Tháng 10 năm 1945, sau khi đánh chiếm Biên Hòa, quân Pháp tiến hành bình định các vùng phụ cận. Long Thành là một địa bàn trọng điểm mà quân Pháp tập trung nhằm đánh phá phong trào cách mạng tại đây.
Địa bàn Long Thành có phong trào đấu tranh cách mạng kiên cường và tổ chức Đảng, chính quyền khá mạnh. Tổ chức Huyện ủy do đồng chí Trịnh Văn Dục làm bí thư, Vũ Hồng Phô làm phó bí thư. Đồng chí Đỗ Hữu Phú phụ trách Quốc gia tự vệ cuộc (lực lượng an ninh bấy giờ).
Vào đêm ngày 11 tháng 11, tại Phước Kiểng, bọn lính Nhật tổ chức bắt cóc đồng chí Trịnh Văn Dục và Đỗ Hữu Phú nhằm đánh vào bộ máy chỉ huy của chính quyền cách mạng. Huyện ủy Long Thành quyết định phát động một cuộc biểu tình toàn huyện đòi kẻ thù thả ngay hai đồng chí Dục và Phú.
Ngày 13 tháng 11, khắp các ngả đường về thị trấn Long Thành, quần chúng tham gia cuộc vận động của Huyện ủy. Hàng ngàn người xuống đường kéo về thị trấn Long Thành. Cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng được tổ chức chặt chẽ, đầy đủ các tầng lớp nhân dân: công nhân, quần chúng nông dân, các hội Phụ nữ, tiểu thương viên chức, Phật giáo, Công giáo yêu nước tham gia… Nhiều khẩu hiệu đả đảo lính Nhật, thực dân Pháp, đòi thả cán bộ cách mạng được quần chúng giăng khắp trên đường tuần hành biểu tình.
Để đối phó, bọn lính Nhật cho quân ngăn chặn tại thị trấn, ngả đường vào Sở SIPH — nơi chúng giam giữ đồng chí Trịnh Văn Dục, Đỗ Hữu Phú. Khi đoàn biểu tình đến thị trấn, lính Nhật cầm súng tuốt sẵn lê chận đoàn đấu tranh. Hội Phụ nữ đi đầu hô vang khẩu hiệu đả đảo bọn lính và xông vào đội hình lính Nhật, giằng súng và hô hào bà con tiến lên. Đoàn biểu tình nhất loạt tiên lên vượt qua hàng chắn lính Nhật tiến về Sở SIHP. Trước khí thế sôi sục của nhân dân, lính Nhật phải giải quyết ôn hòa.
Khi đoàn biểu tình đến trụ sở của Sở SIHP, lính Nhật rút lui vào bên trong cố thủ. Hoảng sợ trước khí thế của đoàn biểu tình, địch cho người đàm phán. Huyện cử đồng chí Vũ Hồng Phô dẫn đầu một phái đoàn vào làm việc. Lợi dụng thời gian tạm nghỉ buổi trưa, địch bí mật đưa đồng chí Trịnh Văn Dục, Đỗ Hữu Phú về Biên Hòa giam giữ. Khi biết tin hành động xảo trá của địch, đoàn biểu tình tràn lên tấn công khiến lính Nhật phải tháo lui vào cổng sở. Lực lượng vũ trang, thanh niên trong đoàn biểu tình với vũ khí thô sơ chuẩn bị cho cuộc tiến công vào trụ sở địch. Lính Nhật được lệnh của chỉ huy đã nổ súng uy hiếp tinh thần của đoàn biểu tình.
Nhằm tránh đổ máu của quần chúng, bảo đảm lực lượng để chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh tiếp, Ban chỉ huy cuộc biểu tình phát lệnh rút quân. Tuy không đạt được mục đích đòi địch thả hai cán bộ cách mạng nhưng cuộc biểu dương sức mạnh với trên 1.500 người ở Long Thành đã làm cho kẻ thù khiếp sợ; quân Nhật những ngày sau đó án binh bất động, không dám hống hách lùng sục hành quân vào các làng xã như trước.
Đây là cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên ở địa bàn quận Long Thành trên địa bàn tỉnh Biên Hòa sau Cách mạng tháng Tám. Cuộc đấu tranh là một nét mới của phong trào cách mạng trong việc bảo vệ thành quả cách mạng, thể hiện sức mạnh đoàn kết của giới và các đoàn thể nói chung, cổ vũ tinh thần đấu tranh trong quần chúng chống thực dân Pháp xâm lược ở Biên Hòa.
Nguồn: Hỏi đáp về Biên Hòa – Đồng Nai / Phan Đình Dũng, Nguyễn Thanh Lợi. – Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai, 2020. – Tr. 226-228