Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 21/09/2023, 19:45

Kỷ niệm 110 năm ngày mất của Bộ binh thượng thư Đại thần Tôn Thất Thuyết (1913 - 2023)

Tôn Thất Thuyết sinh ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức 12/5/1839) trong một gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn tại thôn Phú Mộng, xã Xuân Long, Kinh thành Huế. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình chi phái dòng họ Nguyễn đang trị vì đất nước, Tôn Thất Thuyết có nhiều thuận lợi để học hành và bước chân vào con đường công danh sự nghiệp. Bình sinh ông là một quan văn. Năm 1869 ông đã làm Án sát tỉnh Hải Dương rồi làm Biện lý Bộ Hộ. Năm Canh Ngọ (1870), ông được sung chức Tán tướng quân vụ cùng với Thống đốc Quân vụ Hoàng Tá Viêm đi tiễu phỉ ở vùng biên giới Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh, Thái Nguyên,… Cũng từ đây, sự nghiệp của Tôn Thất Thuyết chuyển sang ngạch võ.

Nhận trách nhiệm trước triều đình, cùng với Hoàng Tá Viêm dẹp yên sự quấy phá của bọn giặc phỉ người nước Thanh tràn sang nước ta, Tôn Thất Thuyết đã tỏ rõ năng nổ, hăng hái, lắm cơ mưu nên đã lập được nhiều công lớn. Ngay sau khi mới ra nhận chức, Tôn Thất Thuyết đã đem quân chia làm 3 đạo đi đánh giặc ở vùng mỏ Nà Khôn (thuộc tỉnh Thái Nguyên), trực tiếp đốc đạo quân đánh vào tận sào huyệt quân giặc, thu được toàn thắng. Vua Tự Đức đã khen rằng: “Thắng trận như thế công không kể hết được”. Do công lao và tài năng thực sự, Tôn Thất Thuyết đã được thăng chức khá nhanh: Năm 1870 làm Tán tướng quân vụ Sơn Tây, sau được cử làm Tán lý quân thứ Thái Nguyên, rồi làm Bố chính Hải Dương. Ba năm sau (1873), ông được phong làm Tham tán quân vụ, kiêm Tham tri Bộ Binh. Đến năm 1875 ông được cử giữ chức quyền Tổng đốc bốn tỉnh Ninh – Thái – Lạng – Bình (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng). Sau đó, được bổ nhiệm chức Hiệp thống quân vụ. Cuộc chiến đấu chống quân phỉ ở biên giới phía Bắc khi đó rất phức tạp, cũng có nhiều trận, nhiều lúc quân triều đình bất lực. Ông là người chịu trách nhiệm cũng nhiều phen bị triều đình quở trách, phạt cách tước hiệu chức vụ, rồi sau lập được công, lại được khôi phục chức tước.

Không chỉ quan tâm tới công việc phòng thủ giữ vững độc lập và chủ quyền của Tổ quốc, Tôn Thất Thuyết còn cùng các tướng lĩnh phải lăm lộn vất vả để dẹp giặc phỉ ở phía Bắc. Lúc này, ông cũng nhận thấy rõ nguy cơ Pháp sẽ kéo quân ra đánh chiếm Bắc kỳ. Ông đã chủ động dâng sớ về triều đình xin cho Nguyễn Tri Phương ra trấn trụ ở Hà Nội.

Đến khi thành Hà Nội bị thất thủ (20/11/1873), rồi các tỉnh Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định lần lượt bị giặc chiếm đóng. Mặc dù chưa có lệnh của triều đình, ông đã hăng hái cùng Hoàng Tá Viên kéo quân từ Sơn Tây về phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc phục kích đánh tan giặc Pháp tại Cầu Giấy (21/12/1873), tướng giặc là Francis Garnier phải đền tội tại trận. Sau chiến thắng vang dội này, triều đình Huế một mặt xuống dụ khen Hoàng Tá Viên và Tôn Thất Thuyết, một mặt lại truyền dụ cho quân đội của Tôn Thất Thuyết “phải đóng quân ở tỉnh Sơn Tây, nuôi uy thế, chứa sức mạnh,…”. Thực chất là buộc ông phải “án binh bất động”. Như vậy là ngay từ đầu, Tôn Thất Thuyết đã tỏ rõ tư tưởng chống Pháp. Nhưng sự hèn nhát và ngăn cản của triều đình đã khiến ông không được thỏa chí. Cộng thêm là bệnh tật giày vò do phải lăn lộn ở nơi “sơn lam chướng khí”, tức nơi rừng núi âm u, có nhiều khí độc nên năm 1878, ông xin triều đình cho về dưỡng bệnh tại Thanh Hóa. Trong thời gian này, ông liên lạc với các sĩ phu văn thân yêu nước trong tỉnh và bàn định kế hoạch xây dựng cơ sở kháng chiến. Năm 1879, ông tìm gặp Tống Duy Tân và đặc cách bổ dụng làm Đốc học, rồi Chánh sứ Sơn phòng ở Quảng Hóa (Vĩnh Lộc), để lo việc tuyển quân, tích trữ lương thực, sẵn sàng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp mà ông dự đoán sẽ bùng nổ.

Đến tháng 8 năm 1881, do tình hình mới, vua Tự Đức buộc phải gọi ông ra nhận chức Thượng thư Bộ Binh, phụ trách toàn bộ việc quân của triều đình. Năm 1883, ông được cử vào Viện Cơ mật. Khi vua Tự Đức băng hà (17/7/1883), ông lại được trao quyền phụ chính cùng với Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường cáng đáng việc nước khi vua còn nhỏ tuổi. Do nắm cả quyền chính trị và quân sự trong tay, ông đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong các hoạt động và đối sách của triều đình Huế lúc đó.

Trên đà thắng thế, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, bắt ép triều đình ký điều ước Quý Mùi (25/8/1883), rồi điều ước Giáp Thân (6/6/1884), từng bước xác lập và củng cố nền bảo hộ của chúng trên toàn bộ đất nước ta. Trong khi đó, phái kháng chiến do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo vẫn bí mật chuẩn bị lực lượng, như: “mở đường đạo”; gấp rút xây dựng hệ thống đồn sơn phòng dọc theo dãy Trường Sơn; chuyển súng đạn, đại bác, kho tàng, lương thực ra căn cứ ở Tân Sở (Quảng Trị); ráo riết tổ chức và đẩy mạnh luyện tập cho quân sĩ,… để chờ đến ngày sống mái với quân thù.

Càng ngày, thực dân Pháp càng thấy rõ Tôn Thất Thuyết là trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện âm mưu thôn tính Việt Nam của chúng. Cho nên, chúng tìm mọi cách gạt bỏ ông ra khỏi triều đình và nếu cần thiết chúng có thể thủ tiêu ông; bóp chết lực lượng chống Pháp còn sót lại trong triều đình Huế.

Trước tình hình cấp bách ấy, buộc Tôn Thất Thuyết và các đồng chí của ông phải hành động trước, không thể bị động ngồi chờ kẻ thù tiêu diệt. Theo kế hoạch đã định, đêm ngày 4/7/1885, lợi dụng lúc thực dân Pháp chủ quan sơ hở, đang say sưa yến tiệc trong Tòa Khâm sứ bên bờ sông Hương. Cánh quân do Tôn Thất Lệ (em trai của Tôn Thất Thuyết) chỉ huy tấn công vào Tòa Khâm sứ Pháp. Cánh quân thứ hai do Trần Xuân Soạn chỉ huy tấn công vào đồn Mang Cá, nơi tập trung phần lớn binh lực của quân đội Pháp. Cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Nhưng do việc chuẩn bị chưa thật chu đáo, so sánh lực lượng lại chênh lệch có phần lợi cho Pháp nên cuộc tấn công do Tôn Thất Thuyết chỉ huy đã thất bại nhanh chóng. Sau đó, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra Sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị), rồi theo đường rừng Trường Sơn chạy ra Sơn phòng Phú Gia (Hà Tĩnh) và ban chiếu cần vương, huy động lực lượng, kêu gọi nhân dân đứng lên chống kẻ thù xâm lược.

Ở triều đình Huế, Pháp nhanh chóng lập Nguyễn Khánh lên làm vua bù nhìn, ra lệnh tước hết quan tước và tịch thu gia sản của Tôn Thất Thuyết. Đồng thời, ban lệnh săn lùng, khủng bố những người yêu nước; tìm và giết chết Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, vua Hàm Nghi,…

Tháng 8 năm 1886, trước những khó khăn ngày càng lớn, Tôn Thất Thuyết giao cho hai con trai và các thủ lĩnh khác ở lại bảo vệ vua Hàm Nghi. Còn ông theo đường rừng sang Trung Quốc cầu viện. Việc cầu viện không thành, ông bị nhà Thanh trở mặt đưa ông đi an trí ở Long Châu, rồi Thiều Châu. Trước sự tan rã của phong trào kháng chiến, Tôn Thất Thuyết rất đau buồn và phải sống tha hương những năm tháng cuối đời. Ông mất ngày 22/9/1913 tại Thiều Châu (Trung Quốc).

Là người chủ trương kháng chiến, là người khởi phát phong trào Cần Vương, Tôn Thất Thuyết đã chấp nhận hi sinh vô cùng to lớn đối với bản thân và gia quyến. Vợ ông là Văn Thị Thu và mẹ ông là Lê Thị Thành phải chết dọc đường di tán. Hai con trai chết khi bảo vệ vua Hàm Nghi. Cha ông bị Pháp bắt, đày ra Côn Đảo và mất tại đó. Ba em trai của ông tham gia phong trào Cần Vương kháng Pháp rồi bị giặc bắt, tù đày và hi sinh. Có thể nói, toàn thể gia quyến Tôn Thất Thuyết đã tham gia kháng chiến, mỗi người tùy vào tài năng và sức lực đã góp phần xương máu của mình vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Bằng hành động kiên quyết, dũng cảm, ý thức trách nhiệm cao đối với dân, với nước, Tôn Thất Thuyết đã trở thành một lãnh tụ kháng chiến tiêu biểu và đã đóng vai trò to lớn trong phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân ta thời kì cuối thể kỷ XIX. Tấm gương anh hùng, bất khuất của ông luôn truyền động lực cho bao thế hệ con dân Việt Nam đứng lên chống giặc ngoại xâm; bảo vệ vững chắc nền độc lập và tự do cho nước nhà; xây dựng quê hương, đất nước phát triển vượt bậc. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của Bộ binh thượng thư Đại thần Tôn Thất Thuyết (1913 - 2023), Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, sự nghiệp và những đóng góp của ông trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Giúp bạn đọc hiểu hơn về lịch sử đấu tranh anh hùng của cha ông trong gìn giữ và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đồng thời, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất, đạo đức và nỗ lực trong lao động, sản xuất, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường./.

Đào Thanh

 

Tài Liệu Tham Khảo

Danh tướng Việt Nam trong lịch sử /  Đỗ Đức Hùng.  T.3. - H. : Văn học , 2021. - 21 cm ; 220 tr.

Tôn Thất Thuyết và phong trào Cần Vương /  Đoàn Thị Tuyết Mai lời ; Nguyễn Trí Phương tranh. - Tái bản lần thứ 1, có chỉnh lý. - H. : Giáo dục , 2017. - 27 tr.

Danh tướng yêu nước Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913) / Đinh Xuân Lâm chủ biên, Phạm Đình Nhân, Doãn Đoan Trinh. - H. : Nxb. Hà Nội , 1998.- 351 tr.

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1439 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày