Phố Lò Rèn chỉ dài 128 mét mà có đến 20 số nhà có những bễ lò rèn của người quê gốc làng Hòe Thị (Từ Liêm - Hà Nội). Đó là sắc thái làng nghề thật đặc biệt mang những giá trị văn hóa - lịch sử của Thăng Long - Hà Nội trải mấy trăm năm vẫn còn đến hôm nay.
Đầu thế kỷ XIX, phố Lò Rèn thuộc đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ở đây, không ai không biết đến xưởng rèn của ông Nguyễn Thế Lai tại số nhà 30. Ông Lai không biết nghề rèn đến với gia đình mình từ bao giờ, chỉ chắc chắn rằng, cụ tổ từ 3 đời trước đã “gánh” cái nghề nặng nhọc này từ đất Hòe Thị ra lập nghiệp ở phố Hàng Bừa (tức phố Lò Rèn ngày nay).
Ông Lai nhớ lại: “Trước đây, phố Lò Rèn là một địa chỉ quen thuộc của hầu hết bà con nông dân nội, ngoại thành Hà Nội và của các chủ thầu xây dựng. Những sản phẩm ngày ấy chủ yếu là cuốc, xẻng, nông cụ, những lan can, hàng rào bằng sắt hay có khi là những chi tiết kim loại của chiếc xe kéo tay. Bếp lò đỏ lửa suốt ngày, tiếng phì phò của bễ hơi, mùi sắt cháy đỏ trong lò với những muội khói than...”. Theo ông,
nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có một sức khỏe tuyệt vời, nhưng không phải là vai u thịt bắp. Người thợ rèn phải có được cái tinh của thợ kim hoàn, có được cái khéo léo của thợ may và cái uyển chuyển của thợ dệt. Những chi tiết kim loại đòi hỏi phải có sự chính xác cao độ, chỉ cần ngọn lửa quá to, sản phẩm sẽ già, giòn và dễ gãy. Chẳng may quai búa nặng, sản phẩm sẽ biến dạng hay sơ ý một đường uốn sai lệch, những chi tiết sẽ không khớp... Những bài học đó, người làm nghề này đều biết rõ.
Những năm kháng chiến, những người thợ rèn trên phố tham gia sản xuất các loại vũ khí thô sơ như dáo mác, bàn chông rồi nòng súng cò súng cho tự vệ Hà Nội. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Sau này, khi kháng chiến thành công, những người thợ rèn cũng mang cái tài hoa của mình tham gia vào các hợp tác xã sản xuất cơ khí phục vụ công cuộc phát triển kinh tế cho đất nước.
Tuy thế, sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường dường như không còn dành nhiều đất cho cái nghề cổ xưa này của Hà Nội nữa. Chả thế mà ở phố nhiều nhà đã xoay sang nghề khác hoặc nếu muốn duy trì thì phải kết hợp một số nghề cơ khí gò hàn. Tuy thế, những cửa hàng trên phố vẫn có một lượng khách ổn định nhất là với những mặt hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Cho đến hôm nay, sản phẩm của nghề rèn thủ công Hà Nội vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong Hà Nội và một số vùng lân cận. Trong nhịp độ phát triển kỹ thuật hiện đại, phố Lò Rèn hôm nay vẫn giữ và phát huy được nghề truyền thống.
Bài: Trần Trí Công
Theo vietnam.vnanet.vn
|