Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam Thứ Năm, 14/11/2024, 08:20

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ĐIỂU VĂN CẢI

 

 

ĐỒNG CHÍ ĐIỂU VĂN CẢI (1948 – 1969)[1]

 

Liệt sĩ Điểu Văn Cải[2], dân tộc Chơ-ro, sinh năm 1948, trong một gia đình bần nông tại ấp Đức Thắng, xã Túc Trưng (nay là xã Phú Túc) huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Khi hy sinh, Điểu Văn Cải là Xã đội trưởng xã Túc Trưng.

Điểu Văn Cải có biệt danh là “Kòn Trô” (du kích trẻ con). Tuổi thơ của anh gắn liền vùng quê miền núi mà người dân Chơ-ro luôn trong cảnh đói nghèo, sợ hãi với kinh hoàng của tiếng súng, của những vụ khủng bố ác liệt, nỗi khổ nhục trong những năm tháng quê hương bị xâm lược.

Năm 6 tuổi, anh đã theo cha lên nương trỉa bắp trồng đậu. Hàng ngày, anh phải đi qua những lô cốt đen ngòm, trước cặp mắt dò xét của bọn lính gác. Đêm về, phải chui vào trong căn nhà tôn nóng hầm hập. Năm lên 8 tuổi, anh được cha giao cho việc chăn bò, ở đây anh cùng đám bạn trong làng chơi trò đánh trận giả, chia thành 2 phe, phe ta và phe giặc để cho quen sau này lớn lên ra trận tham gia chiến đấu như những người anh, người chị. Trong lúc tham gia chơi, anh gặp một người anh làm cách mạng giao cho nhiệm vụ mang một ống trúc bên trong có đựng tài liệu quan trọng gửi cho một cán bộ đang hoạt động trong làng. Với sự nhanh trí và lòng dũng cảm, anh đã vượt qua được sự lục xét của bọn lính địa phương khi kiểm tra người về ấp qua cổng làng, đó là nhiệm vụ đầu tiên trong đời mình được anh hoàn thành xuất sắc.

Là người dân tộc ít người sống trong thời buổi chiến tranh, cuộc sống khổ cực nên Điểu Cải không được đi học. Tuy nhiên, sau ngày hoàn thành nhiệm vụ được giao, anh được các đồng chí cách mạng đến nhà động viên đi học chữ.

Quá trình lớn lên, nhìn thấy cảnh đàn áp, phá hoại, dân lành và cha mẹ mình bị bắt bớ nên anh đã xin vào đội du kích để trực tiếp cầm súng đánh giặc.

Năm 1965 anh chính thức tham gia hoạt động cách mạng tại Túc Trưng và là thành viên của đội du kích địa phương.

Ngày 27/2/1966, anh được kết nạp Đảng nhân dân Cách mạng (Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong thời kỳ bám đất, bám dân hoạt động, Điểu Cải luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là Xã đội trưởng đội du kích Bình Hòa, anh cùng với đội du kích Túc Trưng tổ chức nhiều trận đánh vào quân thù, gây cho chúng nhiều tổn thất. Tiêu biểu là các trận đánh:

Trận thứ nhất diễn ra vào đầu năm 1968, địch phát hiện được căn cứ của đội du kích nên nã pháo bắn phá để dọn đường cho bộ binh Mỹ càn quét. Điểu Cải (lúc này đang là Xã đội trưởng) được giao phụ trách cùng 6 du kích phối hợp với đơn vị bộ đội phục kích tại khu rừng Suối Nho. Cuộc giao tranh quyết liệt từ sáng đến tối, lực lượng của ta đã tiêu diệt được 30 tên lính Mỹ và lính quân đội Sài Gòn, làm bị thương 20 tên khác.

Trận thứ hai diễn ra vào tháng 6/1968, một mình anh Cải với khẩu AK đã bắn rơi một máy bay đi thám thính trên trục quốc lộ 20 làm chết 2 lính Mỹ; tháng 11/1968 anh lại bắn rơi 1 máy bay khác tại cây số 91, rơi xuống Gia Kiệm làm chết 5 tên Mỹ.

Trận thứ ba diễn ra tháng 9/1968, anh Điểu Cải tự xung phong một mình (trong nhóm du kích 3 người) cài 3 trái mìn chống tăng khi biết kế hoạch hành quân của địch qua khu vực này. Đúng như nhận định, lần lượt 3 xe thiết giáp M113 hành quân qua khu vực trên trúng mìn và nổ tung làm chết 24 lính Mỹ lính quân đội Sài Gòn.

Trận thứ tư, Điểu Cải cải trang, 3 lần trà trộn vào ấp chiến lược Cây Xăng, dùng lựu đạn và súng AK tự tay tiêu diệt 24 tên lính...

Trận thứ năm vào tháng 6/1969, phát hiện địch dùng mìn mo để cài trên đường lộ đá từ xã Túc Trưng đi vào Tam Bung nên anh đã bí mật cho du kích cảnh giới, còn mình tự bò vào gỡ bỏ, cài hướngkhác. Đến hôm sau, bọn Mỹ và tay sai đi kiểm tra, anh đã chập điện cho nổ mìn, làm chết tại chỗ 12 tên, bị thương 7 tên, thu được 2 súng.

Sau đợt này, anh được chọn cử tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua cấp miền. Tại Đại hội anh tiếp tục được bầu chọn vào phái đoàn Những đứa con ưu tú của miền Nam ra thăm quê Bác Hồ và miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Nhưng ngày 22/10/1969, trong một trận đánh với kẻ thù tại địa phương, anh Cải đã hy sinh anh dũng sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đồng chí Điểu Văn Cải tham gia cách mạng năm 17 tuổi, phấn đấu từ chiến sĩ du kích trở thành xã đội trưởng. Qua 4 năm chiến đấu (từ năm 1965 đến 1969), Điểu Cải đã tham gia 125 trận đánh lớn nhỏ, bắn chết 142 tên Mỹ và tay sai, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng của địch bằng súng K44, bắn cháy 3 xe thiết giáp M113. Ngoài ra, anh còn tìm được bom đạn địch, tự chế tạo thành vũ khí để đánh lại địch; phát động phong trào quần chúng xây cơ sở để nắm tin tức và giải quyết lương thực cho đơn vị; động viên 22 thanh niên địa phương tham gia lực lượng du kích chiến đấu.

Với những thành tích ấy, anh đã được thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng (1 hạng Nhất, 1 hạng Nhì, 2 hạng Ba), 4 lần là Chiến sĩ thi đua và nhiều bằng khen, giấy khen. Liệt sĩ Điểu Văn Cải được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 587/KT-CTN ngày 30/8/1995[3].

Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc của quê hương, tên anh được chọn đặt cho một trường THPT ở huyện Định Quán. Năm 2014, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Quán cũng đã nhờ họa sĩ Võ Tấn Thành tạo dựng lại chân dung anh theo lời kể và mô tả của những người đã từng quen biết anh. Viết về anh hùng Điểu Văn Cải, nhà văn Nguyễn Một có tác phẩm truyện ngắn Điểu Cải - Người anh hùng của dân tộc Chơ-ro.

 



[1] Huỳnh Văn Tới - Nguyễn Minh Hùng (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Hà Thị Thanh Thuý, Đặng Thị Xuân Thắm, Phan Hoàng Oanh (2019), Sáng ngời chất ngọc anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai, tập I, Nxb. Đồng Nai, tr. 594-596.

[2] Nguồn: Hồ Sơn Đài - Trần Quang Toại (chủ biên), Đồng Nai những đơn vị anh hùng, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1985 và website Thư viện tỉnh Đồng Nai. (http://www.thuviendongnai.gov.vn/).

 

[3] Có tài liệu khác ghi: Ngày 6/11/1978.

 

 


Số lượt người xem: 62 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày