Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Nam Bộ. Tổ chức Thanh niên Tiền phong được thành lập từ ngày 1 tháng 7 năm 1945, tại Sài Gòn. Thanh niên Tiền phong lấy đoàn kỳ là cờ vàng sao đỏ, đoàn ca là bài hát “Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, mang đồng phục và trang bị những vũ khí thô sơ (gậy tầm vông), gia nhập tổ chức này mỗi thành viên phải tuyên thệ 3 lời thề trung thành với Tổ quốc, nhân dân và phẩm chất của thanh niên. Một thời gian ngắn phong trào Thanh niên Tiền phong phát triển khá rầm rộ ở Nam Kỳ. Đến trước khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Thanh niên Tiền phong đã có 1.200.000 đoàn viên ở 21 tỉnh thành Nam Bộ, trong đó có tỉnh Biên Hòa.
Ở Biên Hòa trong những ngày nổi dậy cướp chính quyền vào mùa thu tháng Tám năm 1045, hoạt động tổ chức Thanh niên diễn ra sôi nổi ở các quận lỵ. Tại quận Long Thành, từ tháng 5/1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong đã đến và phát triển mạnh mẽ đến tận các địa bàn cơ sở. Các ngả đường, lực lượng này được chú ý với đầu đội mũ ca lô, tay cầm gậy tầm vông, vai đeo cuộn dây thừng bằng sợi dứa, tập dượt.
Địa bàn quận Xuân Lộc dưới sự lãnh đạo của các đồng chí đảng viên và cán bộ cách mạng, chỉ trong vòng hai tháng tổ chức Thanh niên Tiền phong do ông Huỳnh Văn Huấn công chức sở đoàn làm thủ lĩnh được xây dựng hầu hết ở các xã, vùng nông thôn trong quận và các đồn điền cao su (ở các đồn điền gọi là Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp). Ngày 28/8/1945, Thanh niên Tiền phong cùng các lực lượng cách mạng khác tổ chức canh gác, giữ gìn trật tự, trị an trong công sở, đuổi chủ tây, quản lý đồn điền. Ở thị trấn Xuân Lộc, Thanh niên Tiền phong tấn công đánh chiếm, giải tán lính địch tại các đồn, công sở địch góp phần cho cuộc nổi dậy cướp chính quyền thành công.
Ở Biên Hòa, tổ chức Thanh niên Tiền phong do Huỳnh Thiện Nghệ làm thủ lĩnh, đã phát triển nhanh chóng từ tỉnh đến cơ sở làng, xã, nhà máy. Từ tháng 7/1945, Hội nghị của Xứ ủy Nam Kỳ họp với lãnh đạo Tỉnh ủy tại chùa Tân Mai chủ trương gấp rút xây dựng lực lượng và nắm chắc lực lượng Thanh niên Tiền phong để phối hợp tiến hành khởi nghĩa. Trong thời gian khởi nghĩa, đêm 23 rạng ngày 24/8/1945, trong nội đô thị xã Biên Hòa, nhân dân treo cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm và cờ vàng sao đỏ (cờ của Thanh niên Tiền phong) nhiều nơi. Lực lượng Thanh niên Tiền phong trở thành các đội xung kích, nhanh chóng chiếm lĩnh, tiếp quản các cơ quan, công sở trong nội ô Biên Hòa và sau đó tham gia cuộc mít tinh, diễu hành vào ngày 27/8/1945 tại Quảng trường Sông Phố lịch sử khi chính quyền về tay nhân dân. Đến ngày 25 tháng 9 năm 1945, theo chủ trương của Tỉnh ủy Biên Hòa, tổ chức Thanh niên Tiền phong hợp nhất với Thanh niên cứu quốc, lấy tên là Thanh niên Cứu quốc do đồng chí Đoàn Bá Bích phụ trách
Nguồn: Hỏi đáp về Biên Hòa – Đồng Nai / Phan Đình Dũng, Nguyễn Thanh Lợi. – Đồng Nai : Nxb. Đồng Nai, 2020. – Tr. 217-219