Sông Hồng qua địa phận Thổ Khối, (thời Nguyễn là xã Thổ Khối, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc phường Cự Khối thuộc quận Làng Biên), uốn lượn như một dải lụa hồng mềm mại. Ngoài đê, bờ bãi ngút ngàn màu xanh của ngô, đậu, đỗ... trải dài tít tắp hút tầm mắt. Trong đê, ngôi đình cổ hướng về phía Tây soi bóng xuống hồ bán nguyệt quanh năm nước trong vắt.
Dải đất ven sông bên bờ Bắc sông Hồng, nhìn lên phía trên là làng cổ Cơ Xá, Bồ Đề, Trạm, Nha; nhìn xuôi phía dưới là làng Chử Xá, quê hương của Chử Đồng Tử, Bát Tràng. Đất sa bồi mênh mông của châu thổ sông Hồng đã được khai phá từ thuở ấy.
Còn cái tên Thổ Khối gắn liền với sự tích Thành Hoàng làng được thờ trong đình. Theo TS Bùi Xuân Đính, làng Thổ Khối không có tên Nôm (tên Việt cổ), do đó, làng Thổ Khối không phải là làng Việt cổ hình thành từ thuở các vua Hùng.
Theo thần phả còn lưu giữ được, cái tên Thổ Khối bắt nguồn từ làng Thổ Khối, huyện Tổng Sơn, phủ Thanh Hoa, (Thanh Hóa) quê hương của ông Đào Duy Trinh. Ông đến vùng bãi bồi ở đây làm ngư nghiệp sinh sống. Do có thần báo mộng, ông đem thuyền ra giữa sông cứu vua Lê thoát nạn. Sau khi ông mất, được phong làm Thành Hoàng làng. Vua Lê trả ơn ông nên miễn cho dân Thổ Khối có việc phải sang sông đoạn từ Bát Tràng đến bến Dâu (nay thuộc xã Tàm Xá, Đông Anh), không phải trả tiền.
Lại có tích khác lưu truyền trong dân rằng, ông Đào Duy Trinh từ huyện Tống Sơn, Thanh Hoa đến vùng bãi bồi nơi đây sinh sống. Theo đó, dân cư dần dần khai phá đất hoang, quần tụ, lập ấp Vạn Thổ rồi sinh sôi mà thành làng, gọi theo tên làng cũ của ông Đào Duy Trinh là bàng Thổ Khối. Sau khi ông mất, dân làng nhớ ơn ông khai hoang lập ấp, tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng.
Sử sách cũng ghi rõ: Tháng Bảy năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong đời vua Trần Dụ Tông (1352), nước to, vỡ đê Bát Khối (Bát Tràng, Thổ Khối), lúa má bị ngập, Khoái Châu, Hồng Châu và phủ Thuận An bị thiệt hại hơn cả (Đại Vệt sử ký Toàn thư, tập 1, tr 633, NXBVHTT). Căn cứ vào sử sách đã ghi, nhà sử học Lê Văn Lan cho rằng, làng Thổ Khối phải có trước thời Trần và liên quan đến tích cứu vua Lê của ông Đào Duy Trinh thì đó là vua thời Tiền Lê.
Đến thế kỷ XVI nơi đây đã từng là trường thi của kỳ thi hương khi vua Lê Cung Hoàng đóng ở dinh Bồ Đề. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đầu tháng 3 năm Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên (1523), vua lệnh cho các quan sức cho học trò các xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc, cùng đến bãi sông Nhị giữa Thổ Khối và Xuân Đỗ để thi.
Ngoài ông Đào Duy Trinh được thờ trong đình là Thành Hoàng, dân làng còn thờ 5 vị phúc thần: Bố Cái Đại vương, Cao Sơn Đại vương, Linh Lang Đại vương, Bạch Đa Đại vương, Lỵ Mệ Đại vương và Nhị vị Thánh Bà - Xuân Dung phu nhân và Tùng Hoa phu nhân.
Ngày nay, đến thăm đình Thổ Khối, chúng ta được thưởng thức một di sản văn hóa đặc sắc ở các hiện vật còn lưu giữ được. Cho đến nay, hầu như không có ngôi đình nào có được đủ bộ: 6 bộ ngai, 6 bài vị, các cỗ kiệu bát cống mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVlII. Nghệ thuật chạm khắc điêu luyện tinh tế được thể hiện ở cả tay ngai, lưng ngai: Đầu rồng đều ở tư thế quay vào chầu bài vị, tượng trưng cho lòng tôn kính các vị Thần. Đế ngai chạm nổi, chạm thủng hình hoa sen, mặt trời và rồng rất đẹp... Ông Đào Đình Đầm ở BanQuản lý di tích của Thổ Khối dẫn tôi đến nơi đặt cỗ kiệu bát cống, tự hào nói: ''Cháu xem cỗ kiệu đẹp thế này, ít nơi còn lắm. Làng tôi thời kháng chiến chống Pháp, giặc lập tề, nhưng chúng không dám phá đình, chùa như nhiều làng khác, nên các cỗ kiệu vẫn còn nguyên vẹn cùng 79 đạo sắc phong của các đời vua cho các Thánh được thờ trong đình. Đây là gia sản qúy hiếm của Thăng Long đấy''. Rồi ông vào hậu cung, trịnh trọng mở trong hộp ra cho tôi xem các sắc phong đã được tập hợp vào cuốn sách và dịch từ chữ Hán Nôm, sắp xếp theo thứ tự niên đại. Sắc phong cổ nhất là vào niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) đời hậu Lê phong cho Bố Cái Đại vương, sắc phong muộn nhất là vào đời Bảo Đại thứ 15 (1940). Hệ thống các sắc phong cho chúng ta một hình dung cơ bản về tên làng và sự thay đổi địa giới hành chính qua các triều đại, quả là tài sản vô giá. Các cụ ở Ban Quản lý di tích cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều phải giở sắc phong ra phơi rất cẩn thận, nhẹ nhàng, sao cho không bị nắng, gió làm hư hại rồi mới cất vào hậu cung.
Ngoài ra, đình còn 5 tấm bia cổ và văn bia cho ta biết được lịch sử ngôi đình và những lần trùng tu vào các năm Cảnh Hưng thứ 46 (1785), Minh Mệnh thứ 3 (1822), Minh Mệnh thứ 18 (1837), năm 1861, năm Quý Mùi (1883). Đặc biệt, văn bia khắc năm Minh Mệnh thứ 3 ghi rõ địa thế của đình chỗ: “Đất này cao mà thẳng, phía trước có đầm lại được hướng cả trong lẫn ngoài, cả trước lẫn sau''.
Hội làng mở vào ngày mông 8,9,10 tháng 2 hàng năm, chính hội là mồng 9-2. Mở đầu hội là lễ cáo yết thần linh bán thổ, tiếp đó là rước nước từ sông Hồng về để làm lễ mộc dục. Xưa, làng có 6 giáp nên phải xin thần cho giáp nào được làm lễ mộc dục. Lễ tế các Thánh được cử hành trang trọng. Cỗ cúng dâng các Thánh không được dùng gà trắng, vì có Thần Bạch Đa Đại vương thờ trong đình.
Sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, từ năm 1831, Thổ Khối thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, Thổ Khối trở thành một xã của huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội và đến năm 2003 thuộc phường Cự Khối quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trải bao biến đổi thịnh suy của các triều đại, nhưng văn hóa dân tộc vẫn được nhân dân lưu giữ trong mỗi mái đình với lễ hội truyền thống nhớ ơn các vị Thánh và tiền nhân khai cơ, lập nghiệp.
Chào mừng Thăng Long – Hà Nội 1000 tuổi, những người con của Thổ Khối tự hào với truyền thống văn hóa quê hương đang chung sức, chung lòng tu sửa lại đình, chùa. Thổ Khối có sự hỗ trợ kinh phí của thành phố. Nghi môn, Văn chỉ và các hạng mục tu bổ trong đình sẽ được hoàn thành đúng dịp Đại lễ. Đó là công trình văn hóa, chung đúc văn hóa ông cha tự ngàn xưa, đúng như đôi câu đối trên trụ biểu trước cổng đình đã được các già làng nêu hơn mười năm trước:
Thổ Khối thiên niên chung tú khí
Nhĩ Hà nhất đới dẫn văn lan
Dịch nghĩa:
Thổ Khối ngàn năm sinh vượng khí
Sông Hồng một dải dẫn tới làng văn minh.
Theo tạp chí Hà Nội ngàn năm