Quý bạn đọc thân mến!
Trần Trà My, sinh năm 1986, tại Đông Hà, Quảng Trị. Cô là nhà văn khuyết tật. Nguyên nhân dẫn đến sự khiếm khuyết này là do một lần My bị sốt cao, gây co giật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ xương khớp của cô. Chân của My bị liệt, các ngón tay cũng không hoạt động được, chỉ có 1 ngón tay bình thường. Dáng người nhỏ bé, yếu ớt, bước đi khó khăn và đặc biệt giọng nói không được tròn vành rõ chữ. Tuổi thơ của cô bé My là những ngày ngập nước mắt vì không được vui chơi như bạn bè đồng trang lứa. Nhưng càng lớn, Trần Trà My càng hiểu hơn chuyện đời. Cô sống lạc quan, vui vẻ. Suốt 13 năm ở một mình tại TP. Hồ Chí Minh, cô tự làm việc bằng cách viết sách để kiếm sống.
Năm 2020, Trần Trà My là một trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được Trung ương Hội LHTNVN phối hợp Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam khen thưởng trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt”.
“Tin vào điều tử tế” là cuốn sách thứ tư của nhà văn có số phận đặc biệt này.
“Điều gì đang xảy ra với tất cả mọi người? Những người tử tế đang ở đâu? Điều tử tế có phải là khó kiếm nhất hay không?”
Đó là những câu hỏi đầu tiên mà Trà My đặt ra khi xem một phóng sự trên truyền hình vào cuối năm 2013, về vụ án “cậu Thủy” - kẻ giả danh các nhà ngoại cảm để đi lừa hàng ngàn thân nhân liệt sĩ tìm mộ người thân đã hy sinh. Vừa coi, cô vừa khóc tức tưởi như thể chính mình cũng là nạn nhân vậy!
Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra trong trạng thái cảm xúc với My khi ấy, và một bài báo mang tên “Người tử tế đâu rồi” lập tức được thành hình chỉ viết bằng 1 ngón tay. Ngay sau đó, bài viết này được đăng báo rồi các trang mạng dẫn lại với tốc độ lan truyền khủng khiếp.
Một xã hội không hề vô cảm với nỗi đau và luôn tìm kiếm sự sự tử tế được lộ diện trong từng lát cắt. Chính vì thế, điều này đã là niềm an ủi cho Trần Trà My và tất cả những ai đang mang đầy đủ tính thiện và lương tri yêu thương.
Ngồi đọc các bình luận của mọi người trên diễn đàn, Trần Trà My được tiếp cận với rất nhiều câu chuyện. My trăn trở và nghĩ bản thân phải có trách nhiệm viết điều gì đó trong 1 cuốn sách.
Thế là, Trà My đã di chuyển tới rất nhiều nơi trên khắp đất nước, với sự trợ giúp của cây nạng, để tìm chất liệu tạo nên cuốn sách của mình. My phỏng vấn rất nhiều nhân vật, quan sát những vấn đề theo cô là “nổi cộm” của xã hội và bắt đầu chắt lọc lại. Năm 2020, cuốn sách hoàn thành trọn vẹn, được Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh in ấn và phát hành.
Với độ dày gần 200 trang in trên khổ giấy 12 x 19cm, sách tập hợp những câu chuyện “dậy sóng” trong dư luận. Qua những chuyến đi trải nghiệm, gặp gỡ phỏng vấn những nhân vật có thật trong cuộc sống từ những vấn đề tích cực lẫn tiêu cực, Trần Trà My đã viết nên những câu chuyện ấy bằng cả trái tim, để từ đó mong muốn mọi người xung quanh luôn có những cái nhìn tốt đẹp trong xã hội.
Nội dung sách được chia thành 3 phần: Hai phần đầu có tựa đề “Tin vào điều tử tế” và “Chùm chuyện mini: Li ti chuyện đời”, và Phần 3: Đồng cảm và chia sẻ. Là những dòng tâm sự, những cảm nhận về tác giả, về cuốn sách của những người đã gặp, trò chuyện và làm việc với Trà My, như Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, Nhà biên kịch Khánh Thương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc ACM Holding Nguyễn Trung Kiên…
Bằng lối viết ngắn gọn súc tích, mộc mạc và có đôi chút thẳng thắn, những câu chuyện có thực được khuấy lên từ góc nhìn của 1 cô gái khuyết tật nhưng chứa đầy nghị lực vượt khó, đã giúp tác phẩm “Tin vào điều tử tế” mang ý nghĩa giáo dục lớn lao.
42 bài viết ở phần 1 và phần 2 là những câu chuyện xảy ra trong xã hội không chỉ được Trà My nghe và đọc, mà còn bao gồm cả những câu chuyện cô chứng kiến trong hành trình đi góp nhặt những điều tử tế trên khắp đất nước Việt Nam. Chuyện “Cướp tiền ở Quận 3, nạn nhân chỉ được những người đi đường trả lại 30,5 triệu trên tổng số tiền 50 triệu đô”; câu chuyện về bạo hành chú bé Hào Anh; chuyện về sự tử tế trong kinh doanh với vụ án con ruồi trong chai nước Number One, về những việc làm của các nghệ sĩ trong thế giới showbiz, v.v… Tất cả được phản ánh qua những trang sách của Trà My. Thế nhưng điều được nêu ra ở đây, không phải để phê phán, mà quan trọng hơn cả là giá trị nhân văn chứa đựng trong tập sách. Chính vì vậy mà cuốn sách đã khiến độc giả trên khắp cả nước đón nhận với gần 7.000 cuốn được bán ra chỉ sau 6 tháng xuất bản.
Quan niệm: Ai không một lần vấp ngã, ai cũng có mầm thiện trong tâm hồn, cho dù là phạm nhân đang chịu án phạt tù. Quan trọng là chúng ta biết tưới nước, vun trồng, cho mầm thiện ấy ánh sáng để phát triển. Không ai sinh ra trên cõi đời này đều là người xấu cả. Chẳng qua họ đang dần quên đi bản chất thật của mình. Và khi họ quên đi bản chất thật của mình thì cũng đồng nghĩa với việc họ không tin vào điều tử tế, tin vào con người, tin vào xã hội. Vậy để xua tan những yếu tố tiêu cực, cổ vũ cho những hành động tử tế, để nó được tiếp tục “nhân giống”, khơi dậy bản chất thật là biết hướng thiện, biết yêu thương, biết quan tâm nhau, chúng ta hãy “tưới nước” vào những hạt mầm tử tế đang còn nằm lẩn khuất đâu đó trong mỗi con người, để một ngày trong tương lai gần chúng ta cùng gặt hái được một vụ mùa tốt lành cho trái tim. Những câu chuyện đơn lẻ nhưng giàu sức truyền cảm. Những mẩu truyện ngắn vài trăm chữ nhưng đầy sức nặng về sự thấu hiểu luật nhân quả - đã khiến cuốn sách của Trà My chạm đến trái tim của người đọc, truyền cảm hứng cho mọi người.
Đọc “Tin vào điều tử tế” để nhận ra rằng: Mỗi chúng ta phải không ngừng nỗ lực, hãy cố gắng thực hiện bằng được ước mơ, hoài bão của mình. Luôn luôn tin vào điều tử tế, bởi niềm tin vào những điều tử tế sẽ khiến con người thêm xích lại gần nhau.
Đọc “Tin vào điều tử tế” cho chúng ta một cảm giác bình yên và trong sáng đến lạ thường. Mỗi câu chuyện là một bài học, người đọc có thể tìm thấy mình trong đó.
Đây là một tác phẩm thực sự cần cho giới trẻ với những tâm hồn mong manh trong xã hội đang dần bị những cám dỗ lôi cuốn như hiện nay, nó giống một đốm lửa “thổi” bùng vào lớp trẻ những luồng thông điệp ý nghĩa, khuyến khích các bạn trẻ sống đẹp và sống có ích cho cộng đồng xã hội.
Đọc tác phẩm, bản thân mỗi chúng ta sẽ thấy rằng: trong xã hội, người tốt, việc làm tốt hiển hiện rất nhiều, chỉ cần để ý một chút, lắng lòng một chút là chúng ta cảm nhận ra ngay. Những cung bậc cảm xúc, suy ngẫm rất thực, của cô gái bé nhỏ đã khiến chúng ta như được truyền thêm một sức mạnh và niềm yêu sống lớn lao.
“Cuộc đời bạn đi hai chân hay sáu chân không quan trọng, mà quan trọng bạn có dám đi đến ước mơ của bạn hay không”. Câu nói của Trà My như thắp lửa trong tim mỗi người, tạo động lực để chúng ta không ngừng nỗ lực phấn đấu trong công việc, trong cuộc sống, hướng tâm hồn người đọc đến các giá trị chân – thiện – mỹ để tiếp tục gieo trồng và không ngừng nhân lên những “hạt mầm tử tế” góp phần làm cho vườn hoa “tử tế” trong xã hội luôn luôn khoe sắc, ngát hương.
Nguyễn Sen