Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sách báo chuyên đề Thứ Ba, 02/04/2024, 09:25

Chuyên đề ''Ký ức Điện Biên'': Vì chiến sĩ, vì chiến thắng

Vì chiến sĩ, vì chiến thắng / Vũ Văn Cần // Nhân dân. – 2004. – Ngày 7 tháng 4. – Tr. 1, 7

 

Một bước tiến về tính cơ động

Cuối tháng 1 năm 1954, các đơn vị tập trung đông đủ chung quanh Điện Biên Phủ, chuẩn bị tiến công… Đội điều trị cuối cùng của chúng tôi đã tới mặt trận.

Đội này đã hành quân từ trung tâm Việt Bắc về với một tốc độ khá nhanh. Anh chị em đi hai mươi ngày chỉ nghỉ một ngày, vượt một chặng đường hơn 600 km, mang trên vai đầy đủ bàn mổ, dụng cụ, thuốc men. Qua Cò Nòi, họ đã phải đạp lên bom nổ chậm mà đi. Đến mặt trận, không kịp nghỉ, tất cả bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và chỉ một đêm đã xây dựng xong một bệnh viện dã chiến đủ sức đón tiếp được 200 thương binh. Đó là một bước tiến lớn so với các chiến dịch trước. Ở hậu phương anh chị em đã được tập dượt nhằm nâng cao tính cơ động của đội. Trong nhiều ngày ròng rã, họ đã tập mang nặng, đi xa, tập dựng trạm và rút trạm nhanh. Công phu rèn luyện quả không phải là vô ích. Nhưng đạt được bước tiến đó trước nhất là nhờ cuộc chỉnh quân chính trị. Chính vì giác ngộ giai cấp được nâng cao, anh chị em trong đội đều một lòng một dạ phục vụ chiến sĩ nên đã quyết tâm tiến nhanh ra mặt trận trước ngày nổ súng…

Nhỏ một giọt máu để giữ lấy 10 giọt máu

Chúng tôi phác ra kế hoạch xây dựng phòng mổ trong lòng đất. Anh chị em bắt tay vào thực tập đào một lần không được thì đào thêm lần nữa. Đào moi vào ruột núi, đất sụt xuống thì dùng gỗ chống. Rồi lại xoay ra đào hầm lộ thiên, đoạn lát cây, đắp đất lên làm nắp. Làm xong phòng mổ, lại đào những đường hào tỏa khắp chung quanh, làm thêm các hầm kho thuốc, hầm thay băng và hàng trăm hầm nhỏ cho thương binh ở. Một bệnh viện trong lòng đất đã hình thành.

Các đội điều trị trên toàn mặt trận được mời về xem, rút kinh nghiệm. Sang đầu tháng 3, tất cả các đội điều trị trên tuyến 1 đã xây dựng xong các bệnh viện ngầm. Mỗi nơi có ít nhất một phòng mổ với hai bàn. Có nơi còn phải xây dựng thêm một phòng mổ thứ hai, đề phòng khi bị bom đạn địch phá hủy.

Các đội điều trị trực thuộc ban quân y mặt trận được sắp xếp thành nhiều tuyến; có nhiều đội bố trí trong tầm đại bác địch. Các đội điều trị đại đoàn càng tiến gần bộ đội hơn. Từ đó có những đường hào trục dẫn đến các trung đoàn các đội quân y trung đoàn cũng trở thành những “bệnh viện trong lòng đất” với quy mô nhỏ hơn.

Thật không thể tính hết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ và dân công đã đổ vào các công trình to lớn ấy!

Ngày 13-3, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam.

Bộ máy phức tạp của quân y mặt trận bắt đầu vận hành. Nhưng không phải chỉ có sự tinh vi của bộ máy đó đã phát huy tác dụng. Điều chủ yếu là bộ máy ấy đã chạy bằng nhịp đập của hàng nghìn trái tim. Chính tinh thần anh dũng tận tụy của các đồng chí quân y đã cứu sống nhiều chiến sĩ.

Ngay trong trận Him Lam, y tá Lương Văn Vọng đã nêu một tấm gương sáng ngời. Vọng đã thực hiện lý tưởng cao quý “quên mình vì đồng đội”, đã quyết “nhỏ máu mình để giữ lấy máu đồng đội”.

Ba “không” hay là lòng thương yêu

Bước sang đợt 2, cuộc chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt. Số thương binh về các đội điều trị tăng lên dần. Giặc lại cho máy bay và đại bác bắn phá điên cuồng các tuyến sau. Các cơ sở điều trị và các đường tải thương bị đe dọa. Việc tiếp tế ở hậu phương lên gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình đó, chúng ta vẫn phải cố gắng phục vụ thương binh ở mức tốt nhất.

Đồng chí chủ nhiệm ban cung cấp mặt trận giống như một bà mẹ vừa hiền hậu vừa nghiêm khắc. Đồng chí căn dặn cán bộ quân y chúng tôi:

- Khó khăn đến đâu cũng mặc, quân ta nhất định tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí cũng phải có quyết tâm đó. Bất kỳ khó khăn đến thế nào, các đồng chí cũng phải bảo đảm ba yêu cầu tối thiểu: Không để thương binh đau, không để thương binh đói, không để thương binh rét.

Trải qua những năm kháng chiến chúng ta đã đào tạo được những người thầy thuốc thật đáng quý. Anh chị em là những y tá bộ đội trưởng thành lên những học viên của trường quân y, những sinh viên chưa hoặc mới tốt nghiệp trường đại học Y khoa ở chiến khu Việt Bắc. Họ học ở trường chẳng được bao ngày. Họ mang theo mỗi người vài tập sách chuyên môn đi cùng bộ đội, vừa làm vừa học. Trong tác chiến có khi họ vừa cứu chữa thương binh, vừa phải tra cứu sách vở. Lúc nghỉ ngơi, họ mượn con lợn sắp làm thịt của anh nuôi để tập cắt xương, mổ bụng, cặp mạch, nối ruột… cho thành thạo. Có thể họ còn thiếu vốn kỹ thuật nhưng họ rất giàu tinh thần cách mạng và lòng yêu thương bộ đội. Họ đã được tôi luyện trong khói lửa kháng chiến. Họ sẵn sàng làm tất cả để giảm bớt đau đớn của thương binh. Tôi đã thấy họ làm việc nhiều đêm trắng, làm việc hàng chục giờ liền không nghỉ. Bom đạn nổ ầm ầm chung quanh phòng mổ, họ không run tay, vẫn cầm chắc lưỡi dao hay mũi kim khâu.

Bên cạnh những thầy thuốc đó là một đội ngũ y tá giàu lòng hi sinh. Họ từ bộ đội chiến đấu về hoặc từ các làng mạc tới. Họ được học chuyên môn trong những lớp ngắn ngày hoặc chỉ học trong công việc. Họ chăm sóc thương binh không phải chỉ trong những việc thay băng, tiêm thuốc, cho ăn uống… Chính họ làm lán cho thương binh ở, tìm cỏ khô lót cho thương binh nằm được ấm. Khi cần thiết họ có thể nhường cho thương binh chăn áo của mình và những luôn cả hầm tránh bom, rồi lấy thân mình thay thế nắp hầm không thể không nói đến những người không phải là thầy thuốc nhưng đã đóng góp một phần quan trọng vào việc điều trị thương binh. Đó là những cán bộ chiến sĩ và dân công lo việc ăn uống cho thương binh.

Ở ban quân y mặt trận có năm cán bộ tiếp phẩm rất giỏi, được anh em tặng cái tên “ngũ hổ”. Năm đồng chí đó chia nhau xông xáo khắp nơi, người thì leo lên các đỉnh núi, người thầy gò lưng đạp xe xuống tận Sơn La, Phú Thọ hay Thanh Hóa. Họ thồ về các đội điều trị đủ thứ từ sữa hộp, đường kính, tôm khô… cho đến lợn, gà, trứng, rau xanh, nấm hương, mộc nhĩ…

Họ vác cả những bộ cối đá lên để xay đỗ làm đậu phụ. Rồi họ lĩnh ở ban quân nhu mặt trận về một số hạt rau giống. Nhân viên các đội điều trị đã gieo các hạt rau đó trên những mảnh đất đã bị đạn đại bác cày lên hoặc bị bom na-pan đốt cháy. Trong mưa xuân, những mầm rau xanh nhú lên và lớn nhanh như thổi.

Trên mảnh đất xa xôi, đã bị bom đạn làm cho xơ xác, có những thứ thực phẩm đó thật là một sự kỳ diệu!

Bàn tay của các anh nuôi, chị nuôi lại biến các thứ đó thành những món ăn thích hợp. Các đồng chí thương binh của chúng ta không những không bị đói mà còn được ăn bổ và ngon nữa.

Tôi còn nhớ ngày hai bác sĩ Tôn Thất Tùng và Vũ Đình Tụng ở hậu phương lên săn sóc những thương binh nặng. Chúng tôi đã thích hay bị một bữa ăn tươm tất.

Hai bác sĩ đã ngạc nhiên thốt lên:

- Giỏi quá! Ở mặt trận mà các anh cho ăn ngon hơn ở hậu phương. Thế anh em thương binh có được ăn như thế này không?

Đồng chí chính trị viên đội điều trị đã vui vẻ đáp:

- Các đồng chí thương binh nặng còn ăn tốt hơn thế nữa. Anh em có cả rượu “room” chiến lợi phẩm nữa kia…

Không gì êm ái bằng tấm lòng của nhân dân

Các chiến dịch trước, thương binh được điều trị bước đầu xong đều chuyển cả về các bệnh viện hậu phương. Ở Điện Biên Phủ không thể làm như thế được.

Những thương binh nhẹ, có thể chữa lành trong một thời gian ngắn, rồi lại ra mặt trận. Còn thương binh nặng cần đưa về hậu phương để có được những điều kiện thuận lợi hơn.

Đưa hàng trăm và hàng trăm thương binh nặng vượt qua 500 km đường núi, dưới sự đe dọa của máy bay địch, quả là một khó khăn tưởng như không thể khắc phục nổi.

Về phương tiện chuyên chở, chúng ta không có lấy một chiếc xe hồng thập tự.

Chúng tôi lợi dụng những xe vận tải chạy về hậu phương lĩnh lương thực, đạn dược để vận chuyển thương binh. Các chiến sĩ lái xe lấy rơm rạ trải lên sàn xe thay đệm, để thương binh nằm được êm. Họ cho xe chạy chậm và thận trọng tránh từng cái ổ gà, để xe đỡ xóc, giảm bớt đau đớn cho thương binh. Những anh em phụ lái xe thì làm thay công việc của những người y tá, tận tình chăm nom, nâng giấc thương binh.

Trong những đoàn tải thương đó, cán bộ chính trị và cán bộ quân y đi hộ tống đã có sáng kiến nêu ra khẩu hiệu: “Mỗi cáng thương là một gia đình”. Đó không phải là một khẩu hiệu suông! Nó đã trở thành một sự thật một hình ảnh đẹp đẽ và xúc động lòng người!

Mỗi cáng thương phải có từ bốn đến sáu người dân công thay nhau khiêng vác. Những anh chị em đó quây quần lại chung quanh thương binh và dành cho anh tất cả những sự chăm sóc dịu dàng nhất. Họ được cán bộ quân y căn dặn tỉ mỉ về tình trạng sức khỏe của thương binh, chỗ đau, cách ăn uống và tất cả những chăm sóc cần thiết cho anh. Họ nhận cả phần gạo, thức ăn, đường, sữa… của thương binh.

Dọc đường dài, anh cán bộ quân y dù trăm tay trăm mắt cũng không đủ sức chăm sóc hàng trăm thương binh một lúc. Chính những người dân công đã thay thế anh ta một cách khéo léo. Họ làm cho thương binh món ăn ưa thích, rồi lựa lời động viên anh ăn từng miếng. Gặp bom đạn, họ lo tránh cho anh trước khi nghĩ đến mình. Họ bước đều chân và gượng nhẹ mỗi lần đổi vai hay đặt cáng để thương binh khỏi đau. Những lời an ủi thương binh của họ đều chân thành và dạt dào tình cảm.

Tôi nhớ mãi một đêm mưa lâm râm trên đèo Vả. Đoàn tải thương vượt đèo. Những người dân công bấm ngón chân xuống mặt đường trơn nhẫy. Họ bước chập chững. Hình như mỗi cơn gió thổi họ lại run lên vì rét. Những tấm vải nhựa của họ, họ đã đem lợp lên đòn cáng để che mưa, che gió cho thương binh.

Dọc đường thường vang lên câu hò:

Thương anh, em ủ áo bông

Áo em nhuộm thắm máu hồng thương binh.

Tôi được nghe kể lại câu chuyện cảm động về câu hò này. Một chị dân công người vùng tạm chiếm Vĩnh Phúc, khi đi tải thương đã cởi áo bông của mình để ủ cho thương binh khỏi rét. Máu từ vết thương rỉ ra thấm đầy áo bông. Về đến hậu phương, anh cán bộ hộ tống đưa chị một số tiền để may chiếc áo bông mới. Nói sao chị cũng không chịu nhận. Chị nói:

- Máu các anh bộ đội chảy ra vì dân, vì nước, có thấm vào áo em thì em mang về em giữ mãi để luôn luôn nhớ tới các anh.

Có lẽ câu ca dao trên chưa nói hết cái đẹp của chị dân công nhưng nó đã được truyền đi khắp các đoàn tải thương mặt trận.

Công việc tải thương của ta với những phương tiện thật thô sơ mà êm ái biết bao! Có phương tiện hiện đại nào so sánh được với nó về mặt ấy?

Trả mau về mặt trận những chiến sĩ đáng quý

Cùng với việc đưa thương binh nặng về hậu phương, chúng tôi phấn đấu để trả mau những người bị thương nhẹ về mặt trận.

Chúng tôi luôn nhắc nhở, làm sao cán bộ các đội điều trị nhận rõ rằng anh em thương binh là những chiến sĩ dũng cảm và dày dặn chiến đấu, rất cần cho mặt trận. Số thương binh nhẹ lại chiếm một nửa hoặc trên một nửa tổng số thương binh. Cho nên không thể vì lo chạy chữa cho thương binh nặng mà ít chú ý đến anh em đau nhẹ. Ra sức chữa cho thương binh nhẹ mau lành thì sẽ bổ sung cho mặt trận một nguồn sinh lực khá quan trọng. Chính đó là một biểu hiện của lòng quyết tâm tiêu diệt địch.

Anh em thương binh nhẹ mang trong lòng niềm tin và tinh thần lạc quan của những người chiến thắng. Ai nấy đều mong mỏi mau được trở về mặt trận. Chúng tôi đã cố gắng đáp lại lòng mong mỏi ấy. Một số bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm được điều đến giúp các tổ quân y chuyên điều trị thương binh nhẹ. Nhờ vậy công tác ở đây tiến triển rất tốt.

Những thương binh mạnh khỏe trở về mặt trận mỗi ngày một đông. Đặc biệt ở đội bổ sung, vào thời kỳ trước tổng công kích, mỗi ngày có hàng trăm anh em trở về mặt trận. Họ ra đi vui vẻ phấn khởi, đội ngũ chỉnh tề như những đơn vị hoàn chỉnh.

Bình thường hóa đời sống dưới chiến hào

Ngoài mặt trận quân ta không ngừng khép chặt vòng vây. Từ giữa đợt hai, hầu hết các đơn vị chiến đấu của ta ngày đêm sống dưới chiến hào. Mỗi ngày họ phải chịu đựng bao nhiêu trận mưa thép lửa. Hầu như lúc nào không khí cũng vẩn đục vì khói súng. Lại thêm mùi hôi thối từ các xác giặc nằm phơi giữa hai trận tuyến xông lên. Nhiều chiến sĩ ở lâu ngoài trận địa không được tắm rửa, không được uống nước cho đã khát, mặc dù trời đang oi bức. Ngay cả lúc nằm ngủ họ cũng không được duỗi chân cho thoải mái vì hầm không đủ rộng…

Từ đầu chiến dịch anh Văn rất quan tâm đến sức khỏe bộ đội. Nhiều lần anh dành thời giờ nghe tôi báo cáo tình hình và cho những chỉ thị cần thiết. Có lần, nghe nói thương binh rét, anh đã ra lệnh cấp cho các đội điều trị một số dù chiến lợi phẩm. Khi được biết có một số thương binh sọ não, ngoài khả năng giải quyết của cán bộ quân y mặt trận, anh đã điện về Trung ương yêu cầu đưa những thầy thuốc giỏi nhất lên. Điện của anh về hậu phương đúng lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một phái đoàn thay mặt Chính phủ lên thăm cán bộ chiến sĩ trên mặt trận; trong đoàn có hai bác sĩ Vũ Đình Tụng và Tôn Thất Tùng. Các bác sĩ Triệu, Huấn là những thầy thuốc giỏi của quân y cũng đưa một số học sinh trường quân y lên. Thật là một sự chi viện vô cùng quý báu cho chúng tôi…

Khu hầm của đội quân y được sửa sang nhiều. Bước xuống phòng mổ tôi có cảm giác như được vào một bệnh viện hiện đại nào. Đây không phải là một cái hầm mà đúng là một căn phòng xinh xắn, tường rất phẳng, góc rất vuông. Trên trần và bốn chung quanh đều căng vải trắng tinh. Mặt đất lát bằng thân cây sậy và phủ một lớp vải dù. Giữa phòng đặt một chiếc bàn mổ kiểu cơ động, nhẹ và đẹp. Ở các góc phòng có kê mấy chiếc bàn nhỏ, trên đó xếp đặt ngăn nắp những chai thuốc, những khay đồ mổ, những chồng vải và áo choàng trắng toát. Trong không khí dịu mát phảng phất mùi ê-te thơm thơm…

Buổi trưa, tôi ghé qua trận địa của một tiểu đội bố trí ở phía bắc sân bay. Anh em chiến sĩ chia nhau, người theo dõi quân địch, người nghỉ ngơi, tắm rửa. Họ có hẳn một cái giếng nhỏ trong chiến hào.

Gặp bữa cơm, anh em mời tôi và đồng chí cán bộ đi với tôi cùng ăn. Họ chỉ có cơm nắm, cá khô và nước gạo rang. Nhưng cái hay ở đây là mọi thứ đều rất sạch sẽ. Anh em chiến sĩ múc nước giếng rửa tay thật sạch trước khi ăn, y như ở hậu phương.

Buổi tối, chúng tôi sang đến phía đông, tìm vào một đội điều trị. Mấy đồng chí thầy thuốc đang làm việc trong phòng mổ, dưới ánh sáng của một ngọn đèn pha xe đạp. “Máy phát điện” của họ là một cái bình điện xe đạp và một cái guồng quay tay làm bằng đùi, đĩa, bánh và xích xe đạp.

Hôm ấy mãi chín, mười giờ khuya họ mới ăn bữa chiều. Họ thết tôi món củ mài hầm xương và món nộm hoa chuối rừng. Đó cũng là những món ăn của phong trào “bình thường hóa đời sống”.

Chuyến ấy, tôi ở mặt trận về, trong lòng rất vui. Không ngờ về đến cơ quan lại nhận được thư hậu phương. Nhà tôi sinh cháu trai khỏe mạnh. Cháu ra đời ngày 13-3, đúng cái ngày quân ta mở màn chiến dịch, nổ súng giòn giã tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Anh em đều mừng cho tôi. Chúng tôi bàn chuyện đặt tên cho cháu. Người nói nên gọi luôn là Him Lam, người lại bảo nên đặt là Chiến Thắng. Cuối cùng, tôi chọn cho cháu hai chữ Điện Biên. Ngay đêm ấy tôi ngồi cặm cụi viết thư về…

Giọt nước mắt của người tù binh da đen

…Những thương binh địch đã được moi lên khỏi cái địa ngục mà bọn thực dân hiếu chiến đã đẩy họ vào những chị dân công hiền hậu của chúng ta, lòng sôi sục căm thù quân địch đã cướp bóc, đốt phá làng mạc họ, giết chóc người thân của họ, nhưng đã nghe theo lời Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình nhân đạo mà bắt tay vào khiêng chúng lên, rửa ráy cho chúng, đặt chúng vào trong những chiếc dù mới căng lên.

Đi qua dãy dù đó, tôi tìm đến đội điều trị được giao nhiệm vụ săn sóc thương binh địch. Một đồng chí nữ y sĩ đưa tôi vào phòng mổ. Đó là một tấm dù phía trong giăng vải trắng tinh, cũng đẹp như các phòng mổ trong lòng đất mà tôi đã nói ở trên. Các đồng chí quân y của ta, khi săn sóc thương binh địch vẫn tỏ ra tận tụy và làm việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm.

Tôi tỏ lời khen ngợi. Nữ y sĩ vui vẻ kể lại:

- Hôm nọ một viên sĩ quan địch đến phòng mổ này. Y nhìn chúng tôi săn sóc thương binh của mình rồi hỏi một đồng chí cán bộ: “Thương binh của các ông có được chăm sóc như thế này không?”

- Các đồng chí trả lời sao? Tôi hỏi.

- Đồng chí của ta trả lời: “Tất nhiên là phải tốt hơn…”. Viên sĩ quan địch đã thốt lên: “Thật không ngờ chỉ cách có vài bước chân mà chúng tôi chui rúc dưới địa ngục, còn các ông thì ngự trên thiên đường…”.

Chúng tôi đang trò chuyện thì trên đầu có tiếng máy bay. Một chiếc đa-cô-ta lượn vòng rồi hạ cánh.

Đối phương được Bộ Tổng tư lệnh quân đội ta cho phép tiếp tục dùng máy bay chuyển thương binh của chúng đi. Lần này đại diện hội đồng thập tự của đối phương vẫn là Huya. Đây là lần thứ ba kể từ chiến dịch Biên Giới, Huya - bác sĩ, Đại tá trong quân đội viễn chinh Pháp - được lĩnh cái vinh dự đi nhận những tên thương binh thảm hại. Có điều khác hai lần trước là lần này ông ta được “vinh dự” to lớn hơn nhiều, vì được nhận về hàng nghìn tên một lúc.

Chào đồng chí nữ y sĩ, tôi bước sang phòng thay băng.

Một y tá của ta đang mở vết thương của một tù binh da đen. Anh ta bị thương ở gần mang tai. Những “ân nhân” người Pháp đã dán vào đó một miếng băng dính. Miếng băng dính cắn chặt vào da. Đồng chí y tá phải thấm nước ê te cho nó bở ra, rồi bóc dần từng tí. Có chỗ băng dính vào những sợi tóc mai. Đồng chí đó phải lách mũi kéo cắt từng sợi tóc để gỡ miếng băng ra một cách nhẹ nhàng.

Đồng chí y tá của chúng ta làm rất khéo. Thế nhưng anh lính da đen lại rưng rưng nước mắt.

Tôi lấy làm lạ, hỏi anh ta:

- Tại sao anh lại khóc?

Người lính da đen ngồi im, để mặc những giọt nước mắt ứa ra, từ từ lăn trên má. Một lúc lâu anh ta mới nói được bằng giọng nghẹn ngào:

- Thưa ông đại úy, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương.

Tôi vẫn chưa hiểu tại sao một việc nhỏ bé như vậy lại có thể làm anh ta xúc động đến thế. Tôi hỏi:

- Ở trong quân đội Pháp anh có được săn sóc như vậy không?

Anh ta lắc đầu:

Anh ta lắc đầu chẳng bao giờ chẳng đời nào thưa ông chúng nó cứ dùng cặp kẹp chặt một góc những miếng băng rồi giằng ra thật mạnh anh ta làm cử chỉ đưa tay vào gần vết thương rồi giật mạnh ra.

Thưa ông đại úy, mỗi lần chúng làm như thế là vết thương của tôi ứa máu, đau như xé thịt. Ôi mỗi lần thay băng là cả một sự ghê sợ, một sự khủng khiếp đối với tôi. Anh ta rùng mình. Mặt anh ta nhăn nhó như còn đang đau đớn và sợ hãi.

Nhân đạo! Cái tiếng rất đẹp ấy mỗi ngày tôi lại hiểu sâu sắc thêm về nó. Chính vì thế, khi trưởng thành lên tôi biết rằng muốn thực hiện được lý tưởng nhân đạo thì phải đi một con đường khác, con đường mà bây giờ chúng ta đang theo đuổi.

Câu chuyện của anh thương binh da đen hôm nay càng chứng minh thêm điều đó. Ở phía bọn kẻ cướp chẳng bao giờ có nhân đạo cả. Ở phía chúng nó, ngay cả cái nghề nhân đạo cũng không còn nhân đạo nữa.

Đứng trong quân đội cách mạng, những người quân y chúng tôi đang thực hiện một lý tưởng nhân đạo cao quý nhất.

Được Đảng giáo dục, các đồng chí quân y chúng ta đã tỏ rõ lòng nhân đạo với hàng nghìn thương binh và hàng vạn tù binh.

Đối với anh em bộ đội chúng ta thì lòng nhân đạo của những người quân y biểu hiện thành tình thương yêu đồng chí thiêng liêng và thắm thiết.

Chính tình thương yêu đó đã thôi thúc anh chị em cán bộ quân y vượt qua mọi khó khăn, làm tốt việc chạy chữa cho thương binh, tận tình săn sóc sức khỏe và đời sống của bộ đội ngoài trận địa.

Chính tình thương yêu đó đã đem lại cho các cán bộ quân y sức mạnh để lao mình vào những chỗ chết chóc và sẵn sàng nhỏ máu của mình để dành lấy sức sống cho thương binh.

------------------------

Trích Hồi ký của cố Đại tá Vũ Văn Cần - Nguyên cục trưởng Quân y phụ trách Quân y tiền phương chiến dịch Điện Biên Phủ

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1810 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày