Chiến thắng Việc Bắc nhờ chủ trương đường lối sáng suốt của Đảng, tinh thần dũng cảm, kiên cường của quân và dân ta, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì đấu tranh ngoại giao để vãn hồi hoà bình. Mặc dù kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ nhưng Người vẫn kiên trì tìm cách ngoại giao với Quốc hội và Chính phủ Pháp nhằm chấm dứt chiến tranh xâm lược của Pháp. Theo Người, nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn: “Tự do, hoà bình và độc lập”. Người kêu gọi nhân dân và binh lính Pháp, nhân dân các nước đồng minh hãy tìm cách ngăn chặn bàn tay của bọn thực dân hiếu chiến Pháp. Trong thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới 1947, Hồ Chí Minh viết: “Tôi kêu gọi nhân dân Pháp để chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hoà bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam”1
Từ ngày 1-1 đến ngày 1-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 21 lần trực tiếp hoặc gián tiếp đề nghị Chính phủ Pháp thương lượng để chấm dứt chiến tranh.
Ngày 1-10-1947, Hồ Chí Minh lại gửi điện trả lời chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn, đề nghị Chính phủ Pháp giữ “tinh thần hữu hảo, sự tin cậy và sự hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Pháp”. Đồng thời, chính phủ và nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột”.
Đáp lại thực dân Pháp xua quân đánh vào căn cứ địa Việt Bắc. Vì vậy nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng chống lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Việt Bắc làm căn cứ kháng chiến hậu phương của cả nước. Trong lịch sử dân tộc ta có nhiều kinh nghiệm và xây dựng căn cứ địa hậu phương cho các cuộc khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Tháng 5-1945 từ Cao Bằng về Tuyên Quang, Người đã chọn Tân Trào (Tuyên Quang) làm căn cứ để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự kiến trước thực dân Pháp sẽ quay lại xâm lược nước ta. Vì thế, trước khi về Thủ đô Hà Nội, Người đã chủ trương tiếp tục xây dựng, củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Tháng 11-1946, khi thực dân Pháp khiêu khích ở Hải Phòng và Hà Nội, Người gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi nếu địch mở rộng chiến tranh trên miền Bắc thì Hà Nội giữ được bao lâu? Đại tướng thưa rằng Giữ được một tháng, các thành phố khác ít khó khăn hơn, vùng nông thôn nhất định ta giữ được. Suy nghĩ trong giây lát, Người nói “Ta lại trở về Tân Trào”. Sau đó, Người đã cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Trong thời gian ngăn, các cơ sở chính trị của ta được củng cố, hoàn thiện. Hệ thống thông tin liên lạc, phòng gian bảo mật và lực lượng vũ trang cũng được xây dựng và củng cố đồng bộ. Hơn 42.000 tấn máy móc, nguyên liệu để sản xuất vũ khí và 20.000 tấn muối đã đưa lên Việt Bắc. Trước và sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cơ quan lãnh đạo của Đảng và Chính phủ di chuyển lên Việt Bắc an toàn.
Sau khi vồ hụt cơ quan lãnh đạo của ta ở Hà Nội cuối năm 1946, thực dân Pháp vẫn nuôi mộng bắt bằng được cơ quan lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến. Ỷ vào binh hoả lực mạnh, sức cơ động cao thực dân Pháp định nhảy vào Việt Bắc bắt Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng núi rừng Việt Bắc đã trở thành mồ chôn giặc Pháp. Đúng như Hồ Chí Minh nhận định: Căn cứ địa Việt Bắc có thế chiến lược lợi hại, tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Nhờ vậy, mỗi chiến khu, mỗi tỉnh, thậm chí huyện cũng có thể xây dựng được căn cứ địa, căn cứ du kích. Tiêu biểu như các căn cứ Lang Tài (Bắc Ninh), Kim Môn (Hồng Quảng), Bác Ái (Ninh Thuận). Các làng chiến đấu như: Cự Nẫm, Cảnh Dương (Quảng Bình), Chi Lăng (Lạng Sơn), Xi Tơ (Tây Nguyên), Cao Pha (Tây Bắc), Nguyên Xá (Thái Bình). Căn cứ địa Việt Bắc là một đóng góp lớn của Hồ Chí Minh. Hậu phương Việt Bắc đã góp phần tạo lên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tư tưởng chiến lược chính trị, quân sự thiên tài Hồ Chí Minh toả sáng trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. Thiên tài đó đã được thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam kiêm nghiệm. Trước Cách mạng tháng Tám, Người đã quyết định nhiều vấn đề quân sự quan trọng như hoãn cuộc khởi nghĩa Cao - Bắc - Lạng, chỉ thị xây dựng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chỉ đạo tổng khởi nghĩa năm 1945.
Trong những năm củng cố chính quyền cách mạng sau tổng khởi nghĩa, Người lo tổ chức chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang và kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng BCHTƯ Đảng vạch ra đường lối Kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Lúc đầu thế địch mạnh muốn nhanh chóng bóp chết lực lượng vũ trang nhỏ bé, trang bị thô sơ của ta. Người chỉ đạo: Nhanh chóng tổ chức đánh du kích giam chân địch trong các thành phố, tiêu thổ kháng chiến tổ chức tản cư lên vườn không nhà trống; chuyển toàn bộ đất nước từ thời bình sang thời chiến.
Mùa hè 1947 từ khu V trở ra ta có 12 vạn quân trong đó chỉ có 1/4 chiến sĩ được trang bị súng. Riêng chiến trường Việt Bắc, ta chỉ có 20 tiểu đoàn quân chủ lực. Trong khi đó thực dân Pháp tập trung gần 30 tiểu đoàn tinh nhuệ có phi pháo mạnh yểm trợ. Người phân tích: Âm mưu của địch là hội quân ở Bắc Cạn tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, hai cánh quân tạo thành hai gọng kìm. Một theo đường số 4 ở phía Đông; hai theo đường sông Hồng, sông Lô ở phía Tây kẹp chặt lấy Việt Bắc. Chúng chỉ mạnh ở hai gọng kìm Đông và Tây. Nếu ra cùng lực lượng bao vây chặt và tiêu hao quân dù ở Bắc Cạn tập trung lực lượng kiên quyết phản công tiêu diệt các cánh quân địch ở Đông và Tây thì cái ô sẽ cụp xuống thành cái ô rách.
Ta không chủ trương đem quân chủ lực ra chọi nhau với địch mà dùng lực lượng nhỏ thực hiện phương châm: “đại đội độc lập tiểu đoàn tập trung”, phục kích đánh địch trên các địa hình hiểm trở. Bằng phương thức đó, ta đã vô hiệu hoá sức mạnh phi pháo và đội quân vừa đông vừa thiện chiến của địch. Rừng Việt Bắc trở thành “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.
Cuộc tấn công lên Việt Bắc của Pháp bị thất bại nặng nề làm cho chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng bị phá sản. Buộc chúng phải đánh theo cách đánh của ta – đánh lâu dài.
Kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “…bọn quân phiệt thực dân khoe miệng rằng chóng thì dăm tuần, chậm th2i ba tháng chúng sẽ chinh phục được ta”. Đến nay, “Lực lượng của chúng cũng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ… lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến, không có thoái”2
Thắng lợi Việt Bắc, Thu – Đông 1947 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta, thể hiện rực rỡ nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh tài tình, sắc bén, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi này của quân và dân ta đã làm cho quân Pháp từ chủ động sang thế bị động.
Tìm hiểu vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến thắng Việt Bắc, Thu – Đông 1947, chúng ta càng thấy: Tư tưởng quân sự của Người, một trong những nền tảng tư tưởng quân sự của Đảng ta, đã được phát triển trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1954).
1, 2. Hồ Chí Minh Toàn tập, CTQG, H, 1995, T.5, tr.3, 313.
Nguồn Lịch sử Đảng. -1997. –Số 11. –Tr. 25-26, 32.