Bỏ qua nội dung chính

trangtin

Tìm kiếm
Trang chủ
Tra cứu
Tài Liệu Số
Thư viện Koha
Văn bản
Youtube
Gallery
  

Thư viện Tỉnh Đồng Nai > trangtin
Sách báo chuyên đề Thứ Sáu, 26/04/2024, 13:40

Chuyên đề ''Ký ức Điện Biên'': Người chiến sĩ quay phim chiến dịch Điện Biên Phủ

Người chiến sĩ quay phim chiến dịch Điện Biên Phủ / Ngọc Quỳnh kể ; Đ.T.T. Phúc ghi // Cựu chiến binh Việt Nam. – 2004. – Ngày 7 tháng 5. – Tr.5.

 

NSND Ngọc Quỳnh sinh năm 1932 tại Thanh Hóa. Là người đã tham gia quay những thước phim đầu tiên chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, ông kể về những ngày chung lưng đấu cật cùng bộ đội ghi lại những hình ảnh quý giá ấy.

Trước chiến dịch, Ngọc Quỳnh và các phóng viên nhiếp ảnh quân đội được điều động về đội làm phim chiến trường gồm 4 người do đồng chí Tiến Lợi làm đội trưởng và quay phim chính. Ngọc Quỳnh và Tiến Lục phó quay phim. Nguyễn Sinh (người dân tộc) quản lý máy móc, đạo cụ. Đội làm phim đi theo Đại đoàn Quân Tiên phong (F.308), lúc này đang luyện tập công đồn diệt viện, với những địa hình, địa vật rất phức tạp, có nhiều giả định tình huống được đặt ra, đòi hỏi trình độ tác chiến, chỉ huy xử lý tình huống và hợp đồng bộ đội phải thật điêu luyện. Cảnh quay phim đoán già đoán non: “sắp có đánh lớn đây”. Tháng 1-1954 đội làm phim được lệnh hành quân lên Tây Bắc, hơn tháng trời đêm đi ngày nghỉ, vượt suối băng rừng, vượt đèo leo dốc vô cùng gian khổ thiếu thốn, trên đường hành quân máy bay địch đánh phá rất ác liệt, nhất là 9 km đèo Lũng Lô và 32 km đường đèo Pha Đin.

Vào chiến dịch, đội làm phim được cấp tờ công lệnh đặc biệt, được phép đi đến tất cả các đơn vị, càng nhiều càng tốt. Đến đơn vị nào cũng được đón tiếp nồng nhiệt bởi đông đảo cán bộ chiến sĩ. Hồi ấy đã mấy ai nhìn thấy chiếc máy quay phim ra sao! Đội  chỉ có duy nhất chiếc máy quay Pay-a-pô-lếch 16 ly của Thụy Sĩ, không phải là mấy nhà nghề. Gay go nhất là phim, nguồn phim được mua ở vùng tạm chiếm Hà Nội, Hải Phòng rồi bí mật chuyển ra vùng kháng chiến. Đưa được những thước phim ra ngoài cũng là một kỳ tích. Đội được cấp 30 hộp phim khoảng 900 mét (sau này Ngọc Quỳnh còn được cử ra ATK 2 lần để xin thêm phim, tổng cộng 2000 mét). Với số lượng phim ít ỏi như vậy nên Đội quý phim như máu thịt của chính mình. Thử hình dung: cả một chiến dịch lớn như vậy chỉ có 2 đội làm phim. Đội ở trung tuyến cho Hồng Nghi, Nguyễn Thụ, Phụ Cấn, Đăng Bẩy, Như Ai quay những cảnh trung tuyến, đội của Ngọc Quỳnh ở tiền tuyến nếu chẳng may hy sinh hết hoặc máy móc, phim ảnh trục trặc thì một phần chiến dịch sẽ không được ghi lại bằng hình ảnh thật. Thông thường muốn được 1 thước phim phải quay 3 thước, nay họ chỉ cho phép được quay một ăn một.

Ngày 13/3/1954 chiến dịch mở màn thì đội làm phim cũng bắt đầu bấm máy. Để có một cảnh quay họ thay nhau nhảy lên chiến hào lia ống kính về nơi bộ đội ta chuẩn bị xung phong, bom đạn giặc bắn như vãi chấu về phía quân ta, ống kính chĩa về trận địa giặc quay cảnh binh lính địch theo sau xe tăng phán xung phong.

Trên miệng hào, Tiến Lợi vẫn vững vàng tay máy, số còn lại, người giữ chân người làm điểm tựa để tay máy anh thêm chắc. Tiến Lợi rất bình tĩnh, lúc lia sang trái quay cảnh giặc tháo chạy lúc lia sang phải, chĩa ống kính nên trời quay cảnh máy bay giặc thả pháo sáng, người cầm máy cứ dán mắt vào ống kính không quan sát xung quanh được, nói dại: Giá lúc ấy có 1 băng đạn bắn vào chắc chắn sẽ hy sinh hết. Trong quá trình diễn biến của chiến dịch, ngoài nhiệm vụ quay phim Ngọc Quỳnh còn đảm nhiệm phần việc “trinh sát, tiền trạm” sau mỗi trận đánh. Đó là tìm nơi đặt máy, có phương án tác chiến rõ ràng như khi đang quay ở các chốt tiền tiêu, nếu địch đánh ra thì xử lý ra sao, đường nào tiến, đường nào thoái, máy móc bảo vệ ra sao? Chiến dịch kéo dài và ác liệt, địch giằng co nhiều ngày liên tục, đồ đạc, máy móc của đội làm phim lỉnh kỉnh rất nguy hiểm,… Song với lòng căm thù giặc, hàng ngày chứng kiến gương chiến đấu hy sinh vô cùng dũng cảm của bộ đội ta đã giúp họ tăng thêm nghị lực vượt mọi khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Suốt 56 ngày đêm không rời máy quay, những thước phim vô cùng quý giá, nhưng ai cũng thấp thỏm lo lắng bởi không ai dám chắc là những thước phim kia “trọn vẹn – đầy đủ”. Sau ngày chiến thắng, hai đội làm phim đã gặp nhau, cùng ở lại lòng chảo Mường Thanh 2 tháng nữa để hoàn thành phần kết của bộ phim như trao trả tù binh. Cảnh bộ đội và nhân dân các dân tộc Điện Biên dọn chiến trường liên hoan mừng chiến thắng… Và đến khi giải phóng thủ đô Hà Nội, bộ phim “Chiến thắng Điện Biên Phủ” chính thức ra mắt đã được đón nhận nồng nhiệt.

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 764 Bản inQuay lại
Xem theo ngày Xem theo ngày