Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Sáu, 29/09/2023, 20:25

Những đóng góp của đồng chí Trường Chinh trên mặt trận văn hóa

Cố Tổng bí thư Trường Chinh – Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách Mạng Việt Nam. Đồng chí luôn xuất hiện như ngọn cờ đỏ ở những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, một tấm gương sáng về tính kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc, tổ chức kỷ luật và tình cảm chân thành với đồng bào, đồng chí, khiêm tốn, giản dị trong cuộc sống hằng ngày.

Với 81 năm tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục (1925 - 1988) , đồng chí được phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước như: Quyền Tổng bí thư, rồi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Cộng sảng Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII,… trên mọi cương vị công tác, đồng chí luôn thể hiện là người cán bộ lãnh đạo mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Không chỉ là một nhà chính trị, nhà chiến lược, nhà tư tưởng, nhà lý luận uyên bác, đồng chí còn là nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ thời kỳ hiện đại có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền văn hóa mới. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của mình, đồng chí đã để lại một hệ thống các tác phẩm đồ sộ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực chính trị - triết học, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao,… Những công trình nghiên cứu ấy không chỉ đóng góp to lớn về quan điểm, đường lối mà còn là những đột phá quan trọng về quan điểm chiến lược và sách lược, về phương pháp cách mạng và nghệ thuật chỉ đạo cách mạng; phản ánh cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh kiên cường của dân tộc ta trong kháng chiến cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo trong thời bình. Có thể nói, với đồng chí Trường Chinh, văn hóa đã làm phong phú thêm chính trị và chính trị đã soi đường cho văn hóa.

Đồng chí Trường Chinh là nhà văn hóa sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xậy dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng:

Lĩnh hội và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí đã khởi thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam” và được Hội nghị Trung ương Đảng thông qua cuối tháng 2-1943. Đây là cương lĩnh văn hóa cội nguồn, tạo nên bước ngoặt của nền văn hóa tự giải phóng, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua cương lĩnh này, đồng chí đã chỉ rõ những nguy cơ mà văn hóa nước nhà bị trói buộc, mê hoặc, trấn áp do ảnh hưởng bởi chế độ cũ. Vì vận mệnh giải phóng dân tộc, văn hóa cần phải thức tỉnh tiến bộ hơn, chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, để lan tỏa những tư tưởng tiến bộ đến đông đảo nhân dân. Không chỉ vậy, cương lĩnh còn chỉ ra rằng, văn hóa là một lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội, có quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực khác là kinh tế, chính trị. Đối với kinh tế, văn hóa với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng chịu sự quyết định của điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội rất chặt chẽ; đồng thời, văn hóa ảnh hưởng lại đời sống vật chất của xã hội và góp phần không nhỏ vào công cuộc cải tạo xã hội. Đối với chính trị, văn hóa gắn bó mật thiết với chính trị, phục vụ chính trị, “tức là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, phục vụ sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội,…”. Với những tư duy sắc sảo, kiến thức uyên bác, tầm nhìn xa rộng, đồng chí Trường Chinh là người có công đầu tổng kết những vấn đề văn hóa Việt Nam theo quan điểm mácxít. Đồng chí đã giúp cho những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật xác định lập trường văn hóa vững vàng trong cách mạng giải phóng dân tộc là: Về mặt xã hội phải lấy giai cấp công nhân làm gốc, về chính trị phải lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc, về tư tưởng phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm gốc, về sáng tạo văn nghệ phải lấy chủ nghĩa hiện thực, xã hội chủ nghĩa làm gốc. Từ những quan điểm tiến bộ ấy, cho đến nay cương lĩnh về văn hóa của đồng chí Trường Chinh vẫn được Đảng và Nhà nước nghiên cứu, kế thừa và phát triển trong các văn kiện của Đảng ta qua các thời kỳ.

Ngoài “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đồng chí Trường Chinh còn viết rất nhiều tác phẩm như: “Kháng chiến về mặt văn hóa” (trích trong Kháng chiến nhất định thắng lợi, viết năm 1947), “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (năm 1948),… đã đi vào lịch sử như là những tác phẩm lý luận tiêu biểu về văn hóa mới – văn hóa cách mạng Việt Nam. Với những đóng góp quan trọng và trực tiếp đối với việc xây dựng nền văn hóa cách mạng, đồng chí Trường Chinh xứng đáng được tôn vinh là một trong những người khai tạo ra nền văn hóa mới Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh – Một cây bút xuất sắc của nền báo chí cách mạng; một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam:

Không chỉ là một nhà lý luận, nhà lãnh đạo văn hóa, bản thân đồng chí Trường Chinh còn là một nhà báo cách mạng nổi tiếng. Kế tục xuất sắc sự nghiệp báo chí cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, đồng chí đã tạo nên một văn phong chính luận cách mạng cho nền báo chí nước nhà. Những bài báo của đồng chí có tính chiến đấu cao, sức thuyết phục lớn, ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân. Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí đã làm chủ bút nhiều tờ báo, như: Dân cày, Con đường chính,… Tiếp đó là người chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như: báo Cờ Giải phóng, Sự thật, tạp chí Cộng sản,…

Đối với đồng chí Trường Chinh, báo chí là một mặt trận, là vũ khí lợi hại để tấn công tiêu diệt kẻ thù, mặc cho kẻ thù đó là đế quốc, tay sai hay những kẻ mạo danh mácxít. Các bài báo của đồng chí mang tính chiến đấu rõ ràng, không có quan điểm trung dung mà thường đi thẳngvào sự việc, sự thật, để nêu ra phương hướng giải quyết dứt khoát. Chúng ta có thể kể ra hoàng hoạt các bài báo nổi tiếng của đồng chí như: “Mặt trận bình dân hay Mặt trận dân chủ”, “Dân Pháp và vấn đề Đông Dương độc lập”, “Cách mạng Tháng Tám: Triển vọng của cách mạng Việt Nam”, “Hãy nhằm những chỗ yếu của địch mà đánh cho thật mạnh!”,…

Không chỉ vậy, đồng chí Trường Chinh còn là nhà báo bậc thầy, luôn luôn quan tâm đào tạo, dẫn dắt các thế hệ làm báo lớp sau. Đồng chí đặt niềm tin, giao công việc cho những người làm báo trẻ tuổi và thường xuyên tìm cách bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tiễn để giúp họ trưởng thành hơn trong nghề. Mặc dù công việc rất bận rộn, đồng chí vẫn cố gắng thu xếp thời gian để đọc góp ý, bổ sung cho bài viết giúp các tác giả trẻ học hỏi được những kinh nghiệm quý báu của Người.

Không chỉ là một cây bút xuất sắc của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh còn là nhà thơ cách mạng nổi tiếng với bút danh Sóng Hồng. Với gần 70 bài đã sưu tập được, trong đó có nhiều bài nổi tiếng, thơ Sóng Hồng thể hiện một tâm hồn luôn luôn lạc quan, tin tưởng ở tiền đồ xán lạn của cách mạng. Thơ của ông góp phần đánh dấu bước trưởng thành của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc.

Ở đồng chí Trường Chinh, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện với nhau làm một, tạo nên một tinh thần và cốt cách Trường Chinh sáng ngời trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản suốt đời phấn đấu hy sinh vì dân, vì nước. Nhân kỷ niệm 35 năm ngày mất của cố Tổng bí thư Trường Chinh (30/9/1988 – 30/9/2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược những đóng góp to lớn của đồng chí trên mặt trận văn hóa nói riêng. Ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạnh sôi nổi, phong phú trên nhiều lĩnh vực của đồng chí Trường Chinh giúp cho bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi ghi nhớ hơn về truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, tích cực học tập và noi theo những đức tính tốt đẹp của đồng chí để vượt qua khó khăn, giành những thắng lợi mới trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

 

Hằng Nga

 

Tài liệu tham khảo

Đồng chí Trường Chinh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nam Định. - H. : Chính trị Quốc gia , 2017. - 599 tr. ; 24 cm.

Đồng chí Trường Chinh với báo chí / Nguyễn Thành. - H. : Thanh niên , 2003. - 442 tr. : chân dung ; 19 cm.

Trường Chinh - Một trí tuệ lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam /  Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết. - H. : Chính trị Quốc gia Sự thật , 2020. - 946 tr. : ảnh ; 24 cm.

Trường Chinh một tư duy sáng tạo một tài năng kiệt xuất / Trần Nhâm. - H. : Chính trị quốc gia , 2009. - 838 tr. ; 21 cm.

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1811 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày