Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước Thứ Ba, 07/06/2011, 14:20

Lời thề quyết chiến giành độc lập

Mùa hè năm 1945, chúng tôi lên Tân Trào. Tôi cùng đi với các anh Trường Chinh, Hà Huy Giáp và một số đại biểu đi dự đại hội. Đi trong khu giải phóng, hít thở không khí tự do, người thấy nhẹ nhàng... Tôi được tin ông Cụ đã ở Tân Trào, nên quên cả mệt. Nhưng trận mưa to sập đến, suối dềnh lên, đường bị nghẽn, chúng tôi đành nghỉ lại một cơ quan. Sớm hôm sau, cơm nước xong, chúng tôi vào Tân Trào. Tới nơi, anh Võ Nguyên Giáp cho chúng tôi biết ông Cụ đang chờ, nhưng ốm lắm. Mấy hôm trước, bệnh tình có vẻ nguy kịch, tưởng chết. Ông Cụ đã một lần cho gọi anh Phạm Văn Đồng và anh Võ Nguyên Giáp vào bàn công tác như có ý giối giăng... Bàn công việc. Bác đã nói với anh Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...”.

Rồi anh Giáp dẫn chúng tôi đến chỗ Bác ngay. Bước vào cái lều Bác ở, tôi rất cảm động. Nhà trống hơ trống hoác, bốn phía không có phên che. Bấy giờ đã vào thu lại sau những trận mưa liên miên, khí trời lạnh. Ông Cụ ngồi xổm một mình trên sàn. Tôi nhận ra ngay ông Cụ, nhưng ông Cụ hom hem quá, khác hẳn đồng chí Vương hồi trước. Ông Cụ đã để râu, tóc lốm đốm bạc, hai má hóp lại, đầu đội miếng vải túm lại như mũ nồi, mình mặc áo cộc chàm; hai chân gầy khẳng khiu làm cho hai ống quần soóc càng rộng. Chỉ có đôi mắt là vẫn sáng như xưa...

Sau bao nhiêu năm bây giờ mới được gặp lại Bác, tôi nghĩ liên miên, nghĩ chuyện ngày xưa, nhớ những lời Bác dặn dò. Rồi tin Bác bị bắt (1931), bị chết vì ho lao, bây giờ không ngờ lại trở về đây. Bác bảo mọi người ngồi. Giọng nói không có gì đổi khác, vẫn từ tốn, đầm ấm như trước. Hôm ấy tôi được nói chuyện riêng với Bác. Chúng tôi vào thăm Bác và để bàn với Bác về công việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương. Khi bàn công việc, Bác vẫn minh mẫn, khẩn trương. Tôi nhớ khi ấy Thường vụ chưa ấn định dứt khoát ngày họp của Hội nghị Trung ương mở rộng, Bác nói:

- Nên họp ngay và cũng không nên kéo dài hội nghị. Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội.

Một mặt Thường vụ họp, một mặt Bác đề nghị một số đồng chí đi dự Hội nghị Trung ương phải về ngay địa phương, nắm lấy những ý kiến của Ban thường vụ đem về mà thi hành. Ngày ấy, Nhật chưa đầu hàng Đồng minh, nhưng Bác nói: “Chỉ vài ngày nữa là nó hàng, và hàng không điều kiện”. Vài hôm sau, trong khi Hội nghị Trung ương đang họp, chúng tôi được tin phát xít Nhật đầu hàng...

Bác tuy rất yếu nhưng dự họp suốt từ đầu tới cuối với Ban thường vụ. Ngày 13, 14, 15 - 8 - 1945, Hội nghị Trung ương lần thứ chín họp. Những quyết định của hội nghị này có một tầm quan trọng rất lớn đối với vận mạng của dân tộc. Cuộc thảo luận ở Hội nghị thật là sôi nổi và hào hứng bàn nhiều nhất là về hai khả năng của cách mạng: Khả năng thứ nhất là ta lấy lại được nước nắm được chính quyền tức là có cương vị nói chuyện với Đồng minh. Khả năng thứ hai là lực lượng chủ quan của ta yếu, không tận dụng được thời cơ thuận lợi mà giành lấy chính quyền trước khi Đồng minh kéo vào - mà Đồng minh là có Pháp ở trong thì tức là phải đặt vấn đề đàm phán với Pháp... tiếp tục đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng. Khi bàn đến khả năng Pháp có thể trở lại, có đồng chí uất quá nói: Nó vào thì cứ đánh. Dù lực lượng nhỏ đến đâu cũng đánh. Đấy là những lời tâm huyết, biểu lộ một tấm lòng nhiệt thành yêu nước. Nhưng khách quan mà nhìn nhận vấn đề, thì đánh Pháp lúc ấy phức tạp vì nó núp sau danh nghĩa Đồng minh.

Vì điều kiện sức khỏe Bác không dự Hội nghị Trung ương được suốt. Nhưng Bác góp rất nhiều ý kiến. Bác rất sáng suốt và bình tĩnh phân tích tình hình một cách rõ ràng và khoa học. Bác nhận định cách mạng là một cuộc đấu tranh lâu dài làm cách mạng phải chiến đấu hết keo này đến keo khác; trước mắt là phải nỗ lực phát động một cao trào khởi nghĩa, đã có khu giải phóng rồi phải mở rộng khu giải phóng ra khắp nơi trong nước, dù lực lượng còn nhỏ cũng lập khu giải phóng, trước khi Đồng minh vào. Tích cực thì năm được thời coi không tích cực thì thời cơ không chờ mình... Hội nghị quyết định phát động một cao trào khởi nglia suốt từ Bắc chí Nam ai nấy đều bừng bừng chấn khởi...

Một tối sau cuộc họp của Ban thường vụ, chúng tôi đốt đuốc vào thăm Bác. Bác đang nói chuyện với các anh bỗng nhìn tôi và nói:

- Trông chú già đi nhiều.

Tôi hỏi lại Bác còn nhớ tôi cơ ạ?

- Nhớ chứ!...

Buổi tối ấy, Bác và tôi nhắc lại những ngày ở Quảng Châu. Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hai mươi năm rồi. Bác nhớ rất kỹ. Bác rất vui... Nhưng vui mấy thì những cuộc chuyện trò như thế cũng không bao giờ kéo dài quá một tiếng đồng hồ. Cuối cùng lại trở về công tác trước mắt. Sáng ngày 16-8, Quốc dân đại hội khai mạc ở đình Tân Trào. Bác được bầu vào Đoàn chủ tịch. Hôm ấy ban tổ chức giới thiệu Bác là cụ Hồ Chí Minh một nhà lão thành cách mạng. Nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên vì chưa nghe thấy tên Hồ Chí Minh bao giờ. Nhưng một số người đã thì thầm về Bác mà người ta gọi là ông Ké Tân Trào. Mấy đại biểu kháo nhau: cụ Nguyễn Ái Quốc đấy!...

Các đại biểu vừa phấn khởi, vừa bồi hồi. Suốt ngày hôm ấy Bác điều khiển hội nghị. Đại biểu nào cũng chú ý lắng nghe những ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh đọc báo cáo trước Đại hội, nêu ra hai vấn đề lớn để thảo luận Tổng khởi nghĩa và bầu ủy ban giải phóng dân tộc Đoàn đại biểu. Nhân dân Tân Trào đem gạo, đem gà đến mừng Đại hội. Đồng bào ta đã bị chiến tranh bòn mót đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em bé thiểu số gầy gò, vàng vọt. Chúng ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân đại hội. Bác đã đến gần các cháu, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu:

- Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, có áo ấm, được đi học, không lam lũ thế này.

Chúng tôi đều cảm động. Câu nói ấy, về sau này, Bác thường nhắc nhở luôn.

Quốc dân đại hội quyết định lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra ủy ban giải phóng dân tộc mà Bác làm Chủ tịch. Bác tổng kết đại hội lịch sử này, động viên các đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu giành lấy thời cơ thuận lợi có một không hai để đưa cách mạng đến thành công. Sáng 17-8, ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Tôi được cử đi đón Bác... Khi Bác đi từ dưới suối lên, các vị trong ủy ban đã đứng trước đình chờ sẵn. Bác bước tới và đứng vào giữa, thay mặt ủy ban, hướng lên lá cờ đỏ sao vàng dựng trước đình, đọc lời tuyên thệ. Lời thề “Quyết chiến giành độc lập cho Tổ quốc” rất ngắn, nhưng rất súc tích, như mọi câu nói, mọi bài viết của Bác. Tôi không nhớ được lời văn, nhưng nhớ đại ý:

“Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban giải phóng dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.

Giọng Bác trang nghiêm, lời thề dõng dạc, biểu lộ cái khí phách kiên cường, dũng cảm, quật khởi của dân tộc ta. Chúng tôi thấy rạo rực trong người, giơ tay theo kiểu chào bình dân, cùng hô một cách mạnh mẽ: Xin thề!

Nguồn Sự kiện & Nhân chứng. -2006. –Số 152. –Tr.3, 8.


Số lượt người xem: 2374 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày