Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13/10/1903, trong một gia đình nông dân ở thôn Mễ Thượng, xã Liêm Chính, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Hà Nam.
Năm 1925, sau khi đỗ bằng tiểu học, ông vào học kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Ở đây ông được các bạn thân kể cho nghe chuyện về những người yêu nước như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Bội Châu,… Sau đó, ông đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Tháng 11 năm 1925, địch bắt nhân dân và học sinh Hải Phòng đi đón Va ren, toàn quyền Đông Dương xuống Đồ Sơn nghỉ. Lương Khánh Thiện vận động anh em viết đơn đòi “ân sá” cụ Phan Bội Châu. Trước áp lực của quần chúng, Va ren phải nhận đơn và hứa sẽ giải quyết. Thi hành lệnh của bọn thống trị, giám đốc Trường Kỹ nghệ đuổi một số học sinh ra khỏi trường, trong đó có Lương Khánh Thiện.
Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định, xin vào làm thợ nguội ở Nhà máy Sợi. Đồng chí đã cùng một số anh em lập ra Hội tương tế để giúp đỡ lẫn nhau trong lúc túng thiếu khó khăn. Năm 1927, ở nhà máy sợi Nam Định, đồng chí được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng cách mạng đồng chí Hội. Năm 1928, đồng chí Lương Khánh Thiện trở lại Hải Phòng và được gặp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” và chỉ thị của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đồng chí Lương Khánh Thiện xin vào làm ở nhà máy sợi Hải Phòng.
Năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập, thì ở Hải Phòng, chi bộ cộng sản ra đời. Đồng chí Lương Khánh Thiện là một trong những người được kết nạp vào Đảng. Có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân trong các nhà máy xi măng, máy tơ, máy chai, máy điện,… phát triển mạnh. Nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ, chống đánh đập liên tiếp nổ ra. Ngày 7/11/1929, nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, cờ đỏ búa liềm và truyền đơn xuất hiện trên một số đường Hải Phòng. Đồng chí Lương Khánh Thiện bị chúng ghi tên vào sổ đen và bị đuổi ra khỏi nhà máy. Đồng chí phải rút vào hoạt động bí mật.
Sau cuộc biểu tình ngày 01/5/1930, đồng chí Lương Khánh Thiện bị bắt. Mật thám đánh đập tra tấn dã man hòng khám phá ra những cơ sở cách mạng và chủ trương của Đảng, nhưng đồng chí vẫn kiên gan chịu sự đau đớn, không khai báo. Bị giam ở nhà lao Hải Phòng, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng chi bộ nhà tù tổ chức huấn luyện chính trị, dạy văn hoá cho anh em, ổn định chỗ ăn, ở và liên lạc với tổ chức Đảng bên ngoài.
Sau 7 tháng giam đồng chí Lương Khánh Thiện ở nhà lao Hải Phòng, thực dân Pháp đưa đồng chí ra xử ở Hội đồng đề hình Kiến An, cùng một số đồng chí khác. Các đồng chí đã biến toà án thành diễn đàn tố cáo tội ác của đế quốc Pháp và bọn tay sai, đồng thời nói rõ chủ trương làm cách mạng của mình là đánh đuổi đế quốc Pháp ra khỏi đất nước, lật đổ chế độ phong kiến, để giải phóng dân tộc và đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân. Đồng chí Lương Khánh Thiện bị kết án khổ sai trung thân. Khi bị giam ở nhà tù Hoả Lò, Hà Nội, đồng chí Lương Khánh Thiện cùng các đồng chí khác thành lập chi bộ Đảng, ổn định sinh hoạt, tuyên truyền cách mạng và vận động anh em đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù.
Cuối năm 1930, đồng chí Lương Khánh Thiện và nhiều đồng chí nữa bị đày biệt xứ ra đảo Côn Lôn, ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng với các đồng chí khác xây dựng hội cứu tế nhằm giúp đỡ lẫn nhau trong lúc thiếu thốn, ốm đau.
Khoảng cuối năm 1932, chi bộ Đảng trong nhà tù Côn Đảo được thành lập, đồng chí Lương Khánh Thiện đã ra sức góp phần xây dựng chi bộ. Bên cạnh đó, đồng chí còn được chi bộ tin cẩn, giao cho làm nhiệm vụ liên lạc giữa các lao. Khi chi bộ tổ chức học chính trị, đồng chí tham gia đều đặn và còn động viên giúp đỡ anh em học tập.
Tháng 5/1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng lên cao. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi bọn thống trị ở Đông Dương phải trả tự do cho tù chính trị, phải thực hiện những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho “ân sá” tất cả tù chính trị. Trước lực lượng đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và dư luận báo chí, bọn thực dân Pháp buộc phải trả lại tự do cho một số tù chính trị. Đồng chí Lương Khánh Thiện được trở về đất liền. Về đến Hà Nội, đồng chí liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động. Cuối năm đó, trong cuộc Hội nghị xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng, đồng chí được cử vào xứ ủy. Được phân công hoạt động bí mật, đồng chí Lương Khánh Thiện len lỏi vào các xóm lao động, hoặc về nông thôn xây dựng cơ sở. Cùng với một số anh em đồng chí Lương Khánh Thiện mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ, tổ chức hội ái hữu, nghiệp đoàn và Đoàn thanh niên dân chủ.
Năm 1938, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trực tiếp lãnh đạo công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm chống đánh đập đuổi thợ. Đồng chí thường xuyên đi sát, chỉ đạo cụ thể, động viên quần chúng giữ vững tinh thần, kiên quyết đấu tranh cho đến thắng lợi. Năm 1939, bọn phản động thuộc địa thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng do Đảng ta lãnh đạo; ban bố lệnh tổng động viên, ra sức vơ vét sức người, sức của của nhân dân ta để dốc vào chiến tranh. Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương cho cán bộ của Đảng mau chóng rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, xây dựng lực lượng nông thôn và thành thị.
Đầu năm 1940, đồng chí được Đảng phân công về phụ trách khu B gồm Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Hồng Gai, Hải Dương, Hưng Yên và trực tiếp làm Bí thư thành ủy Hải Phòng. Thực hiện Nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu và Nghị quyết của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lương Khánh Thiện đã tích cực xây dựng cơ sở cách mạng ở nông thôn, thành thị và vùng mỏ. Tháng 11/1940, Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ rõ các dân tộc Đông Dương một cổ hai tròng, cho nên nhiệm vụ cách mạng của ta lúc này là lãnh đạo nhân dân Đông Dương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền. Chấp hành chủ trương mới của Đảng, đồng chí Lương Khánh Thiện càng bám sát cơ sở, tích cực xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Công việc đang xúc tiến thì đồng chí bị bắt. Địch ra sức mua chuộc, dụ dỗ rồi dùng cực hình tra tấn, nhưng không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản kiên cường Lương Khánh Thiện. Toà án của đế quốc Pháp đã kết án tử hình và đưa đồng chí đi xử bắn vào ngày 01/9/1941, tại thị xã Kiến An, thành phố Hải Phòng.
Nói tóm lại, dù giữ nhiều chức vụ quan trọng, nhưng với phương pháp và phong cách quyết đoán, sáng tạo đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên tuyền, đấu tranh, xây dựng, củng cố các tổ chức, cơ sở cách mạng, mở rộng địa bàn hoạt động của Đảng ở các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ làm nòng cốt trong phong trào cách mạng của Đảng ta. Cuộc đời của đồng chí Lương Khánh Thiện là một tấm gương của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của người cộng sản yêu nước.
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện (13/10/1903-13/10/2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai khái quát cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện, nhằm khẳng định những đóng góp, hy sinh cho cách mạng Việt Nam của đồng chí Lương Khánh Thiện là vô cùng to lớn, góp phần cổ vũ, động viên phong trào đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi. Những cống hiến to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện sẽ luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.
Tài liệu tham khảo:
1. Noi gương những người cộng sản / Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương. - H. : Thanh niên. - T.2. - 1974. - 89 tr. ; 19 cm.
2. Những người cộng sản trẻ tuổi / Đức Vượng, Nguyễn Đình Nhơn. - H. : Thanh niên, 2004. - 286 tr. ; 19 cm.
Nguyễn Mai