Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Người Thứ Sáu, 09/08/2024, 14:40

Di chúc của Bác Hồ một giáo trình tiếng Việt độc đáo

“Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” là ấn phẩm sách đặc biệt của tác giả Dương Thành Truyền. Sách được Nhà xuất bản Trẻ  xuất bản năm 2017 nhân kỷ niệm 106 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tác giả Dương Thành Truyền có hơn 25 năm hoạt động Đoàn, Đội, công tác thanh niên và kinh nghiệm giảng dạy. Ông là nhà báo, từng là Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nxb. Trẻ Tp. HCM.

Chỉ với 130 trang, toàn bộ tác phẩm được chia làm ba phần: Trên từng trang bản thảo; Bốn năm không ngừng và Một tấm gương lao động ngôn từ. Ngoài ra, cuốn sách còn có phần mở đầu gồm ảnh chụp toàn bộ bút tích Di chúc của Bác được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) công bố vào dịp 2/9/1989.

“Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” là một tác phẩm nghiên cứu về ngôn ngữ thuần túy. Tác giả hoàn toàn dựa trên lý luận về ngôn ngữ học để chứng minh về sự cẩn trọng, nghiêm túc của Bác Hồ khi thực hiện di chúc. Điều này thể hiện rõ qua kết cấu của tác phẩm. Ở phần một có tên gọi “Trên từng trang bản thảo”, tác giả tập trung vào từng trang bản thảo, phân tích từng cụm từ, câu văn, từ các chữ viết hoa cho đến việc lựa chọn các từ ngữ thay thế…

Phần hai có nhan đề “Bốn năm không ngừng”, phân tích sự thay đổi, lựa chọn cách sắp xếp cấu trúc văn bản, ngôn từ của Bác qua tổng thể các bản di chúc được Bác liên tục chỉnh sửa trong suốt 4 năm từ năm 1965 đến năm 1969.

Theo GS. TS Nguyễn Đức Dân, qua những dẫn liệu cụ thể, tác giả đã chứng minh một cách sinh động tấm gương lao động ngôn từ mẫu mực của Bác Hồ: cẩn trọng sửa đi sửa lại, công phu trong từng chữ, từng lời, từng đoạn kết nối nhau theo một trật tự logic chặt chẽ nhằm đến cách diễn đạt trong sáng, giản dị nhất có thể mà lại hiệu quả tối đa. Những bình luận phát hiện xác đáng đầy thuyết phục của tác giả về những điểm sửa đổi trong di chúc giúp bạn đọc thấy được những ý tứ tinh tế, sâu sắc trong ngôn ngữ Bác Hồ và di chúc trở thành một văn bản tiếng Việt độc đáo.

Ở phần kết luận - Một tấm gương lao động ngôn từ. Từ việc khảo sát 65 trường hợp Bác Hồ tự sửa chữa ngôn từ trong Di chúc, tác giả Dương Thành Truyền cho rằng “Di chúc của Người như là một giáo trình hết sức độc đáo, sinh động, hấp dẫn dạy cho chúng ta nhiều bài học cụ thể, có giá trị thực tiễn trong việc rèn luyện cách nói, cách viết tiếng Việt”. Đó là: Bài học về việc lựa chọn và sử dụng hư từ; bài học về việc lựa chọn từ ngữ phù hợp với điểm nhìn và chỗ đứng, thái độ và tình cảm của người phát ngôn; bài học về sự lựa chọn kiểu diễn đạt vừa ngắn gọn vừa hàm chứa lượng thông tin cao và bài học về việc tổ chức lại câu để làm tăng giá trị biểu cảm.

Tác phẩm “Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” của tác giả Dương Thành Truyền đã nhận Giải B Giải thưởng về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Hy vọng, ấn phẩm sách “Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình tiếng Việt độc đáo” sẽ là nguồn tài liệu bổ ích phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, phổ biến, nâng cao năng lực và vun đắp tình yêu đối với tiếng Việt; đồng thời, là việc làm thiết thực tham gia đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ đảng viên, nhân dân, góp phần làm cho tiếng Việt ngày càng trong sáng, ngày càng được quý trọng, ngày càng được rộng khắp như lòng mong muốn của Bác Hồ.

 

 


Số lượt người xem: 1530 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày