Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam Thứ Hai, 18/11/2024, 16:00

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân PHẠM VĂN CÁN

 

ĐỒNG CHÍ PHẠM VĂN CÁN (1952 – NAY)[1]

 Anh hùng Phạm Văn Cán[2] sinh năm 1952, dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Khi được tuyên dương anh hùng, đồng chí là đảng viên, trung sĩ, chiến sĩ lái xe dắt, đại đội 11, Đoàn 26, Phòng kỹ thuật Bộ Tư lệnh Thiết giáp Miền.

Tháng 9/1972, Phạm Văn Cán cùng đơn vị hành quân 2.000km vào chiến trường Đông Nam bộ, anh không ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, vượt qua bom đạn ác liệt do máy bay địch bắn phá, cứu kéo được 73 lượt chiếc xe tăng, xe thiết giáp sa lầy, đổ hoặc chết máy trên đường hành quân. Từ tháng 5/1973 đến tháng 4/1975, Phạm Văn Cán làm nhiệm vụ dắt xe tăng, xe thiết giáp trong chiến đấu. Anh đã tham gia 3 chiến dịch, cứu kéo được 40 chiếc xe về tới nơi an toàn. Trong chiến dịch Bến Cát từ tháng 5 đến tháng 9/1974, trời mưa nhiều, đường lầy lội, địch bắn phá ác liệt, Phạm Văn Cán vẫn bất chấp gian nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Có lần, giữa hỏa lực dày đặc của địch, anh vẫn bình tĩnh lái xe vào sát căn cứ địch (100m), cứu kéo được một xe tăng ra ngoài. Cả chiến dịch, anh cứu kéo được 18 chiếc xe tăng về sửa chữa, khôi phục lại, tiếp tục chiến đấu. Trận đánh quận lỵ Chơn Thành (Bình Long) tháng 4/1975, có 2 xe tăng của ta bị hỏng nằm sát trận địa địch, nguy cơ sẽ bị chúng cướp xe hoặc phá hủy, Phạm Văn Cán dũng cảm mở nắp xe, nhô ra ngoài vừa lái vừa quan sát tránh bãi mìn, thà hy sinh chứ không để xe và đồng đội bị thương, anh đã cứu được 2 xe tăng về an toàn, cổ vũ cho đồng đội xông lên tiêu diệt địch.

Trong thành tích nổi bật của Phạm Văn Cán, đồng đội gọi anh là người chiến sĩ cứu hộ tăng thiết giáp gắn liền với những câu chuyện về các trận đánh thắng bằng xe tăng trên chiến trường miền Đông oanh liệt.

Tháng 5/1971, học xong năm thứ ba khoa Chế tạo máy Trường đại học Bách khoa Hà Nội loại giỏi, Phạm Văn Cán được tuyển vào bộ đội tăng - thiết giáp ở tuổi 21.

Suốt chặng hành quân dài 5 tháng từ Bắc vào Nam, anh cứu kéo, sửa chữa được nhiều xe hỏng hóc. Vì vậy anh được bầu chiến sĩ thi đua, dự hội nghị thi đua binh chủng ở Lộc Ninh. Sau đó các đơn vị tăng thiết giáp B.2...

Cuối năm 1973, Cán tham gia trận đánh Bù Bông. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Một mình lái xe đặc chủng, Cán kéo được chiếc xe tăng K63 và T56 bị hư hỏng về nơi an toàn, thu 7 xe thiết giáp M113 của địch.

Kiểm điểm bình xét thành tích sau chiến dịch, anh Cán được đề nghị cấp trên thưởng Huân chương Chiến công giải phóng.

Đầu tháng 12/1972, Tiểu đoàn 21 và đại đội 6 (của Tiểu đoàn 20) thiết giáp B.2 phối thuộc trung đoàn bộ binh đánh sân bay Nhân Cơ gần thị xã Gia Nghĩa (tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đức). 19 giờ ngày 4/12 từ khu tập kết Bù Bông khá xa, xe đặc chủng theo công binh dẫn đường, xuyên cánh rừng le tiến vào cửa mở. Le mọc dày đặc xòa ra cà sàn sạt vào thước ngắm khẩu trọng liên 12.8 ly làm trầy tróc lớp mạ.

Tăng thiết giáp ta tiến công theo 2 mũi. Đại đội 6 có khoảng 10 xe đánh từ phía Đông, tức là hướng Đà Lạt tới.

Xe đặc chủng đi với mũi Tiểu đoàn 21 tăng thiết giáp (do anh Khuê chỉ huy). Lúc bộ đội đặc công nổ súng, địch bắn pháo sáng, cả bầu trời khu vực trắng lóa, mọi vật nhìn rõ như ban ngày. Vừa từ rừng ra, xe anh Cán đụng bãi be toàn các khúc gỗ tròn chờ vận chuyển về Sài Gòn chế biến. Anh Cán nghe tiếng nổ lụp bụp trên trời, chớp chớp xanh lét.

Từ trong xe, anh Cán thấy một xe K.63 cháy. Thêm một chiếc T.54 bị bắn đứt xích. Xe Cán quay vào móc cáp vào xe và móc sợi cáp thứ nhì vào bộ xích đứt. Kéo xe đứt xích rất khó, bên không còn xích, dàn bánh đỡ lún sâu xuống, bụng xe cà trịt mặt đất, lực ma sát cực lớn. Bình thường, chỉ cần vài phút đã giải quyết xong, nhưng anh phải đánh vật với chiếc T.54 này mấy giờ liền mới đưa ra được ven rừng. Một số chiến sĩ bộ binh hy sinh, anh Cán và anh em đưa lên thùng xe mang ra, đúng chính sách và kỷ luật chiến trường.

Chỉ trong đêm nay, bộ đội ta dứt điểm Nhân Cơ vì ở đây địch phòng thủ yếu hơn Bù Bông. Ta mất 2 xe, xe đặc chủng rút vào rừng kéo theo xe hỏng để sửa tạm. Chiếc T.54 không có xích dự trữ, thiếu một số mắt xích hỏng vì trúng đạn. Anh Cán và đồng đội sáng tạo: chỉ gắn xích vào ba bánh đỡ (đáng lẽ đủ thì xích gắn trên 5 bánh). Giáo trình đã học không cho phép làm như vậy: xe sẽ đi lệch, hai bên lún không đều nhau... Nhưng cứ đúng bài bản thì chỉ có cách vứt xe đi, mà chúng ta thì đang rất thiếu quả đấm thép.

Khoảng tháng 5/1974, đầu mùa mưa, Tiểu đoàn 22 tăng thiết giáp B.2 (mới từ miền Bắc vào) phối thuộc Sư đoàn 9 mở chiến dịch lộ 7 ngang ở khu vực Bến Cát - Rạch Bắp. Trung ương Cục và Quân ủy Miền chủ trương phá vỡ tuyến phòng ngự trung gian, kìm chân lính chủ lực ngụy tại Sài Gòn, ngăn chặn ý đồ địch đưa quân bình định vùng ven Sài Gòn và lấn chiếm Lộc Ninh - vùng giải phóng của ta.

Trong trận đánh này, Cán cùng xe đặc chủng đã cứu kéo được nhiều xe tăng và chiến sĩ chiến đấu trong trận.

Ban Chỉ huy chiến dịch đánh giá tổ cán bộ, chiến sĩ xe đặc chủng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh Cán được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì.

Là đối tượng Đảng đã lâu, nay Đảng bộ Phòng kỹ thuật Cục Hậu cần B.2 gửi hồ sơ lý lịch anh Cán xuống để Đảng bộ Tiểu đoàn 22 kết nạp. Anh được vinh dự đứng trong đội ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc ngày 6/6/1974.

Mùa khô 1974-1975, tổ xe đặc chủng của Cán tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh lớn ở Dầu Giây, Chơn Thành, sau chuyển qua bộ phận kỹ thuật chuyên sửa xe thiết giáp của Bộ Tư lệnh Miền.

Thiếu úy Phạm Văn Cán trực tiếp chiến đấu ở chiến trường B.2 khoảng một năm rưỡi, cứu kéo khoảng 20 xe của ta thu được hàng chục tăng thiết giáp của địch trong mưa bom bão đạn. Chiến công anh lập được có phần đóng góp xương máu của nhiều đồng đội: trinh sát dẫn đường tiếp cận, công binh gỡ sạch mìn, cán bộ cấp trên chỉ huy đúng...

Với những thành tích đạt được, đồng chí đã được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, được tặng 4 Bằng khen và Giấy khen. Ngày 15/1/1976, Phạm Văn Cán được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hiện đồng chí Phạm Văn Cán cư ngụ tại Phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

 



[1] Huỳnh Văn Tới - Nguyễn Minh Hùng (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Hà Thị Thanh Thuý, Đặng Thị Xuân Thắm, Phan Hoàng Oanh (2019), Sáng ngời chất ngọc anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai, tập I, Nxb. Đồng Nai, tr. 581-584.

[2] Nguồn: Những anh hùng đất Đồng Nai, tập I, Nhà xuất bản Đồng Nai, 2000.

 

 

 

 


Số lượt người xem: 34 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày