Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Hai, 11/09/2023, 19:45

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa với những đóng góp trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam

Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những lời truyền miệng nhau việc Bác Hồ đưa từ Pháp về một kỹ sư chế tạo vũ khí rất giỏi, đã làm nức lòng mọi người khi bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, không cân sức giữa ta và địch. Ông là ai? “Là một đại trí thức, đi học ở Châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa” – (trên báo Nhân dân số 61 ra ngày 12/6/1952, dưới bút danh C.B., Bác Hồ đã viết về Trần Đại Nghĩa).

Cái tên Trần Đại Nghĩa rất có ý nghĩa, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho, đã theo ông đi cùng năm tháng của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đã định hướng cho mỗi hành động của ông khi nhận và làm bất cứ nhiệm vụ gì cũng vì nghĩa lớn, cũng là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trần Đại Nghĩa đã không quản vất vả, ngày đêm miệt mài nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, đạn dược phục vụ đắc lực, hiệu quả cho bộ đội chiến đấu. Trong hòan cảnh đất nước rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng với trách nhiệm được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó - trực tiếp đứng đầu ngành quân giới non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông đã cùng các đồng sự đem hết tâm sức, trí lực nghiên cứu, chế tạo thành công các loại vũ khí có uy lực phục vụ cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đi đến thắng lợi hòan toàn.

Giai đoạn từ năm 1945-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không được một quốc gia, tổ chức quốc tế nào ủng hộ và giúp đỡ, vì thế, quân và dân ta phải tiến hành cuộc chiến đấu với tinh thần hòan toàn dựa vào sức mình. Vũ khí của ta còn thiếu và thô sơ, súng đạn không đủ cho bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận, thậm chí còn phải dùng cả gậy tầm vông, mã tấu, dao găm, súng kíp, cung nỏ… Do nhu cầu cấp bách về vũ khí trang bị cho quân đội, Bác Hồ đã giao cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng Cục quân giới, tổ chức nghiên cứu chế tạo vũ khí, đáp ứng nhu cầu cho các chiến trường. Bằng vốn tri thức hiểu biết về vũ khí của nước Pháp và phương Tây tích luỹ được từ 11 năm học tập ở xứ người, ông và các cộng sự đã chạy đua với thời gian, tổ chức khôi phục, sửa chữa các loại súng, đạn, mìn thu được của Pháp, Nhật. Đặc biệt nghiên cứu chế tạo thành công súng, đạn bazooka (2/1947) có sức đâm xuyên đạt độ sâu 75cm trên tường thành, tương đương với sức nổ xuyên của đạn bazooka do Mỹ chế tạo. Bộ đội ta được trang bị súng bazooka, đánh công đồn, diệt xe tăng, thiết giáp và các loại thiết xa vận, tàu chiến hiệu quả. Từ khi đưa vào sử dụng, súng, đạn bazooka trong các trận đánh lớn đã làm cho địch tổn hại nặng nề. Chính cống hiến to lớn này, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành 01 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (khi mới 35 tuổi). Sau súng, đạn bazooka, kỹ sư Trần Đại Nghĩa và cộng sự tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công súng không giật (SKZ) ngang bằng vũ khí hiện đại của Mỹ, một loại súng rất nhẹ, chỉ 20kg, bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng bê tông cốt thép dày hàng mét. Loại súng này được dùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã giúp bộ đội ta tiêu diệt nhiều lô cốt, đồn bốt địch. Cống hiến to lớn tiếp theo của kỹ sư Nghĩa là chế tạo thành công vũ khí – bom bay (còn gọi là đạn bay), loại vũ khí có sức công phá lớn, giáng xuống đầu quân địch những đòn sấm sét nhất, trong các trận chiến khốc liệt nhất. Năm 1949, Thiếu tướng, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được giao đồng thời hai nhiệm vụ: Cục trưởng Cục Quân giới và Cục trưởng Cục Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Song song với tổ chức chế tạo vũ khí, đồng chí đã lãnh đạo, tổ chức xây dựng lực lượng pháo binh ngày càng hùng mạnh, hiện đại, phục vụ cho cách mạng Việt Nam…

Có thể nói, đây cũng là giai đoạn đồng chí Trần Đại Nghĩa có những đóng góp nổi bật nhất cho cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện hoàn cảnh đất nước khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhất là những tài liệu và nguyên liệu để chế tạo vũ khí, việc Trần Đại Nghĩa lần lượt nghiên cứu, chế tạo thành công súng bazooka, SKZ, đạn bay thực sự là những kỳ tích, góp phần quan trọng trong việc xoay chuyển cục diện trên chiến trường, làm cho cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam có điều kiện đi đến thắng lợi.

Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng khốc liệt, đồng chí Trần Đại Nghĩa được điều động trở lại Bộ Quốc phòng, giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng thời được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Đồng chí đã vận dụng những kinh nghiệm quý báu tích luỹ được trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và các kinh nghiệm phong phú của thế giới. Đối đầu với những vũ khí, khí tài hiện đại, phức tạp của Mỹ, lúc đầu ta phải cải tiến các vũ khí được viện trợ, sau đó phải phát triển nhiều loại vũ khí khác nhau để địch đối phó khó hơn. Tình hình chiến trường, chiến lược, chiến thuật của ta có nhiều điểm khác với các nước, vì vậy việc sản xuất thêm vũ khí mới thích hợp là rất cần thiết. Với lòng say mê nghiên cứu khoa học, đồng chí tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc cải tiến vũ khí, kỹ thuật nhằm chống lại chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cuộc đời và những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Đại Nghĩa thực sự trở thành một tấm gương tiêu biểu để các thế hệ người Việt Nam tiếp bước noi theo. Đó là tấm gương về ý chí quyết tâm vượt qua hoàn cảnh khó khăn để học tập và khi đã trưởng thành, nắm giữ những cương vị lãnh đạo, quản lý quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau; đó là tấm gương về sự khát khao tìm hiểu, tiếp thu tri thức cần thiết, hữu ích để phục vụ sự nghiệp kháng chiến của đất nước; đó là tấm gương lao động quên mình, mọi lúc, mọi nơi, đi tiên phong trong những lĩnh vực khoa học còn mới mẻ, sẵn sàng nhận và làm tốt bất cứ nhiệm vụ gì được giao; đó là tấm gương về nhân cách trọng tín nghĩa, thủy chung, quan tâm, đoàn kết với mọi người, giản dị, khiêm nhường trong cuộc sống, say mê, tận tuỵ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ kế tiếp…

Không chỉ là “Ông vua” vũ khí, “Ông Phật làm súng”- (tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho ông), mà Trần Đại Nghĩa còn là một nhà khoa học xuất chúng, nhà sư phạm hàng đầu của Việt Nam, là một trong những nhà khoa học tiên phong đặt nền móng và có đóng góp lớn trong việc xây dựng, phát triển nền khoa học, kỹ thuật của nước nhà đào tạo nên những thế hệ các nhà khoa học tài danh trên nhiều lĩnh vực khoa học, đời sống, làm vẻ vang đất nước.

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 - 13/9/2023), điểm lại những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, nhằm tiếp tục khẳng định đồng chí Trần Đại Nghĩa là một nhà khoa học chân chính, một trí thức Việt Nam thời hiện đại, một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, quyết tâm và nghị lực phi thường vượt qua khó khăn, gian khổ để cống hiến trọn đời mình cho cách mạng Việt Nam. Thế hệ hôm nay luôn tự hào, biết ơn, ghi nhớ và tiếp bước noi theo tấm gương của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa./.

Nguồn tham khảo

1. Phỏng vấn các tướng lĩnh Việt Nam : Nhân vật - sự kiện - lịch sử / Phan Hoàng. - In lần 2. - Tp. Hồ Chí Minh : Tạp chí kiến thức ngày nay. - T.1, 1997. -124 tr. ; 21cm.

2. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa nhà khoa học lớn với cách mạng Việt Nam / Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Tỉnh ủy Vĩnh Long. - H. : Chính trị Quốc gia : Sự thật, 2013. - 629 tr. ; 24 cm.

 

Đinh Nhài

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2069 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày