Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sách báo chuyên đề Thứ Ba, 26/03/2024, 13:45

Chuyên đề ''Ký ức Điện Biên'': Đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ

Đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ / Hoàng Hà ghi // Điện Biên Phủ nhân chứng sự kiện. – 2003. – H. : Quân đội nhân dân. – Tr. 110–122.

Quãng đường Tạ Khoa - Cò Nòi, trước cứ tưởng thế là xấu nhất rồi, nay so với quãng đường Tuần Giáo - Điện Biên thì thật chưa thấm vào đâu. Đường quãng này rất hẹp, hoàn toàn là đá “sít” bỏ lâu ngày nên đã bị vỡ lở gần hết, có nơi mặt đường ngang với mặt ruộng. Vùng này nhiều sương mù, nên mặt đường luôn luôn ẩm ướt, lầy lội, chỉ rình sụt lở. Đúng là một trận mưa to còn phá hoại đường nhiều gấp mấy lần một trận bom. Ở đây, tuy không có những đèo dài như ngoài kia, nhưng lại có những đoạn gấp khúc bên dốc núi, bên vực thẳm rất nguy hiểm mà chắc chắn thế nào rồi thằng địch cũng phá hoại như ở ki-lô-mét 5, ki-lô-mét 20, ki-lô-mét 34… Đã vậy, vùng này khe suối lại chằng chịt như mạng nhện, nhiều chỗ không thể làm bến lội. Mới tính phát cũng đã phải bắc ngót 50 cái cầu, làm gần chục cái cống. Riêng số đất đá phải bới đi cũng đã lên gần 6000 mét khối mà lại không được dùng thuốc nổ, để giữ bí mật.

Còn về thời gian thì cấp trên quy định chậm nhất rằm tháng Chạp phải mở thông đến ki-lô-mét 60. Đảng ủy trung đoàn sau khi phân tích hết khó khăn, thuận lợi, đã hạ quyết tâm lãnh đạo thực hiện bằng được kế hoạch. Chúng tôi lại nhất trí điều tiểu đoàn đồng chí Ung Răng lên làm, giao nhiệm vụ củng cố quãng Tạ Khoa - Cò Nòi cho một tiểu đoàn khác. Ung Răng được tăng cường thêm hai đại đội công binh nữa. Sau đó, cấp trên trực tiếp nghe công binh báo cáo, đã quyết định điều một số đơn vị pháo và bộ binh đến cùng tham gia mở đường với chúng tôi.

Mấy hôm sau, đồng chí Ung Răng nhận được điện, cấp tốc dẫn đơn vị lên.

…Sương mù ở vùng này có cái hại nhưng cũng có cái lợi. Nhiều hôm, mãi đến mười giờ sáng mới tan hết sương. Chúng tôi lại tranh thủ làm thêm được bốn năm giờ nữa, chẳng lo máy bay, máy bò gì. Ở mặt đường về, rửa ráy, tắm táp, cơm nước xong, ngủ được một lúc, bộ đội lại vùng dậy đi chặt gỗ để đêm còn có cái mà làm cầu. Thoạt đầu, đi gần còn lấy được gỗ, sau thì phải bắc nhiều cầu quá, lại còn phải lấy gốc về để rải “rộng đanh” “chống lầy”, chặt mãi rồi cũng hết, bây giờ, muốn có gỗ, phải đi rất xa. Đào đất, chặt gốc ngày nào cũng quần quật mười mấy giờ, nên bộ đội rất mệt. Một hôm, tôi đi kiểm tra, bắt gặp một đồng chí đứng bên gốc cây hàng giờ. Đến gần, hóa ra đồng chí ấy đã ngủ, đi cũng ngủ, đứng cũng ngủ, bộ đội đói ngủ ghê gớm!

Đảng ủy đoàn thể để hẳn ra 1 buổi họp chỉ để bàn cải thiện sinh hoạt, chăm chút cái ăn, cái uống cho bộ đội. Sau đó, dưới đơn vị có phong trào tự túc củ mài, vào rừng lấy rau dớp, cải xoong, bẫy chim, bẫy chồn. Trên đoàn bộ, phong trào cũng rất sôi nổi. Đồng chí trung đội trưởng Thứ xung phong về xuôi mua bò đánh lên.

Đàn bò đồng chí Thứ lên đến nơi chẳng thiếu con nào, mà lại đều béo múp. Sau này, có đơn vị còn giong được một chuyến 500 con lợn từ Thanh Hóa lên, không mất, không chết, không sút cân kia! Giỏi thật! Đoàn bộ chúng tôi bây giờ còn có đồng chí Ngừ. Đồng chí này ngày xưa ở nhà là hương sử, chữ nghĩa cũng không nhiều lắm, nhưng sáng dạ ít ai bằng. Ngữ được cử lên Nậm Míu đánh cá. Chỉ trong nửa tháng, đồng chí ấy đã cung cấp các đơn vị trong đoàn hơn 5 tấn cá.

Cái ăn, cái uống đã kha khá, trông anh em đã thấy có “máu mặt”. Tuy vậy, chúng tôi vẫn chưa hết áy náy. Bộ đội còn phải bỏ sức ra nhiều quá. Chúng tôi gọi đồng chí Ung Răng lên, giao cho thực hiện 2 việc: Một là, mỗi đại đội phải tự túc ngay 1 lò rèn, trước là rèn bu-loong, sau là sửa chữa cuốc xẻng. Bấy giờ cuốc xẻng quý lắm, gãy cuốc, mẻ xẻng, khác gì cụt tay, cụt chân. Cuốc xẻng dùng từ đầu chiến dịch, đến lúc đó có cái đã mòn vẹt quá nửa. Đồ dùng như thế, làm vừa tốn sức, vừa mất việc. Hai là, phải phát động ngay trong anh em một phong trào cải tiến đồ dùng. Bất luận sáng kiến to hay nhỏ thế nào, có lợi cho công việc lại đỡ vất vả hơn trước, đều được hoan nghênh.

Chúng tôi bảo Ung Răng:

- Đây cũng là một dịp tốt để đồng chí rèn luyện thêm công tác vận động quần chúng đấy.

Về đến nhà Ung Răng hăm hở bắt tay thực hiện ngay. Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau đã có chuyển biến. Nhiều xe cút-kít “dã chiến” đã tiến ra mặt đường thay cho quang gánh. Trước nay, việc chuyển đá từ dưới vực lên rất vất vả. Chúng tôi quyết định, trước hết phải hướng trí tuệ của anh em vào giải quyết bằng được cái khâu ấy. Anh em liền nghĩ ra kiểu “cần trục” dây chuyền. Cứ cách10 mét lại dựng lên một cái cần kéo như kiểu cần múc nước giếng. Cứ thế đá được chuyển dần từ dưới vực sâu lên.

Với cái đà ấy, công việc chạy băng băng, anh em đã được ngủ nhiều hơn trước.

Còn địch thì tất nhiên đâu có chịu để ta yên. Ngày mùng 4, chúng tôi bắt tay mở đường Tuần Giáo - Điện Biên thì ngày mùng 7 chúng phá. Qua đợt công tác dưới Tạ Khoa, kinh nghiệm của ta càng già dặn trong việc chống địch phá hoại. Việc chống bom nổ chậm bây giờ đã trở thành quá quen thuộc, quá bình thường. Có những chỗ, ngày nào địch cũng phá. Trước muốn phá đường cứ phải đi lấy gỗ. Như thế vừa tốn, vừa lâu, mà hôm sau nó phá hỏng cũng uổng. Anh em liền nảy ra sáng kiến chặt chuối rừng thay gỗ cạp đường. Chuối thì chỗ nào chẳng có. Nó phá xong ta vá được ngay, vá kiểu cấp tốc này, chẳng mất bao nhiêu thời gian. Tính chung cả chiến dịch, nó phá hoại gần chín chục lần, ta bảo đảm 65 lần, nói chung cứ 12 giờ đêm trở đi là đường vừa bị oanh tạc xong lại liền như cũ.

Anh chị em dân công làm đường với bộ đội 1 thời gian ngắn, đã dạn dần bom đạn. Anh em công chính cũng đã “quân sự hóa” không kém bộ đội, nhiều chặng đã có thể giao lại cho anh em hoàn toàn đảm nhiệm, kể cả nhiệm vụ chống phá hoại ở đó. Đội trưởng Xuyên Khung rất phấn khởi trước việc này. Bây giờ đây, không phải chỉ có 1 mình đội của đồng chí ấy thông thạo việc chống, phá bom nổ chậm nữa! Nhờ đó Xuyên Khung được rảnh tay hơn trước, nhận những việc khó khăn hơn. Sau này, khi quân ta chuyển sang tổng công kích, Xuyên Khung được trực tiếp leo lên nên gặp đồng chí đại tướng nhận lệnh dẫn 1 phân đội tiến vào trung tâm đội A1, giật nổ tung khối bộc phá 1000 kg, góp phần công lao trong việc tiêu diệt hoàn toàn định đóng ở đó, chấm dứt những cuộc chiến đấu giằng co tranh chấp từng thước đất 1 giữa ta và địch đã diễn ra trong 1 thời gian dài.

Cuối tháng giêng, đầu tháng 2 trừ ngã 3 Cò Nòi và 1 vài nơi khác còn lại đều do anh em công chính phụ trách suốt đến tận Tuần Giáo để lực lượng bộ đội ta có thể bứt ra, tiến sát hỏa tuyến. Ngay từ cuối tháng Chạp. Chúng tôi đã có thể tính chuyện rút 1 số đơn vị đang củng cố đường và vừa mở rộng đường cho pháo đi phía dưới lên tăng cường cho tiểu đoàn Ung Răng. Đúng đêm hôm rằm tháng Chạp, ô tô của ta đã tiến sát vào ki-lô-mét 60, nghĩa là nếu chiếu thẳng thì chỉ cách khu trung tâm Mường Thanh hơn chục ki-lô-mét. Và đến thượng tuần tháng giêng thì ngay lựu pháo, cao pháo kềnh càng là thế cũng đã đi suốt đến tận Nà Tấu, Nà Nham.

Cách mấy hôm trước khi đường hoàn thành, 1 đồng chí trong ban chỉ huy được triệu tập lên dự hội nghị thảo luận chủ trương, kế hoạch, phương châm chiến dịch. Một vấn đề rất lớn được nêu lên, bàn bạc sôi nổi là tác chiến theo phương châm nào. Căn cứ nào vào tình hình địch ta lúc đó, số đông cán bộ đều tán thành “đánh nhanh giải quyết nhanh”.

Họp xong, anh Thành gọi chúng tôi đến, nói:

- Muốn đánh nhanh, giải quyết nhanh thì phải giữ được yếu tố bất ngờ. Tiếp tục đưa pháo vào bằng con đường Tuần Giáo - Điện Biên mà các đồng chí mới mở, sớm muộn thế nào địch cũng phát hiện được. Cần phải chuyển ngay pháo sang phía tây. Bộ giao cho công binh nghiên cứu, mở cấp tốc con đường đó, chậm lắm là trong vòng 4 hay 5 ngày nữa phải xong.

Tôi nói:

- Gấp như vậy, ta chỉ có thể làm được đường kéo pháo bộ…

Anh Thành gật đầu:

- Đúng! Phải kéo bộ. Trước mắt đó là 1 yêu cầu rất cao đối với pháo binh, nhưng tôi tin rằng rồi anh em sẽ làm được và làm tốt. Công binh phải nghiên cứu thật chu đáo để có thể hạn chế khó khăn trong công việc mới mẻ này đến mức thấp nhất…

Ngay sau đó, 1 ban chỉ huy kéo pháo được thành lập. Đoàn chúng tôi cấp tốc cử đồng chí đoàn phó và 1 số cán bộ kỹ thuật đi nghiên cứu đường. Thấy công việc rất khẩn trương, ngoài lực lượng công binh của chúng tôi và của các đại đoàn, cấp trên quyết định điều thêm 1 số đơn vị bộ binh đến cùng tham gia mở đường.

Công việc nghiên cứu rất phức tạp, nhưng phương tiện không có gì đáng kể, ngoài mấy cái địa bàn chiến lược chiến lợi phẩm. Anh em nghĩ cách chế lấy đồ dùng làm việc, tất nhiên là không mỹ thuật lắm, nhưng cũng được việc. Với một tấm bìa lấy ở các hòm đạn ra, lúc gấp quá thì một quyển sách cũng được, cộng với một đoạn dây treo quả dọi, thế là đã có thước đo độ dốc. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà các đồng chí làm việc kém hăng say. Không! Công việc vẫn rất chạy. Kế hoạch mở đường sau khi thông qua, được các đơn vị bắt tay vào làm ngay. Đường kéo dài khoảng 9 ki-lô-mét, vòng vèo theo triền núi bắt đầu từ Nà Nham xuyên rừng, vắt qua đỉnh Pha Sông, sang gặp con đường Lai Châu - Điện Biên bên kia ở quãng phía Bắc, cách đồi Độc Lập 4 hoặc 5 ki-lô-mét. Cũng có một thuận lợi là chỗ đường xuyên trong rừng sâu, nên bộ đội có thể làm cả ban ngày. Những quãng đường thông mở đến đâu lại dựng lên giàn ngụy trang kín mít đến đấy, như kiểu giàn mướp. Hàng ngày, có một bộ phận chuyên trách kiểm tra xem chỗ nào lá cây hơi héo là thay ngay.

Đường cứ tiếp tục mở, pháo cứ tranh thủ nhích lên từng bước. Rồi không phải chỉ có pháo binh mà dân công tải đạn cũng tranh thủ vượt, đường đâm ùn. Phao binh “kỳ kèo” dân công. Dân công cũng mau miệng để đáp lại:

- Thì chính chúng tôi đang chuyển đạn cho các anh đây, chứ chuyển cho ai! Pháo vào được đến nơi, nhưng lại không có đạn, thử hỏi pháo có bắn được không?

Cũng có lý! thế là ban chỉ huy lại phải đứng ra giải quyết. Dân công được phép bám sau pháo, pháo nhích lên đến đâu dân công theo sát đến đấy.

Chúng tôi đi kiểm tra đường về, thấy anh em kéo pháo vất vả lắm. Trong khi nghiên cứu, đồng chí đoàn phó và anh em kỹ thuật đã cố tìm đường khác khi gặp phải dốc cao hoặc vách đá, nhưng cũng không thể nào tránh hết được. Có chỗ bàn với nhau phải tìm cách đặt thêm tời. Guồng quay thì không thành vấn đề. Gỗ tốt sẵn, muốn đóng mấy cũng có. Nhưng gay nhất là dây cáp. Trước đây phải mãi đến chiến dịch Hòa Bình, chúng tôi mới xoay xở được. Mấy trăm thước để dùng vào việc bắc cầu phao. Chúng tôi quý nói như vàng, cứ giữ như “thần giữ của”, cần lắm mới dám thò ra. Lần này, có bao nhiêu đã bỏ ra hết nhưng vẫn không đủ. Bí quá, đành phải dùng cả dây chão. Trong số những nơi phải đặt tời, có cái dốc Pha Xông cao nhất, phải đặt 5 đến 6 tời.

Bây giờ, bên công binh đã có đồng chí đoàn phó được chỉ định sang làm tham mưu trưởng cho ban chỉ huy kéo pháo. Còn tôi, vẫn nắm tình hình chung các tuyến đường, lúc bấy giờ đang tiếp tục củng cố, bắc lại cầu những chỗ trước kia tạm đắp đất cho xe đi.

Lựu pháo, cao pháo vừa mới được đưa vào trận địa buổi sáng, buổi chiều chợt có lệnh đại tướng xuống: “Để tăng cường công tác chuẩn bị bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch, ngay từ tối hôm nay bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa tạm thời, đến những vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để, nhiệm vụ chuyển pháo coi như nhiệm vụ chiến đấu”.

Cũng như nhiều đồng chí khác, bấy giờ, tôi chưa hiểu đầu đuôi ra sao. Nhưng rồi cũng chẳng còn thì giờ đâu mà nghĩ ngợi. Mối lo công việc phải làm để đảm bảo cho pháo rút ra an toàn đã chi phối hết.

Mọi việc lại diễn ra như cũ, nhưng ngược lại. Nếu trước đây quay tời cho pháo lên thì nay ghìm tời cho pháo xuống dốc. Tuy nhiên, lần này rút được kinh nghiệm, công việc chạy hơn trước. Còn địch thì phá hoại ác liệt hơn nhiều, ở một đôi quãng, chúng đã phát hiện được đường ta kéo pháo.

Ra được đến Nà Nham thì vừa Tết đến. Cơ quan đoàn bộ chúng tôi chuyển về ki-lô-mét 62 để tiện nắm tình hình đơn vị. Các tiểu đoàn đã lần lượt bàn giao những chặng phía dưới lục tục kéo lên đây, gần đủ mặt. Bấy giờ việc huy động nhân tài, vật lực tại chỗ, trước hết là nhờ có gạo của Khu ủy Tây Bắc chuyển đến, nên tình hình tiếp tế cho bộ đội đã bớt căng hơn trước. Chúng tôi đã có thể tính chuyện tổ chức cho anh em ăn Tết tươi vui một chút. Ngoài những món cổ truyền như bánh chưng, thịt đông, anh em còn chế biến được khá nhiều món độc đáo. Tiểu đoàn bộ có ké Tiu cấp dưỡng, nấu nướng rất giỏi. Hành quân dù phải gánh nặng đến mấy, ké vẫn không chịu bỏ cái bị gia vị thập cẩm. Tết nhất đến, ké được dịp tha hồ trổ tài. Tuy thịt thà chưa có nhiều lắm, nhưng nhờ tài khéo léo gia giảm của ké, món gì là miệng anh em cũng được thưởng thức. Lại còn một đồng chí nữa tên là Cán. Dạo mở đường kéo pháo, thấy anh em thiếu chất ngọt quá, Cán cứ băn khoăn mãi. Chả biết đồng chí ấy học ai hay mày mò ra mà chế được kẹo mạch nha. Cán đúc kết thành công thức hẳn hoi, phổ biến cho các đơn vị biết làm để ăn Tết thêm vui vẻ. Mẻ mạch nha nào hỏng, anh em lại bỏ vào nấu chè chả phí đâu cả.

Tết nhất xong, sau khi đã được quán triệt tình hình, nhiệm vụ, phương châm tác chiến mới. “Đánh chắc tiến chắc”, chúng tôi lại lao vào những đợt chiến đấu thầm lặng, nhưng cũng rất căng thẳng. Anh Thành lại trực tiếp giao nhiệm vụ cho công binh. Anh nói:

- Địch vẫn chiếm ưu thế hơn ta về không quân và ngay cả pháo binh. Cho nên cần bố trí làm sao để hỏa lực thì tập trung mà hỏa khí thì phải phân tán. Có như thế mới tránh được thiệt hại và giữ được yếu tố bất ngờ. Cần chuẩn bị kỹ càng hơn thế nữa về mọi mặt.

Một trong những việc phải chuẩn bị là mở đường cho pháo cơ động. những con đường đó phải đảm bảo bí mật. Chúng tôi nghiên cứu được năm đường: từ Bản Tấu đi Tà Lẻng, từ Mường Thanh đi Nà Nham, từ Bản Xiêu đi Bản Tấu,… còn một đoạn nữa từ Mường Phan đi Phú Hồng Mèo, tìm mãi vẫn không ra đường, chưa biết nên mở thế nào. Mà đây lại là con đường quan trọng nhất. Nếu mở được, pháo ta sẽ đi sâu vào phía Đông tập đoàn cứ điểm, giữ được cái thể đứng trên đầu thằng giặc mà nã vào khu trung tâm.

Anh Thành trực tiếp nghe báo cáo, lo lắm. Anh bảo tôi:

- Đồng chí về chuẩn bị đi. Mai tôi thu xếp công việc trên này xong, sẽ xuống đi với các đồng chí. Có đến hơn 1 tuần, anh Thành cùng đi tìm đường với công binh.

Ngõ ngách nào chúng tôi cũng sục vào nhưng vẫn chưa tìm được chỗ mở, hoặc vì lộ quá, hoặc vì vướng núi cao quá. Thú thật, có lúc tôi thấy hơi nản, nhưng anh Thành đã kịp thời tiếp thêm nghị lực cho tôi.

Một hôm cấp trên lại cử anh Thành xuống, trông dáng điệu rất vui vẻ. Tôi đoán là có tin mừng gì về con đường mà chúng tôi đang mất ăn mất ngủ đây. Quả nhiên, vừa bước vào nhà anh nói ngay:

- Các đồng chí đã biết chuyện 1 đồng chí quân báo mình đạt được cái xà cột đầy tài liệu mật trong tay thằng quan tư chưa?

Anh Thành lại suýt xoa.

- Tiếc quá. Suýt thị nữa thì đồng chí ấy bắt sống được cả “cái lưỡi” đó…

Rồi anh vừa mở xà cột vừa nói:

Nhưng dầu sao thì đồng chí quân báo cũng đã lấy được cho các đồng chí 1 thứ rất quý…

Tôi hồi hộp quá.

Bản đồ chi tiết vùng Pú Hồng Mèo hả anh.

Anh Thành vui vẻ gật đầu:

- Đúng. Đấy, nó đấy!

Tôi mừng quá, đỡ lấy tấm bản đồ chiến lợi phẩm mà 2 bàn tay cứ run lên, chỉ kịp liếc qua rồi vội xin phép anh Thành cho họp cán bộ tham mưu để nghiên cứu ngay.

Lần theo dọc con suối có ghi trên bản đồ và kiểm tra lại qua những tài liệu mà chúng tôi đã thu thập được trong hơn một tuần đi nghiên cứu vừa qua, chúng tôi sơ bộ phác ra một con đường mới.

Bây giờ là lúc cần phải kiểm nghiệm lại trên thực địa. Anh em sửa soạn qua loa rồi chống gậy theo anh Thành ra đi.

Và thế là con đường chỉ dài có 8 ki-lô-mét, nhưng rất bí mật chiều hôm đó đã nằm dưới chân chúng tôi.

Tôi về, ké Tíu lại được phép trổ tài nấu nướng. Anh Thành cho phép được tạm “phá nội quy” đánh tú-lơ-khơ đến khuya. Cũng như mọi bận, tôi và anh lại ôm hàng đống bài như cái quạt.

Anh Thành giao hẹn:

- Chỉ được hôm nay thôi đấy. Từ mai trở đi, lại phải vào nề nếp như cũ.

Chỉ trong 1 thời gian ngắn sau đó, cả 6 con đường đều đã mở xong. Pháo ta đã có thể vận động dễ dàng suốt 60 ki-lô-mét xung quanh Mường Thanh để đến ngày 13-3, bất thần gầm thét trút bão lửa xuống đầu giặc.

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1058 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày