Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30/7/1908 tại làng Bần An Phú, Tổng An Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình nông dân. Nguyễn Bình là con thứ ba nên người làng gọi là Ba Thảo.
Lên 11 tuổi, Ba Thảo đã theo anh ruột Nguyễn Thế Nức (một viên chức yêu nước) về ở phố Cát Cụt, thành phố Hải Phòng. Do ảnh hưởng của anh ruột, cùng với bản tính thông minh, ham học, trung thực, thẳng thắn, thích luyện tập võ nghệ, Ba Thảo sớm tham gia phong trào yêu nước và hoạt động trong giới thanh niên và học sinh.
Năm 1925, ông tham gia tổ chức học sinh Trường Kỹ nghệ Hải Phòng bãi khoá để phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1926, ông tham gia lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh tại Dư Hàng Kênh. Sau khi bị đuổi học, Ba Thảo ở nhà làm thợ giặt rồi làm công nhân tàu biển của hãng Đầu Ngựa.
Năm 1922, ông lập gia đình. Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo, lúc này Quốc dân Đảng còn là một Đảng tiến bộ hoạt động chống Pháp xâm lược. Năm 1929, ông bị địch bắt và bị kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.
Trong lao tù đế quốc, được những người cộng sản giác ngộ, đồng chí đã kiên quyết từ bỏ đường lối Quốc dân Đảng. Chính sự kiện này – sự thay đổi về quan điểm, tư tưởng, lập trường chính trị - đồng chí đã bị những người tù Quốc dân Đảng trả thù móc mất một con mắt. Mặc dù chưa là đảng viên, nhưng đồng chí luôn đấu tranh kiên cường bất khuất chống mọi sự đàn áp dã man của nhà tù, tự nguyện đi theo đường lối của Đảng Cộng sản. Năm 1935 ra tù, đồng chí hoạt động trong Phong trào Bình dân và bị bắt ở Thái Nguyên. Ba năm sau, hoạt động ở Hưng Yên, đồng chí lại bị địch bắt. Năm 1942 ra tù, được đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) phái lên Lai Châu hoạt động, sưu tầm nhiên liệu để chế lựu đạn. Từ năm 1943, đồng chí được Trung ương giao phụ trách binh vận và mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng.
Trong điều kiện chồng chất khó khăn từ những ngày đầu khởi nghĩa vũ trang, với chí thông minh và lòng quả cảm, đồng chí Nguyễn Bình đã chủ động trực tiếp chỉ huy lập công xuất sắc: Từ tháng 3/1945 đến tháng 7/1945, dưới sự chỉ đạo của viên Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí đã chỉ huy đánh chiếm đồn Bần Yên Nhân ngay trên đường số 5, thuộc tỉnh Hưng Yên. Tiếp đó, đồng chí đã binh vận thành công, lấy được trọng liên trên tàu chiến địch ở Thượng Lý – Hải Phòng. Trong cuộc khởi nghĩa vũ trang thành lập Đệ tứ chiến khu, đồng chí đã chỉ huy hạ đồn Đông Triều, diệt đồn Bí Chợ giành chiếm Uông Bí, tổ chức tiến công giải phóng thị xã Quảng Yên - tỉnh lỵ duy nhất ở miền Bắc được giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Từ chiến khu Đông Triều, đồng chí đã chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng phối hợp với nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức giành chính quyền ở thành phố Hải Phòng, Kiến An và Hải Dương. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được trung ương giao làm Khu trưởng Khu Duyên Hải Bắc bộ (nay thuộc Quân khu 3). Đồng chí đã có công lao to lớn trong việc bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở vùng Duyên Hải Bắc bộ.
Tháng 10/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta và gây hấn ở Nam bộ. Trước tình thế bất lợi, một bên là quân xâm lược được trang bị vũ khí đầy đủ, một bên là các lực lượng kháng chiến còn trứng nước lại bị xé nhỏ, phân tán, đồng chí Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp động viên giao nhiệm vụ vào Nam bộ, ban đầu với trọng trách là phái viên của Trung ương, của Cụ Hồ và sau đó giữ chức Khu trưởng Khu 7. Năm 1946, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1947, đồng chí là Ủy viên Quân khu ủy Quân khu 7, được Trung ương bổ nhiệm làm Tư lệnh Nam bộ, đồng chí là Ủy viên Xứ Quân ủy. Đầu năm 1948, đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong hàm cấp Trung tướng. Đồng chí là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm khi tuổi 40.
Trên cương vị Khu trưởng Khu 7, rồi Tư lệnh Nam bộ, với uy tín và tài trí của mình, đồng chí đã cùng Khu ủy và Xứ ủy Nam bộ có những quyết định đúng đắn, giải quyết được những vấn đề cơ bản. Ngày 22/11/1945, đồng chí đã triệu tập Hội nghị quân sự Nam bộ tại An Phú xã nhằm thống nhất các lực lượng vũ trang đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với chủ trương tập trung xây dựng lực lượng chủ lực làm nòng cốt, đồng chí đã chú trọng lãnh đạo, phát động chiến tranh du kích ở Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh Nam bộ. Sau khi Sài Gòn bị địch chiếm đóng, một mặt vừa chỉ đạo tác chiến đánh địch ở vòng ngoài, mặt khác đồng chí đã chỉ đạo đưa chiến tranh du kích vào lòng địch. Các Ban công tác Thành được thành lập và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Nhiều lần đồng chí đã dũng cảm táo bạo một mình vào tận hang ổ sào huyệt địch để thị sát nắm địch, chỉ đạo tác chiến. Đồng chí là một trong những cán bộ có công lao to lớn đối với sự nghiệp xây dựng chiến đấu của quân dân miền Đông Nam bộ từ những ngày đầu đầy gian nan thử thách và có những đóng góp lớn vào việc chỉnh đốn xây dựng chính quyền và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất Nam bộ.
Năm 1951, trên đường ra Bắc báo cáo Trung ương, đồng chí bị địch phục kích và đã hy sinh ngày 29/9/1951 tại phum KpalRô Mia, xã Srê Pốc, huyện Sê San, tỉnh Stung Treng, Campuchia. Phần mộ của đồng chí đã được nhân dân và lực lượng cách mạng Campuchia gìn giữ gần nửa thế kỷ, đến ngày 29/2/2000, hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình đã được đưa về Việt Nam trong vòng tay yêu thương của gia đình và đồng đội.
Từ những buổi đầu tham gia cách mạng đến lúc hy sinh, trước sự tra tấn giam cầm trong lao tù thực dân đế quốc hay trên các chiến trường quyết liệt, Trung tướng Nguyễn Bình luôn giữ trọn khí tiết cao quý của người cộng sản, trung thành với sự nghiệp cách mạng, một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với đồng bào và đồng đội, đồng chí là người sống có tình, có nghĩa, trung thực, thẳng thắn, luôn nghiêm khắc, quyết đoán trong xử lý mọi tình huống, đồng chí luôn tôn trọng nhân tài, đã cảm hoá, động viên các nhân sĩ trí thức yêu nước phát huy tài năng phục vụ cách mạng.
Trung tướng Nguyễn Bình là một người cộng sản kiên trung, một tướng lĩnh quả cảm nghĩa hiệp, giàu đức hy sinh, lòng dũng cảm và tài thao lược, đồng chí đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tên tuổi của Trung tướng gắn liền với chiến khu Đông Triều, chiến khu Duyên Hải Bắc bộ với Sài Gòn – Chợ Lớn, Đông Nam bộ và Nam bộ. Do những công lao đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đồng chí là người đầu tiên của quân đội ta được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Và đặc biệt là, ngày 6/3/2000 Nhà nước quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh – Huân chương cao quý của Nhà nước ta và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Trung tướng Nguyễn Bình, thế hệ hậu sinh xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến đồng chí. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân Việt Nam học tập noi theo. Thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, sống xứng đáng với lý tưởng, hoài bão cao quý của Trung tướng Nguyễn Bình, tiếp tục góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyễn Mai