Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 23/11/2023, 20:20

Kỷ niệm 195 năm Ngày sinh vị anh hùng Nguyễn Cao (1828 – 2023)

 

Nguyễn Cao tên thật là Nguyễn Thế Cao sinh năm 1828 tại làng Cách Bi (tục gọi là làng Gạch), xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc ( nay là huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh).

Cha ông là Nguyễn Hạnh, đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1831), làm Tri huyện Thủy Đường. Thân mẫu là Nguyễn Thị Điềm, tục gọi là Bà Huyện Quế Dương, thuộc dòng họ võ quan Nguyễn Đức ở Quế Ô. Tuy nhiên, ông đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ, ông sống nương nhờ vào tình yêu thương của họ nội và họ ngoại, nên vẫn được nuôi dạy hết sức chu đáo.

Ngay từ nhỏ, ông đã có trí thông minh và học giỏi hơn người. Năm 1867, Nguyễn Cao đã đậu đầu trong kỳ thi Hương Đinh Mão tại Hà Nội.

Quý mến tài học của Nguyễn Cao, Phạm Thận Duật đã tặng ông hai câu thơ: (dịch)

Khoa Đinh Mão tên đề số một

Người Quế Dương tài vượt tám ngàn.

Dù đậu cao, nhưng ông không ra làm quan mà trở về quê hương mở trường dạy học. Khi giặc Pháp tiến quân đánh Bắc kỳ lần thứ nhất, năm 1873, Nguyễn Cao mộ được đông đảo nghĩa quân đánh Pháp ở Gia Lâm, Thuận Thành. Vì ông từng giữ chức Tán lí quân vụ chống Pháp, nên thường gọi là Tán Cao.Nhưng qua năm sau, triều đình Huế thỏa hiệp, ký hiệp ước năm 1874, ông buộc phải giải tán nghĩa quân. Sau đó, nhân việc ông có công lao trong việc đánh dẹp Thanh phỉ, triều đình ép ông giữ chức tri huyện Yên Dũng, rồi thăng tri phủ Lạng Giang. Ông làm quan rất thanh liêm, hết lòng lo lắng đến đời sống dân chúng, trong lời tâu về triều đình, quan tỉnh xác nhận: “Trộm khiếp sợ Nguyễn Cao như thần, dân chúng thân thiết như cha”. Nguyễn Cao làm quan rất thanh liêm, lại có công trong việc khai hoang lập ấp ở Nhã Nam, Phú Bình, nên được thăng chức Án sát Nam Định, rồi Bố chánh Thái Nguyên.

Thực dân pháp đánh chiếm Bắc kỳ lần thứ hai năm 1882, ông lại đem nghĩa quân ra nghênh chiến. Đội quân của ông phối hợp với nghĩa quân của Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy trấn giữ miền Đông Bắc, đã tiến về đánh nhiều trận ở xung quanh Hà Nội và lập được nhiều chiến công.

Ngày 18/5/1883, ông bị thương nặng trong một trận đánh ở Gia Lâm. Sau khi lành vết thương, ông được cử giữ chức Tán tương quân vụ Bắc kỳ (nhân dân thường gọi là ông Tán Cách Bi). Sau đó, Bắc Ninh, Nhã Nam thất thủ, Nguyễn Cao lánh về Kim Giang (nay thuộc huyện Ứng Hoà – Hà Tây) dạy học.

Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương đánh Pháp, ông lại mộ quân phối hợp với Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy, Tạ Hiện lập “Đại nghĩa đoàn” lãnh đạo chống Pháp ở ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Trước sức mạnh của quân xâm lược, nghĩa quân kháng chiến dần dần thất thế.

Ngày 27/3/1887, Nguyễn Cao bị giặc bắt tại làng Kim Giang. Chúng đưa về Hà Nội giam giữ và dùng cực hình tàn bạo. Những đòn khảo tra không làm lung lay ý chí của ông, chúng diễn màn dụ dỗ, mua chuộc, nhưng Nguyễn Cao kiên quyết cự tuyệt. Ông đã dùng những lời lẽ đanh thép để vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và hành động bán nước của bọn tay sai, sau đó ông tuẫn tiết trong ngục tù… Không dụ hàng được ông, chúng đã xử chém ông ở pháp trường Vườn Dừa, nay là Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội vào chiều ngày 14/4/1887.

Trước lúc ra đi, Nguyễn Cao đã để lại bài thơ Tự phận ca (Bài ca biết phận) bộc lộ tâm trạng bị phẫn của một tầng lớp nho sĩ trước thời vận mất nước. Trích một đoạn (Lê Xuân Giáo dịch):

Ngán thay tạo vật, cho ta sống làm gì?

Đã không đi được ngàn dặm như ngựa ký

Lại không bay được lưng trời như chim le

Đã không bằng chim cắt một vút tầng mây xanh thẳm

Lại không bằng con báo từng giấu mình trong sắc rằn ri

Ngán thay tạo vật cho ta sống làm gì?

Phải chung sống ở trần cùng với loài dê, chó

Không bằng để ta chết cho non sông mà làm ngọc anh quỳnh chi

Phải chung sống, khác nào u bướu nung núc hành thân khổ

Không bằng chết, mà cùng trời đất bát ngát nhẹ hồn mê…

Cái chết oanh liệt của ông đã kích động sâu xa đến lòng yêu nước của sĩ phu thời bấy giờ. Nhiều người đã làm thơ thương tiếc ông. Danh tướng Tôn Thất Thuyết có bài thơ của khóc ông như sau:

Trước đây mười năm đã từng biết

Trọn đời hẹn mình cho khí tiết

Theo tôi đánh giặc, vùng Bắc Giang

Nổi tiếng can đảm hơn đồng liệt.

Quyết lòng vì nước lập kỳ công,

Khá tiếc năm nay ông vội chết.

Như ông xem chết nhẹ như chơi,

Chí khí kịp theo các tiên triết.

Gân đây chết nghĩa biết bao người,

Tiếng ông Cách Bi trội hơn hết.

Hồn thiêng nên gắng giúp non sông,

Muôn thuở Đức Giang thơm sạch tuyệt.

(Trần Huy Liệu dịch)

Khí tiết lẫm liệt của Nguyễn Cao đã được lưu truyền cho đến ngày nay.

Sau khi Nguyễn Cao mất, dân làng Cách Bi lập đền thờ phụng để tôn vinh, tưởng niệm danh nhân của quê hương – nhà khoa bảng, nhà yêu nước lỗi lạc của quê hương. Đền thờ Nguyễn Cao tọa lạc tại thôn Cách Bi, xã Cách Bi, huyện Quế Võ vốn được khởi dựng từ thời Nguyễn với quy mô nhỏ, ban đầu chỉ là một miếu thờ. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đền bị phá hủy. Năm 1992, đền được phục dựng lại và tồn tại đến ngày nay.

Sinh thời, Nguyễn Cao làm thơ để tỏ chí. Những tác phẩm hiện còn lưu truyền  như: “Khấp Ái Bộc” (Khóc chú giúp việc thân yêu), “Văn Hà Nội chế đài Hoàng Diệu ai tín” (Nghe tin Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu mất), “Trách dụ xuất thú” (Trách kẻ dụ ra đầu thú), “Tự phận ca”.

Nhiều địa phương (mà trước kia ông từng khai lập làng xóm, đóng quân) đã lập đền thờ hoặc thờ ông là Thành hoàng. Tên ông được đặt cho một trong những đường phố lớn của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Bắc Ninh. Nhiều trường học cũng đã mang tên ông.

Nhân kỷ niệm 195 năm Ngày sinh Nguyễn Cao (1828 – 2023), xin được bày tỏ lòng tấm lòng ngưỡng vọng và tri ân của thế hệ hậu sinh đối với một vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân; một danh tướng nhà Nguyễn khí tiết, kiên trung và đồng thời là một nhà thơ Việt Nam tài năng, chí lớn ở thế kỷ 19. Tấm gương oai phong lẫm liệt của ông mãi được thế hệ hôm nay tôn kính và truyền tụng cho đến mai sau.

Tài liệu tham khảo:

1.      Danh nhân cách mạng Việt Nam /  Lê Minh Quốc. - Thành phố Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ. - 21 cm. - (Kể chuyện danh nhân Việt Nam). - T.6. -  2009. -  243 tr. : ảnh.

2.      Nhân vật chí Việt Nam / GS. Vũ Ngọc Khánh (ch.b.), Bích Ngọc, Minh Thảo. - H. : Văn hóa Thông tin , 2009. - 583 tr. ; 24 cm.

 

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 640 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày