Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam Thứ Bảy, 09/11/2024, 07:20

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân BÙI VĂN BÌNH

 

ĐỒNG CHÍ BÙI VĂN BÌNH (1955 - 1984)[1]

Bùi Văn Bình[2] sinh năm 1955, dân tộc Kinh, quê ở xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên, tỉnh Sông Bé (cũ) nay là tỉnh Bình Dương, nhập ngũ tháng 10/1978. Khi hy sinh, đồng chí là Thiếu úy, Trợ lý tham mưu Tiểu đoàn 14 Bộ binh, Đoàn 7701, Mặt trận 779, Quân khu 7, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1965, khi Bùi Văn Bình 10 tuổi, cha là Bùi Văn Thôn mất trong đêm đánh sân bay Biên Hòa. Là con út trong gia đình, Bùi Văn Bình càng được cả nhà thương yêu nhiều hơn. Những năm đầu đi học, Bùi Văn Bình học Trường Tiểu học Nguyễn Du, đến năm gần giải phóng, cậu học sinh Trường Trung học Ngô Quyền - Bùi Văn Bình đã cao lớn và mạnh mẽ như một chàng trai độ tuổi bẻ gãy sừng trâu.

Về bối cảnh chính trị từ giữa năm 1976, giới cầm quyền PonPot Iengsari ngày càng bộc lộ rõ bản chất hiếu sát, thực hiện chính sách chia rẽ, gây hận thù dân tộc và đối đầu với Việt Nam, chúng ngang nhiên tiến hành các hoạt động xâm lấn chủ quyền Việt Nam ở biên giới Tây Nam, ngay sau khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng. Quân Ponpot đã đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích thăm dò, dọn đường cho cuộc chiến tranh xâm lấn biên giới bằng cuộc đột nhập vào kho vũ khí của ta ở Tây Ninh, tăng cường trinh sát, tuần tiễu dọc theo biên giới, đồng thời cho lực lượng nhỏ (cấp tiểu đội, trung đội) bí mật thọc sâu vào đất ta để gài mìn, lùa bắt trộm trâu bò, giết hại cán bộ, chiến sĩ ta.

Thậm chí quân Ponpot còn đào và dời cả cột mốc biên giới tại các khu vực Gò Dầu, Cà Tum, rồi đưa dân Campuchia sang xâm canh tại các vùng Mộc Bài, Khuốt, Vát Xa, Tà Nốt, Tà Đạt (thuộc tỉnh Tây Ninh). Nghiêm trọng hơn trong hai ngày 25/2 và 3/3/1976, quân Ponpot bất ngờ tấn công vào đồn biên phòng số 7 và số 8 ở Buphtrăng. Số vụ xâm lấn ngày càng tăng trên địa bàn Quân khu 7, năm 1975 diễn ra 18 vụ, năm 1976 tăng gấp 9 lần, 171 vụ trên 82 điểm vào sâu trong lãnh thổ của ta đối diện với quân khu 203, còn gọi là Quân khu Đông của Pônpốt!

Năm 1978, Bùi Văn Bình 23 tuổi, là cán bộ Đoàn Thanh niên, đối tượng Đảng ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai. Tháng 10/1978, anh nhập ngũ và được đơn vị bổ sung cho Quân khu 7, tham gia thành lập Tiểu đoàn 14, bộ đội địa phương Tây Ninh. Trong đơn vị có nhiều chiến sĩ mang tên Bình nên đồng đội yêu quý Bùi Văn Bình gọi anh là Bình méo, Bình lực sĩ... Anh to con, rất khỏe, nhưng rất hiền, vui tính đến độ hài hước.

Bùi Văn Bình về mặt trận 779, đúng vào dịp Quân khu 7 đã tham gia 15 tháng chiến đấu lập chiến công rực rỡ (25/9/1977 đến 20/12/1978) đẩy lui quân Ponpot-Iengsari sang bên kia bên giới hàng chục km, giải phóng hoàn toàn 3 huyện Tà Nung, Mimết, Snoul thuộc Kông Pông Chàm mở ra vùng giải phóng đầu tiên của “Mặt trận giải phóng dân tộc cứu nước Campuchia” rộng 1.300km2 làm điểm tựa cho bước phát triển mới của cách mạng Campuchia.

6 năm làm lính tình nguyện giúp bạn Campuchia, từ năm 1979 đến ngày 25/1/1984 (lúc hy sinh), Bùi Văn Bình đã nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí, dù khó khăn ác liệt thế nào cũng kiên quyết hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng chí đã tham gia 5 chiến dịch, trận đánh nào đồng chí cũng đi trước điều tra nắm tình hình địch, đề xuất phương án tác chiến tốt, giúp cho tiểu đoàn hạ quyết tâm, giành thắng lợi. Có nhiều trận đánh tiêu biểu đáng nhớ của Bùi Văn Bình.

Trận đánh ở Sông Pốt diễn ra vào tháng 5/1980, Bùi Văn Bình cùng 15 chiến sĩ tham gia truy đuổi và tiêu diệt một trung đội lính Pônpốt. Trang bị của tiểu đội Bùi Văn Bình gồm 1B40, 1M79, 15 khẩu AK, và lựu đạn. Trận này đã bắn hết 2 thùng đạn M.79 (120 quả), 4 quả B. 40. Khi đến đúng tọa độ ven sông báo có địch, lại chẳng có ai. Nóng quá, lính phóng xuống sông. Từ những bụi cây trên bờ, AK nổ ran tằng tằng hai phát một điểm xạ. Đồng chí Bùi Văn Bình hô đồng đội nằm xuống, ra lệnh đánh vỗ mặt, thọc sườn xé tan đội hình địch. Truy đuổi bọn chúng khoảng 2km, trời sụp tối rất nhanh, Bùi Văn Bình cho anh em làm công sự qua đêm mai đánh tiếp. Sáng hôm sau theo hướng cũ sục tìm, 9 giờ quân ta gặp địch, cài răng lược đánh nhau đến 13 giờ. Khí thế tiến công hăng hái, lính ta nổ súng như bắp rang. Bùi Văn Bình cùng đồng đội phá kho gạo, muối rồi rút theo bờ sông về căn cứ. Ở trận này, ta diệt 20 tên và làm 60 tên bị thương.

Trận đánh ngày 25/1/1984 tại Phum Bông Sang Khao (giáp ranh huyện Ba Rài và San Túc), đồng chí Bùi Văn Bình khi đó là trợ lý tham mưu tác chiến của tiểu đoàn 14. Anh nhận nhiệm vụ chỉ huy một bộ phận gồm 12 chiến sĩ Việt Nam và 5 dân quân Campuchia đi về nhánh sông bên phải để bám sát địch.

Không phát hiện ra địch, Bùi Văn Bình cho bộ đội đi tiếp 500 mét nữa thì phát hiện dấu vết 6 người rẽ lên bờ vô rừng. Anh nhanh chóng ra lệnh tấn công, ngay phát đầu tiên gặp địch các anh đã tiêu diệt 3 tên. Bọn địch cụm lại, bắn rất mạnh bằng nhiều loại vũ khí. Lúc này một nửa đơn vị đã hy sinh và bị thương. Lợi dụng các gò mối, các cây đổ, Bùi Văn Bình và đồng đội tiếp cận địch, bằng điểm xạ chính xác Bùi Văn Bình tiêu diệt thêm 3 tên nữa. Khi đồng chí Bùi Văn Bình quay lại, đạn đại liên, B40 của địch đã đốt cháy phát quang cả vạt rừng. Phía sau anh chỉ còn duy nhất chiến sĩ bộ đàm bị thương nặng đang lết theo anh. Bùi Văn Bình ném liên tiếp 3 trái lựu đạn, tiến lên sau gò mối, bình tĩnh sử dụng 3 loại vũ khí: B40, AK, RPD và ném lựu đạn về phía hàng trăm tên địch đang xông tới. Biết chỉ còn một mình Bùi Văn Bình, bọn địch đợi anh bắn hết đạn và kêu gọi đầu hàng bằng tiếng Việt. Bùi Văn Bình đứng dậy khỏi gò mối, với khẩu AK đã giương lê, rồi từng bước tiến về phía địch.

Nhiều tên lính Pônpốt buông vũ khí bỏ chạy, chỉ có tên chỉ huy mặc áo bà ba đen khăn rằn quấn trên đầu, đoạt khẩu AK bắn chết những tên lính bỏ chạy, rồi hướng nòng súng về phía đồng chí Bùi Văn Bình nhắm mắt sợ hãi nghéo cò cho nổ những viên đạn còn lại...

Đồng chí Bùi Văn Bình khựng người lại, lưỡi lê khẩu AK cắm xuống đất, một tay anh nắm băng đạn đã hết đạn, tay kia đặt trong vòng cò súng, lồng ngực đẫm máu tựa trên báng súng. Bọn địch bỏ chạy. Những đồng đội đi tìm anh vẫn thấy anh đứng vững trong tư thế ấy...

Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí có tác dụng động viên cổ vũ mọi người hăng hái noi theo. Nhân dân 18 xã của huyện Ba Rài (nơi đồng chí Bình công tác), vô cùng thương tiếc, đã làm lễ cầu phước (theo phong tục tập quán địa phương) để tưởng nhớ đến người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế.

Đồng chí đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba. Ngày 29/8/1985, Bùi Văn Bình được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.



[1] Huỳnh Văn Tới - Nguyễn Minh Hùng (chủ biên), Huỳnh Văn Tới, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, Hà Thị Thanh Thuý, Đặng Thị Xuân Thắm, Phan Hoàng Oanh (2019), Sáng ngời chất ngọc anh hùng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Đồng Nai, tập I, Nxb. Đồng Nai, tr. 626-629.

[2] Nguồn: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tập 6, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 1996.

 


Số lượt người xem: 172 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày