Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sách báo chuyên đề Thứ Tư, 27/03/2024, 08:55

Chuyên đề ''Ký ức Điện Biên'': Hành quân lên Điện Biên kéo pháo

Hành quân lên Điện Biên kéo pháo / Hoàng Việt // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2004. – Ngày 19 tháng 2. – Tr. 5.

 

Ngày 20 tháng 11 năm 1953, đúng ngày hành quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ, đại đoàn 304 chúng tôi được lệnh rời hậu phương Thanh Hóa, hành quân đi chiến dịch. Thế là từ đây đại đoàn đã chia đôi, nhận nhiệm vụ chiến đấu ở hai chiến trường khác nhau. Vì trước đó trung đoàn 66 cùng một bộ phận chỉ huy, lãnh đạo đại đoàn đã vượt Trường Sơn đi tham gia chiến dịch Trung Hạ Lào. Theo sự điều động của Bộ. Giờ đây chỉ còn Trung đoàn 57, Trung đoàn 9 và một phần đại đoàn Bộ. Chúng tôi qua Thọ Xuân, Ngọc Lập của Thanh Hóa; qua Mai Châu của Hòa Bình, vượt suối Rút rồi theo đường số 41 lên Mộc Châu, Sơn La. Ai cũng đinh ninh lần này sẽ lên Tây Bắc, nhưng đội hình hành quân vừa đến ngã ba Xồm Lồm, cách Mộc Châu 15 km bỗng được lệnh rẽ theo đường Quang Hưng, sang Thu Cúc, Lai Đồng, rồi vượt sông Hồng về dấu quân tại một khu rừng thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Cán bộ, chiến sĩ đều thắc mắc, suốt ngày chỉ bàn với nhau quanh câu hỏi: “Bao giờ mới được đi chiến đấu và sẽ đánh địch ở đâu?”.

Suốt tháng 12 ém quân ở Phú Thọ, rồi ngày lên đường đối với chúng tôi cũng đã đến. Thì ra trên để chúng tôi nằm im lặng tại đây vừa để nghi binh địch, vừa đề phòng tình huống địch cho quân đánh ra vùng tự do của ta như thời kỳ đầu chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Nay thấy khả năng đó không còn nữa nên ngày 5-1-1954, Bộ Tổng tư lệnh quyết định đưa lực lượng dự bị còn lại lên chiến trường chính Điện Biên Phủ, trong đó có trung đoàn 57 của tôi. Trước lúc lên đường chúng tôi có vinh dự lớn được đón đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đường đi chiến dịch. Đại tướng ghé vào thăm và giao nhiệm vụ trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ.

Chúng tôi náo nức lên đường, hành quân bộ lên Yên Bái lại vượt sông Hồng ở bến Âu Lâu. Từ đây, tiểu đoàn 418 của trung đoàn 57 được lên xe ô tô hành quân gấp để kịp nhận nhiệm vụ đặc biệt. Anh em vô cùng phấn khởi, nhất là những đồng chí lần đầu tiên được ngồi trên xe ô tô. Đường hành quân qua nhiều đèo núi, sông suối, bom đạn địch thường bắn phá, xe nóc nẩy người, dọc đường chúng tôi gặp hàng ngàn, hàng vạn dân công, người gánh kẻ gồng hoặc đẩy xe đạp thồ. Tiếng Bắc, tiếng Trung, tiếng dân tộc hòa lẫn vui như trẩy hội.

Đến km 62 trên chặng đường Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, đoàn xe gặp đồng chí Nguyễn Cận, Trung đoàn trưởng đón anh em và giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn tham gia dùng sức người kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Lần đầu được nhìn thấy những khẩu pháo lớn còn bóng nước thép, bao nỗi nhọc nhằn của chúng tôi đều tan biến hết. Mỗi đại đội được phân công kéo một khẩu lựu pháo 105 ly từ cửa rừng Nà Nhạn vượt dãy núi Khu-pha-xông cao trên 1.000 m, xa hơn 10 km. Càng gần đến đỉnh núi, độ dốc càng cao, việc đưa pháo lên càng vất vả. Cán bộ chỉ huy hô khản cả giọng, phải lấy tiếng mõ tre hay cho tiếng hô: “ Hai… ba” kéo lên dốc. Theo tiếng mõ cả trăm con người choãi chân, nắm chắc dây thừng, rạp mình xuống kéo. Ở trên đỉnh dốc là các chiến sĩ quay tời. Bao quanh khẩu pháo là các chiến sĩ cầm đèn, đẩy pháo. Phía trước là hai pháo thủ khỏe, lái càng. Nhiều đoạn, cả hai đại đội phải cùng hợp lực kéo từng khẩu pháo. Có đoạn hàng mấy giờ đồng hồ mới kéo được mươi mét. Có đoạn một bên dốc cao, một bên vực sâu, mưa trơn chênh vênh, sơ sểnh một chút là pháo và người có thể lao ngay xuống vực. Những ngày đầu do hết gạo, cả tiểu đoàn phải ăn liền hai bữa cháo. Nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi, chịu vắng mặt. Liền 9 ngày đêm không nghỉ, tiểu đoàn đã kéo được 4 khẩu pháo vượt qua 7 dốc cao, tổng độ dài hơn 10 km vào vị trí an toàn, đúng thời gian quy định.

Cả 4 khẩu pháo vừa nằm gọn trong công sự, chúng tôi chưa kịp nghỉ bỗng lại nhận được lệnh mới: “kéo pháo ra! phải thật khẩn trương, ngay trong đêm kéo pháo ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho pháo như lúc kéo vào!”. Chính trị viên tiểu đoàn Trần Lan đến từng đại đội phổ biến mệnh lệnh, kéo pháo ra, chủ trương thay đổi, phương châm tác chiến của bộ chỉ huy chiến dịch và động viên bộ đội kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, chấp hành nghiêm để bảo đảm đánh chắc thắng.

Kéo pháo vào đã khó khăn, vất vả, kéo pháo ra còn khó khăn vất vả hơn vì chặng đường chủ yếu xuống dốc. Địch đã phát hiện ra con đường kéo pháo qua những màu vàng úa của lá ngụy trang. Máy bay trinh sát thay nhau quan sát, chỉ điểm. Máy bay khu trục từng tốp kéo đến bắn phá, ném bom. Đêm đến đại bác địch từ Mường Thanh bắn ra, khi cầm canh, khi dồn dập vào những nơi chúng nghi ngờ. Nhưng khẩu hiệu: “Thà chết cũng không rời pháo”; “Dù bom rơi đạn nổ vẫn bảo vệ pháo đến cùng” đã trở thành quyết tâm sắt đá của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Pháo xuống dốc, nếu chỉ một chút rơi tay ghìm hoặc chèn không cân, không ăn nhịp là hàng tấn thép sẽ lôi theo cả dòng người lao xuống vực.

Khẩu pháo do đại đội 54 phụ trách đang được thả xuống lưng chừng dốc, bỗng bị một mảnh đạn pháo địch làm đứt dây tời. Cả khối thép quay ngoắt ầm ầm lao nhanh xuống dốc. Đồng chí Giá cùng đồng đội đang cố ghìm khẩu pháo lại đã bị chiếc càng pháo văng mạnh vào người, bị thương nặng nhưng anh vẫn không buông tay, cố chịu đựng và động viên anh em: “Cố ghìm! Cố ghìm! Đừng để pháo lăn xuống vực!”. Tinh thần và hành động của anh như cổ vũ mọi người thêm sức mạnh để ghìm khẩu pháo lại.

Thế là qua hơn 10 ngày đêm ròng rã, bằng ý chí quyết tâm và tinh thần lao động, chiến đấu quên mình, tiểu đoàn 418 đã góp phần dùng sức người kéo 4 khẩu lựu pháo 105 mm vào trận địa rồi lại kéo ra an toàn đúng địa điểm và thời gian quy định.

----------------------

 

(Theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Đang nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 trong chiến dịch Điện Biên Phủ)

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1675 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày