Vận tải trong chiến dịch Điện Biên Phủ / Xương Giang, Hoàng Anh: tổng hợp // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2014. – Ngày 10 tháng 4. – Tr. 1, 3.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” chính là biểu tượng sinh động của chiến tranh nhân dâ,n sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đặc trưng nổi bật là sự động viên, tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Đây là chiến dịch tập trung cao nhất lực lượng các đơn vị chủ lực, các đơn vị binh chủng như pháo binh, cao xạ phòng không, công binh, thông tin… cũng là chiến dịch huy động cao nhất các lực lượng thanh niên xung phong dân công để vận tải tiếp tế cho chiến dịch.
“Dũng sĩ xe thồ”
Ông Phạm Nga Ty, sinh năm 1929, vốn là thợ sửa chữa xe đạp ở vùng quê Phổ Yên, Thái Nguyên. Đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ông mang theo chiếc xe đạp Xtéc-linh của Pháp và được cử làm đội trưởng đội xe thồ trên cung đường từ Bờ Đậu đến Bình Ca. Mỗi chiếc xe đạp được gia cố một đoạn tre buộc vào khung dọc, khung ngang để mang được từ 200 đến 250 kg. Tay lái và cọc yên thì nối dài điều khiển thuận tiện và giữ thăng bằng. Nan hoa xe đạp được nẹp thêm tre tăng độ cứng và sức chịu đựng. Để xe không bị nổ lốp các ông đã có sáng kiến lấy vải màn hoặc xé ống quần thành từng dải rồi quấn vào xăm xe trước khi bơm. Sau đó lại dùng những đoạn xăm cũ quấn vào lốp một lần nữa. Chiếc xe của ông Ty thường chở được trên dưới 300kg. Một lần vượt đèo Khế, ông còn chở thêm 20kg cho một chị dân công bị sốt và đạt kỷ lục 340kg. Ông Phạm Nga Ty được suy tôn là “Dũng sĩ xe thồ”. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động 2 vạn xe đạp thồ trên khắp ngả đường.
Đôi bồ gánh gạo
Đi dân công Điện Biên Phủ, bà Nguyễn Thị Xuân, mới 22 tuổi ở thôn Ngô Xá, xã Toàn Thắng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ chỉ mang 1 đôi bồ để gánh gạo. Trong 1 chuyến gạo nuôi quân ấy, bà bị bom nổ chậm hết xuống vực sâu. May mắn bà vướng vào 1 gốc cây và kịp thời túm được những chiếc rễ để không bị rơi tiếp. Tuy người đau ê ẩm nhưng bà cố bám vào các mỏm đá, gốc cây trèo ngược lên. Tới mặt đường bà nghe thấy nhiều tiếng kêu cứu ở xung quanh. Biết là chị em mình bà quên cả đau đớn, mệt mỏi, cố sức đào bới đất đá, cây que và cứu được 7 người. Thoát chết nhưng bà tiếc ngẩn ngơ vì đôi bồ đã bay xuống vực, không còn cùng bà gánh gạo ra chiến trường. Bà động viên anh chị em trong đội dân công giữ gìn hạt gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, chỉ riêng công tác hậu cần tại chỗ đã đưa vào tới bếp ăn tại chiến hào được 55 tấn lương thực, thực phẩm bằng đôi vai và bàn chân trần.
Ngựa thồ lên Điện Biên
Ông Đỗ Xuân Lộc sinh năm 1930, tại thành phố Yên Bái, nhập ngũ năm 1948, vào đảng năm 1949, tổ trưởng liên lạc của tỉnh đội Yên Bái. Sau khi đi học trường chính trị Phùng Chí Kiên, ông làm chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 42, trung đoàn 249 chiến đấu trên khắp địa bàn Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. Từ năm 1953, ông được giữ cương vị Chính trị viên đại đội, vận tải ngựa của Cục hậu cần, Khu Tây Bắc. Khi chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì đại đội ông có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực phẩm, hàng hóa từ Thượng Bằng La (ngã ba Yên Bái; Nghĩa Lộ) vượt đèo Lũng Lô qua Phù Yên đến chân đèo Chẹn (Sơn La) thì bàn giao cho đơn vị khác chuyển lên Còi Nòi, Tuần Giáo, Điện Biên. Ông kể:
Thời gian cứ đi 3 ngày thì nghỉ 1 ngày. Đại đội toàn anh em lính trẻ, xuất thân nông dân, nhiều người không biết chữ, vào đơn vị được học chính trị, văn hóa, biết đọc, biết viết, lại có thư nhà báo tin cải cách ruộng đất được chia ruộng vườn, trâu bò thì phấn khởi lắm. Nhiều anh không ngủ trưa để ra rừng đan mũ nan, vót đũa, vót tăm, nhiều nhất là chăm sóc ngựa như đuổi mòng, chải lông, chải bờm,cho ăn cỏ, tắm rửa như 1 anh nông dân có con trâu riêng vậy. Ban đầu chúng tôi không biết là vận chuyển cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đường 13 mở xong, đại đội đi lẫn với bộ đội, xe pháo nghễu nghện, dân công nườm nượp như chẩy hội thì hóng chuyện mới biết. Thấy vinh dự quá nhưng cũng rất tủi thân. Nhất là chị em thanh niên xung phong, dân công, cứ thấy chúng tôi đi cùng đoàn ngựa thồ lúc cúc đi theo là hò lơ:
Chồng người ra trận lập công/
Chồng em lóc cóc làm ông ngựa thồ;
hay là:
Nghe chức giám mã tưởng oai/
Hóa ra cắt cỏ ở ngoài bãi sông…
Thế là cả đoạn đường rộ lên tiếng cười, tiếng trêu chọc không ngớt… Ngày ấy, cán bộ chúng tôi có hai điểm phải tránh là không dao động tư tưởng và không tham ô, hủ hóa. Mọi lời nói, việc phải gương mẫu. Chính vì vậy mà chúng tôi động viên được anh em; có đồng chí bị sốt rét bắt ở lại thế mà hai hôm sau đã đuổi kịp đơn vị, vì ngựa của mình giao cho người khác không quen dễ sinh hư. Có anh thức suốt đêm đốt quả bồ kết xong cho ngựa bị đầy hơi, chướng bụng… Còn hàng hóa khi ấy hiếm lắm, có người phải đổi 1 chiếc đồng hồ đeo tay để lấy gói thuốc lào. Vậy mà đơn vị chúng tôi không ai tơ hào, hàng không hao hụt. Gạo để người ăn, thóc cho ngựa ăn mang riêng tính theo cung đường. Mỗi tháng đại đội vận chuyển được khoảng 30 tấn hàng, luôn luôn bảo đảm kế hoạch cho đến khi hết chiến dịch.