Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Văn hóa Việt Nam phong phú đa dạng Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:40

DI TÍCH ĐÌNH TÂN LÂN – LỄ HỘI KỲ YÊN MANG ĐẬM NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI HOA – VIỆT

 

Đình Tân Lân (hay còn gọi là Tân Lân thành phố Miếu) xưa thuộc Tân Lân Thôn, huyện Phước Chánh, Dinh Trấn Biên. Nay là phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đình Tân Lân tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Trị hướng ra bờ sông Đồng Nai. Khi xây dựng người dân lấy tên gọi của thôn là Tân Lân (Xóm mới) đặt cho đình. Đã qua bao thăng trầm lịch sử, tên địa phương nhiều lần thay đổi nhưng tên đình vẫn tồn tại đến nay.

Tương truyền nguyên thủy đình Tân Lân là ngôi miếu nhỏ ở Thành Kèn do dân làng dựng lên từ thời vua Minh Mạng (1820 – 1840) để tỏ lòng ngưỡng vọng Trấn Biên đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên, người có công lớn trong việc khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng Đồng Nai – Gia Định. Sau hai lần dời chuyển (1861 – 1906) ngôi đình ở vị trí như hiện nay.

Trần Thượng Xuyên tự Trần Thắng Tài, sinh vào năm nào không rõ và mất khoảng năm 1720 (ngày 23 – 10 âm lịch), an táng tại mạn bắc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).

Ông được lịch sử xác định như người có công lớn trong việc khai phá và xây dựng vùng đất Đồng Nai – Gia Định. Công đức to lớn của ông được nhân dân ghi tạc, tôn thờ, xem như vị thần đã khai sáng vùng đất này.

Ghi nhớ công lao của Trần Thượng xuyên, nhà Nguyễn ban phong nhiều danh hiệu cao quý “Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”, liệt vào bậc “Thượng đẳng thần”.

Để tỏ lòng ngưỡng mộ và đền đáp công ơn người đã có công tổ chức khai phá, mở mang vùng đất Đồng Nai - Gia Định, nhân dân ở những nơi này gọi Trần Thượng Xuyên là “Đức Ông”.

Đình Tân Lân (Xóm Mới) ở Biên Hòa, nơi thờ chính tướng Trần Thượng Xuyên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ, ngày 25 tháng 3 năm 1991. 

Ban đầu đình Tân Lân là một ngôi miếu nhỏ dựng bên cạnh Thành Biên Hòa, do dân làng Tân Lân dựng lên để thờ Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên - Người có công khai phá đất đai và mở mang thương mại vùng đất Biên Hòa xưa. Đến năm 1861, thực dân Pháp chiếm tỉnh lỵ Biên Hòa, Miếu được rời về bên gốc cây điệp già gần Tòa sơ thẩm (Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai). Năm 1906, do điều kiện về phong thủy miếu lại được rời về vị trí hiện nay (bên tả ngạn sông Đồng Nai, phường Hòa Bình) và lấy tên là Tân Lân Thành Phố Miếu. Trải qua thăng trầm lịch sử, nắng mưa thời gian tác động ngôi đình xuống cấp, năm 1935 nhân dân xây dựng lại đình với quy mô, kiến trúc khá đồ sộ. Mặt bằng tổng thể được bố trí theo hình chữ Tam  () gồm: Tiền đình, Chánh điện và Hậu đình nối tiếp nhau theo kiểu kết cấu kiến trúc truyến thống của dân tộc. Năm 1951, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương trong việc thờ cúng, đình xây dựng thêm miếu Ngũ Hành Nương Nương và Thánh Thạch Cổ Miếu và bia tiểu sử đã tạo nên diện mạo như ngày nay.

Đến với đình Tân Lân, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên trước một công trình kiến trúc tôn giáo bề thế, trang nghiêm tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 3000m2, mang đậm dấu ấn văn hóa Hoa Nam kết hợp với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bắt đầu là kiến trúc phần mái - thế giới tầng trên với việc trang trí các mảng tượng gốm sứ thể hiện các đề tài và điển tích: Lưỡng Long Tranh Châu, Lý Ngư Hóa Long, Bát Tiên Quá Hải, Quan Công Phò Nhị Tẩu, Múa Hát Cung Đình, ông Nhật, bà Nguyệt… là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo phản ánh ước vọng về một cuộc sống hạnh phúc, phồn thịnh, tước lộc, công hầu, trường thọ… của người phương Đông.

Mặc cho thời gian qua đi nhưng các tác phẩm tạo hình nghệ thuật vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, vẫn một màu nguyên sơ thuở ban đầu để tôn lên vẻ đẹp riêng biệt cho mái đình cổ kính. 

Đình Tân Lân cũng giống như nhiều ngôi đình làng Nam bộ khác được các triều đại vua chúa sắc phong tôn thần Thành Hoàng bổn cảnh như một sự xác định chủ quyền đất đai của nhà vua và lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân. Ngày nay, đình còn lưu giữ sắc thần của vua Tự Đức ngũ niên (1852) ban tặng với nội dung “Bảo an, chính trực, hữu thiện đôn ngưng chi thần”. Ngoài ra còn có nhiều bức hoành phi, liễn đối gỗ, bát bửu và chuông đồng... rất giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa của ngôi đình trong quá trình phát triển vùng đất Biên Hòa xưa.

Có thể nói, kiến trúc đình Tân Lân đã thể hiện được sự hoành tráng mà tinh xảo, tôn nghiêm mà trữ tình. Tất cả các yếu tố văn hóa được tuyền tải hòa quyện trong ngôi đình là kết quả quá trình nhập cư của người Hoa vào vùng đất phương Nam để sinh sống cùng người Việt nhiều thế kỷ qua.

          Tại đây, Đình Tân Lân không chỉ là nơi thờ phụng Thành hoàng, vị thần của làng mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá gắn bó với một cộng đồng cư dân và mang đặc trưng văn minh lúa nước Việt Nam. Hàng năm, vào ngày 23 tháng 10 âm lịch, đình tổ chức lễ hội Kỳ yên, cũng là ngày lễ trọng thu hút đông đảo người dân không kể Hoa, Việt qui tụ về dâng hương cầu an, cầu phước. Lễ hội được diễn ra trong hai ngày với các hoạt động cơ bản như: lễ nhập đoàn, lễ cung thỉnh sắc ông, lễ thỉnh sanh, lễ cúng tiên yết, lễ xây chầu đại hội, lễ hạ đàn. Trong những ngày này, dân chúng khắp nơi thường tụ tập về đây trẩy hội, thắp nhang, đưa đức ông đi chu du trong thành, xem hát bội, hát tuồng. Những người trong ban tổ chức trước khi tham gia các hoạt động làm lễ phải thực hiện tẩy uế bản thân bằng rượu trắng. Trước khi rước đức ông đi chu du trong thành, phải làm lễ khai sắc ông: đưa đức ông ra tắm rửa bằng rượu, mặc áo bào… Ngoài ra, trong lễ hội còn có nghi thức cúng tiên yết, là hoạt động cầu nguyện cho quốc thái dân an. Tất cả các nghi thức trong lễ Kỳ Yên đều được Ban tế tự, học trò lễ,…  thực hiện có bài bản, trang nghiêm theo quy định từ xa xưa và cũng thể hiện sự tôn kính với thần linh.

Lễ hội Kỳ Yên ở đình Tân Lân thu hút đông đảo nhân dân tham gia không chỉ bởi phần lễ long trọng mà còn bởi có phần hội đó là hát bội. Hoạt động lễ hội đã đem lại cho dân làng sự vui vẻ quên hết những lo âu, nhọc nhằn đời thường, hòa vào không khí linh thiêng, màu nhiệm của lễ hội nhưng cũng rất gần gũi với cuộc sống, hoài niệm về tổ tiên - những người có công đức khai nghiệp cho làng xã, đồng thời thể hiện sự gắn kết cộng đồng trong mối giao cảm với nhau.

Trải qua thời gian lâu dài, nhưng những nội dung quan trọng trong lễ hội Kỳ yên vẫn giữ nguyên bản sắc như ngày đầu sơ khai. Cùng với đình Tân Lân, lễ hội góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là của vùng đất Đồng Nai. Đây cũng là nơi thể hiện đậm nét nhất truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Trước những giá trị lịch sử và văn hóa, năm 1991, đình Tân Lân và lễ hội Kỳ yên đã được nhà nước công nhận là di tích văn hóa lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia

 

 

 

_ Thanh Vân_

 

 

 

 


Số lượt người xem: 3115 Bản inQuay lại

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày