Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Tư, 11/10/2023, 20:05

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023)

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, là nhà khoa học lớn đại diện xuất sắc cho đội ngũ khoa học Việt Nam. Đồng chí được biết đến với danh hiệu “Ông vua vũ khí”, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam.

 Mồ côi cha từ năm lên 7 tuổi, dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng Phạm Quang Lễ đã cố gắng vươn lên và luôn đạt kết quả học tập xuất sắc trong mọi bậc học. Năm 1926, Phạm Quang Lễ thi đỗ hạng ưu vào Trường Trung học Mỹ Tho, được nhận học bổng 4 năm học. Tiếp đó, năm 1930, ông được tuyển thẳng vào Trường Trung học Petrus Ký (Sài Gòn) và được học bổng 3 năm liền. Năm 1933, ông đỗ thủ khoa tú tài bản xứ và tú tài Tây. Năm 1935, du học tại Pháp. Với trí thông minh và nghị lực cao, Phạm Quang Lễ đã nhận được cùng lúc ba bằng đại học: Kỹ sư Cầu đường, Kỹ sư Điện và Cử nhân Toán học. Sau đó, ông học lấy tiếp bằng Kỹ sư Hàng không, bằng của Trường Mỏ và Trường Đại học Bách khoa.

Năm 1939, Phạm Quang Lễ làm việc tại Nhà máy điện khí Thomson, rồi nhà máy sản xuất máy bay tại Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Nhà máy chế tạo máy bay Halle và Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không, sau đó trở lại Pháp làm cho Công ty Sud Avion và một số công ty chế tạo máy bay của Pháp, tham gia Hội Việt Nam Ái hữu tại Pháp. Năm 1946, Phạm Quang Lễ gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp, rồi từ đó giác ngộ con đường cách mạng, trở về nước với tâm nguyện phụng sự đất nước.

Ngày 5/12/1946, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cử đồng chí Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới, với trọng trách nghiên cứu, chế tạo vũ khí để bộ đội ta đánh giặc. Đồng thời, đặt cho đồng chí Lễ một bí danh mới -  Trần Đại Nghĩa, với đại ý: “Một là, họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo”. Việc gặp được Hồ Chủ tịch là một dấu mốc, bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Phạm Quang Lễ.

Trong điều kiện cuộc kháng chiến còn nhiều khó khăn, nhưng với vốn kiến thức tích lũy được trong thời gian học tập ở nước ngoài, cộng với sự thông minh, sáng tạo, đồng chí Trần Đại Nghĩa đã nhanh chóng bắt tay vào trực tiếp nghiên cứu và chỉ đạo nghiên cứu sản xuất, chế tạo thành công súng và đạn bazoka, súng đại bác không giật, bom bay, những loại vũ khí có trình độ hiện đại của thế giới lúc bấy giờ. Những trang thiết bị khí tài quân sự do đồng chí chế tạo đều được cấp tốc đưa đến các vùng chiến sự khốc liệt, góp phần làm nên những thắng lợi quan trọng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Với súng bazooka (năm 1947), ngay sau khi xuất xưởng đã bắn cháy 2 xe tăng của Pháp, làm kẻ thù sửng sốt, còn quân và dân ta vô cùng phấn khởi, xem đó như là huyền thoại. Tiếp đó, sự ra đời của súng SKZ (năm 1950), một loại súng nhẹ, nhưng lại có sức công phá ngang cỗ đại bác, sau khi xuất xưởng đã phá tan các lô cốt địch có tường bê tông cốt thép dày hơn 1m trong trận Phố Lu. Rồi đồng chí tiếp tục chế tạo đạn bay, tên lửa đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4 km...

Ghi nhận những đóng góp to lớn và những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo vũ khí, năm 1948, đồng chí Trần Đại Nghĩa được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Thiếu tướng, là một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Năm 1952, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, Thiếu tướng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (là một trong ba Anh hùng Lao động đầu tiên của nước ta), do có những đóng góp to lớn trong cuộc chiến chống B52 và chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công.

Kháng chiến chống Pháp kết thúc, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Thiếu tướng được Trung ương chuyển sang lĩnh vực dân sự, đặc trách các vấn đề khoa học, lần lượt đảm nhận các chức vụ: Giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương (năm 1954), Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (năm 1960), Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước (năm 1965), Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội các khóa II và III.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa được điều động trở lại quân đội làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phụ trách kỹ thuật. Trong thời gian này, Thiếu tướng đã vận dụng tất cả những kinh nghiệm quý báu tích luỹ được trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như các kinh nghiệm của thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối đầu với những vũ khí, khí tài hiện đại và phức tạp của Mỹ, Thiếu tướng đã chỉ đạo ngành quân giới nghiên cứu các loại vũ khí mới, cải tiến các loại vũ khí được viện trợ nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong mỗi trận đánh, đồng thời tìm tòi nghiên cứu các loại vũ khí của địch để ta có cách đánh phù hợp. Những nghiên cứu, cống hiến của Thiếu tướng cùng các cộng sự đã góp phần không nhỏ cùng với toàn dân tạo nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (tháng 5/1975), Chính phủ đã quyết định thành lập Viện Khoa học Việt Nam – Trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước về khoa học tự nhiên và cùng một số ngành kỹ thuật. Giáo sư Trần Đại Nghĩa lúc này là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được cử kiêm chức Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam. Với những cống hiến và thành tích xuất sắc về khoa học, đầu năm 1966, Giáo sư được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về các công trình chế tạo vũ khí.

Có thể nói rằng, dù trên cương vị nào, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cũng đem hết tâm huyết, trí tuệ và sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc và hoàn thành xuất sắc mọi trọng trách được giao. Là một trí thức trẻ du học và công tác ở phương Tây nhiều năm, đồng chí luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền móng cho ngành quân giới Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến và tiếp tục phát triển ngày càng trưởng thành, lớn mạnh ngành kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Ông là tấm gương sáng không chỉ có thế hệ người Việt trong nước nói chung và người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài nói riêng phấn đấu học tập và noi theo.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa mất ngày 9/8/1997, tại thành phố Hồ Chí Minh. Tên của ông đã được đặt cho nhiều con đường và trường học trên khắp đất nước Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, là dịp chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và công lao to lớn của ông đối với dân tộc, đối với quê hương, đất nước; là dịp thế hệ hôm nay bày tỏ niềm tự hào, tưởng nhớ, biết ơn, kính trọng đối với một nhà khoa học lớn, một đại trí thức trong thời đại Hồ Chí Minh, nguyện không ngừng phấn đấu, nâng cao tri thức, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và phẩm chất đạo đức, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam / Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy Vĩnh Long. - H. : Chính trị Quốc gia : Sự thật, 2013. - 629 tr. ; 24cm.

 

Viện sĩ Trần Đại Nghĩa / Nguyễn Văn Đạo. - Tp. Hồ Chí Minh : Nxb. Trẻ, 2002. - 169tr : ảnh ; 20cm. - (Nam bộ nhân vật chí)

 

Nguyễn Mai

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 866 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày