(Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia)
Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa được Đảng ta xác định là một nội dung lớn, quan trọng và thiết thực; là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa quốc gia, dân tộc. Thể chế là vấn đề tổ chức bộ máy, đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, tạo khung khổ, hành lang pháp lý cho việc vận hành và phát triển nền văn hóa quốc gia. Chính sách văn hóa là tổng thể các nguyên tắc hoạt động thể hiện đường lốì phát triển văn hóa của quốc gia được thực hành thông qua các biện pháp mang tính can thiệp và định hướng vào quá trình phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách là công cụ hữu hiệu để quản lý phát triển văn hóa; bảo đảm cho việc phân bổ hợp lý các nguồn lực để phát triển văn hóa. Nguồn nhân lực, vật lực được coi là điều kiện cần để xây dựng nền văn hóa quốc gia, dân tộc; là “lực lượng sản xuất” để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giá trị văn hóa, trong đó, con người luôn là nguồn lực trung tâm, quan trọng nhất, tạo ra cơ chế, chính sách, là chủ thể quyết định việc khai thác và sử dụng các nguồn lực khác. Mối quan hệ giữa thể chế, chính sách và nguồn lực là mối quan hệ hữu cơ, gắn kết chặt chẽ với nhau. Chúng vừa là tiền đề vừa là hệ quả của nhau, hay nói cách khác là mối quan hệ nhân quả, tác động trực tiếp vào quá trình và kết quả phát triển văn hóa.
Thời gian qua, công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều chính sách văn hóa đã được ban hành, tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa. Nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa được bảo đảm tốt hơn; nguồn lực huy động từ các doanh nghiệp, xã hội cho phát triển văn hóa được tăng cường... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoàn thiện thể chế, chúng ta còn một số yếu kém, như: Thể chế văn hóa chậm đổi mới (tự chủ đơn vị sự nghiệp nói chung và các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa chậm hoàn thiện); chưa triển khai đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển Thể chế tự hệ thống chính sách về văn hóa còn thiếu đồng bộ, nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp; các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hoá còn hạn chế, chưa thực sự tạo ra động lực cho các chủ thể tham gia phát triển văn hoá, nhất là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ làm công tác văn hoá còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; nguồn lực nhà nước đầu tư cho phát triển văn hoá còn tương đối thấp so với các lĩnh vực khác, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của văn hoá. Tài nguyên văn hóa nhất là di sản, các làng nghề… chưa được khai thác hết.
Nhằm tuyên truyền giới thiệu đến quý bạn đọc, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách, cán bộ quản lý nguồn tài liệu nghiên cứu, tham khảo giá trị trong việc xây dựng, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Kết luận của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Thư viện tỉnh Đồng Nai trân trọng giới thiệu ấn phẩm sách “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa (Kỷ yếu Hội thảo Quốc gia)”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Tỉnh Bắc Ninh xuất bản năm 2023.
Được in trên khổ giấy 19x27cm, ấn phẩm sách bao gồm các bài phát biểu, bài viết của các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, các tổ chức, cơ quan trong lĩnh vực văn hóa được tuyển chọn tại Hội thảo Quốc gia: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức tại thành phố Bắc Ninh tháng 12/2022. Nội dung cuốn sách đề cập toàn diện các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, nguồn lực cho phát triển văn hóa cả trước mắt và lâu dài; làm sáng tỏ các cơ sở chính trị, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, đề xuất các chính sách và giải pháp đột phá, những điểm quan trọng trong thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.
Có độ dày 1207 trang, ấn phẩm sách có kết cấu 4 phần:
Phần thứ nhất: Một số phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước (đồng chí Trần Thanh Mẫn - UVBCT, PCT Thường trực Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đ/c Võ Văn Thưởng – UVBCT, Thường trực Ban Bí Thư; Đ/c Vương Đình Huệ - UVBCT, Chủ tịch Quốc hội…) và Báo cáo Tổng thuật Hội thảo của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội về chủ đề và nội dung của Hội thảo; về thực trạng xây dựng thể chế, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực để phát triển văn hoá con người Việt Nam; các vấn đề đặt ra đối với hoàn thiện thể chế chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hoá trong thời gian tới; các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hoá và một số đề xuất, kiến nghị.
15 tham luận của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương được trình bày ở phần thứ hai của ấn phẩm sách, đã tập trung đánh giá, phân tích về chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”; việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; đánh giá thực trạng và giải pháp về chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá tình hình triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá từ năm 2016 đến nay; quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá...
Phần tiếp theo là tham luận của các địa phương trong cả nước về báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa như: Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hoá ở Tp. Hồ Chí Minh; Chính sách và nguồn lực phát triển văn hoá ở tỉnh Bắc Ninh; Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hoá ở Nghệ An; Chính sách và nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở tỉnh Đắk Lắk và giá trị di sản thế giới khu phố cổ Hội An…
Chiếm dung lượng hơn 2/3 ấn phẩm sách, phần sau cùng tập hợp 60 tham luận của các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp, nhà khoa học tập trung làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn, làm cơ sở kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền việc hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, một số vấn đề như: Công nghiệp văn hóa; những vướng mắc và điểm nghẽn liên quan đến nguồn lực, nhân lực, nguồn lực tài chính, vi phạm bản quyền; lộ trình hoàn thiện về mặt luật pháp trong lĩnh vực văn hóa; trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm văn hóa; những vấn đề đặt ra đối với văn hóa dân gian, văn hóa đô thị, văn hóa nông thôn, bảo tồn di sản; phòng, chống những thông tin xấu độc và nội dung phản văn hóa trên mạng xã hội trong và ngoài nước.
Thông qua ấn phẩm sách, nhằm góp phần tuyên truyền quan điểm, thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế chính sách và nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa, để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế. Đồng thời bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa; chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa…
Ấn phẩm sách được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Đồng Nai.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Đinh Nhài