Múa Bóng rỗi còn được gọi là múa Bóng hoặc Bóng rỗi, là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Nam bộ. Loại hình nghệ thuật này hình thành từ thời khẩn hoang, lập ấp, theo dấu chân của các tiền nhân trong công cuộc Nam tiến cách đây hơn 300 năm.
Theo các tài liệu ghi chép lại, Múa Bóng rỗi được hình thành sau thế kỷ XVII và gắn liền với tục thờ các nữ thần ở Nam bộ. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ năm 1865 đến năm 1882, phần về phong tục tỉnh Định Tường có ghi chép:"...Hay tụng kinh lễ Phật, chuộng ma quỷ, tin đồng bóng, cúng lễ hay dùng cô đồng múa hát lấy làm vui thú..", điều đó cho thấy Bóng rỗi đã có mặt rất sớm ở Nam bộ.
Nếu như miền Bắc có tín ngưỡng thờ Mẫu và thể hiện bằng hình thức lên đồng, thì ở Nam bộ có tín ngưỡng cúng Bà với hình thức múa Bóng rỗi. Những nữ thần được thờ cúng trong các đền miếu ở Nam bộ là những người có công với dân với nước, hình tượng của các bà được thờ trong các đền miếu còn khẳng định được sự vươn lên và khát vọng được giải phóng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, việc thờ cúng các nữ thần còn mang ý nghĩa nhân sinh, với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm êm, no đủ.
Bóng rỗi gồm hai phần: múa bóng và hát rỗi. Múa là động tác dâng lễ vật lên thần linh, chẳng hạn như múa dâng bông, dâng mâm (mâm vàng), dâng lộc (mâm trầu cau)... Các động tác múa phần lớn chỉ sử dụng đầu, cổ và trán như đội mâm, đội bông nhằm thể hiện sự tôn kính ơn trên.
Nội dung bài hát rỗi, là những bài tả cảnh nói về những sự vật hiện tượng, trong cuộc sống đời thường thể hiện ước mơ về một cuộc yên bình, hạnh phúc, thông thường cuối các bài rỗi các bà bóng chuyển sang hát các điệu lý với các đề tài miêu tả các sự vật hiện tượng phản ánh phong tục lễ nghi, hay những bài lý mang tên gọi đặc trưng của Bóng rỗi để tạo không khí nhẹ nhàng vui tươi, như các điệu lý trèo đèo, lý trống cơm, lý bản đờn, lý vọng phu...
" Nhang đốt thấu lên i ư à ư ư ....
Để giờ này ba cây nhang đồng đốt a ....mà thấu lên a ...
Mà thấu lên ông Ngọc Hoàng a i a......
....Mới giáng về con nguyện cầu Bà Chúa xứ
Mới chứng dùm, Bà độ cho mà nam nữ
được chữ mà bình an, tai toàn qua mà nạn khỏi..."
Trong hát Bóng rỗi một phần quan trọng không thể thiếu đó chính là âm nhạc, âm nhạc trong nghi thức diễn xướng Bóng Rỗi mang đậm nét đặc trưng của nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, tiết tấu của nhịp trống không phức tạp, theo quy định tiết tấu một bài hát Rỗi, lúc nào cũng thay đổi từ chậm đến nhanh rồi chậm lại, đó cũng là một phương thức thể hiện quy luật âm dương ngũ hành, quy luật trong cuộc sống. Những hơi nhạc sử dụng trong hát Bóng Rỗi là hơi xuân, hơi ai, hơi đảo, đây là những hơi nhạc nằm trong hệ thống chính của bài bản nhạc lễ Nam bộ và được sử dụng trong các nghi lễ chính của người Việt ở phương Nam, như trong các lễ cúng, ma chay, tang lễ.
Múa Bóng là những động tác tạo hình tương ứng với âm nhạc nhằm biểu đạt ý nghĩa đối với các đấng thần linh, múa thông qua những động tác tạo hình biểu hiện sự kính dâng lễ vật lên thần linh và khá điêu luyện, khéo léo như làm xiếc. Do vậy những điệu múa Bóng rỗi phải có tính chuyên môn cao và phải có một quá trình tập luyện mới thực hiện được những điệu múa dâng bông, múa dâng mâm vàng, mâm bạc, múa các loại trò chơi tạp kỹ như: dao phay, bàn ghế, múa lu...
Nghệ thuật dân gian bóng rỗi còn thể hiện sự đa dạng, giao thoa văn hóa giữa người Việt với người Hoa, Chăm, Khmer trong quá trình cộng cư lâu dài. Vì là nghi lễ gắn liến với tục thờ Mẫu nên đã thỏa mãn được nhu cầu tâm linh của cộng đồng, không những thế còn thể hiện được mơ ước của người dân về một cuộc sống an bình, khỏe mạnh sung túc, đó là mong ước hết sức chính đáng và là khát vọng chân chính của con người. Múa Bóng rỗi còn là một hoạt động mang giá trị nhân văn sâu sắc và là một hoạt động văn hóa cộng đồng không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh góp phần thể hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam bộ xưa và nay.
Lê Thị Mai Hoa
(Tham khảo sách Tục thờ Bà chúa xứ - Ngũ hành và nghi lễ bóng rỗi Nam bộ)