Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời với văn minh lúa nước và các nghề truyền thống trải khắp chiều dài đất nước. Các làng nghề được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thay nhau gìn giữ các giá trị văn hóa thông qua các ngành nghề. Tuy nhiên để các làng nghề được tồn tại cho tới ngày nay không thể không nhắc đến vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình các làng nghề đó.
Làng nghề truyền thống ở Việt Nam chủ yếu dựa trên đơn vị gia đình. Trong gia đình, đối tượng làm nghề chủ yếu là phụ nữ, do đó việc xác định đóng góp công sức và kinh tế của phụ nữ là điều cần thiết. Thời gian dành cho hoạt động sản xuất tại làng nghề kéo dài hơn so với các khu vực chỉ làm nông nghiệp, nên có thể nói phụ nữ làng nghề vất vả hơn so với phụ nữ chỉ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, họ chủ động về thời gian, về tài chính và chủ động trong công việc. Mối quan hệ vợ chồng cũng bình đẳng hơn, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hàng ngày.
Vai trò kinh tế của phụ nữ trong gia đình được nhìn nhận ở vai trò đóng góp tiền mặt và đóng góp công sức thuộc hoạt dộng kinh tế, quản lý tiền của và ra quyết định làm ăn kinh tế như tiếp cận, kiểm soát nguồn lực và lợi ích.
Ở làng nghề, cho dù được coi là nghề phụ hay nghề chính, phụ nữ đều có vai trò quan trọng và dành phần lớn thời gian để làm nghề. Để thúc đẩy cải thiện vai trò kinh tế của phụ nữ, phụ nữ cần tham gia lực lượng lao động. Quan niệm về việc phụ nữ chỉ làm việc nhà và trách nhiệm kiếm tiền thuộc về nam giới đã thay đổi, và bản thân phụ nữ trong quá trình tham gia nghề đã chứng minh được năng lực của mình. Ví dụ trong các làng nghề chạm khắc, đan lát, dệt vải, may thêu thì vai trò của phụ nữ rất đa dạng và là những lao động chính, trực tiếp sản xuất chế tạo ra các sản phẩm. Ngoài ra còn có vai trò buôn bán, giới thiệu sản phẩm. Nhiều chị em đã trở thành chủ doanh nghiệp, quản lý giỏi…
Phụ nữ làng nghề phải thực hiện ba gánh nặng (làm nông nghiệp, làm nghề, và làm việc nhà) trong đó làm nông nghiệp được duy trì vì nhiều lý do, nhưng chủ yếu vẫn là do những lúc thu nhập kém ổn định thì nghề nông đặc biệt là nghề trồng lúa và hoa màu vẫn được coi là nguồn giúp ổn định sinh kế. Việc duy trì hoạt động nông nghiệp trong một cộng đồng hoạt động phi nông nghiệp giúp phụ nữ có thế mạnh lớn hơn:
Thứ nhất, nguồn thu nhập của phụ nữ trở nên đa dạng hơn so với nam giới, đặc biệt có ý nghĩa khi việc buôn bán sản phẩm bị trì trệ. Thứ hai, phụ nữ có thể cung cấp gạo và nhiều thực phẩm khác trong khi thực phẩm không an toàn đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Thứ ba, nhiều gia đình thuê nhân công làm ruộng, như vậy phụ nữ vừa giảm gánh nặng cho mình, vừa có quyền lực của người làm chủ. Khi phụ nữ có khả năng chuyển dịch và đa dạng sinh kế, họ có thể tư tạo ra sức mạnh của bản thân ở cả trong và ngoài gia đình và khi vì lợi ích chung của cả gia đình trong việc tìm kiếm thu nhập, tất cả mọi thành viên không kể già trẻ, nam nữ đều không tiếc công sức làm việc thì vấn đề phân công lao động trong gia đình sẽ cũng vì mục tiêu phù hợp với lợi ích của cả gia đình. Như vậy, đóng góp của người phụ nữ không những rất to lớn, mà còn không hề thua kém người chồng.
Ngoài ra, nam giới ở các làng nghề được đánh giá là không có tính gia trưởng (mặc dù chỉ mang tính tương đối), và không nề hà việc nhà nếu vợ bận. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc nam giới ở những nơi này đều sinh ra trong những gia đình mà bố mẹ làm nghề, mọi người đều chăm chỉ hỗ trợ nhau trong tất cả các công việc, hoặc linh hoạt khi phân chia lao động nên sau này lớn lên cũng xây dựng gia đình riêng như vậy.
Nhìn chung, một điều dễ nhận thấy là vai trò và vị thế kinh tế của phụ nữ là vấn đề không thể phủ nhận, nhưng thời gian dành cho hoạt động sản xuất tại làng nghề kéo dài hơn so với các khu vực chỉ làm nông nghiệp, nên có thể nói phụ nữ làng nghề vất vả hơn so với phụ nữ chỉ làm nông nghiệp. Tuy nhiên, bù đắp lại sự vất vả đó là sự chủ động về thời gian, và quan trọng hơn là sự chủ động về tài chính và cả trong công việc. Cuối cùng, là mối quan hệ vợ chồng cũng tương đối bình đẳng, thể hiện ở sự tôn trọng khi cả hai cùng đóng góp và hỗ trợ nhau hằng ngày trong sự phân công lao động.
Hồng Hạnh