Phố Lý Đạo Thành dài 140 mét, đi từ phố Tông Đản đến phố Lý Thái Tổ. Đây là phần đất thôn hậu lâu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tới giữa thế kỹ XIX thôn này hợp với thôn Hậu Bi thành ra thôn Cựu Lâu, tổng Đông Thọ. Gọi là Cựu Lâu vì thôn này vốn là nơi mà đời Lê – Trịnh đã dựng lẩu Ngũ Long Lâu. Thời Tây Sơn ra Bắc, lầu này bị hư hỏng dân lập làng này ở trên khuôn viên lầu cũ nên mang tên là Cựu Lâu. Còn thôn Hậu Bi thì ở lùi về mé đê Sông Hồng, ở lùi về phía sau nhà bia ( chữ Hán là bi đình) của lầu Ngũ Long nên mang tên là như vậy ( Hậu =sau, Bi = bia). Nhưng chỗ đầu làng Hậu Bi giáp với làng Tây Long Thạch Thị, chổ này là phía sau của Bào tàng Cách mạng vốn có một cái chợ gọi là chợ Bến Đá. Nguyên là ngày trước đê sông Hồng chạy phía trong phố Trần Quang Khải ( chứ chưa đắp ruộng ra đường Trần Quang Khải ngày nay) tức là xuyên ngang khu vực Bảo tàng Cách mạng. Con đê đó đồng thời cũng là bức thành đất (lũy) chạy dọc sông Hồng để bào vệ toàn bộ Kinh thành. Có nhiều cửa ô xẻ qua bức thành đất này. Chỗ giáp với Bảo tàng Cách mạng và Nhà hát lớn vốn có một cửa ô tên là Tây Long. Vì hàng hóa bên kia sông (xứ Bắc) đổ vào Kinh thành qua cửa ô này, nên cạnh cửa ô có một cái chợ gọi là chợ Bến Đá Tây Long, có một vai trò là chợ đầu mối.
Như vậy, đầu phố Lý Đạo Thành từng thuộc chợ Bến Đá này. Hẵn là ngày ấy nơi đó ồn ã khách ngược xuôi sớm chiều.
Nay thì Lý Đạo Thành là một phố yên tĩnh. Bởi ngắn ngũi nên chỉ đi bộ 2 phút là hết phố. Bên chẵn chỉ có số 2 tới số 12. Bên lẻ thì hai tòa nhà cuối cùng đang trong quá trình xây dựng nên không rõ số nhà, nhưng cả dãy chỉ có 5 nhà là cùng. Còn nhớ những ngày cuối năm 1954, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc thì ngôi nhà số 1 cũng là số 2 phố Cổ Tân từng là nơi cư trú của những người làm văn nghệ, người Nam bộ mà sau này trở thành nhà văn nổi tiếng như Đoàn Giỏi, Hồ Thiện Ngôn, Nguyễn Quang Sáng… và tại cái vườn hoa nhỏ xíu ở đầu phố một thời có một quầy bia và là nơi gặp gỡ thường xuyên hàng ngày của nhiều văn nghệ sỹ, nhất là những lúc quầy bia 47 Trần Hưng Đạo Hết Hàng.
Ngôi nhà văn nghệ sĩ phía đầu phố Lý Đạo Thành nay là một cửa hàng văn phòng phẩm, tiếp đó là cửa hàng giầy dép, rồi đến hai ngôi nhà lớn đang được xây.Ngôi nhà cuối phố một thời là cửa hàng hải sản Ngọc Sương cũng có tiếng một thời.
Bên dãy chẵn thì mở màng là cửa hàng chả mực rồi cửa hàng bánh kẹo, cửa hàng quần áo, đặc biệt có nhà 6C là họa phẩm Lucas, tên Tây nhưng chủ ta. Cuối dãy là tòa nhà hoành tráng có tên “Trung tâm dịch vụ báo chí Việt Nam” có cả văn phòng nước ngoài đó là cơ sở của Hội nhà báo. Riêng ngôi nhà số 10 hai tầng cao rộng từng là nơi ở bốn chục năm của vị chỉ huy tự vệ Thành đoàn Hà Nội năm 1946, tầng dưới là của một trí thức yêu nước, một gia đình khuyến học thật sự. Đó là gia đình của một vị trí thức lớn thời Pháp thuộc, đỗ kỹ sư hóa và tiến sĩ lý ở Pháp, về nước công tác, cuối năm 1945 từng được Chính phủ ta giao cho chức vụ Giám đốc đầu tiên Viện Nông Lâm khảo cứu. Đi kháng chiến, ông giữ nhiều trọng trách trong ngành hóa. Ông tiến sĩ này vốn là con trai của một vị tiến sĩ cuối triều Nguyễn. Con ông 5 người thì 1 người là kỹ sư, 4 người là tiến sĩ và đã từng là bộ đội. Các cháu nội, ngoại của ông có tới 7 cháu cũng đều tự tìm học bỗng đi du học nhiều nước và cũng đều đang làm luận án tiến sĩ.
Phố Lý Đạo Thành chỉ có mươi nhà mà cũng có lịch sử riêng, lại có đủ hàng ăn uống, áo quần giầy dép, khu dịch vụ văn phòng cao cấp, có trí thức, có cựu chiến binh… đó chính là tính đa dạnh của hầu hết các phường phố ở Hà Nội.
Thời Pháp thuộc đây là phố “Đại úy La Bờ-rút-sơ”.
Nguyễn Vinh Phúc
(Theo Hà Nội mới)