1 - Tài liệu tiếng Pháp, lưu tại Pari, trong Sloffom III, bìa 48, hồ sơ số 1 Lịch sử, ghi chép số 20835 ngày 2-10-1929, có đoạn: Những ngày đầu tháng giêng năm 1925, sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu đã được Sở liêm phong báo cáo.
Thực ra đó là tin tức về một người mới từ Nga đến, mang tên Lý Thụy, mà đặc điểm và hoạt động làm cho ta nghĩ tới người sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa và tờ báo Người cùng khổ. Mặc dù Lý Thụy giữ gìn rất cẩn thận đối với người xung quanh nhưng khi ông đến Quảng Châu đã chính thức xác minh ông chính là nhà cách mạng Nguyên Ái Quốc rất quen thuộc.
Người Việt Nam này mau chóng trở thành người lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo rõ rệt không cần bàn cãi của ông lớn đến mức hiện nay các đảng chống Pháp đối lập đã phải nghĩ tới việc nhập cuộc với ông để chịu sự lãnh đạo ấy":
2 - Tài liệu do Khâm sứ Trung Kỳ ghi ngày 10-3-1930 có đoạn:
Để hình dung đúng tình hình, trước hết cần phải chỉ ra vai trò của Nguyễn Ái Quốc.
- Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu năm 1925 cùng với Bôrôdin
- Việc này đánh dấu một thời kỳ mới của lịch sử hiện đại của đất nước An Nam.
Từ trước đó, những người xuất dương không có tổ chức, chủ nghĩa của họ không được ổn định rõ ràng, phương pháp của họ tản mạn, sự cố gắng của họ thiếu gắn bó với nhau.
Nguyễn Ái Quốc cũng là người quê ở Nghệ An. Ông ta đến, sự vật bắt đầu thay đổi".
Nguồn Lịch sử Đảng . – 1991. – Số tháng 5. – Tr. 47