Đến phố Hàng Bạc, du khách thực sự bị choáng ngợp bởi hàng trăm chiếc tủ kính đựng đồ trang sức bằng vàng, bạc đẹp và rực rỡ trước cửa những ngôi nhà hình ống sâu hun hút - đặc trưng của đô thị cổ Hà Nội được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Phố nghề Hàng Bạc hôm nay vẫn gìn giữ được nét cổ xưa cùng với nghề làm vàng, bạc truyền thống. Ngoài những nghệ nhân kim hoàn có kinh nghiệm ba, bốn chục năm là một lớp đông đảo thợ trẻ thuộc thế hệ con cháu ở các làng nghề kim hoàn truyền thống: Châu Khê (tỉnh Hải Dương), Định Công (Hà Nội), Đồng Sâm (tỉnh Thái Bình) đang say mê làm việc tại phố nghề. Không ít thợ kim hoàn đã tự tập hợp nhau lại, lập thành nhóm vừa sản xuất tại nhà vừa mở cửa hàng kinh doanh đồ trang sức. Các cửa hàng vàng, bạc ở phố này cung cấp cho thị trường nhiều loại trang sức như hoa tai, xuyến, nhẫn, vòng, dây chuyền... Từ kỹ thuật cổ truyền, người thợ đã sáng tạo ra nhiều kiểu dáng, mẫu mã, hoa văn mới đáp ứng mọi thị hiếu của người tiêu dùng. Việc chế tác vàng bạc giờ đây đã có các thiết bị kỹ thuật hiện đại, nhưng hầu hết các nghệ nhân ở phố nghề Hàng Bạc vẫn giữ những kĩ xảo thủ công độc đáo mà máy móc, thiết bị khó bề thay thế. Bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tạo ra những sản phầm đơn chiếc góp phần thu hút khách. Nghệ nhân Phạm Đình Tân năm nay đã gần 70 tuổi, hiện là một trong số ít thợ giỏi, có thâm niên lâu nhất của phố nghề này. Bên góc bàn làm việc cũ kỹ ở số 10 phố Hàng Bạc, ông tâm sự: “Người thợ theo nghề chế tác đồ vàng, bạc đòi hỏi phải có đức tính cần mẫn, tỷ mỷ, cẩn thận, đặt niềm đam mê vào nghề nghiệp. Phải nắm vững một số khâu kỹ thuật quan trọng của nghề như chạm, trơn, đậu (kéo vàng, bạc thành sợi mỏng như chỉ để từ các sợi vàng, bạc này dùng trang trí các đồ vật và đồ trang sức) hoặc đánh bóng theo phương pháp thủ công truyền thống, giữ độ bóng được bền mãi với thời gian.
Tìm lại lịch sử phố nghề, hơn 6 thế kỷ trước, dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), quan Thượng thư Bộ lại Lưu Xuân Tín được vua cho phép lập một xưởng đúc bạc nén, đã đưa người làng Châu Khê (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) về Thăng Long làm nghề. Về sau, xưởng này kiêm luôn nghề trang trí vàng, bạc.
Đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã đem theo nghề đúc vàng, bạc vào Huế. Tuy nhiên, phần đông những thợ đúc thời đó đã ở lại Thăng Long lập ra phường hội ngay tại nơi con phố Hàng Bạc ngày nay. Theo thời gian, nghề đúc vàng, bạc của phố này không còn, chỉ còn lại nghề kim hoàn chuyên làm đồ trang sức. Hà Nội hiện có rất nhiều cửa hàng buôn bán, sửa chữa, chế tác đồ trang sức bằng vàng, bạc, nhưng những thương hiệu có tiếng từ ba, bốn đời đều tập trung cả ở phố Hàng Bạc mà tiêu biểu là các hiệu Đức Tín, Quảng Trường, Nghĩa Lợi, Thiên Bảo... Tuy ở nhiều đường phố Hà Nội cũng có cửa hàng vàng, bạc, nhưng điều đó không làm thay đổi thói quen của không ít du khách muốn lang thang phố cổ Hàng Bạc, tìm kiếm cho mình vài loại trang sức hợp ý.
Bài: Tuấn Long
Theo vietnam.vnanet.vn