Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Ngược dòng lịch sử Thứ Năm, 07/09/2023, 19:55

Nguyễn Chí Diểu – Người chiến sĩ cách mạng tiêu biểu trong thời kỳ đầu xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong lịch sử cách mạng vẻ vang do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, lớp lớp cán bộ đảng viên được đào tạo, bồi dưỡng, tôi luyện từ thực tiễn đấu tranh cách mạng đã trở thành những nhà lãnh đạo kiên trung, tài năng; là tấm gương cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu là một trong những đảng viên thuộc lớp đầu tiên của Đảng. Không chỉ là đảng viên kiên trung, bất khuất, đồng chí còn là nhà lãnh đạo tài năng, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin giới thiệu sơ lược về tiểu sử, cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí. Nhằm góp phần thiết thực vào công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, khơi gợi niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước; động viên, định hướng về tư tưởng, chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và ngày mai.

Nguyễn Chí Diểu sinh ngày 14/9/1908, trong một gia đình nhà nho truyền thống với nhiều đời làm quan, ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ngay từ nhỏ, ông đã được gia đình quan tâm cho đi học tại trường Pháp -Việt Đông Ba. Sau này, ông học tại trường Quốc học Huế. Với tinh thần yêu nước, thương người dân lầm than cơ cực, Nguyễn Chí Diểu đã nhiệt tình tham gia cách mạng. Ông tham gia lễ truy điệu Phan Chu Trinh và phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải. Sau đó, ông cùng Nguyễn Khoa Văn và Võ Nguyên Giáp thành lập câu lạc bộ thơ yêu nước, vận động học sinh hằng tuần đến Bến Ngự nghe cụ Phan Bội Châu nói chuyện. Nhóm học sinh này đã tìm kiếm và chuyền tay nhau đọc những bài báo bí mật từ nước ngoài chuyển về trong nước. Trong đó, có nhiều sách báo do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết và biên tập như: Le Paria, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp,...v.v.

Những hoạt động yêu nước của thanh thiếu niên, học sinh trường Quốc học Huế khiến nhà cầm quyền Pháp tức giận. Đặc biệt, sau phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu do Nguyễn Chí Diểu là một trong những người đứng đầu, chúng đã kiếm cớ đuổi học ông. Dù bị nhà trường thực dân buộc thôi học, Nguyễn Chí Diểu vẫn bám trường học, thành phố để phát triển và huấn luyện đảng viên, tạo nguồn nhân lực cho cách mạng. Ông đã dẫn dắt được nhiều cán bộ, tiêu biểu như Võ Thuần Nho, em ruột của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau này, Võ Thuần Nho thi được vào học tại Trường Quốc học Huế và nhanh chóng trở thành hội viên “Hội học sinh đỏ” và bước vào cuộc đời cách mạng.

Rời Trường Quốc học Huế, đồng chí bắt liên lạc với các nhà hoạt động cách mạng; tiếp tục tham gia các cuộc đấu tranh chống áp bức, bất công cùng nhiều chí sĩ cách mạng khác. Mới 19 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Tân Việt cách mạng Đảng - Ủy viên Kỳ bộ Trung kỳ. Với nhận thức chính trị sâu sắc và bản lĩnh vững vàng của người chiến sĩ cách mạng, đồng chí được Đảng giao trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy Gia Định giữa năm 1930. Khi đó, đồng chí đã chỉ đạo gây dựng tổ chức đảng và phát triển phong trào cách mạng ở địa phương; năng nổ xuống cơ sở củng cố tổ chức. Nhờ đó tổ chức đảng ở các vùng Bà Điểm, Hóc Môn ngày càng phát triển.

Tháng 10/1930, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt giam và kết án khổ sai chung thân, lưu đày ở Côn Đảo. Ở đây, đồng chí vẫn luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng, kiên quyết đấu tranh để bảo vệ uy tín của Đảng, bảo vệ bí mật của tổ chức. Tháng 8-1934, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tổ chức một cuộc đấu tranh chống đàn áp, cưỡng bức lao động của bọn cai ngục. Cuộc đấu tranh đã gây tiếng vang rất lớn và được nhiều tờ báo công khai lấy đó để phản ánh gay gắt chế độ nhà tù thực dân. Vì vậy, Nguyễn Chí Diểu bị đẩy vào biệt giam trong hầm xay lúa. Cuộc sống cực khổ, không khí bụi bặm, ngột ngạt khiến sức khỏe của Nguyễn Chí Diểu sa sút và mắc bệnh lao phổi nghiêm trọng.

Trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, bằng những kinh nghiệm đấu tranh trong thực tiễn nhà tù Khám lớn Sài Gòn và trình độ lý luận sắc bén của mình, Nguyễn Chí Diểu đã cùng với các đồng chí trong chi bộ xác định mục tiêu đấu tranh trong tù là một bộ phận trong toàn bộ cuộc đấu tranh cách mạng, phải bảo vệ sinh mạng, duy trì tinh thần chiến đấu và rèn luyện, đào tạo đội ngũ cán bộ cho Đảng. Nguyễn Chí Diểu đã cùng với nhiều đồng chí nòng cốt trong chi bộ tiến hành tổ chức học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng cho anh em tù nhân. Qua việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhiều anh em tù nhân là những đảng viên Quốc dân Đảng và các đảng phái khác đã có cảm tình tốt với những người Cộng sản, sẵn sàng ủng hộ và đứng về phe những người Cộng sản.

Mùa thu năm 1936, Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí được ân xá trở về đất liền, tiếp tục chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng của Đảng mà đồng chí đã tự nguyện dấn thân và kiên quyết thực hiện. Trở về Huế, đồng chí nhanh chóng nắm bắt tình hình, lãnh đạo phong trào, tham gia lên kế hoạch tổ chức Đông Dương Đại hội, góp phần xây dựng củng cố Xứ ủy Trung Kỳ. Với những cống hiến to lớn đó, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương, rồi làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ. Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, dù bị thực dân Pháp theo dõi sát sao, nhưng với trình độ hiểu biết và lòng yêu nước, thương dân, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã cùng với các đồng chí Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San tổ chức gây dựng, phát triển các cơ sở cách mạng; triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, cổ động; tập hợp quần chúng nhân dân thành mặt trận rộng rãi đấu tranh đòi tự do dân chủ.

Ngay sau Hội nghị Trung ương, Nguyễn Chí Diểu trở về Huế cùng với Xứ ủy Trung Kỳ lãnh đạo phong trào cách mạng toàn xứ và trực tiếp chỉ đạo Đảng bộ và phong trào quần chúng Thừa Thiên Huế. Tháng 4-1937, đồng chí thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ, triệu tập các đồng chí cán bộ, đảng viên chủ chốt thành lập Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên - Huế lần thứ hai. Cuối tháng 8-1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu và Phan Đăng Lưu rời Huế vào Nam để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu vào Ban Chấp hành và là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương.

Tháng 3-1938, trước tình hình tổ chức Đảng ở Trung Kỳ đã phát triển và liên lạc được với nhau, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tổ chức lại Xứ ủy Trung Kỳ và giao lại cho Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh. Đầu tháng 4-1938, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại do đồng chí Nguyễn Chí Diểu làm Bí thư, cơ quan Xứ ủy đóng ở Huế.

Có thể khẳng định đồng chí Nguyễn Chí Diểu là một trong những nhà lãnh đạo tài năng, quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là Ủy viên Thường vụ Trung ương từ Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 9-1937. Song, do căn bệnh lao quái ác mắc phải trong thời gian ngục tù tại Côn Đảo, sức khỏe Nguyễn Chí Diểu suy giảm nhanh chóng. Đồng chí mất ngày 15/9/1939, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng các chiến sĩ cách mạng, đồng chí, đồng đội và nhân dân.

Dù tuổi đời và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Chí Diểu còn ngắn, nhưng đầy sôi nổi và gắn liền với thời kỳ đấu tranh cách mạng nhiều cam go, thử thách của Đảng và nhân dân ta. Đó là hành trình hoạt động cách mạng liên tục cả trong điều kiện hoạt động bí mật và trong hoàn cảnh bị địch bắt tù đày, diễn ra ở nhiều địa bàn từ miền Trung đến miền Nam, giữa sự khủng bố điên cuồng, tàn bạo của kẻ thù. Đồng chí đã có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp vẻ vang của Đảng và cách mạng Việt Nam. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng thể hiện phẩm chất của một người cộng sản kiên trung, tài năng, một nhà lãnh đạo có tài tổ chức, giàu năng lực hoạt động thực tiễn và công tác tuyên truyền cách mạng, có sức hấp dẫn và quy tụ cán bộ, đảng viên, quần chúng trên trận tuyến đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đồng chí là biểu tượng sáng ngời của tấm gương người chiến sĩ cách mạng năng động và sáng tạo; hết lòng vì dân, vì nước. Giới thiệu về cuộc đời và những cống hiến lớn lao của đồng chí Nguyễn Chí Diểu là dịp để thế hệ trẻ gửi lời tri ân sâu sắc đến lớp lớp những anh hùng cách mạng đã sống, chiến đấu và hi sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Từ truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường ấy, sẽ là hành trang vững chắc, giúp thế hệ trẻ phát huy tính tự lực, tự cường trong xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam trong tương lai.

Đào Thanh

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Chí Diểu : Tiểu sử / Nguyễn Xuân Tuất chủ biên, Phạm Hồng Chương, Đặng Văn Thái,... biên soạn. - H. : Chính trị quốc gia Sự thật, 2022. - 254 tr. : ảnh ; 21cm.

Nguyễn Chí Diểu người chiến sĩ cách mạng can trường / Đoàn Triệu Long lời ; Nguyễn Đông Hải tranh. - H. : Giáo dục Việt Nam, 2009. - 27 tr. : minh họa màu ; 21cm.

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1969 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày