Trần Xuân Soạn là vị tướng tài dưới thời nhà Nguyễn. Ông là một trong những người đi đầu trong phong trào chống Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX. Nổi bật nhất là ông cùng với tướng quân Tôn Thất Thuyết đánh Pháp đóng ở đồn Mang Cá trong trận Kinh thành Huế vào đầu tháng 4 năm 1885. Sau thất bại, ông lãnh nhiệm vụ tổ chức phong trào Cần vương kháng Pháp ở Thanh Hóa. Cuộc đời cầm binh của ông tuy chưa dẹp được quân thù xâm lược, song cũng là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất, đại diện cho mong cầu về đất nước hòa bình, nhân dân yên vui, hạnh phúc.
Trần Xuân Soạn sinh năm Kỷ Dậu (1849) tại xã Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, trong một gia đình nông dân nghèo. Đến tuổi trưởng thành, do có sức khỏe, nhanh nhẹn và ưa võ nghệ, ông đi tòng quân thay cho con một nhà phú hào trong làng để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Trong quân ngũ, vì có sức khỏe và mưu trí dũng cảm, ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Năm 1873 (có tài liệu viết năm 1874) dưới triều Vua Tự Đức, nhà Thanh cùng bọn thổ phỉ liên kết với nhau quấy phá vùng đất phía Bắc của nước ta. Vua Nguyễn phái quan đại thần Tôn Thất Thuyết ra Bắc dẹp loạn. Trong trận chiến với giặc, vị tướng chỉ huy cánh quân có Trần Xuân Soạn tham gia chiến đấu chẳng may tử trận khiến quân lính hoảng sợ. Trần Xuân Soạn đã tập hợp quân lính tiếp tục đánh trận, chuyển thế trận từ bại thành thắng. Khi bình quân, quan đại thần Tôn Thất Thuyết không tiếc lời khen ngợi, đồng thời thăng chức cho ông làm Lãnh binh.
Theo sách Văn tài võ lược xứ Thanh có ghi lại: “Cuối năm Quý Dậu (1873) khi quân Pháp đánh chiếm tỉnh thành Nam Định, Tôn Thất Thuyết đã đề cử lên triều đình điều Trần Xuân Soạn từ Tuyên Quang về Nam Định giữ chức Đề đốc. Khoảng năm 1882, Trần Xuân Soạn được triều đình điều về Huế giữ chức Vệ úy lãnh kinh thành Phó Đề đốc, không lâu sau thăng lên Vũ Lâm Đề đốc (giữ kinh thành và bảo vệ vua). Đầu năm 1884 được thăng Chưởng vệ”. Nhờ có sức khỏe, võ nghệ hơn người, ý chí kiên cường, mưu lược nên Trần Xuân Soạn được vua, quan tin dùng.
Khi Trần Xuân Soạn được điều về Bộ Binh tại kinh thành Huế cũng là lúc triều đình nhà Nguyễn xảy ra nhiều biến động. Trước việc thực dân Pháp xâm lược, triều đình chia thành hai phe chủ chiến và chủ hòa. Đặc biệt là sau khi vua Tự Đức qua đời, mâu thuẫn giữa hai phe càng gay gắt. Là người đứng đầu phe chủ chiến, quan đại thần Tôn Thất Thuyết đã tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến kháng Pháp lâu dài. Tôn Thất Thuyết cho lập ra “Phấn nghĩa quân”, giao cho những người thân thuộc tin cẩn tham dự vào việc hiểu dụ những thân hào, sĩ dân có tinh thần chiến đấu chống Pháp để tuyển dụng vào lính, chia thành vệ đội cho luyện tập cẩn thận để khi cần thì dùng đến. Tôn Thất Thuyết đã tin tưởng giao đội quân này cho Trần Xuân Soạn chỉ huy.
Đêm ngày 22 tháng 5 năm Ất Hợi (tức ngày 4/7/1885), lợi dụng lúc thực dân Pháp chủ quan sơ hở, đang say sưa yến tiệc trong Tòa Khâm sứ bên bờ sông Hương. Tôn Thất Thuyết chỉ đạo chia đội quân Phấn nghĩa làm hai cánh quân: Một cánh quân sai em là Tôn Thất Lệ cai quản, nửa đêm sang sông Hương hợp cùng quân đánh úp Tòa Khâm sứ của Pháp. Còn một cánh quân do Tôn Thất Thuyết cùng Phấn nghĩa Chưởng vệ Trần Xuân Soạn đánh úp vào đồn Mang Cá, trấn Bình Đài (Thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đây là nơi tập trung phần lớn binh lực của quân đội Pháp. Trận chiến đã diễn ra vô cùng quyết liệt, vào khoảng canh tư (ngày 23) quân ta bắt đầu nổ súng ở trấn Bình Đài, tiếng súng vang động. Quân Pháp đóng chặt cửa, lẻn nấp đợi sáng. Tới lúc sáng rõ, quân Pháp tập trung lực lượng và hỏa lực chống trả. Chúng dùng pháo lớn bắn liền mấy giờ, quân Phấn nghĩa bị thương và chết khá nhiều, các cung điện, nhà cửa trong Hoàng thành và cung thành nhiều nơi bị đạn pháo của giặc. Hai đạo quân ở trong và ngoài của ta bị tan vỡ cả. Trong thành rối loạn, Tôn Thất Thuyết kèm xa giá (vua và hoàng cung) ra Sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), rồi theo đường rừng Trường Sơn chạy ra Sơn phòng Phú Gia (Hà Tĩnh). Cùng theo xa giá có Thự Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Thận Duật, Thự Tham tri Trương Văn Đễ và Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Lệ,...
Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân trong cả nước đứng lên đánh Pháp. Trong khi đó tại Kinh thành Huế, thực dân Pháp ép triều thần lập vua Đồng Khánh lên ngôi và hạ lệnh cho triệu các ông Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đưa vua Hàm Nghi trở về, triều đình Huế đã ra lệnh đày Tôn Thất Đính (là cha của Tôn Thất Thuyết, đã 70 tuổi) ra đảo Côn Lôn, tịch thu gia sản của Hồ Văn Hiển và Trần Xuân Soạn. Treo giải thưởng cho ai bắt sống được Tôn Thất Thuyết sẽ thưởng 1.000 lạng bạc, chém đầu được Tôn Thất Thuyết sẽ thưởng 800 lạng; bắt sống được Trần Xuân Soạn thưởng 600 lạng bạc, chém đầu được thì thưởng 300 lạng bạc. Qua đó, có thể thấy vai trò của Trần Xuân Soạn trong phái chủ chiến và phong trào Cần Vương rất lớn.
Từ Sơn phòng Quảng Trị, Trần Xuân Soạn cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Hà Tĩnh. Sau đó, Ông quay về Thanh Hóa để chỉ đạo cuộc kháng chiến ở ngay chính trên quê hương Thanh Hóa. Ông cũng tích cực hoạt động ở nhiều vùng, liên lạc với nghĩa quân ở các nơi để dấy lên phong trào vũ trang chống Pháp sâu rộng trong cả nước.
Khi ông tham gia kháng chiến ở Thanh Hóa, quân giặc đã đào lấy hài cốt thân phụ ông xếp giữa đường rồi dùng củi thiêu hủy, hòng lung lạc tinh thần và để chiêu dụ ông. Nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Em trai ông là Trần Xuân Huấn cũng tham gia kháng chiến và bị hy sinh. Người con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng hy sinh vì nước. Có thể nói, Trần Xuân Soạn và cả gia đình ông đã một lòng hy sinh, bảo vệ hòa bình của quê hương, đất nước trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược.
Do sự đàn áp của thực dân Pháp, phong trào Cần Vương tại Thanh Hóa dần lắng xuống sau khi các thủ lĩnh: Tống Duy Tân, Cầm Bá Thước… bị kẻ thù bắt và xử tử. Trần Xuân Soạn phải đi sang Trung Quốc tìm gặp Tôn Thất Thuyết ở Long Châu nhằm tổ chức các toán quân kéo về hoạt động đánh Pháp ở biên giới. Trong sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn, tập 38, trang 126, chép: “Tỉnh Lạng Sơn, năm Mậu Tý (1888), tấu báo: Lê Thuyết và Trần Xuân Soạn lẻn đến một dải Liên Thành, Bằng Tường nước Thanh nhập bọn cùng với Lương Tuân Tú và Hoàng Văn Tường làm thuộc khách của tỉnh ấy, cùng nhau tụ họp. Rồi báo lại: Lê Thuyết và Trần Xuân Soạn ở nước Trung Hoa, giả làm quan nước Thanh, chiêu mộ binh dũng,…”
Ở Long Châu, được sự giúp đỡ của một số sĩ phu Hoa Nam, ông đã tổ chức được mấy toán quân và nhiều lần về hoạt động ở biên giới. Tuy nhiên, sau Hiệp ước Thiên Tân, quân Pháp đã chiếm đóng các tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc và tăng cường tuần phòng kiểm soát nên lực lượng chiến đấu của Trần Xuân Soạn với vũ khí thô sơ, không thể chống lại kẻ thù xâm lược đang giày xéo nước ta.
Sống trong cảnh xa nhà, xa đất nước để mưu có ngày đem quân trở về phục vụ quốc gia, nhưng chưa thực hiện được mà thời gian thì trôi nhanh vùn vụt, Trần Xuân Soạn đã viết bài Thuật hoài để nói lên nỗi lòng của mình:
“Rời xa nhà nước trót sai kỳ,
Nam Bắc hai phen cây cỏ ghi.
Đổi họ dám đâu rằng dối trá,
Náu mình tạm để lánh hiềm nghi.
Vợ hiền chớ trách chồng đen bạc,
Con hiếu đừng chê bố lỗi nghì.
Trút sạch nhớ thương dòng biển cả,
Trước sau lưu lạc một tâm tư.”
(Nguyễn Khắc Hoan dịch)
Theo thông tin ghi trong gia phả, Trần Xuân Soạn mất ngày 10 tháng 11 năm 1923, tại Long Châu, thọ 74 tuổi. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lãnh tướng Trần Xuân Soạn (1923 - 2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp, tài năng và khí phách của vị lãnh tướng trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Qua đó, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ, là động lực để bạn trẻ cố gắng học tập, phát huy tính tự lực, tự cường trong lao động và sản xuất, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường./.
Đào Thanh