1882 còn khá nguyên vẹn. Điện còn giữ được bộ sách chữ Hán ghi các sắc phong biên soạn từ thời Duy Tân. Đặc biệt có cuốn phả do Hoa Bằng - nhà Hán Nôm nổi tiếng (có tên phố ở phường Yên Hòa) chép lại từ Đền Kiếp Bạc và một số bài hát văn cổ như: Trần Triều hiển Thánh, Đức ông phò mã Huê Hải đường, Tiên cảnh bồng lai... Nhiều nơi đã đến đây xin chép về cùng khấn. Điện còn giữ được hai quả chuông đồng cao 0,57m, đường kính 0,58m. Quả bên trái do bà họ Phạm quê ở làng Thái Đường huyện Đông Ngàn - nay là xã Mai Lâm huyện Đông Anh cung tiến, còn quả bên phải mới đúc gần đây.
Vào thời cụ Nguyễn Trần Đóa, quanh điện Nghiễm Phúc còn là những vạt rừng rậm rạp, cách điện không xa là những vườn nhãn với cây nhãn cổ thụ tỏa bóng sum suê làm nơi đi, về dừng chân của cụ Đóa và cụ Bát Sự - anh em đồng hao mỗi lần vào ra Hà Nội thời Pháp thuộc. Có điều lạ: Khi Hà Nội bị tạm chiếm, cả vùng Cầu Giấy bị tàn phá nặng nề nhưng Điện Nghiễm Phúc vẫn an toàn! Có lần quân Pháp đến cổng Điện nhìn thấy ba chữ Đông A Trấn, chắc là sợ oai ngài, chúng lại lặng lẽ bỏ đi. Về chuyện này sử cũ cũng có ghi lại: sau ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông chúng sợ uy danh của Ngài không dám gọi tên chỉ dám gọi Hưng Đạo Đại Vương và không dám sang quấy nữa. Sau khi ngài mất các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai nạn bệnh dịch lại đến Điện cầu đảo. Khi có giặc giã nhân dân ta đến Điện lễ, hễ tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thảo cũng thắng lớn.
Lần ấy Thoát Hoan sang xâm lược, có tên tùy tướng là Nguyễn Bá Linh - Phạm Nhan - tương truyền có yêu thuật biến hiện trăm chiều. Vương phải lập Cửu Cung mới phá được. Khi bắt được Bá Linh, chém thế nào nó cũng không chết, Vương phải dùng đến Thần kiếm mới giết được! Cũng vì chuyện này mà các điện thờ Hưng Đạo Đại Vương mỗi khi gặp chuyện ma tà hay rủi ro, nhân dân ta thường đến cầu, nhờ Ngài trừ khử.
Điện Nghiễm Phúc linh thiêng như vậy, nhưng khác với các điện khác: Điện không tổ chức lên đồng, xem bói và các hình thức đánh bạc từ bao đời nay, khiến cho Điện càng mang vẻ tôn nghiêm. Với diện tích 200m2, Điện có thể sánh với các đền tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần ở Hà Nội như: Đền Ngọc Sơn ở phố Đinh Tiên Hoàng, đền Phúc Nam ở Ga Hàng Cỏ - phố Lê Duẩn, đền Lừ ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai...
Lễ Hội ở đây vào ngày 20-24/8 âm lịch hàng năm, có rất đông người tham dự. Vào năm đại hội có đám rước với cờ hoa, mâm lễ, đội bát âm, đội dâng hương từ miếu Quan Hoa về Điện. Sau lễ tế có hát văn diễn chèo... và lễ đón những người từ điện Thái Bình Đông Anh về dự.
Điện Nghiễm Phúc xứng đáng là một góc Kiếp Bạc ở Cửa Ô Cầu Giấy với tên gọi của nhiều người đặt cho. Đây là điểm sáng văn hóa về tín ngưỡng tâm linh rất đáng được trân trọng ở cửa ngõ phía Tây Hà Nội.
Theo tạp chí Người Hà Nội