Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam). Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Thư viện tỉnh Đồng Nai xin trân trọng giới thiệu sơ lược về tiểu sử, những cống hiến lớn lao của đồng chí trong những ngày đầu xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước tại làng Diêm Điền, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Từ năm 17 tuổi đồng chí lên Hà Nội làm công nhân. Cùng đồng cam cộng khổ với những người lao động ở nghèo, nên đồng chí thấu hiểu nỗi thống khổ của người công nhân. Không chỉ vậy, đồng chí cũng sớm nhận ra sức mạnh to lớn của đội ngũ công nhân lao động, trong hoạt động đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Khi được giác ngộ cách mạng đồng chí đã trở thành một trong những người lãnh đạo phong trào công nhân ở vùng duyên hải Hải Phòng và vùng mỏ than Hồng Quảng (nay thuộc mỏ than Quảng Ninh).
Tháng 9-1927, đồng chí đến Quảng Châu, Trung Quốc và dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau khi được huấn luyện chính trị và trở thành hội viên của tổ chức này, đồng chí nhanh chóng được trang bị những lý luận cơ bản về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, kiên định lập trường của giai cấp công nhân và hăm hở tuyên truyền đường lối cách mạng đến đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là giai cấp công nhân.
Năm 1928, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là Uỷ viên Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên Bắc kỳ. Đồng chí được phân công phụ trách khu duyên hải (bao gồm Hải Phòng, Kiến An, vùng Mỏ), kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Hải Phòng. Trên cương vị mới, đồng chí đề ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đi “vô sản hóa” trong các hầm mỏ, bến cảng, nhà máy để lao động, rèn luyện và tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin cho nhiều công nhân nhà máy, xí nghiệp hơn. Bản thân đồng chí cũng là tấm gương sáng trong việc thực hiện chủ trương “vô sản hóa” khi làm việc trực tiếp tại nhà máy Ca rông Hải Phòng. Thời gian này, đồng chí dành nhiều thời gian cho tổ chức huấn luyện, viết các tài liệu tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng dân tộc, dân chủ, giúp nhân dân hiểu hơn về đường lối cách mạng.
Tháng 3-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng những thành viên tích cực của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc kỳ họp tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước.
Đầu tháng 4/1929, đồng chí thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở thành phố Hải Phòng. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội), đồng chí tham gia thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và là Uỷ viên Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và được bầu làm Tổng thư ký Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Tháng 8-1929, đồng chí được chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Đông Dương Cộng sản Đảng Hải Phòng.
Ngày 3/2/1930, đồng chí cùng với đồng chí Trịnh Đình Cửu, đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, tham dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức, với tư cách là đại diện cho Quốc tế Cộng sản triệu tập. Đồng chí được chỉ định tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng ở Bắc kỳ.
Tháng 4/1930, đồng chí thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng và trực tiếp làm Bí thư Đảng bộ Hải Phòng và sau đó làm Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ.
Tháng 10/1930, đồng chí được Trung ương điều vào tham gia Xứ uỷ Trung kỳ. Đầu tháng 4/1931, trên đường công tác trở về cơ sở, đồng chí bị địch bắt tại làng Yên Dũng Hạ (nay là phường Hưng Thủy) và bị giam trong xà lim, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Tháng 11 năm 1931, tòa án thực dân kết án tử hình đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng đồng chí Hồ Ngọc Lân. Trong những ngày bị giam giữ và tra tấn dã man tại nhà lao Vinh, rồi nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội, đồng chí vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trong cuộc đấu tranh giáp mặt với kẻ thù, vẫn vững tin vào ngày chiến thắng. Trong xà lim án chém, đồng chí đã dồn hết tâm trí để viết cuốn sách “Công nhân vận động” trao lại cho Đảng. Sách nêu rõ đặc điểm giai cấp công nhân; những kinh nghiệm vận động; tổ chức công nhân đấu tranh cách mạng. Đồng thời, Nguyễn Đức Cảnh còn viết bài thơ tuyệt mệnh “Tạ từ ngôn” gửi lời vĩnh biệt mẹ và gia đình:
“… Tạ từ vĩnh quyết từ nay
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn…”
Trước lúc Nguyễn Đức Cảnh bị dẫn đi hành khuyết, người gác ngục cảm khái hỏi: “Ông có điều gì muốn nhắn nhủ?”. Nguyễn Đức Cảnh bình thản trả lời: “Tôi muốn nhắn nhủ với đồng bào tôi rằng, cần phải mau mau tống cổ chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương, để Đông Dương được hoàn toàn độc lập, tự do”. Trước lúc ngã xuống, Nguyễn Đức Cảnh còn hô lớn:
“Đả đảo đế quốc Pháp!
Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!”.
Đó là rạng sáng ngày 31 tháng 7 năm 1932, tại nhà lao Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hy sinh khi mới 24 tuổi đời.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng rất sôi nổi, phong phú, thấm đượm tinh thần yêu nước và chủ nghĩa cộng sản chân chính tạo tiền đề quan trọng để các thế hệ lãnh đạo sau này tiếp thu và phát triển trên tầm cao mới. Đồng chí là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hải Phòng và tổ chức Đoàn. Đồng chí là hiện thân của tinh thần yêu nước chân chính, là tấm gương sáng về đạo đức cao quý của người cộng sản, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 115 ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là dịp ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam nói chung và những cống hiến to lớn của đồng chí cho Đảng và Cách mạng nói riêng. Là dịp để thế hệ trẻ tri ân đến những anh hùng, đã cống hiến, hi sinh cho đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do. Và là dịp để bạn đọc trẻ tuổi lãnh hội những đức tính tốt đẹp của cha anh, phát huy tính tự lực, tự cường trong học tập và lao động, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn./.
Đào Thanh
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Đức Cảnh : Tiểu sử / Biên soạn: Lê Văn Tích chủ biên, Đàm Đức Vượng, Dương Văn Sao, Lý Việt Quang. - H. : Chính trị Quốc gia , 2015. - 287 tr. : ảnh chân dung ; 21cm.
Nguyễn Đức Cảnh nhà cách mạng lỗi lạc / Lê Như Hạnh lời ; Nguyễn Đông Hải tranh. - H. : Giáo dục Việt Nam , 2009.- 39 tr. : minh họa màu ; 21 cm.
Nguyễn Đức Cảnh : Truyện ký / Viết Linh, Giang Hà Vi. - H. : Hồng Đức , 2017.- 259 tr. ; 21 cm.