Đồng chí TRẦN CÔNG AN (1920 - 2008)[1]
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miền Đông Nam Bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng là một chiến trường rất khốc liệt. Trên mảnh đất thân yêu này, cuộc đọ sức của quân dân ta với quân thù xâm lược diễn ra ác liệt từng ngày. Trong cuộc chiến đấu vệ quốc gian khổ ấy, đã xuất hiện nhiều anh hùng sẵn sàng xả thân để bảo vệ quê hương, trong đó có Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An, một trong những tấm gương tiêu biểu của vùng đất Đồng Nai, người đã để lại nhiều tình cảm đặc biệt trong lòng cán bộ và nhân dân địa phương, đặc biệt ông là tấm gương chiến đấu dũng cảm và sáng tạo ra cách đánh đặc công đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ.
Trần Công An[2], tên khai sinh là Trần Văn Kìa, sinh năm 1920, ông còn có bí danh khác là Hai Cà. Ông là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, thoát ly theo cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, người con ưu tú của vùng đất Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), luôn nung nấu trong lòng một ý chí giải phóng quê hương.
Vốn là một nông dân cày ruộng, nhà nghèo, căm thù bọn giặc Pháp chiếm đóng, khủng bố cướp tài sản của nhân dân, chúng đã bắn gãy tay mẹ của đồng chí, lòng căm thù lại bốc cao, nhất định phải tìm cách diệt địch để trả thù cho gia đình, bà con thôn xóm. Trần Công An đã tập luyện đêm ngày, nghiên cứu cách đánh thế nào mà quật ngã được bọn Tây to béo hơn mình.
Ngày 24/12/1946, tên giặc Pháp từ đồn Tân Ba xuống Thạnh Hội, Trần Công An bí mật, bất ngờ luồn ra phía sau ôm giò tên Pháp quật ngã xuống đất, dùng 2 sợi dây thừng trói thúc ké và trói cổ tên giặc, lấy khẩu súng trường với 200 viên đạn giao cho khu quân sự huyện Tân Uyên. Hai Cà khởi đầu đánh Tây bằng việc tay không bắt địch, lấy súng địch, thắng lợi làm cho chàng trai trẻ thêm tự tin, hăng hái.
Những tháng đầu năm 1948[3], sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc), thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang đánh lâu dài và tiến hành bình định ráo riết ở Nam bộ. Ngoài âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và dùng người Việt giết người Việt”, Pháp đẩy mạnh càn quét vùng căn cứ kháng chiến. Lúc đó, Pháp xây dựng một loạt hệ thống phòng thủ bằng tháp canh, đồn bót dọc theo các lộ giao thông nhằm chia cắt, khống chế liên lạc đường bộ của ta; dùng tháp canh như một biện pháp để lấn sâu vào các vùng căn cứ kháng chiến. Thực dân Pháp thường gọi đó là chiến thuật De la Tour.
Hệ thống tháp canh gây cho kháng chiến rất nhiều khó khăn, đặc biệt về giao liên, vận chuyển. Tường tháp dày, chiến trường miền Đông Nam Bộ bấy giờ lại chưa có vũ khí phá tường tháp từ xa, việc tiếp cận vào tháp cũng khó khăn bởi xung quanh tháp địch phát trống địa hình, khi phát hiện có sự biến thì dùng lựu đạn ném từ trên xuống. Bộ Chỉ huy Khu 7 xác định phá tháp canh, đánh bại chiến thuật De la Tour là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng vũ trang miền Đông. Nhiệm vụ này được triển khai trong toàn lực lượng vũ trang các tỉnh thuộc Khu 7 trong đó có Tỉnh đội Biên Hòa. Mặc dù vô cùng khó khăn, phức tạp như vậy, nhưng khi nhận lệnh của Ban Chỉ huy Huyện đội Tân Uyên giao phải đánh thắng tháp canh cầu Bà Kiên để mở đầu cho các trận đánh tháp canh tiếp theo, Trần Công An nhận nhiệm vụ chỉ huy một tổ đánh bót cầu Bà Kiên trên lộ 16 - ấp Mỹ Chánh, xã Phước Thành (nay là xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên).
Với quyết tâm cao, đội du kích huyện Tân Uyên được nhân dân giúp đỡ đã tiến hành nghiên cứu tháp canh cầu Bà Kiên, nghiên cứu quy luật giờ giấc canh gác của bọn lính, cách bố phòng và địa hình chung quanh. Đội du kích đã xây dựng mô hình tháp canh trong căn cứ, tiến hành thực tập nhiều lần cách đột nhập vào tường tháp mà địch không hay biết. Về cách đánh, lãnh đạo đội du kích đề ra: Sau khi bí mật tiếp cận tường tháp canh, áp chiếc thang cây (mượn được từ người dân) leo lên rồi dùng lựu đạn ném vào các lỗ châu mai ở cả 3 tầng để diệt địch.
Đêm 18, rạng sáng 19/3/1948, lần đầu tiên dân quân du kích huyện Tân Uyên do Trần Công An chỉ huy cùng các du kích Trần Văn Nguyên, Hồ Văn Lung đã bí mật tiến công tháp canh cầu Bà Kiên. Nhờ luyện tập thuần thục nên việc tiếp cận tháp hoàn toàn bí mật, địch trong tháp không phát hiện được gì. Cả 3 đồng chí leo lên thang ném lựu đạn vào trong tháp, diệt 10 tên địch, thu 8 súng. Với chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên, qua rèn luyện và thử thách, ngày 7/5/1948 Trần Công An vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trận đánh đầu tiên vào tháp canh cầu Bà Kiên là một bước ngoặt cho cách đánh mới trên chiến trường lúc bấy giờ. Nó thể hiện tinh thần ý chí quyết tâm của du kích Tân Uyên, những chiến sĩ xuất thân từ nhân dân; thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa quân và dân địa phương trong việc chuẩn bị trận đánh. Điều này cho thấy cách đánh đặc công là sự sáng tạo trong chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trận đánh này mở đầu cho một cách đánh mới trên chiến trường, đó là cách đánh bí mật tiếp cận muc tiêu, phát triển thành cách đánh đặc công bộ, đặc công thủy, đặc công biệt động, một cách đánh độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ngày 19/3/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập binh chủng đặc công. Chiến thắng cầu Bà Kiên ngày 19/3 được chọn làm ngày truyền thống của binh chủng đặc công. Bác Hồ tặng cho Binh chủng Đặc công 4 câu:
“Đặc biệt tinh nhuệ
Anh dũng tuyệt vời
Mưu trí táo bạo
Đánh hiểm thắng lớn”
Năm 1950, Trần Công An cùng với các đồng chí trong Đại đội Nguyễn Văn Nghĩa đánh diệt tháp canh cầu Bà Kiên lần thứ 2 và chỉ huy đánh sập tháp canh Vàm Vá. Sau đó, cách đánh đặc công được phổ biến, vận dụng, chiến thắng khắp nơi liên tục bay về trên mọi miền Tổ quốc.
Từ năm 1954 đến năm 1961, đồng chí Trần Công An tập kết ra Bắc, từ Tiểu đoàn trưởng đồng chí lên làm Trung đoàn trưởng 656, đưa trung đoàn về huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình tổ chức đơn vị sản xuất. Trở về miền Nam năm 1960, đồng chí Trần Công An được Bộ Tư lệnh Miền quyết định sang làm đoàn phó U50 - đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất đảm bảo hậu cần, bảo vệ Chiến khu A (Chiến khu Đ mở rộng). Trong ba năm, đoàn hậu cần U50 đã cung cấp đầy đủ lương thực thực phầm bảo đảm cho chiến dịch Đồng Xoài và Bình Giã toàn thắng.
Đồng chí Trần Công An đã lãnh đạo U50 phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng, quân số từ 500 chỉ trong năm đã lên đến 5 ngàn cán bộ, chiến sĩ. Diện tích U50 quản lý tổ chức sản xuất gần 1.500 hécta ở các khu vực Mã Đà, suối Dạt, Bà Téc, Bàu Đá. Các đơn vị thuộc U50 vươn đến các chốt Đồng Xoài, Bù Đăng, Tà Lài, bờ Sông Bé, Bù Khiêu, từ Bù Na đi Bù Chắp nối liền với căn cứ Tây Nguyên. Đường thứ 2 từ Mã Đà đi qua suối dạt đi Long An, mở rộng lên Tây Ninh và nối tiếp Tây Nam Bộ.
Đồng chí Trần Công An đã lãnh đạo U50 tổ chức sản xuất, bảo vệ và quản lý khối lượng lương thực lớn, thường xuyên có trong kho dự trữ trên 1 ngàn tấn gạo, phát động phong trào thi đua trong cán bộ chiến sĩ trồng 1 ngàn hécta mì. Đồng chí cùng với Ban Chỉ huy đoàn tổ chức chỉ huy 1 mô hình liên hoàn giữa rừng, có đủ các bộ phận quân nhu, quân y, quân khí, vận tải Đoàn đã dựa vào sức dân là chính, thường xuyên tổ chức thu mua gạo từ vùng yếu lên bờ sông, huy động trên 100 chiếc xe bò chở lương thực thực phẩm phục vụ bộ đội, có 1 đoàn ô tô tải mạnh, số người vận chuyển hàng bằng xe thồ và các phương tiện thô sơ khác đông đúc, liên tục. Ngoài phục vụ cho các trung đoàn chủ lực miền, còn đảm bảo cung cấp lương thực hơn 20 ngàn người, trên 7 tuyến trạm giao liên trong năm. Đoàn hậu cần U50 đã cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm bảo đảm cho chiến dịch Đồng Xoài, Bình Giã toàn thắng.
U50 là đơn vị hậu cần có quy mô lớn, sản xuất chiến đấu ở căn cứ rộng lớn, địch đánh phá liên tục, dội bom đêm ngày, phục kích liên miên, nhưng không làm cán bộ chiến sĩ lùi bước.
Tại hội nghị sơ kết công tác cục hậu cần miền tháng 12/1964, các đồng chí Trần Văn Trà và Lê Đức Anh chỉ thị cho các đơn vị trong toàn miền học tập và làm theo đồng chí Trần Công An, tên “Hai Cà” (do đồng đội đặt) - cũng xuất hiện từ đó mà 5000 chiến sĩ hậu cần U50 tỏa ra khắp các nẻo đường chiến đấu và công tác, cũng rất vinh dự mang tên thân mật, ấm cúng là “Bộ đội Hai Cà”.
Tháng 2/1965, Bộ Tư lệnh Miền điều động ông Hai Cà (lúc ấy là Đoàn trưởng Đoàn U50, đơn vị hậu cần Miền) về Biên Hòa giữ chức Thị đội trưởng Biên Hòa.
Địch bị thất bại nặng nề trong Chiến tranh đặc biệt, đầu tháng 5/1965, Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Vào đêm 23 rạng 24/8/1965, đồng chí Hai Cà và đồng chí Trần Mân đã chỉ huy đánh đòn phủ đầu lần thứ 2 vào sân bay quân sự ở Biên Hòa.
Tháng 9/1965, Trung ương Cục quyết định sáp nhập Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu thành một đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh gọi là U1 và chỉ định đồng chí Hai Cà làm Tỉnh đội trưởng U1. Ngay sau khi được thành lập, Đặc công U1 chọn tổ chức trận đánh mở màn vào Tổng kho Long Bình.
Đêm 22/6/1966, ông Hai Cà đã trực tiếp chỉ huy 2 đại đội đặc công, tự cải tiến và sử dụng mìn hẹn giờ đánh vào khu kho liên hợp Long Bình, phá hủy trên 40 ngàn tấn bom đạn của Mỹ và chế độ Sài Gòn, khiến Nhà Trắng và Lầu Năm Góc rúng động.
Trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/1966, Đại đội 2 Đặc công U1 đã 3 lần liên tiếp đánh vào khu kho Long Bình, phá hủy hàng trăm ngàn tấn bom đạn của chúng.
Bước vào chuẩn bị chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, Tỉnh đội trưởng U1, Phó tư lệnh mặt trận Trần Công An và đồng chí Phan Văn Trang nguyên Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa U1, phó chính ủy mặt trận cùng với các đồng chí khác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đã đưa 250 thương binh ra khỏi vòng vây của địch.
Vào năm 1968, người con trai trưởng của ông Hai Cà là Đại đội trưởng Trần Văn Cao nhận lệnh ông đột nhập vào sân bay Biên Hòa điều nghiên tổ chức trận đánh bị vướng mìn, mất hết một chân. Chưa hết nỗi đau vì thương tật của con, ông Hai Cà nhận tiếp hung tin người con trai thứ mới 16 tuổi Trần Văn Mum đã hy sinh mất xác khi được giao nhiệm vụ đưa tổ thông tin điện đài đến sở chỉ huy tiền phương, lúc trở về bị lọt vào ổ phục kích của địch. Trong thời gian này, mẹ của ông ở quê nhà mỏi mòn trông ngóng tin con, cháu đã qua đời. Nhưng vượt qua những nỗi đau mất mát ấy, ông vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách của một người lính, người chỉ huy nơi chiến trận.
Nói về công trạng chỉ huy chiến đấu của ông trong những chiến công oanh liệt ở sân bay Biên Hòa, khu tổng kho Long Bình, chống càn và bám dân xây dựng cơ sở thì rất nhiều. Chỉ riêng trận tháng 9/1972, đơn vị ông phối hợp với lực lượng bạn bí mật vượt 20 lớp rào các loại, đột nhập tận đường băng và trong tích tắc cho nổ tung 127 máy bay các loại. Với những chiến công xuất sắc đó, đơn vị đã được tặng thưởng nhiều huân chương quân công và chiến công các hạng.
Tháng 6/1972, đồng chí Hai Cà là cố vấn trung đoàn đặc công 113 đứng chân hoạt động ở Biên Hòa. Năm 1973, những năm tiếp theo, đồng chí Trần Công An được phân công trở lại hậu cần với cương vị tư lệnh đoàn 600, chỉ huy góp phần bảo đảm cho toàn chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng trên mảnh đất miền Đông đầy hào khí Đồng Nai này.
Đồng chí Trần Công An được Chủ tịch Nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 23/10/1996.
Cuộc đời của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An vô cùng phong phú, một con người cách mạng luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, đạp bằng mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng và tổ chức giao cho. Sau màu áo vinh quang bao năm cống hiến sức người, tuổi đời cho sự nghiệp cách mạng, ở thời bình ông cũng không ngơi nghỉ, tận tình lo nhà ở cho hàng chục người có công với nước, hàng chục căn nhà tình nghĩa và hàng trăm đồng chí có việc làm ổn định. Ông có một cuộc sống giản dị, đơn sơ, có nghĩa có tình, luôn luôn quan tâm giúp đỡ bà con làng xóm.
Ông mất năm 2008, sau đó UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định đặt tên đường tại nơi ông sinh sống Khu A42, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai là đường Trần Công An nhằm để tưởng nhớ người anh hùng của quê hương Đồng Nai, một thời vinh quang, một thời lẫy lừng. Việc đặt con đường mang tên ông cũng đồng thời góp phần thiết thực trong công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam để tưởng nhớ về một tấm gương dũng cảm, sáng tạo trong lối đánh, mưu trí trong đấu tranh, sống hết mình vì đồng chí, đồng đội.
Nguồn: Báo Bình Dương điện tử, 19/3/2013.