Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
gtsachchuyende Thứ Sáu, 05/07/2024, 14:20

GTS: Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ

Quý bạn đọc thân mến!

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, đất nước Việt Nam nói chung và nhân dân xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng giờ đây đã rạng ngời trong hòa bình và phát triển. Công nhân ổn định việc làm, học sinh đủ trường học từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, trạm xã đủ thuốc và thầy thuốc cho sức khỏe, đường sá thuận tiện cho việc đi lại, thông tin đến với từng nhà, không còn hộ đói, giảm mạnh hộ nghèo, nhiều người khá giả, đảng bộ, chính quyền, đoàn thể thực sự do dân, vì dân…

Có được những thành tựu nói trên là kết quả của quá trình đấu tranh gian khổ của nhiều lớp người trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Thế nhưng để thế hệ sau biết và hiểu được chặng đường đầy gian khổ, khó khăn, về con người và cuộc sống của thế hệ cha anh đi trước của quê hương Bình Sơn trong những giai đoạn khốc liệt mà cũng đầy tự hào, vẻ vang này, có lẽ phải kể đến đồng chí Huỳnh Minh Cường – Một nhân chứng lịch sử, người đã chứng kiến và tham gia hoạt động cách mạng trong cả 2 giai đoạn chiến tranh thời bấy giờ.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông đã ghi chép lại những dấu ấn của lịch sử năm xưa để tuổi trẻ hôm nay và mai sau có thể hình dung được chặng đường đấu tranh, dựng xây và bảo vệ tổ quốc. Những sự kiện, những hình ảnh và cả một câu chuyện dài đau thương có, mất mất có nhưng không kém hào hùng và vẻ vang được ông tập hợp trong tác phẩm: Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ. Sách do nhà xuất bản Đồng Nai in ấn và phát hành năm 2008.

Quý bạn đọc thân mến!

Đồng chí Huỳnh Minh Cường, sinh năm 1932, nguyên quán Phước Long, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, ít học, đông con (với 7 anh chị em), ruộng vườn thì thiếu.

Trước năm 1945, ông có 1 mái ấm gia đình êm ả với xóm làng. Sau mùa thu 1945 lịch sử, do thực dân Pháp tái chiếm miền Nam, mọi người, mọi gia đình đều hút theo không khí nam bộ kháng chiến. Cuộc sống kháng chiến nhiều niềm vui nhưng cũng nhiều đau thương, mất mát. Gia đình ông bắt đầu với chuỗi ngày gian nan, lận đận.

Năm 1946 mẹ ông mất do bạo bệnh. Năm 1947 ba ông cũng ra đi do nghịch cảnh của chiến tranh. Từ đó anh chị em ông sống trong tình trạng mồ côi cha mẹ và cùng sống, chắt chiu, đùm bọc nhau trong hoàn cảnh chung của cuộc kháng chiến chống Pháp. Rồi ông tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, cái tuổi mà đối với ông chưa hiểu gì về lòng yêu nước, về cách mạng hay lòng căm thù giặc nhưng với sự hướng dẫn, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ của các cô chú Việt Minh, năm 17 tuổi ông đã trở thành một trong số cán bộ cách mạng.

Được gói gọn qua 14 trang sách khổ giấy 13 x 19 cm, những thông tin về gia đình, bản thân và hoàn cảnh đưa ông đến với con đường cách mạng được phác họa rõ nét. Không chỉ vậy, ở phần đầu này của tập sách, người đọc còn được thấy, được cảm nhận sự kiên cường của ông, của những người tù chính trị đã bị địch tra tấn trong những tháng ngày bị giam cầm ở các nhà lao: Chí Hòa, Gia Định, Phú Lợi khủng khiếp, đau đớn đến nhường nào. Từ đó càng khâm phục ý chí chiến đấu, trân trọng và biết ơn vô hạn đến những người đã hy sinh cả tuổi xuân, hy sinh tính mạng mình để bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng đội, bảo vệ nhân dân.

Khép lại phần thứ nhất, lật giở những trang tiếp theo, từ trang 15 đến trang 46 là nội dung phần 2 của tập sách. Phần này chứa đựng câu chuyện về những năm tháng ông sống với phong trào công nhân cao su Bình Sơn. Từng nhiệm vụ dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Cao su, của chi bộ cao su Bình Sơn đặt ra để đối phó các âm mưu, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt của địch cũng như vai trò và hình thức tổ chức, hình thức đấu tranh linh hoạt của Đảng bộ Bình Sơn lãnh đạo nhân dân chống Mỹ… được đồng chí Huỳnh Minh Cường kể lại thật chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó còn là tình cảm quý giá của những người công nhân đồn điền ở Bình Sơn đối với cách mạng. Họ không chỉ đóng góp vật chất với phong trào “hũ gạo nuôi quân” trong công nhân được phát động sôi nổi, mà còn đóng góp cả nguồn nhân lực. Từ đầu kháng chiến chống Mỹ đến năm 1974, toàn Bình Sơn có 165 gia đình là cơ sở cách mạng, 196 thanh niên tòng quân nhập ngũ, 6.200 giạ gạo đã đóng góp nuôi bộ đội, tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh chính tri, binh vận, mở được cửa khẩu tổ chức mua bán lương thực, các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống kháng chiến… Tất cả những đóng góp lớn lao ấy được tổng kết lại và thống kê đầy đủ ở trang 43- 44 của tập sách.

Phần 3, cũng là nội dung chính cuối cùng của tập sách với tựa đề Những mẩu chuyện nhỏ ý nghĩa lớn kể về con người và những tấm lòng: Về việc lực lượng cách mạng ta kết hợp hình thức trên - dưới, trong - ngoài đánh địch phá thế kềm kẹp, mở rộng vùng hoạt động; Về sự kiên trì, mưu trí, dũng cảm đánh địch trong lòng địch. Bên cạnh đấu tranh trực diện với địch, công nhân, bà con Bình Sơn còn linh hoạt, sáng tạo, khoét sâu mâu thuẫn trong lòng địch, dùng lý lẽ sắc bén, khôn khéo vạch tội ác của ngụy quân, ngụy quyền bằng đạo lí làm người: “Xét cho cùng, mấy ông cũng là người Việt Nam máu đỏ da vàng, cũng sinh ra lớn lên ở mảnh đất này, cũng bú sữa những bà mẹ Việt, vậy mà mấy ông nỡ đi theo người của ngoại bang Mỹ - Thái, muốn phơi thây bêu xác người Việt mình”.

Lại có khi dựa vào chính những khẩu hiệu tuyên truyền của địch để phản bác lại hành động của chúng: chẳng hạn như việc Mỹ đóng đồn điền cao su, các đồng chí cán bộ cách mạng đã kiến nghị rằng: “Bên quốc gia hay nói ra rả trên báo, trên đài rằng, luôn chăm lo đời sống cho dân, làm cho dân có ruộng cày… nhưng sự thật chúng tôi không có ruộng đất gì, chỉ biết cạo mủ, nay sở lại đóng cửa, dân tôi lấy gì mà sống? Nếu thực quốc gia lo cho chúng tôi có công việc làm ăn thì hôm nay chúng tôi đâu có ngồi đây… nhờ các ông can thiệp để cho người dân có công ăn việc làm, thực hiện đúng lời nói của quốc gia đã nói.” Những lí lẽ thuyết phục của đồng bào, buộc địch thay đổi thái độ.

Quý bạn đọc thân mến!

Ngày nay, những con người trong cuốn sách, có người còn vui vầy cùng con cháu, cũng có người đã ra đi nhưng tấm lòng của họ sống mãi với mảnh đất Bình Sơn thấm đượm máu xương và tình người.

Năm tháng của lịch sử đã đi qua, nhưng những sự kiện xảy ra ngày ấy, những câu chuyện về quân dân Bình Sơn năm nào đã được lưu dấu trong những trang hồi ký của đồng chí Huỳnh Minh Cường.

Đọc “Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ”, để hiểu về một Bình Sơn gian khổ, kiên cường. Từ đó, chúng ta càng thêm trân trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn!” “Ăn trái nhớ người trồng cây”, vui cuộc sống hôm nay, không thể quên xương máu, nước mắt, mồ hôi của những người đã chịu thiệt thòi, mất mát, hy sinh trong chiến tranh.

Đọc “Kể chuyện Bình Sơn kháng chiến chống Mỹ” để thấm thía, tự hào, để chọn cách sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của xã Bình Sơn anh hùng nói riêng và Tổ quốc Việt Nam nói chung, từ đó chung sức chung lòng góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp, văn minh.

Sách hiện có tại Thư viện tỉnh Đồng Nai, trân trọng giới thiệu và hân hạnh được phục vụ quý bạn đọc!

 

        https://www.youtube.com/watch?v=QCQmZMgkdTk

Nguyễn Sen

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 426 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày