Tìm hiểu ý nghĩa ra đời và tên gọi chủ đề, thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam qua các năm Hội sách
Trong dòng chảy của lịch sử văn minh nhân loại, từ bao thế kỷ nay ở nhiều nước đã xuất hiện thư viện và việc tổ chức đọc sách, báo cho các tầng lớp nhân dân, “Ngày Hội đọc sách” được hình thành từ hoạt động đó. Lịch sử của Ngày hội đọc sách được ra đời ở Tây Ban Nha vào ngày 23/4 hằng năm trên các đường phố. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện,... Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Paris năm 1995, UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm làm “Ngày Sách và Bản quyền thế giới”.
Tại Việt Nam, từ xa xưa Cha ông ta đã coi Sách như kho báu tri thức vô giá và việc Đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Đã từ lâu, sách đi vào cuộc sống của mỗi con người, sách là nơi ghi lại, lưu trữ những hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Sách hay sẽ giúp ta mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ - hiện tại và mở ra tương lai. Đọc sách, lưu giữ sách, hình thành các tủ sách, thư viện là con đường để xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Để phát huy truyền thống yêu sách và ham đọc sách của dân tộc ta, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 21 tháng 4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam” (Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam). Việc Việt Nam lấy ngày 21/4 là ngày Sách Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, đây là thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả bạn bè quốc tế - bởi Người là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa thế giới. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là thời điểm diễn ra Ngày sách và Bản quyền Thế giới (23/4). Việc tổ chức ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại. Sự kiện Ngày 21/4 Việt Nam được tổ chức hàng năm trên phạm vi cả nước, đã trở thành dấu mốc quan trọng, khuyến khích, phát triển và phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng.
Trải qua gần 10 năm Hội sách (2015 - 2023), cùng với sự phát triển, đổi mới và hội nhập của đất nước, mỗi năm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ngày càng mở rộng thêm, mang hương sắc mới, tổ chức nhiều hoạt động với các chủ đề và thông điệp khác nhau, có ý nghĩa xã hội và giáo dục cao, trở thành Ngày Hội Văn hóa đặc biệt, một hoạt động kiểu mẫu đã thu hút sự chú ý, quan tâm, và nhân rộng ở khắp mọi ngành, mọi lĩnh vực trên cả nước và cộng đồng. Tại Hội sách, mọi người cùng nhau không chỉ đề cao giá trị của sách, mà còn là để tất cả tôn vinh những người tạo ra tri thức cho nhân loại; khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng một xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 năm 2023, Thư viện Đồng Nai gửi tới bạn đọc tìm hiểu về ý nghĩa ra đời và tên gọi chủ đề, thông điệp của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam qua các năm Hội sách:
* Ngày Hội Sách năm 2015 với chủ đề “Sách - Sự giao thoa văn hóa”
Là quốc gia thành viên từ năm 1995, Cộng đồng ASEAN 2015 hình thành không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực nói chung mà riêng với Việt Nam, ý nghĩa này còn được nhân lên bởi sự trùng hợp với dấu mốc tròn 20 năm Việt Nam gắn bó với Hiệp hội (1995-2015). Sự gắn kết giữa ASEAN và Việt Nam là một quá trình tương hỗ, mang lại lợi ích cho nhau. Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào sự lớn mạnh và thành công chung của ASEAN được các nước ghi nhận. Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4; Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, vì một cộng đồng ASEAN - 2015 và Kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015). Ngày Hội Sách năm 2015 diễn ra một chuỗi các hoạt động, trong đó có hoạt động triển lãm tư liệu “Sách - Sự giao thao văn hóa”, giới thiệu tới bạn đọc về sự giao thoa văn hóa trong nhiều lĩnh vực giữa các nước của cộng đồng ASEAN và một số dân tộc khác trên thế giới.
* Ngày Hội Sách năm 2016 với chủ đề “Sách – Hội nhập, đổi mới, phát triển”.
Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của cách mạng Việt Nam (1986-2016), đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong những năm tới; khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Ngày Hội sách năm 2016 được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, mang ý nghĩa thiết thực trước bối cảnh Việt Nam đạt những tựu trong công cuộc đổi mới đất nước. Triển lãm sách và giới thiệu các tư liệu được xuất bản từ sau năm 1986 (30 năm Việt Nam đổi mới) về quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập của Việt Nam trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, y tế, giáo dục,… Sự thành công đổi mới, hội nhập của Việt Nam là cơ sở niềm tin để khơi dậy khát vọng của nhân dân về một xã hội xã hội chủ nghĩa phồn vinh, hạnh phúc, vì hạnh phúc của nhân dân.
* Ngày Hội Sách năm 2017, với chủ đề "Sách - Tri thức và phát triển xã hội"
Một cột mốc quan trọng đó là, Ngày 15/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, vì vậy không phải ngẫu nhiên chủ đề "Sách - Tri thức và phát triển xã hội" được lựa chọn cho Ngày Hội sách năm 2017. Thông qua chủ đề này muốn khẳng định vai trò quan trọng của sách trong đời sống xã hội, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn của đọc sách, tiếp nối truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc Việt Nam được kết tinh qua nhiều thế hệ. Trong đó, giới thiệu các tư liệu viết về tinh hoa tri thức nhân loại; những nền văn hoá, văn minh thế giới được hình thành trên sự phát triển của tri thức. Ngày Hội Sách đã trở thành một hoạt động xã hội mang biểu trưng văn hoá Việt Nam, ngày càng thu hút có sức lan toả rộng rãi; góp phần nuôi dưỡng, duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa đọc trong cộng đồng.
* Ngày Hội Sách năm 2018 với chủ đề “Sách - Tri thức kiến tạo tương lai”.
Chủ đề Hội sách năm 2018 cũng chính là sự tiếp nối mạch xuyên suốt cho chủ đề chung “Sách và sự phát triển tri thức cộng đồng” mà Bộ Thông tin - Truyền thông đề ra trong Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm 2017 trên toàn quốc. Điểm nhấn của Ngày hội sách năm 2018 là lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia nhằm mục đích hướng tới đông đảo công chúng và bạn đọc, nhìn nhận sâu hơn về tầm quan trọng của sách, tri thức trong đời sống xã hội, đồng thời khẳng định tri thức là nền tảng của phát triển và sách chính là con đường nhanh nhất, mạnh nhất để tiếp cận tri thức - nền móng vững chắc xây dựng một tương lai tươi sáng. Đúng như tên gọi của nó: “Sách - Tri thức kiến tạo tương lai”, Ngày Hội sách còn có sự xuất hiện các bạn đọc nhí, ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi – Những chủ nhân tương lai của đất nước. Đây là các cháu chưa biết đọc và viết nhưng Hội sách cũng giành cho các cháu “sân chơi” để cho các cháu tiếp cận với sách sớm hơn, hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.
* Năm 2019, Ngày Hội sách với chủ đề “Sách - Kết nối tri thức & phát triển”
Với mong muốn kế thừa và thúc đẩy những thành công, kết quả tốt đẹp đã đạt được từ ngày hội sách của các năm, Ngày Hội Sách năm 2019 tiếp tục tổ chức các chuỗi hoạt động về sách, các tư liệu với nội dung giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển tri thức thông qua các học thuyết, các phát minh, sáng chế vĩ đại; các nền văn hóa, văn minh của thế giới; về sự kết nối của tri thức từ quá khứ - hiện tại với tương lai, tạo tiền đề cho phát triển. Chủ đề gắn kết giữa Sách - Tri thức với sự phát triển cộng đồng nhằm tạo sự hưởng ứng một cách sâu rộng và hiệu quả, huy động sự tham gia của cộng đồng, mọi nguồn lực xã hội, tạo cầu nối giữa người dân với giá trị của từng cuốn sách, giữa nhu cầu sử dụng với mục tiêu phát triển của xã hội. Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện số 46/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020. Luật thư viện ra đời, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc ở Việt Nam. Đây cũng có thể nói là một dấu mốc đặc biệt quan trọng của những người yêu sách nói chung và của những người làm công tác thư viện, phát triển văn hóa đọc nói riêng.
* “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh” là chủ đề của Hội sách năm 2020
Khi đại dịch covid-19 tràn vào Việt Nam, thực hiện Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh. Không thể dừng lại! Ngày Hội sách năm 2020 đã thay đổi hình thức tổ chức và ứng dụng những công nghệ 4.0 để hoạt động. Trưng bày, giới thiệu sách điện tử với chủ đề “Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh”. Đây là Hội sách trực tuyến quốc gia đầu tiên, nhằm phát triển văn hóa đọc trong thời đại công nghệ thông tin, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong mùa dịch COVID-19. Nét mới của Ngày hội sách đó là thói quen đọc sách có sự thay đổi từ sách in sang sử dụng các tài liệu điện tử. Đây là Ngày Hội sách đặc biệt, vừa chống dịch bệnh nhưng mọi người vẫn có thể tìm đọc và chiêm nghiệm những cuốn sách mà trước đây mình không có thời gian đọc, cùng nhau nhìn lại văn hóa đọc để ấp ủ cho những dự định mới và gửi đi một thông điệp rằng: Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, Sách và Văn hóa đọc luôn ở bên cạnh, đồng hành cùng ta, trang bị kiến thức cho mọi người tự bảo vệ mình trước dịch bệnh; là liều thuốc tinh thần, giúp mọi người cảm thấy bình thản, vững tâm hơn để chiến thắng đại dịch.
* Ngày Hội Sách năm 2021 với chủ đề: “Sách - Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc”.
Trong thời đại kỷ nguyên số, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, bùng nổ thông tin, cùng với sự xuất hiện của các phương tiện truyền thông và nghe nhìn khác, đã khiến mọi người lo cho số phận của Sách. Vậy, liệu có phải Sách và Văn hóa đọc đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hoá hay không? Chủ đề Ngày Hội sách năm 2021 sẽ trả lời cho câu hỏi trên.
Để khẳng định sứ mệnh của Sách và Văn hóa đọc đối với sự phát triển của đời sống xã hội, Năm nay, Ngày hội sách có nhiều hoạt động bổ ích, các chương trình khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc, mà điểm nhấn là hoạt động triển lãm với bốn nội dung: Sách - Con đường tiếp cận tri thức; Sách - Quà tặng nuôi dưỡng tâm hồn; Kỹ năng và phương pháp đọc sách; Khơi niềm đam mê đọc sách. Mong muốn của Ngày hội Sách năm 2021 gửi tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ một thông điệp: Trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới. Mỗi cuốn sách là một bức tranh kì diệu về cuộc sống. Sách không đơn thuần chỉ là những trang giấy mà trong đó còn chứa đựng một thế giới mà con người luôn khao khát được khám phá. Hãy cầm sách lên và đọc, bạn sẽ thấy thế giới mở ra trước mắt bạn.
* Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”
Từ năm 2014, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm là "Ngày Sách Việt Nam". Qua 8 năm triển khai thực hiện, để đưa Văn hóa Đọc phát triển lên một tầm cao mới, ngày 4/11/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg, lấy ngày 21/4 hằng năm là “Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” thay cho tên gọi Ngày sách Việt Nam trước đây. Như vậy năm 2022, ngày 21/4 sẽ là "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam", với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”. Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 được tổ chức đa dạng về hình thức, nội dung bao gồm các hoạt động trực tiếp và hoạt động trực tiếp kết hợp với livestream trực tuyến, phù hợp với nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân và bạn đọc hiện nay. Các hoạt động cùng tạo nên một bức tranh lớn với nhiều hình thức trải nghiệm, mang lại không khí tươi mới, giàu sức sống, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông qua các hoạt động nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Đồng thời phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng.
* Năm 2023, Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức với thông điệp “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”.
Với thông điệp này, Ngày Hội Sách và Văn hóa đọc nhằm tạo sự hưởng ứng sâu rộng, huy động mọi nguồn lực xã hội từ Trung ương với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể và địa phương trên cả nước. Tổ chức đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại; đưa ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới. Kết nối các hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm. Sử dụng sáng tạo các phương thức trên không gian mạng để quảng bá, truyền thông và phát huy các giá trị của sách, của văn hóa đọc. Tổ chức các hoạt động khuyến đọc, các mô hình, không gian văn hóa đọc sáng tạo, thu hút và phù hợp; đẩy mạnh phong trào đọc sách, lan tỏa tri thức, nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và trong mỗi người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc. Hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có trí tuệ, có nhân cách, lối sống lành mạnh, có năng lực tiếp nhận, khả năng tư duy, sáng tạo, cập nhật tri thức không ngừng, thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại.
H.Hồng