Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 16/10/2023, 20:00

Kỷ niệm 210 năm ngày sinh của Đệ tam giáp Tiến sĩ Doãn Khuê

Đệ tam giáp Tiến sĩ Doãn Khuê xuất thân khoa bảng, là một văn quan đỗ đạt cao, tinh thông Nho học và còn nhiễm cả chút Lão Trang. Làm quan giữa thời buổi đất nước gặp họa ngoại xâm, triều đình thì bạc nhược hèn yếu, ông phải ra tay làm những công việc của một nhà binh. Ông là một trong những vị quan đầu có tư tưởng đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược; chống giặc phỉ ở biên cương; mộ dân, di dân hoang hóa mở rộng vùng biển Nam Định. Những việc làm và lời bàn của ông đã chứng tỏ ông là vị tướng quân đức độ, tài cao. Không chỉ là một quan văn, quan võ, ông còn là một người thầy tâm huyết, truyền dạy những tri thức cho bao thế hệ học trò của mình. Nhiều người sau này trở thành nhân tài, phụng sự Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 210 ngày sinh của Đệ tam giáp Tiến sĩ Doãn Khuê (1813 - 2023), và kỷ niệm 145 năm ngày mất của ông (1878 - 2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp của ông đến đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Giúp bạn đọc có thêm kiến thức về lịch sử trong những năm đầu kháng Pháp và hiểu hơn về cuộc đời của quân thần trung kiên - Doãn Khuê.

Doãn Khuê tên tự là Bảo Quang, sinh ngày 15 tháng 10 năm Quý Dậu (1813) tại làng Ngoại Lãng (nay là xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Cha của Doãn Khuê nổi tiếng là người hay chữ nhưng không tham gia thi cử.

Khi lên 9 tuổi, Doãn Khuê được cha dạy bảo chu đáo. Song vì cảnh nhà nghèo túng nên cha phải gửi ông sang nhà bác họ (cụ Tú Cả) để vừa chăn trâu vừa tiếp tục được học. Khi Doãn Khuê mới 11-12 tuổi đang theo học cụ Tú Cả và có nhiều triển vọng thì cha mẹ lần lượt qua đời. Cụ Tú Cả thương cháu càng quyết tâm cho Khuê học tập. Doãn Khuê được cử sang học cụ Phạm Diệu (thân phụ của Tiến sĩ Phạm Thế Hiển) ở Luyến Khuyết (xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

 Năm Đinh Dậu (1837), khi vừa tròn 25 tuổi, Doãn Khuê dự thi và đỗ Cử nhân. Năm sau – Mậu Tuất (1838) ông vào dự thi Hội và đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ cùng khoa bảng với Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.

Sau khi thi đỗ, ông được vào làm việc ở Viện Hàn lâm (1839), rồi thăng lên làm Tri phủ Ứng Hòa, ở Hà Đông, Hà Nội. Năm đầu thời Thiệu Trị (1841) ông được bổ nhiệm làm ở Hàn lâm viện Thừa chỉ kiêm Giám sát Ngự sử đạo Lạng - Bình (Lạng Sơn - Cao Bằng). Cuối năm 1842, ông lại được điều ra nhận chức Giáo thụ Xuân Trường, một phủ ở tỉnh Nam Định. Đảm nhận chức Giáo thụ được 5 năm thì ông cáo quan về nhà dạy học năm 1847.

Mười năm ở nhà dạy học cũng là 10 năm ông ở ẩn gạt bỏ mọi danh vọng, bổng lộc quan tước để sống với cuộc sống thanh bạch của một nhà giáo. Nghe tin Doãn Khuê mở lớp dạy học ở quê hương thì học trò sĩ tử các nơi theo về học rất đông. Nhà học của Doãn Khuê thực sự là nơi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.

Khi giặc Pháp nổ súng đánh Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lăng nước ta, Doãn Khuê là người có thái độ dứt khoát chủ chiến. Ở Nam Định, khi Phạm Văn Nghị đứng ra chiêu tập nghĩa sĩ kéo vào Đà Nẵng đánh Pháp đã đề cử Doãn Khuê - Người bạn đồng khoa, đồng chí với mình làm Đốc học Nam Định. Doãn Khuê vui vẻ đảm nhận thay bạn.

Năm Canh Thân (1860), Doãn Khuê đứng ra chiêu tập các viên giáo, huấn, tri phủ, tri huyện trong vùng cùng nhau ký vào bản mật tấu gửi vào triều đình kiên quyết phản đối việc nghị hòa. Các ông khẳng “nghị hòa là hỏng”. Doãn Khuê đi nhiều nơi tổ chức các lớp học ở các phủ huyện, kêu gọi thành lập các đội, đoàn luyện tập võ nghệ sẵn sàng tiếp ứng cho quân đội của Phạm Văn Nghị.

Đầu năm 1861, Doãn Khuê được bổ nhiệm chức Đốc học Sơn Tây. Đến Sơn Tây lúc đó, bọn thổ phỉ nổi lên quấy rối dữ dội, nhiều toán quân phỉ từ đất nhà Thanh tràn qua cướp bóc, giết hại nhân dân. Trước tình hình đó, Doãn Khuê xin chiêu mộ người tài mạnh khỏe rồi ủy cho con trai ông là Doãn Chi trông coi, theo đi đánh giặc phỉ. Năm ấy, Doãn Khuê cùng với Hiệp quản Hưng hóa là Nguyễn Văn Thành hợp quân, đánh thắng giặc Cờ Đen, lấy lại được huyện Thanh Ba, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Phú Thọ), tiến lên lấy lại được các châu Yên Lập và Văn Chấn (nay thuộc Yên Bái), bắt được tên tướng giặc Cờ Đen đem đi giết. Doãn Khuê còn đánh lấy lại được phủ Lâm Thao (nay thuộc Phú Thọ). Sau những thắng lợi này, Doãn Khuê lại trở về với chức vụ của mình là Đốc học Sơn Tây.

Năm 1867, Doãn Khuê được triều đình cử làm Thương biện Hải phòng sứ, chuyên trông coi mạn biển Nam Định. Để tăng cường việc phòng thủ, ông đã đi xuống thực địa xem xét các cửa sông từ Ninh Bình đến Hải Dương, kiểm tra các đồn trại, cảng bến, xem xét việc bố phòng của các đề đốc, lãnh binh...

Lúc đó, có ông Nguyễn Huy Tề, người vừa được triều đình cử đi công cán ở Hương Cảng (Hồng Kông) trở về. Ông này xin triều đình cho mở phố thông thương ở cửa biển Trà Lý. Dưới con mắt thực tiễn, Doãn Khuê đã làm tập tấu gửi về triều đình phản bác ý kiến trên. Ông cho rằng không thể mở cảng ở cửa biển Trà Lý được vì điều kiện phù sa bồi đắp hàng năm rất lớn, thủy triều không thuận lợi cho tàu thuyền lớn ra vào. Kèm theo ông còn đưa ra những đề nghị như: Chọn cẩn thận quân đội có lực lượng tinh khỏe phòng khi dùng đến; Các tỉnh ven biển phải phòng bị nghiêm cẩn, chuẩn bị thuyền bè, sửa sang binh khí để tiếp viện; Hiểu thị rõ điều cấm để ngăn cản tà đạo gian dối; Thu phục nhân tâm, giúp đỡ điền hái, thu dụng thổ dân 6 tỉnh Nam Kỳ. Đặt lại chức Thổ Ty ở ven biên giới Bắc Kỳ,… Nhưng đề nghị của ông không được triều đình chấp thuận.

Trong lúc cha con Doãn Khuê đang tập trung vào công việc khai hoang thì ở Nam Kỳ cả 6 tỉnh đã bị rơi vào tay thực dân Pháp. Doãn Khuê một mặt cùng các sĩ phu phản đối triều đình ký hòa ước, mặt khác ông cũng nhận mệnh triều đình trở lại chức Thương biện Hải phòng kiêm Doanh điền sứ cùng với Phạm Văn Nghị, Nguyễn Mậu Kiến tổ chức lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Nam Định. Cùng với đội quân của Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê cũng đang chuẩn bị kế hoạch đánh lấy lại tỉnh thành Nam Định thì triều đình ra lệnh bãi binh thực hiện hòa ước: Pháp trả lại 4 tỉnh Bắc Kỳ, còn triều đình Huế phải trao 6 tỉnh Nam Kỳ cho chúng (năm Giáp Tuất 1874).

Sau lần phải thực hiện lệnh triều đình, phải bãi binh và chịu án để mất thành Nam Định, Doãn Khuê cùng Phạm Văn Nghị, Đỗ Phát nhất loạt xin từ quan về dạy học. Những năm cuối đời Doãn Khuê dồn hết tâm lực vào công việc dạy học, đào tạo và truyền thụ lòng yêu nước, chí căm thù giặc cho thế hệ tiếp theo gánh vác nhiệm vụ giải phóng đất nước.

Cuối năm Giáp Tuất (1874), vua Tự Đức trong lời bình hiểu thị các quan lại và sĩ dân ở Bắc Kỳ đã thừa nhận phẩm chất và tiết tháo của Doãn Khuê và các nho sĩ khác: “Phạm Văn Nghị, Doãn Khuê, Đỗ Phát các người ấy cũng là nhà nho lão luyện, là vị hưu quan, thế mà biết vì nước dạy bảo dân, không đến nỗi để lo cho triều đình,…” (Trích trong Đại nam liệt truyện chính biên, tập 3, tr. 132). Vua cũng dụ Bộ Lễ rằng: “Doãn Khuê và Phạm Văn Nghị về học hành được sĩ phu ở Nam Định kính trọng bắt chước, thực vì nước, nên chính được phong hóa và ràng buộc được lòng người…” (Theo Đại nam liệt truyện chính biên, tập 4, tr. 189).

Sau một thời gian lâm bệnh, ông mất vào ngày 15 tháng 10 năm Mậu Dần (1878) ở quê hương Nam Định, trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân, học trò, bạn bè và gia đình. Ông mất đi nhưng tinh thần yêu nước, thương dân, tấm lòng cao cả, học thức uyên thâm của ông vẫn được truyền dạy trong nhiều thế hệ. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha, các con của ông đều nặng lòng yêu nước, tham gia đánh giặc gìn giữ hòa bình cho vùng biên cương. Trong số đó, có Doãn Chí làm đến chức Tán tương quân vụ rồi bị hi sinh trong trận đánh với giặc phỉ ở Lạng Sơn. Mộ của Doãn Chí được thờ ở đền Trung Nghĩa.

Sáu mươi lăm tuổi đời, bốn chục năm làm quan, trải qua gần trọn bốn đời vua đầu triều nhà Nguyễn, Đệ tam giáp Tiến sĩ Doãn Khuê đã dồn hết tâm nguyện cho việc canh tân đất nước. Nhưng hoạn lộ của ông cũng lắm chông gai, với một lòng yêu nước, thương dân, tính tình ngay thẳng, ông đã mấy lần bị cách lưu, giáng chức, có lúc phải từ quan, trước thực tế quan trường ức hiếp dân chúng, còn Triều đình thì làm ngơ, tự mình thấy có trách nhiệm nhưng bất lực. Cuối cùng dưới thời Tự Đức, ông cũng đã ban phong thẻ bài Quý tự Hiếu Nghĩa.

Cuộc đời và sự nghiệp của Doãn Khuê là tấm gương sáng cho đời sau về tinh thần yêu nước, thương dân, chăm lo cho tiền đồ dân tộc. Cả cuộc đời ông chuyên lo hành xử với việc đánh Pháp, đào tạo nhân tài, mộ dân, di dân hoang hóa vùng biển Nam Định, thau chua rửa mặn, cải tạo đồng đất ven biển. Kỷ niệm 210 ngày sinh và 145 năm ngày mất của Đệ tam giáp Tiến sĩ Doãn Khuê là dịp để thế hệ trẻ tỏ lòng ngưỡng vọng, đời đời ghi nhớ công lao, đức độ của ông với quê hương, đất nước. Từ đó phát huy tính tự lực, tự cường trong học tập và lao động, góp phần xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

 

Đào Thanh

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2089 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày