Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản là một vị quan tài, đức dưới triều nhà Nguyễn, một nhân cách cao đẹp, một học giả uyên bác và đồng thời là một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam ở thế XIX.
Nguyễn Tư Giản sinh năm 1823, tự là Tuân Thúc, hiệu là Vân Lộc và Thạch Nông, người làng Du Lâm, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Bắc Ninh, nay là thôn Du Lâm, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Năm 21 tuổi, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa Giáp Thìn, niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844). Nguyễn Tư Giản được coi là vị Hoàng giáp nổi tiếng nhất trong lịch sử khoa bảng, là vị quan phục vụ 7 đời vua triều Nguyễn (Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh), trải qua những chức vụ trọng yếu như: Hàn lâm viện Tu soạn; Tri phủ Ninh Thuận; Tập hiền viện Thị tộc; Kinh Diên khởi cư chú; Hàn lâm viện Thị giảng Học sĩ tham dự Nội các Biện lý Đê chính sự vụ; Hồng lô Tự Khanh; sung Phó sứ thứ nhất cùng Chánh sứ Lê Tuấn sang nhà Thanh (1868); Lại bộ Thị lang; Tham tri quyền lĩnh Lại bộ Thượng thư (1872); Thự Lại bộ Thượng thư; sung Cơ mật viện Đại thần (1873). Suốt gần 40 năm phụng sự cho đất nước, ông đã để lại dấu ấn trên nhiều lĩnh vực đời sống chính trị ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá… của Việt Nam thời bấy giờ.
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, Nguyễn Tư Giản là vị quan có tài kinh bang, nhưng lại sinh ra vào thời vận nước gặp muôn vàn khó khăn: thực dân Pháp xâm chiếm đất nước; nội bộ triều đình Tự Đức phân hóa, quan lại đồng liêu, phần lớn lười biếng cầu an; Vua Tự Đức thì yếu đuối, nhu nhược, thiếu tài lãnh đạo; bộ máy hành chính triều Nguyễn quá cồng kềnh, kém hiệu lực. Mặc dù vậy, nhưng Nguyễn Tư Giản vẫn giữ vững được lập trường, bản lĩnh tốt đẹp. Ông đã nhiều lần dâng sớ, làm các bài ứng chế có nội dung cổ động cho việc canh tân đất nước. Trong đó, năm 1853, Nguyễn Tư Giản viết bài “Ứng chế” đệ Vua Tự Đức nêu lên 6 cái tệ lớn của quan lại đương chức, mà nhức nhối nhất là nạn tham nhũng và hiện tượng quan viên lười biếng, bên cạnh đó đặt ra những điều cần phải làm ngay là thực hiện cải cách nền hành chính quốc gia, thay đổi tình trạng kém hiệu quả của bộ máy Nhà nước... Để giảm bớt các tình trạng đã trở thành tệ nạn, Nguyễn Tư Giản đề nghị thải bớt quan lại, nhất là những người kém tư cách, không có năng lực, chọn lọc người tài năng vào các cơ quan Nhà nước, trả lương thích đáng cho họ. Đặc biệt, cần đào tạo lại đội ngũ quan lại trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý hành chính, trước hết là những người giữ vai trò hành chính ở triều đình. Thực hiện ý tưởng đó, Nguyễn Tư Giản đã cùng một số đình thần đề nghị vua Tự Đức mở các buổi thuyết giảng các tác phẩm về thuật trị nước an dân của người xưa, nhằm trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực quản lý đất nước cho quan lại trong triều. Ngoài các buổi thuyết giảng, Nguyễn Tư Giản còn đưa ra hình thức đào tạo mang tính chuyên sâu là “ngự chế” và “ứng chế”. Ngự chế là nhà vua nêu một vấn đề bức xúc của đất nước để các quan “ứng chế” - trình bày quan điểm cùng các kiến giải.
Năm 1878, Ông được triệu về Huế, trao chức Thị giảng học sĩ và ủy nhiệm phụ trách việc khánh tiết và khảo duyệt bộ “Việt sử cương mục”.
Sau biến cố tại Kinh thành Huế năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đoàn tùy tùng chạy ra Tân Sở (Quảng Trị), vua Đồng Khánh lên thay, Nguyễn Tư Giản được cử giữ chức Thị lang Bộ Hộ, nhưng sau đó ông cáo ốm, xin được từ quan về ở ẩn, dạy học ở Phát Diệm (Ninh Bình) cho đến năm Canh Dần (1890) thì mất tại đây, thọ 67 tuổi.
Về lĩnh vực ngoại giao, Nguyễn Tư Giản có tham gia trong sứ bộ sang tiến cống nhà Thanh (năm 1868). Mặc dù, chuyến đi sứ hết sức vất vả, công việc ứng tiếp rất nhiều, cả đi lẫn về từ ải Nam Quan đến Yên Kinh – Bắc Kinh và ngược lại, tổng cộng là 377 ngày nhưng đã thành công tốt đẹp. Nhờ có cơ hội đi sứ, ông đã ghi nhận những biến đổi quan trọng của nước người trong khi nước nhà vẫn còn trong tư tưởng Nho giáo hủ lậu. Lòng yêu nước, thương dân của ông bộc lộ rõ trong những bản điều trần, trong lời sớ thiết tha mong vua đừng nghị hòa với quân Pháp, Nguyễn Tư Giản đã sớm rời chốn quan trường để trở về quê sống một cuộc đời thanh bạch.
Nổi bật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Nguyễn Tư Giản đã đưa ra kế sách và biện pháp hộ đê, trị thủy với việc sửa sang, nạo vét, nắn dòng chảy để giảm thiểu thiệt hại do nạn thủy tặc thường xuyên đe dọa và gây ra với làng xã đồng bằng Bắc Bộ. Dưới triều Nguyễn (thế kỷ XIX), vấn đề trị thuỷ sông Hồng nói riêng và trị thuỷ đồng bằng Bắc Bộ nói chung được xem như vấn đề quan trọng hàng đầu, đó là vấn đề đắp hay bỏ đê của các dòng sông nơi đây. Kế sách trị thủy của ông được lưu lại trong “Phương lược trị thủy Nhị hà” đến nay vẫn còn ý nghĩa. Tuy nhiên khi đó “lực bất tòng tâm”, nên Nguyễn Tư Giản không thể làm tốt nhiệm vụ hộ đê (ông bị bãi chức, vì học trò của ông là Phan Văn Nhã làm giả ấn quan phòng tỉnh Thanh Hoá, mạo làm cấp bằng Cửu phẩm chờ bổ)...
Trên lĩnh vực văn hoá – giáo dục, là một người có tài văn chương, tuổi trẻ đỗ cao, cho nên Nguyễn Tư Giản được các vua triều Nguyễn (Thiệu Trị, Tự Đức) và các bạn đồng liêu rất yêu quý, nể trọng. Trong cuộc đời làm quan của mình (1844-1886), có khoảng nửa thời gian ông giữ các trọng trách liên quan tới văn hoá, giáo dục như: Hàn lâm viện Tu soạn; Bản chương sở trong Nội các; Quang lộc Tự khanh sung vào Nội các (1856); Quyền lĩnh Thượng thư Bộ Lại kiêm sung chức Quốc sử quán Phó tổng tài (1872); Thượng thư Bộ Lại sung Cơ mật viện Đại thần (1873); Thượng thư Bộ Lại kiêm lĩnh Quốc Tử Giám (1974);… Trên lĩnh vực này, Nguyễn Tư Giản thành công nhất ở mảng văn học, đặc biệt về thơ ca. Trên một nghìn bài do ông sáng tác, đã thể hiện rõ nét tình yêu quê hương, đất nước, lòng thương dân, gần gũi, thông cảm và yêu mến cuộc sống vất vả của người nông dân, niềm vui nỗi khổ của họ ở các thôn làng. Đối với vấn đề thời cuộc, Nguyễn Tư Giản có khá nhiều bài thơ ca tụng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân miền Nam, thơ ông toát lên tinh thần tự hào dân tộc, ca ngợi ý chí bất khuất, kiên cường của các bậc anh hùng chí sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Ngoài ra, Nguyễn Tư Giản còn sáng tác tản văn như: biểu, trướng, thiếp mừng, văn tế, câu đối,… và tham gia biên soạn: Liễu Đường biểu thảo, Như Thanh nhật ký, Thạch Nông tùng thoại tập, Trung ngoại quỳnh dao tập, Hà phòng tấu nghị, Việt sử thông giám cương mục. Đặc biệt, các tác phẩm thơ ca của ông được sáng tác hoàn toàn bằng chữ Hán.
Trải qua hơn 40 năm làm quan trong triều đình nhà Nguyễn, với nhiều thăng trầm, biến thiên của thời cuộc, song Nguyễn Tư Giản vẫn giữ vững được bản lĩnh tốt đẹp của một vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay học tập và noi theo.
Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản, ôn lại tiểu sử, nhằm góp phần làm rõ hơn thân thế, sự nghiệp, góp phần khẳng định những đóng góp to lớn của ông đối với vương triều Nguyễn và đất nước ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặc dù, người đã đi xa, nhưng trong lòng nhân dân Việt Nam, Nguyễn Tư Giản vẫn mãi là một danh nhân lịch sử, có nhiều công lao đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, ông mãi xứng đáng nhận được sự trân trọng và biết ơn của thế hệ hôm nay và mai sau./.
Đinh Nhài