ĐỒNG CHÍ LÊ A (1953 – 1972)
Lê A là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sinh năm 1953 trong một gia đình nông dân ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Khi hy sinh, đồng chí là Xã đội trưởng đội du kích xã Bình Lộc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh (nay là tỉnh Đồng Nai).
Đầu năm 1963, nằm trong kế hoạch chống cộng, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa hàng vạn dân vào vùng Đức Linh (Bình Thuận). Gia đình Lê A ở trong số đó. Đầu năm 1965, huyện Đức Linh được giải phóng nhưng ngay cuối năm đó, địch mở cuộc hành quân tái chiếm, gia đình Lê A lại dạt vào xã Bình Lộc (Long Khánh), là nơi có phong trào phát triển mạnh trong kháng chiến chống Mỹ.
Vào Bình Lộc với hai bàn tay trắng, hầu hết các gia đình mới đến đều phải đi làm thuê cho những chủ rẫy. Nhà nghèo, đông anh em, nên ngay từ sớm Lê A phải đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi các em. Người còi cọc đen đúa, A không nề hà nơi đầu vườn cuối rẫy, làm mọi việc chủ thuê mướn: Dọn cỏ, đốt cây, trĩa bắp, hái trái...
Thời gian sống trong vùng giải phóng tuy ngắn ngủi và dù còn ít tuổi nhưng những ý nghĩ và tình cảm tốt đẹp về chính quyền giải phóng đã thấm đậm vào anh. Anh còn thuộc những bài hát các anh giải phóng dạy cho những buổi sinh hoạt thiếu nhi “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng...”. Chỉ biết Bác Hồ qua tấm ảnh trong cuốn sổ của anh chỉ huy đơn vị giải phóng quân trong ấp, Lê A mong sẽ được gặp Bác, sẽ được đi học, không phải chạy bom chạy đạn, làm thuê làm mướn nữa. Gia đình sẽ có cái ăn cái mặc, cha mẹ thảnh thơi tuổi già. Anh nghĩ, “Nhưng muốn tới ngày đó thì phải đánh đuổi Mỹ, đánh đổ tay sai. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình. Ai cũng đóng góp được phần mình cho cách mạng...”. Các anh bộ đội ngày xưa trong vùng giải phóng Thuận Hải và anh Ba Mai bây giờ khi gặp A đi làm cỏ thuê ở các rẫy cũng nói như vậy.
Năm 1969, khi tròn 16 tuổi, Lê A giác ngộ cách mạng và tham gia vào đội du kích xã Bình Lộc. Lê A trở thành một trong những cơ sở mật trẻ nhất của đội. Dò la hoạt động phòng bố của địch đóng trong 3 đồn ở xã, phát hiện những toán tuần tiễu của chúng, đem tin của cán bộ xã đến các cơ sở, đến các tiểu đội du kích. là việc làm của Lê A những năm tháng ấy.
Nơi đội du kích trú quân là một khu rừng thưa, pháo dập nham nhở, cách xóm nhà dân chừng 3-4 km đường chim bay. Những chiếc võng mắc rải rác dưới những lùm cây rậm. Những buổi chiều, luồng khói nghi ngút từ những thân cây bị đốt cháy đổ ngổn ngang quyện vào màn sương chiều sầm sậm đem lại vẻ lãng mạn bi tráng. Ủy ban, chi bộ xã cùng đóng trong cứ, “Quân đâu thì dân đấy”. Xã còn có hàng chục cái cứ dự trữ. Thấy động là di chuyển rất lẹ. Bữa ăn trưa của cán bộ, du kích thường là phần cơm của bà con đi làm rẫy để dưới đáy giỏ hoặc đâu đó theo địa chỉ đã định. Gạo muối, thuốc men và những vật dụng tiếp tế khác cũng vậy. Bọn địch trong ấp kiểm soát rất gắt gao. Rẫy xa, trưa đồng bào không về mà làm thông tầm đến chiều, bọn chúng cho phép mang cơm đi nhưng không được mang quá tiêu chuẩn của mình, vì ngăn ngừa bà con tiếp tế cho du kích.
Tháng 3/1969, trận đánh tiệm kem Ba Thế (tức quán Ngọc Hương, nơi bọn sĩ quan Mỹ và tay sai ưa đến ăn chơi) là trận đầu tiên của cuộc đời du kích của Lê A. Năm đó, Lê A mới 16 tuổi, người ốm nhom, đen đúa nên trông anh chỉ bằng đứa trẻ 13-14. Để điều nghiên kỹ càng, những ngày trước khi tác chiến, Lê A cùng với Tiết - 1 đồng đội của anh - lên nhà người cậu của Tiết ở gần đó, lân la theo dõi tiệm kem. Đường tấn công, đường rút lui đã trù liệu sẵn. 19 giờ, màn đêm Xuân Lộc sánh đặc màu cà phê đen. Lê A và Tiết, mỗi người cầm một ổ bánh mì vừa đi vừa ăn, men theo đường đi đến phía sau tiệm kem Ba Thế. Hai người đi đảo một vòng, chờ cho người dân ra khỏi tiệm kem, Lê A và Tiết liệng trái lựu đạn M26 vô tiệm. Hai tiếng nổ vang lên. Hơn 40 tên sĩ quan Mỹ và tay sai thương vong. Lê A và Tiết chạy ra đến đầu đường thì bị cảnh sát bắt. 1 ngày 1 đêm bị giam trong bót, bọn cảnh sát hết dụ dỗ đến dọa nạt, hai người nhất quyết không nhận. Không có chứng cứ, bọn chúng phải thả hai anh.
Cuối năm 1970 sau khi đánh tiệm kem Ba Thế, thấy địch bắt đầu để ý theo dõi, cấp ủy xã quyết định rút anh về bộ phận du kích mật. Anh trở thành một đội viên xuất sắc của đội du kích, nổi bật về sự mưu trí, dũng cảm. Đúng một năm sau (tháng 10/1971), Lê A được đề bạt là Xã đội phó xã Bình Lộc. Khi ấy, anh vừa tròn 17 tuổi. Đội du kích do Luyến làm xã đội trưởng và Lê A là xã đội phó của Bình Lộc rất trẻ, lớn nhất là Luyến mới 20, còn lại khoảng 16, 17 tuổi; nhỏ nhất là mấy em ở bộ phận mật 13, 14 tuổi. Ngày ít nhất đội đánh 4 trận. Ngày nhiều nhất đánh hàng chục trận. Bọn giặc ở Bình Lộc bị phục kích liên miên, chúng rất sợ và căm thù đội du kích. Cái đầu của đội trưởng, đội phó đội du kích được chúng treo giá đến hàng chục ngàn đồng.
Khó mà kể hết những chiến công của Lê A và đội du kích xã Bình Lộc. Cùng với Luyến, Một và một số đội viên du kích can trường khác, Lê A đã tung hoành trong hang ổ địch, đánh nhiều trận táo bạo khiến kẻ thù vừa tức tối, vừa run sợ khi nghe đến đội du kích. Những năm ấy, thị xã Long Khánh, xã Bình Lộc, xã Bảo Vinh và cả huyện Xuân Lộc, vòng trong vòng ngoài nhan nhản các sắc lính của Sài Gòn, thế mà ở Bình Lộc - nơi chỉ cách thị xã Long Khánh chưa đầy 3km vẫn tồn tại một đội du kích hiên ngang hoạt động, làm kẻ thù kinh hoàng, bạt vía.
Tháng 8/1971, anh Lê A chỉ huy một tổ du kích phục kích đánh địch cách bót Bình Lộc khoảng 50m, dùng mìn định hướng phá hủy 1 xe địch, diệt tại chỗ 6 tên lính, làm bị thương 3 tên và thu 6 súng các loại.
Sau khi xã đội trưởng Luyến hy sinh, tháng 4/1972, Lê A được đề bạt Xã đội trưởng. Trong một trận đột kích vô ấp anh bị thương, cánh tay trái dính đạn được chữa lành nhưng để lại dị tật. Lê A vẫn xông pha chiến đấu. Trận thắng giòn giã và cũng là trận cuối cùng trong cuộc đời Lê A là trận phục kích trước cửa đồn lớn sáng sớm 30/6/1972. Thời điểm này, đại đội bộ đội địa phương huyện vừa được thành lập, muốn có một trận thắng mở đầu để lấy khí thế. Ban Chỉ huy Huyện đội giao cho đồng chí Sáu Quân - Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng bộ đội địa phương cùng với Ban Chỉ huy xã đội Bình Lộc trực tiếp điều nghiên, lên kế hoạch tác chiến. Lực lượng tham gia nòng cốt là đội du kích Bình Lộc. Bấy giờ ở Bình Lộc, bọn lính Sài Gòn đóng đồn ở 3 vị trí, lớn nhất là đồn trung tâm với một đại đội bảo an trấn giữ. Hàng ngày cứ đúng 5 giờ sáng, địch cho một trung đội đi từ cổng đồn ra vườn xoài bà Bảy lùng sục và nghỉ tại đó tới sẩm tối mới về. Kế hoạch lúc đầu tổ du kích định phục kích ở vườn xoài, sau thấy nên chọn thời điểm chúng vừa từ đồn ra, mắt nhắm mắt mở chủ quan không đề phòng là tấn công hiệu quả nhất; vậy là, chọn điểm phục kích ở đoạn đầu của con đường từ đồn qua trạm thông tin.
Ngay từ tối hôm trước, du kích và bộ đội địa phương chia thành 4 mũi đã ém sẵn vào các vị trí trên bờ đê. Mờ sáng hôm sau, khi cả trung đội địch đã lọt hắn vào nơi phục kích, 2 trái ĐH ở mũi khóa đầu do Xã đội trưởng Lê A phát hỏa. Tiếp theo là 2 trái mìn Claymo của mũi khóa cuối của Xã đội phó Một chỉ huy cũng nổ chặn đường rút về của địch. Bọn giặc dạt về bên đường. Đội du kích từ trong hàng rào bùng nhùng bắn đứt dây kẽm nhào ra. AK, tiểu liên cực nhanh, M79 thủ pháo nổ dồn dập. Đội du kích tấn công và làm chủ được đồn Bình Lộc, diệt 14 tên, thu 6 súng . Bọn giặc đóng trong đồn cách đó chỉ hơn trăm mét dồn cả vào trong lô cốt, không dám ra ứng cứu.
Từ Long Khánh, địch chi viện, tấn công giành lại đồn. Trước tình thế hiểm nguy, Lê A tình nguyện trụ lại cản địch để đồng đội rút lui, bảo toàn lực lượng. Khi lệnh rút được phát ra, xã đội phó Một nhào về chỗ Lê A thì anh không còn nữa. Trên vầng trán thanh xuân của tuổi 19 một mảnh đạn cắm ngập còn rỉ máu. Anh là người hy sinh duy nhất của trận đánh.
Lê A là một chiến sĩ cách mạng xuất sắc. Anh tham gia chiến đấu trực tiếp và chỉ huy 113 trận đánh địch và lập nhiều thành tích xuất sắc. Riêng trong chiến đấu, một mình Lê A đã tiêu diệt 143 tên địch, trong đó có 46 sĩ quan và bọn ác ôn khét tiếng, 13 lính Mỹ, thu 7 súng, phá hủy 4 xe quân sự địch, gỡ 167 quả mìn và lựu đạn gài trong đồn địch.
Đồng chí Lê A là biểu tượng của tinh thần chiến đấu và chiến đấu với hiệu quả cao, hết lòng vì mọi người, đoàn kết khiêm tốn, được đồng đội và nhân dân tin yêu, mến phục. Trong 2 năm, Lê A được thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Ba, 3 Bằng khen, 11 Giấy khen và 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Một thành tích đáng tự hào trong những năm anh tham gia kháng chiến chống Mỹ trên quê hương Bình Lộc, Long Khánh.
Liệt sĩ Lê A được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân theo Quyết định số 587/KT-CTN ngày 30/8/1995.
Nguồn: Hồ Sơn Đài - Trần Quang Toại (chủ biên), Đồng Nai những đơn vị anh hùng, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1985 và tư liệu do Thị xã Long Khánh cung cấp.
Có tài liệu ghi là ngày 26/6/1972.
Có nhiều tài liệu khác ghi: Ngày 6/11/1978.