Là vùng đất văn hiến mang trong mình nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu như Cù lao phố, Văn miếu Trấn Biên, miếu Quan Đế, miếu Thiên Hậu v.v., Biên Hoà còn được biết đến với Lễ hội làm chay của đồng bào người Hoa bang Hẹ tại vùng núi Bửu Long, ngoại vi Biên Hoà.
Thông lệ cứ 3 năm một lần, tại Miếu tổ sư hay còn gọi là Chùa bà Thiên Hậu tổ chức lễ hội làm Chay (Lễ vía Tổ sư) với quy mô lớn: diễn ra 4 ngày (từ ngày 10 đến ngày 13 tháng 6 Âm Lịch) để cầu an, cầu phúc cho người dân bá tánh. Đây là lễ hội rất lớn của Miếu cũng như của cộng đồng người Hoa ở Biên Hòa, thu hút bá tánh từ khắp nơi về tham dự.
Lễ hội làm chay có nguồn gốc rất rõ ràng. Theo một số điển tích mà các cụ bô lão người Hoa bang Hẹ tại địa phương kể lại thì: Trước đây ở vùng Bửu Long có nạn dịch tả, Bà Thiên Hậu nhập đồng vào ông Tào Khương (tiếng Hẹ gọi là Sùng Khoỏng) cho biết phải có người lên núi hái đủ 103 vị thuốc bằng lá về trị cho dân làng, người ta làm theo và trong vùng hết nạn dịch. Nhân dân đã tổ chức lễ hội làm chay cúng tạ ơn Bà. Mặt khác, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng Bửu Long và Miếu Tổ Sư là nơi một số cán bộ cách mạng của ta bị giết hại nên nhân dân đã phối hợp cúng linh hồn cho các chiến sĩ, cầu an cho dân làng, xua đuổi mọi điều xấu, thoát khỏi các dịch bệnh và cầu siêu cho các vong linh. Nhưng quan trọng hơn cả trong lễ hội làm chay vẫn là dịp để những người làm đá tại địa phương và ngưòi Hoa ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận tụ họp về đây để tạ ơn Tỗ nghề, cầu nghề nghiệp được ăn nên làm ra, phát triển thịnh vượng hơn.
Đây là một lễ hội lớn, cho nên công tác chuẩn bị rất quan trọng. Vào năm định kỳ, ngay từ lễ vía sanh Bà Thiên Hậu (23 tháng 3 âm lịch), Ban Quản trị miếu thông báo tổ chức lễ và phân công những bộ phận phụ trách các phần việc liên quan.
Ban tổ chức được bầu và thực hiện ngay việc đăng ký danh sách những người tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Những người đăng ký có thể góp tiền trước hoặc đăng ứng. Tất cả nguồn kinh phí được tổng kết trước ngày bắt đầu lễ (10/3 - âm lịch). Mức đóng góp tùy có tính chất tự nguyện, tùy điều kiện người đăng ký. Người Hoa quan niệm càng bỏ nhiều tiền vào lễ làm chay, càng được nhiều phúc của Bà và các thần nên có nhiều người tham gia góp phần. Mức chi phí cho lễ hội rất cao, lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trước ngày lễ tiến hành, những bài trí trong khu vực hành lễ phải được hoàn tất. Khắp nơi từ trong miếu đến ngoài cổng nhiều đèn lồng, hoa kết, cờ lễ được treo lên tạo một cảnh quan nhiều màu sắc độc đáo. Tại sân miếu, một cây phướng được dựng lên. Trên cây phướng treo 52 ngọn đèn lồng màu trắng, chữ Hán màu đỏ (mỗi đèn có một chữ), treo thành 5 dây song song với nhau tượng trưng cho năm bậc thần thánh, Tổ nghề được thờ trong miếu. Dây đèn lồng ở giữa treo cao hơn và dài nhất (gồm 20 đèn), phía trên có biểu tượng cờ lệnh và mão, chữ đề “Cung chúc Ngũ Đăng Tiên Sư bửu đán”. Bốn dây còn lại đối xứng hai bên (mỗi dây 8 đèn) với các dòng chữ “ QuốcTrì Tiên Sư”, “Lỗ Ban Tiên Sư”, “Thiên Hậu Thánh Mẫu” và “Quan Thánh Đế Quân”. Cây phướng là điểm báo cho các vị thần linh, Tổ nghề chứng giám lễ cầu an, cầu siêu.
Dưới cây phướng có bàn hương án. Đối diện bên phải có lều bày hương án và hình nộm Ông Tiêu phết màu sắc rực rỡ. Ông Tiêu với hình dáng cao to, đầu đội mão, hai tay cầm thẻ bài, cờ lệnh, mắt quắc uy nghi, lưỡi thè ra. Ông Tiêu được quan niệm là một biến thể của Quan Âm để chiêu tập tất cả các loại cô hồn. Hai bên Ông Tiêu có là các hình nhân Thổ Địa, Tướng Quân và Thủy Quân có chức năng hộ vệ.
Trong sân còn có dựng đàn có rạp che chắn bốn bên. Đây chính là đàn chay nơi các đạo sĩ thực hiện các nghi cúng tế. Trong rạp được trang trí bàn thờ, tranh ảnh, cờ trướng, liễn đối, nhang đèn, hương hoa... như một điện thờ. Phía trên là tranh bức vẽ Tam Thánh gồm: Thái Thượng Lão Quân, Thông Thiên Giáo Chủ và Hải Triều Thánh Nhân (những vị được xem là Giáo chủ của Đạo Giáo do Lão tử sáng lập). Phía dưới Tam Thánh là một điện thờ phủ vải đỏ, nơi đặt các bài vị các vị Tổ, bài vị thỉnh từ các miễu, chùa và bài vị của trăm họ được thỉnh dự lễ. Dưới điện thờ là bàn hương án và các đồ tế khí của đạo sĩ dùng cúng lễ. Hai bên rạp dán các bức mô tả Thập Điện Diêm Vương (10 cửa ngục âm phủ). Bên cạnh, còn có lều che, bày bàn hương án có hình nộm tượng Phán Quan và các vị lính hầu đội mũ chóp nhọn màu vàng, xử án ở địa phủ.
Trước cửa chùa, hai hình nộm Quan Văn và Quan Võ uy phong trấn giữ Thánh môn. Trong chùa, cảnh trang trí với màu đỏ chủ đạo với hàng trăm đèn lồng treo khắp xà cột. Các bàn thờ, đồ cúng, kiệu rước, giá biểu bài vị, đồ bát bửu sắp xếp ngăn nắp. Tất cả trong tư thế sẵn sàng cho việc lễ khi tiến hành.
Chương trình lễ hội:
Ngày thứ nhất tổ chức lễ thỉnh sắc Bà Thiên Hậu. Lễ được bắt đầu vào giờ tốt trong buổi sáng với chuông trống gióng lên báo hiệu.
Đoàn rước thỉnh theo lộ trình từ Miếu Thiên Hậu đến miếu Cây Quăn (nơi thờ Bà trước đây). Tại Miếu Cây Quăn, khi xin keo thỉnh sắc xong, đoàn rước trở ra đi vào đến thỉnh bài vị Tiên Cô Nương Nương (miếu Bà Thánh trong khu du lịch Bửu Long) bài vị Thổ Công (tại Miếu thờ cổng khu du lịch) rồi trở về miếu. Trên lộ trình đoàn rước đi qua, nhiều gia đình sắp sẵn lễ vật cúng nghênh đón Bà, sau đó hòa vào đoàn rứơc về miếu.Tất cả các bài vị thỉnh rước được đặt lên tầng cao nhất của điện thờ. Sau đó, vị chánh tế và thành viên Ban Tổ chức thực hiện việc thỉnh Bà từ Thiên Hậu Cung (một cơ sở thờ Thiên Hậu của người Hoa bang Sùng Chính, phường Hòa Bình) về miếu.
Sau khi cung thỉnh sắc hoàn tất, trước sân miếu, các đội võ thuật biểu diễn các trò hội như múa đao, múa võ... tạo nên không khí vui nhộn. Sau đó, miếu bắt đầu đón khách đến lễ Bà. Số người tham dự viếng Bà Thiên Hậu trong ngày đầu lễ rất đông đảo.
Ngày thứ hai tổ chức khai kinh cầu an. Từ sáng sớm, một bộ phận giúp lễ và đội lân các gia đình rước các lễ vật cúng (mâm lễ, tháp giấy, bánh...) các gia đình tham gia cúng về miếu. Chọn giờ tốt, vị chủ tế bắt đầu khai kinh cầu an tại đàn chay và các bàn hương án dưới cây phướng, bàn thờ Ông Tiêu.
Chiều tối, các đạo sĩ nhập đàn, tụng các kinh, làm nghi dâng sớ, múa cờ lệnh, tụng kinh, đăng hương.
Ngày thứ ba là chính lễ với nhiều nghi thức lễ hội như khai Kim phong bảng, các đạo sĩ thay phiên nhau tụng kinh cầu an khắp các nơi hành lễ. Khu vực sân lễ, các đội lân múa hòa vào với dàn nhạc ngũ âm tạo nên một không khí náo nhiệt, cuốn hút nhiều người. Sau lễ khai Kim phong bảng, tại miếu tổ chức hội đấu đèn lồng. Số lượng đấu là chín đèn. Khi đấu, thầy cúng đọc những câu thành ngữ tương ứng với thứ tự đèn. Bất kỳ ai thấy hợp với sở cầu thì đấu giá. Thông thường, đèn đầu tiên và cuối cùng được nhiều người đấu giá cao. Mỗi đèn có khi giá đấu lên hàng chục triệu đồng. Không khí đấu đèn rất sôi nổi, hào hứng.
Buổi chiều, tổ chức phóng đăng, phóng sanh cầu siêu cho thập loại cô hồn. ở bến sông Tân Thành (thuộc khu phố 3, phường Bửu Long)
Buổi tối, bắt đầu nghi thức lập giàn chay và lễ bắc cầu cho Bà.
Ngày thứ tư (Kết lễ làm chay), bao gồm các nghi thức: Lễ Cúng thí, xô giàn; cúng cả mặn kết lễ; đãi cơm chay, biểu diễn ca kịch, lân sư rồng.
Việc tổ chức lễ hội làm Chay ở Miếu tổ sư là biểu hiện của tín ngưỡng tôn giáo được người Hoa sùng tín, được người Hẹ bảo tồn, duy trì cho đến ngày nay. Đây là sản phẩm phi vật thể rất có giá trị trong hệ thống các cơ sở tín ngưỡng ở Biên Hòa và Đồng Nai. Lễ hội đã góp phần làm phong phú, đa dạng giá trị của nó trong cộng đồng người Hoa và cả người Việt ở địa phương.
Không chỉ vậy, đây còn là dịp để cộng đồng người Hoa, người Việt gặp mặt giao lưu văn hóa với nhau, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chuyện gia đình, con cái học hành đỗ đạt và xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa.
Sau mỗi lần tổ chức Lễ hội làm Chay xong, Ban Trị sự miếu lại bàn tính việc sửa sang ngôi miếu cho khang trang, to đẹp hơn giúp công tác xã hội hóa tại di tích ngày càng nâng cao. Đặc biệt, miếu luôn mở lòng hướng thiện tìm về những mảnh đời cơ cực, những địa phương bị thiên tai, lũ lụt từ khắp mọi miền Tổ quốc. Theo đại diện Ban Trị sự miếu cho biết: Sau mỗi lễ hội, Miếu đã ủng hộ hàng triệu đồng đến những thanh niên lên đường nhập ngũ; trẻ em nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương thông qua Hội Chữ thập đỏ của địa phương và của tỉnh.
Có thể nói, qua từng hoạt động của Lễ hội làm chay, người Hoa bang Hẹ đang góp phần thực hiện hai sứ mệnh cao cả: Một là gìn giữ bản sắc văn hoá người Hoa bang Hẹ, làm phong phú hơn văn hoá Việt Nam, hai là nỗ lực hoà đồng vào cộng đồng chung các dân tộc Việt Nam. Tất cả những việc làm đó đã thể hiện mối liên kết, tình tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm truyền thống được hun đúc, gìn giữ từ bao đời nay của cả người Hoa và người Việt. Đây chính là nét đẹp trong giao lưu văn hóa Việt – Hoa.
Nguyễn Sen