Giải quyết các vấn đề xã hội phản ánh bản chất của một chế độ của con người, do con người và vì con người, một thuộc tính cơ bản của CNXH.
Vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện. Đại hội Đảng lần thứ VI (12- 1986) xác định quyết tâm: “Đảng phải đổi mới về nhiều mặt... đổi mới là con đường vươn lên đáp ứng đòi hỏi của thời đại, đối phó thắng lợi với mọi thử thách, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của nhân dân… đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”1. Một nguyên tắc căn bản của công cuộc đổi mới được xác định là: “Xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan điểm đúng đắn về chủ nghĩa xã hội, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp2. Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng nhìn một cách khái quát được thể hiện tập trung trên 4 lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội - thực chất là 4 phân hệ lĩnh vực trụ cột của phát triển xã hội Việt Nam theo định hướng XHCN.
Trên cơ sở khẳng định quan điểm ấy việc phục vụ con người là mục đích cao nhất trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, lần đầu tiên văn kiện Đại hội VI đưa ra khái niệm chính sách xã hội, thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng: giải quyết các vấn đề xã hội được đặt trong tổng thể đường lối phát triển của đất nước3. Nội hàm của chính sách xã hội được xác định là: Chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc...”4.
Về mối quan hệ giữa chính sách xã hội với chính sách kinh tế, Đảng xác định: trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của hoạt động kinh tế. Ngay trong khuôn khổ của hoạt động kinh tế, chính sách xã hội có ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, là một nhân tố quan trọng để phát triển sản xuất. Do đó, cần có chính sách xã hội cơ bản, lâu dài và xác định được những nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp với yêu cầu, khả năng trong chặng đường đầu tiên. Đồng thời Đại hội đề ra yêu cầu: Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách xã hội, tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng nhấn mạnh cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện một cách thiết thực và có hiệu quả các chính sách xã hội. Để thực hiện tốt chính sách xã hội, phải tiến tới xoá bỏ cơ sở kinh tế - xã hội của sự bất công xã hội6, phải đấu tranh kiên quyết chống những hiện tượng tiêu cực, làm cho những nguyên tắc công bằng xã hội và lối sống lành mạnh được khẳng định trong cuộc sống hằng ngày của xã hội.
Từ những quan điểm nêu trên, Đại hội VI đã đề ra chủ trương về giải quyết các vấn đề xã hội như: Phấn đấu hạ tỷ lệ phát triển dân số, coi đây là một điều kiện quan trọng để tăng thu nhập quốc dân bình quân đầu người, để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; Đảm bảo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ kinh tế - xã hội hàng đầu. Nhà nước cố gắng tạo thêm việc làm và có chính sách để người lao động tự tạo ra việc làm bằng cách khuyến khích phát triển kinh tế gia đình, khai thác mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế khác, kể cả thành phần kinh tế tư bản tư nhân. Ban hành và thực hiện Luật lao động; Đảm bảo cho người lao động có thu nhập thoả đáng phụ thuộc trực tiếp vào kết quả lao động, có tác dụng khuyến khích nhiệt tình lao động; Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân. Trước mắt là tập trung sức nâng cao chất lượng các hoạt động y tế và đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; Từng bước xây dựng chính sách bảo trợ xã hội XHCN đối với toàn dân, theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo lập nhiều hệ thống và hình thức bảo trợ xã hội cho những người có công với cách mạng và những người gặp khó khăn. Điều chỉnh, bổ sung các chính sách, nhất là các vấn đề quan hệ tới lợi ích thiết thân của mỗi giai cấp và tầng lớp xã hội.
Như vậy, chủ trương của Đại hội VI về lĩnh vực xã hội, tập trung vào các vấn đề: lao động và việc làm; ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; thực hiện kế hoạch hoá gia đình, chăm lo người có công với cách mạng, phòng chống các tệ nạn xã hội... Trong đó, tư duy mới của Đảng thể hiện thông qua các chủ trương: giải quyết chính sách xã hội là nhiệm vụ gắn bó hữu cơ với đổi mới kinh tế; vấn đề lao động, việc làm được giải quyết gắn với phát triển nhiều thành phần kinh tế; nâng cao đời sống của nhân dân gắn với thực hiện ba chương trình kinh tế lớn.
Đại hội Đảng lần thứ VI (6-1991) và Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Khoá VII (1-1994) chủ trương tăng cường xây dựng các luật nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, vừa khuyến khích đầu tư phát triển, vừa hạn chế bất công xã hội. Từng bước nhận thức rõ hơn về nhiều hình thức phân phối, bên cạnh phân phối theo lao động, còn có chính thức phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh đào tạo tay nghề, mở rộng hệ thống dịch vụ tư vấn lao động; có chính sách ưu đãi hợp lý về nhiều mặt để tạo điều kiện cho người nghèo vươn lên làm đủ sống và trở thành khá giả. Khuyến khích làm giàu chính đáng đi đôi với tích cực xoá đói giảm nghèo. Có chính sách ưu đãi hợp ý về tín dụng, về thuế, đào tạo nghề nghiệp để tạo điều kiện cho người nghèo có thể tự mình vươn lên8...
Nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội trong vấn đề giải quyết bất công xã hội. “Có chính sách điều tiết hợp lý đối với những người giàu; động viên các doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia các hoạt động nhân đạo, ái hữu, từ thiện, giúp đỡ những nạn nhân chiến tranh, những người bị thiên tai, những người tàn tật, già cả, neo đơn, không có khả năng lao động”9.
Thực tế cho thấy, chủ trương giải quyết các vấn đề xã hội được đề ra ở Đại hội VII và các hội nghị Trung ương Đảng Khóa VII, một mặt, tiếp tục khẳng định mục tiêu của chính sách xã hội là thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế và đều phục vụ mục tiêu phát triển con người, phát triển xã hội; coi phát triển kinh tế là cơ sở để thực hiện các chính sách xã hội và việc thực hiện tốt các chính sách xã hội chính là động lực phát triển kinh tế, đó là những nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Mặt khác, thể hiện sự đổi mới tư duy của Đảng trong việc giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh từ việc chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế mới, như: xác lập nguyên tắc chi trả tiền lương, tiền công theo kết quả lao động là chủ yếu; xây dựng quỹ bảo hiểm xã hội chung của người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế; xác định giải quyết việc làm là trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp, mọi thành phần kinh tế...
Từ thực tế triển khai thực hiện chính sách xã hội, Đại hội VIII của Đảng (6-1996) đã tổng kết thành các quan điểm định hướng xây dựng và phát triển xã hội như: Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình; Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xoá đói giảm nghèo; Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, nhân hậu, thuỷ chung; Các vấn đề xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội..., cũng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội...10.
Các quan điểm cơ bản nêu trên đã định hình tổng thể tư duy lý luận của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nó vừa thích ứng với nhu cầu tạo động lực cho sự phát triển bền vững, vừa hướng tới giá trị công bằng và tiến bộ xã hội.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội VIII, các chính sách xã hội có sự đổi mới. Chính sách lao động và việc làm đã gắn kết với quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, phát triển sản xuất. Chính sách xoá đói giảm nghèo được đặc biệt coi trọng với việc hình thành Chương trình quốc gia theo Quyết định 133 của Thủ tướng chính phủ (23-7-1998). Ưu đãi người có công được luật hoá bằng Pháp lệnh do Quốc hội ban lệnh với những chế độ trợ cấp ưu đãi đặc biệt. Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được đảm bảo bằng mở rộng mạng lưới y tế đến cộng đồng dân cư, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Phòng và chống tệ nạn xã hội được đảm bảo bằng luật pháp; Mở rộng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa những có công với nước, đảm bảo cho người có công và gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã, phường nơi cư trú...11
Đại hội Đảng lần thứ IX (4-2001) và các Hội nghị Trung ương Khoá IX đã cụ thể hoá và bổ sung các quan điểm về chính sách xã hội của Đại hội VIII, với những nội dung cơ bản:
- Giải quyết chính sách xã hội phải gắn liền với quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là “phát triển thị trường lao động; người lao động được tìm và tạo việc làm ở mọi nơi trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu lao động với sự tham gia của các thành phần kinh tế”12.
- Trong giải quyết các chính sách xã hội, Nhà nước vừa là người điều tiết, vừa là nhà đầu tư.
- Coi trọng công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ xã hội, đặc biệt là công bằng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế, với việc tạo cơ hội cho những đối trọng, những vùng còn khó khăn có cơ hội được chăm sóc tốt hơn.
- Xã hội hoá việc giải quyết các vấn đề xã hội, động viên toàn xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội.
- Thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hoá xã hội.
Đại hội lần thứ X của Đảng (4-2006), trong khi khẳng định những thành tựu đạt được là cơ bản, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc tổ chức thực hiện một số chính sách xã hội như: Kết quả xoá đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra; nhu cầu về việc làm ở thành thị và nông thôn chưa được đáp ứng tốt; tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng... Để khắc phục tình trạng trên, Đại hội X đề ra chủ trương “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng buớc và từng chính sách phát triển”.
Những vấn đề xã hội đã được Đại hội Đảng lần thứ X nhận thức và giải quyết toàn diện cả ở góc độ mục tiêu và hệ thống giải pháp trong tổng thể các chính sách phát triển, mà ở đó con người thực sự là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển xã hội bền vững.
Nhìn tổng thể, kể từ năm 1986 đến nay, tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về giải quyết các vấn đề xã hội đã có những bước phát triển mới: Từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của chính sách xã hội trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội; Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát hiện. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm. Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hoá giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xoá đói, giảm nghèo, coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển13. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực: Từ năm 2000 đến năm 2005, đã tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động; các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thu hút gần 91% lực lượng lao động xã hội và tạo 90% việc làm mới. Năm 2005, thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 5,3%; thời gian sử dụng lao động ở nông thôn đạt 80,6%. Năm 2008, mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động bất lợi đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta, nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh, xã hội, năm 2008 toàn ngành đã giải quyết việc làm cho 1.615 triệu người (đạt 95% kế hoạch); Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống 4,7%14.
Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,7 triệu đồng năm 2000 lên 10 triệu đồng năm 2005, tăng 12,1%/năm và chỉ số phát triển con người được nâng lên.
Công tác xoá đói giảm nghèo được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, đã thu được nhiều kết quả tốt: Đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo còn 7% (kế hoạch là 10%, theo chuẩn Việt Nam cho giai đoạn 2001-2005). Vấn đề xoá nghèo trong những năm gần đây được triển khai tích cực theo các chỉ tiêu chủ yếu về xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2006-201015.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng. Hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh hơn. Một số dịch bệnh mới như dịch viêm phổi cấp được ngăn chặn, khắc phục nhanh. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển; hầu hết các xã, phường trong cả nước đều có trạm y tế, trên 65% trạm có bác sĩ. Một số cơ sở y tế chuyên ngành được nâng cấp, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo, khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi đang được triển khai thực hiện. Việc phòng, chống HIV/AIDS được đẩy mạnh hơn. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 33,4% năm 2000 xuống dưới 25% năm 2005.
Việc chăm sóc người có công với cách mạng và trợ giúp người có đời sống khó khăn được duy trì và mở rộng. Đi đôi với mở rộng diện được hưởng chính sách trợ giúp của Nhà nước, phong trào “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, đã được các ngành, các cấp tổ chức, triển khai kịp thời, có hiệu quả và huy động được sự tham gia của đông đảo nhân dân16.
Về bảo hiểm xã hội, theo Báo cáo của Chính phủ, trong 2 năm 2007 và 2008, số người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tăng: Năm 2007 là 6,7 triệu người, năm 2008 là 8,7 triệu người. Công tác bảo hiểm xã hội đã góp phần ổn định đời sống cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm thường xuyên, công nhân lao động khi ốm đau, thai sản hoặc gặp rủi ro. Chủ trương, chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước thực sự trở thành điểm tựa tin cậy của người lao động và cả xã hội17.
Nhìn khái quát, trong hơn 20 năm qua, tư duy của Đảng về lĩnh vực xã hội có những bước phát triển mới, đó là việc nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của chính sách xã hội trong sự nghiệp đổi mới; về mới quan hệ chế định lẫn nhau giữa chính sách xã hội và chính sách kinh tế, về giải quyết các vấn đề xã hội hướng vào lành mạnh hóa xã hội, đảm bảo quá trình tăng trưởng kinh tế vững chắc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
1,4. Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, ST, H., 1987, tr.124-125, 86
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương (Khoá VI), Lưu hành nội bộ, tr. 8-9
3. Thời kỳ trước đổi mới, các vấn đề xã hội trong nghị quyết của Đảng thường gắn với từng nhóm chủ trương kinh tế hoặc văn hoá - xã hội: Chính sách tiền lương, thu nhập gắn liền với quan hệ phân phối trong xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp, các giới được đặt trong đường lối giai cấp, đại đoàn kết dân tộc; chính sách dân số, lao động và việc làm, phát triển giáo dục, chăm sóc y tế được xếp vào nhóm giải quyết các nhiệm vụ văn hoá - xã hội...
5. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr. 86, 87-97.
6. Trước đổi mới, việc thủ tiêu các hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xác lập chế độ công hữu một cách nóng vội đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, đẩy nền kinh tế vào khủng hoảng, từ đó không đủ các điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội; Cơ chế “bao cấp” đã không huy động được các nguồn lực trong xã hội (ngoài Nhà nước) để giải quyết các vấn đề xã hội; Việc thiết lập hệ thống “Thị trường có tổ chức”, phân phối kết quả sản xuất theo biện pháp hành chính, tạo sự bất bình đẳng về lợi ích của người lao động, tạo kẽ hở để tầng lớp đặc quyền kiếm lợi bất chính; Việc thực hiện phương thức phân phối “bình quân chủ nghĩa” tách rời lao động với kết quả lao động, nảy sinh sự lười biếng, ỷ lại, làm suy giảm tích cực sáng tạo của nguồn nhân lực. Đó là một trong những nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội thời kỳ trước đổi mới.
8, 9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII, H., 1994, tr 47, 48
10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, CTQG, H., 1996, tr. 113-114, 38-39
12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, CTQG, H., 2001, tr.192-193
13. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương, Ban chỉ đạo tổng kết lý luận: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), CTQG, H., 2005, tr.76-77
14. Năm 2009, toàn ngành đề ra mục tiêu: tạo việc làm cho 1,7 triệu người, trong đó tạo việc làm trong nước 1,61 triệu người, xuất khẩu lao động 90.000 người (Lao Động số 303, ngày 31/12/2008).
15. Các chỉ tiêu chủ yếu về xoá đói, giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 (Xem: Bộ Lao động - Thương binh và xã hội: Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo 2006-2010)
16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, CTQG, H., 2006, tr.156-159.
17. Trang tin điện tử Bảo hiểm xã hội, ngày 15- 5-2009.
Nguồn Tạp chí Lịch sử Đảng. Số 7/2009. Tr. 21-26.
PGS.TS ĐINH XUÂN LÝ
Đại học Quốc gia Hà Nội