Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Tư, 07/02/2018, 13:40

Hồ Chí Minh với dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên trên phương diện vi mô

“Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đẹp nhất, Người được toàn thể nhân dân Việt Nam yêu mến, kính trọng và gọi bằng nhiều tên thân mật. Người Kinh gọi là Bác Hồ, người Tày gọi là ông Ké, người Nùng gọi là Cúng Hồ, người Bana gọi là Boh Hồ…Tất cả những tên gọi của đồng bào các dân tộc từ Nam chí Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược đều có nghĩa coi Bác thân thiết như người Ông, người Bác, người Cha trong gia đình. Suốt đời mình Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo cho đời sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số không kể là các dân tộc nơi miền cực Bắc tổ quốc hay các đồng bào dân tộc miền Nam nơi xa mà Bác chưa một lần được vào thăm cho thỏa nỗi lòng.

Bác Hồ chăm lo cho dân tộc luôn căn cứ trên hai lĩnh vực vĩ mô vi mô. Nói đến tư tưởng của Bác về vấn đề dân tộc trên phương diện vĩ mô là đề cập đến các nội dung tư tưởng của Người. Trong bối cảnh đất nước ta còn là nước thuộc địa nửa phong kiến, vấn đề dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh lúc này là vấn đề giành lại độc lập, tự do cho toàn dân tộc, bao gồm dân tộc đa số và thiểu số trong quốc gia Việt Nam thống nhất với mục tiêu cách mạng cao cả là làm cho các dân tộc đó từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân thực sự của đất nước.

Và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc trên phương diện vi mô là đề cập đến nội dung: xác định đường lối, chính sách để các dân tộc xoá nghèo nàn lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội cổng bằng, văn minh.

Khi nói đến việc giải quyết vấn đề dân tộc trên phương diện vi mô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng những thuật ngữ để chỉ các thành phần dân tộc ở nước ta khi đề cập đến nội dung và việc giải quyết vấn đề dân tộc như: dân tộc Kinh, dân tộc đa số, dân tộc thiểu sổ, đồng bào thượng du, đồng bào thượng, anh em thiểu số, anh chị em, các dân tộc, bà con,v.v...

Người không dùng các thuật ngữ thị tộc, bộ tộc, sắc tộc mà dùng thuật ngữ dân tộc để chỉ dân tộc đa số và dân tộc thiểu số trong cộng đồng quốc gia Việt Nam. Tư tưởng của Người về một dân tộc Việt Nam là cơ sở để giải quyết vấn đề dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”, và “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Người còn dùng thuật ngữ dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam để chỉ các thành phần dân tộc đa số và thiểu số sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

Người nhận thức Việt Nam là quốc gia gồm nhiều thành phần dân tộc anh em với văn hoá, tiếng nói, phong tục tập quán, đời sống và trình độ khác nhau. Đây không chỉ là nhãn quan chính trị mà còn là luận điểm, khoa học chân xác để giải quyết vấn đề dân tộc, để lãnh đạo việc hoạch định và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Trong Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người nói: “Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc”. Đoàn kết vốn là truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên - Trường Sơn. Trong đời sống của cộng đồng bao giờ đồng bào cũng muốn sao cho “trăm cái bụng giữ làng đều nghĩ một ý, trăm cái miệng đều nối một lời. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, trong các mối quan hệ tự nhiên và xã hội, đồng bào các dân tộc khu vực Tây Nguyên - Trường Sơn dựa lưng vào nhau, không phân biệt làng bản, dân tộc, đồng lòng ghét áp bức bất công, yêu tự do, dân chủ, độc lập. Trong cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Long hay các phong trào sau năm 1930, các dân tộc ở Tây Nguyên sớm kết đoàn chặt chẽ với người Kinh chiến đấu ở miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ trong phong trào Cần Vương.

Người từng nói: “Một ngày đất nước chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn sống trong ách thống trị của quân xâm lược thì tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

Tư tưởng đoàn kết các dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm yếu tố Đng bào, với đúng nghĩa của nó - cùng một bọc là con Lạc, cháu Hồng, anh em một nhà. Dù ở miền Bắc hay miền Nam,Việt Bắc, Tây Bắc hay Trường Sơn - Tây Nguyên, Nam Bộ... thì số phận các dân tộc, các vùng hay mỗi gia đình, con người đều gắn bó với Tổ quốc Việt Nam. Nếu Tổ quốc bị xâm lăng thì các dân tộc, toàn thể đồng bào bị sống trong cảnh nô lệ, bị áp bức bóc lột; nếu đất nước được độc lập thì đồng bào được tự do, mọi dân tộc trên đất nước được yên vui trong cuộc sống ấm no, hạnh phúc... Đó là nhận thức, là sự khẳng định trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Miền Nam nói chung và Tây Nguyên - Trường Sơn nói riêng trong tình cảm của Hồ Chí Minh có vị trí đặc biệt. Đó là nơi Người sống những ngày trước khi ra đi tìm đường cứu nước, là nơi Người đã ra đi tìm chân lý về cho dân tộc. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của Việt Nam”.

Trong thư gửi cho đồng bào Nam bộ Bác có viết: Đồng bào Nam Bộ đã hy sinh tranh đấu mấy tháng trường, để giữ gìn non sông cho toàn nước Việt Nam. Cho nên đồng bào cả nước đều phải nhớ ơn đồng bào Nam bộ… Hay trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, Người cũng đã viết: “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xơ Đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “Nha dân tộc thiểu số” để săn sóc cho tất cả các đồng bào…”

Và trong lời phát biểu tại hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam Bác cũng luôn đề cao vai trò của người dân tộc thiểu số trên mọi miền tổ quốc, Người quan tâm và luôn nhắc nhở các ban ngành phải chăm lo cho đời sống người dân tộc vì nhờ có sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia giống nòi, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa. Khi đó Bác đã nói: “Anh em thiểu số chúng ta sẽ được: Dân tộc bình đẳng, chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu sự bất bình (sự không bình đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các dân tộc thiểu số về mọi mặt: Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng. Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình.”

Người chỉ đạo Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch dài hạn để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội miền núi; đồng bào miền xuôi phải giúp đỡ đồng bào miền ngược. Song Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải không ngừng vươn lên về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Đồng bào các dân tộc Miền Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng trong tình cảm, ý chí của Người. Câu trả lời của Hồ Chủ tịch với phóng viên báo Gran-ma (Cu Ba) Mác-ta-rô-hat, tháng 7 năm 1969, đã cho ta rõ thêm điều đó: “Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam, mặc dù vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn quý tôi cũng như tôi vẫn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”

Suốt đời mình Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo cho đời sống nhân dân: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc…đồng bào ta, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Tấm lòng nhân ái của Người là lo đến nhu cầu cần thiết tối thiểu nhất trong đời sống của một con người. Lòng thương người bao la vô tận đó, Hồ Chí Minh đã nói một cách thống thiết, cảm động biết bao, Người có một tình cảm đặc biệt đối với đồng bào Miền Nam: “Ở miền Nam Việt Nam…, mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Đặc biệt Người lo cho các dân tộc thiểu số ở miền Nam và Tây Nguyên qua công tác nhắc nhở Đảng và Chính phủ phải chăm lo phục vụ lợi ích nhân dân đồng bào các dân tộc, không phân biệt lớn nhỏ, phải thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, phải đoàn kết chặt chẽ như anh em một nhà, để cùng nhau xây dựng Tổ quốc chung, xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho tất cả các dân tộc được hạnh phúc, ấm no. Với những tình cảm đó Người trở thành ánh đuốc là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân cả nước nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng trong đêm đen thống khổ tiếp bước đến tương lai tươi sáng phồn vinh.

Hồng Hạnh

 

 

 

 


Số lượt người xem: 2476 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày