Đã nhiều năm nay, vấn đề lập tiêu đề mô tả cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam dường như ít được quan tâm, kể từ cuộc tranh luận trong thập niên 70 của thế kỉ XX [5], [6] và Hội nghị nghiệp vụ Thư viện công cộng năm 1992 [7]. Và như vậy, trong các CSDL thư mục, các mục lục phiếu của các thư viện Việt Nam mặc nhiên tồn tại nhiều cách trình bày khác nhau về tên tác giả người Việt trên tiêu đề mô tả. Điều này ai cũng nhận thấy là bất lợi cho cho công tác tra cứu tìm tin, nhất là trong điều kiện các thư viện ở nước ta đã bước đầu tin học hoá thành công, nhiều thư viện đã đưa CSDL lên trang Web, tạo ra các OPAC cho người dùng tin trong nước và cả nước ngoài tra cứu.
Thuật ngữ "Tiêu đề mô tả" (TĐMT) được dùng theo truyền thống của kỹ thuật mô tả tài liệu thư viện. Trong biên mục hiện nay, TĐMT được dùng với ý nghĩa rộng hơn, là điểm truy nhập và do vậy, TĐMT chính tương đương với điểm truy nhập chính, còn TĐMT phụ là các điểm truy nhập phụ.
TĐMT chính chỉ có duy nhất, còn TĐMT phụ có thể có nhiều tùy theo từng tài liệu cụ thể.
1. Thử phác hoạ thực trạng cách lập tiêu đề mô tả cho tác giả cá nhân người Việt Nam hiện nay
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hầu hết các OPAC trên các trang WEB của các cơ quan thông tin – thư viện lớn ở nước ta, như Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN), Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học kỹ thuật Trung ương (TVKHKTTƯ), thư viện các trường đại học… Các khảo sát tập trung chủ yếu vào hình thức trình bày của TĐMT tác giả cá nhân người Việt Nam được thể hiện qua kết quả tìm. Có thể thấy 3 xu hướng sau:
- Xu hướng trình bày TĐMT theo trật tự "thuận" như tên tác giả ghi trên tài liệu, không tác động gì thêm vào trật tự, nhưng:
Viết in hoa toàn bộ tiêu đề mô tả:
Ví dụ: Trên tài liệu: Tô Hoài mô tả TÔ HOÀI
Nguyễn Đình Thi mô tả NGUYỄN ĐÌNH THI
Hoặc viết in hoa chỉ cho chữ cái đầu của các từ trong thành phần của tiêu đề,
Ví dụ: Tô Hoài
Nguyễn Đình Thi
Cách trình bày này tạo ra sự thuận lợi khi không phải phân biệt đâu là tên có họ và tên bút danh, biệt hiệu. Tuy nhiên, trong TĐMT chưa phân biệt được thành phần Họ trong tên người Việt. Điều này thường gây khó khăn cho người nước ngoài sử dụng CSDL các thư viện VN.
- Xu hướng trình bày TĐMT theo trật tự "đảo" : Tên riêng (Họ - Tên đệm), nếu tên tác giả cá nhân có thành phần họ, ví dụ: Thi (Nguyễn Đình).
Còn nếu tên là bút danh, biệt hiệu thì giữ nguyên như trên tài liệu, ví dụ: Tố Hữu, Tô Hoài
Xu hướng lập tiêu đề cho tác giả cá nhân người Việt theo cách trình bày "đảo" hầu như không còn được sử dụng, chỉ còn dùng khi in phiếu mô tả để làm mục lục phiếu ở TVQGVN [ 5 ].
- Đã xuất hiện xu hướng trình bày TĐMT cho tác giả cá nhân người Việt theo trình tự "thuận", nhưng có dấu phảy sau thành phần họ. Đây là yếu tố mới, dựa trên Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (AACR2).
Khi mô tả, trình bày TĐMT như trên tài liệu, nhưng sau họ có dấu phảy đối với tên tác giả cá nhân có cả thành phần họ:
Ví dụ: Nguyễn, Đình Thi
Còn nếu tên là bút danh, biệt hiệu, hay tên tác giả không có thành phần họ, thì giữ nguyên, như trên tài liệu:
Ví dụ: Tố Hữu, Tô Hoài
Như vậy, cho đến nay, hầu hết các thư viện nước ta đều thống nhất cách lập TĐMT cho tên tác giả người Việt, theo trật tự thuận, như xu hướng nêu đầu tiên, nhất là sau Hội nghị nghiệp vụ Thư viện công cộng năm 1992, tại Giảng Võ – Hà Nội [15]. Về mẫu tự của TĐMT, hầu hết đã dùng hình thức chữ in hoa cho kí tự đầu tiên của từ Họ, Đệm và Tên. Vấn đề đáng quan tâm là việc thể hiện yếu tố đầu tiên của TĐMT (dẫn tố - Entry Element) tên tác giả người Việt chưa được rõ ràng và thống nhất.
2. Đi tìm nguyên nhân
Tình trạng không thống nhất trong cách lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam lâu nay là do chúng ta chưa có một quy tắc mô tả thống nhất cho toàn hệ thống thư viện cả nước. Các quy tắc mô tả tài liệu thư viện ở nước ta thường được biên soạn cho các hệ thống riêng rẽ. Điển hình như quy tắc mô tả của TVQGVN, 1994 [13] chủ yếu dùng cho các thư viện công cộng; quy tắc mô tả của TVKHKTTƯ, 1987 [11] chủ yếu dùng cho các thư viện khoa học và kỹ thuật… Ngoài ra, còn một số thư viện cũng soạn riêng cho mình quy tắc mô tả.
Chỉ xem xét 2 quy tắc mô tả trên đã thấy sự khác nhau trong cách lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt.
a/ Tài liệu hướng dẫn mô tả ấn phẩm (dùng cho mục lục thư viện) / TVQGVN,1994 (gọi tắt là Quy tắc mô tả TVQGVN). Trong tài liệu này, TĐMT tác giả Việt Nam được quy định:
- Viết hoa cả họ, đệm tên
- 2 cách lập TĐMT theo trình tự:
+ Họ - tên đệm - tên riêng, xếp mục lục căn cứ theo họ
+ Tên riêng - (Họ - tên đệm), xếp mục lục theo tên riêng
Ví dụ: HOÀNG ĐÌNH CẦU
SIÊM, (Nguyễn văn) (tr.14)
b/ Quy tắc mô tả thư mục xuất bản phẩm: dùng cho các thư viện khoa học và kỹ thuật / TVKHKTTƯ, 1987, T.1: Mô tả sách và xuất bản phẩm tiếp tục. Quy tắc này đã chỉ đưa ra 1 phương pháp lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt là theo trật tự "thuận":
Họ - tên đệm - tên riêng
Và viết hoa chữ cái đầu của họ, tên đệm, tên riêng
Ví dụ: Lương Đình Của
Đào Văn Tiến
Một lý do khách quan nữa là, các thư viện nước ta ở các hệ thống khác nhau được tự do lựa chọn quy tắc biên mục mô tả, chưa có quy định nào bắt buộc phải tuân thủ quy tắc nào, do vậy tình trạng không thống nhất trong biên mục nói chung và biên mục mô tả nói riêng thêm kéo dài.
Còn một khó khăn nữa mà thực tiễn biên mục Việt Nam đang gặp là tập quán đặt tên người Việt gần đây đã có thay đổi. Đã xuất hiện những tên mang cả họ bố và họ mẹ,
Ví dụ, Nguyễn Trần Vân Anh
Trong đó: Nguyễn là họ của bố; Trần là họ của mẹ
Chưa có văn bản pháp luật nào thừa nhận cách đặt tên này là họ có 2 thành phần, và vì vậy với tên như trên thì lấy họ đến đâu? Có thể coi là họ kép như tên người phương Tây được không? Câu trả lời còn đang ở phía trước.
3. Góp thêm vào hướng giải quyết
Có thể nói, trong lý luận cũng như thực tiễn biên mục mô tả Việt Nam đã có nhiều trăn trở để đi đến thống nhất trong quy tắc biên mục mô tả nói chung và phương pháp lập TĐMT nói riêng. Ví như các cuộc tranh luận về mô tả tên tác giả Việt Nam những năm 70 đã nói ở trên và những bài viết gần đây về vấn đề này. Vũ Dương Thuý Ngà (2002), đã lý giải cách trình bày tên tác giả Việt Nam theo xu hướng mô tả "đảo" và mô tả "thuận", trên cơ sở các nghiên cứu về nhân danh học. Đồng thời so sánh với cách mô tả tên người Việt Nam theo quy tắc AACR2. Tuy nhiên, tác giả chưa đi đến một kết luận là dùng cách mô tả nào thì tốt hơn. Còn Đinh Thị Khế (2003) đã bàn nhiều về cách dùng dấu phảy haydấu ngoặc đơn cho TĐMT trong mô tả "đảo". Nhưng tác giả mới chú trọng đến yếu tố thuận lợi hay không thuận lợi cho cán bộ biên mục và bạn đọc ở khía cạnh kỹ thuật soạn thảo văn bản đơn thuần, chứ chưa đề cập đến ý nghĩa của các dấu nhận dạng này trong kỹ thuật lập TĐMT.
Trên bình diện lý luận và thực tiễn biên mục của thư viện nước ngoài, như tiếp cận qui tắc AACR2 [1] cùng các kỹ thuật biên mục theo khổ mẫu MARC21[8] và khảo sát các OPAC của một số thư viện lớn trên thế giới như Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Đại học Harvard, Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Vương quốc Anh, Thư viện Đại học Chulalongkorn… đã giúp chúng ta nhiều cơ sở khoa học cho xây dựng phương pháp lập TĐMT cho tên tác giả người Việt.
* Quy tắc AACR2 là một quy tắc biên mục rất chú trọng đến vấn đề lập điểm truy nhập cho biểu ghi thư mục, trong đó đặc biệt chú ý đến lập điểm truy nhập cho tên cá nhân (có thể là tên tác giả, tên nhân vật… nếu là tên tác giả, theo cách gọi truyền thống là TĐMT). Trong AACR2, phương pháp phân loại tên (họ - đệm - tên) cá nhân rất phức tạp, nhưng quan trọng nhất là rút ra được 2 loại tên chính hay gặp hiện nay và tương ứng có các quy tắc lập điểm truy nhập riêng:
a. Tên không bao gồm họ (hay không có thành phần họ), ví dụ như: tên riêng, bút danh, biệt hiệu. Khi lập điểm truy nhập, giữ nguyên trật tự như trên tài liệu, còn gọi là tiêu đề trực tiếp.
b. Tên bao gồm họ: trong loại này có thể phân chia tiếp ra 2 loại chính là:
- Tên, có thành phần họ ở sau tên riêng và tên đệm (ví dụ: tên người Âu - Mỹ): Khi lập tiêu đề, đảo họ lên vị trí đầu tiên, sau họ có dấu phảy, ví dụ: Lênin, V.I.
- Tên, có thành phần họ ở vị trí đầu tiên, trước tên đệm và tên riêng (ví dụ: tên người Trung Quốc, Việt Nam): khi lập tiêu đề, giữ nguyên vị trí của họ, nhưng sau họ thêm dấu phảy, ví dụ: Nguyễn, Đình Thi.
Vận dụng quy tắc AACR2 vào lập TĐMT cho tên tác giả người Việt, chúng ta có thể làm như sau:
- Đối với tên tác giả là bút danh, biệt hiệu, lập tiêu đề trực tiếp, hay như cách gọi truyền thống là giữ nguyên như trên tài liệu.
Ví dụ: Xuân Diệu mô tả Xuân Diệu
- Đối với tên tác giả có thành phần họ, lập tiêu đề theo trật tự thuận, sau họ thm dấu phảy.
Ví dụ: Nguyễn Đình Thi mô tả Nguyễn, Đình Thi
Như vậy, vai trò của dấu phảy ở đây là để nhận biết thành phần họ trong tên của người Việt Nam. Lúc này thành phần họ đóng vai trò dẫn tố (Entry Element) trong TĐMT. Điều này dễ hiểu và tường minh, nhất là đối với người nước ngoài khi sử dụng CSDL của các thư viện Việt Nam.
* Trong biên mục tự động hoá theo khổ mẫu MARC21, vấn đề lập TĐMT cho tên cá nhân được thể hiện qua cách xử lý chỉ thị trường (Indicators). Kỹ thuật này được thường xuyên áp dụng khi mô tả các trường:
100 Tiêu đề chính - tên cá nhân
600 Tiêu đề bổ sung chủ đề - tên cá nhân
700 Tiêu đề bổ sung - tên cá nhân
Trong các trường này, chỉ thị 1 - dạng dẫn tố của tên cá nhân, có 2 giá trị là 0 và 1 cho phép máy tính nhận biết dạng dẫn tố để thiết lập điểm truy nhập hay TĐMT.
- Giá trị 0: cho biết tiêu đề bắt đầu bằng tên riêng hoặc gồm các từ, cụm từ… ( hay là các tên không có thành phần họ)
- Giá trị 1: cho biết tiêu đề bắt đầu bằng họ (p dụng cho cc tn cĩ thnh phần họ).
Áp dụng cho biên mục tác giả Việt Nam nêu ở ví dụ trên, ở trường 100, mô tả như sau:
100 0# Xuân Diệu
100 1# Nguyễn, Đình Thi
Như vậy, phương pháp lập TĐMT theo AACR2 đ được áp dụng vào MARC21 một cách đầy đủ.
Qua khảo sát các OPAC của các thư viện nước ngoài nêu trên, chỉ tập trung vào các TĐMT là tên tác giả người Việt, chúng tôi thấy, các thư viện này đều áp dụng AACR2 để lập TĐMT/ điểm truy nhập cho biểu ghi thư mục và hình thức thể hiện của TĐMT như trình bày ở trên.
* Các vấn đề về kiểm soát thư mục toàn cầu (UBC- Universal Bibliographic Control) của IFLA được đặt ra từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Các nguyên tắc của UBC đã đề ra việc kiểm soát tiêu đề chuẩn đi đôi với kiểm soát thư mục chuẩn. Mỗi quốc gia chịu trách nhiệm tạo lập ra những hồ sơ tiêu đề chuẩn (Authority files) về tên tác giả cá nhân, tác giả tập thể của mình và có thể cung cấp cho các nước khác sử dụng. Theo Barbara B. Tillett (2002), đến nay, điều kiện công nghệ thông tin đã cho phép hiện thực hoá các mục tiêu về UBC của IFLA, thậm chí còn xuất hiện những đề xuất đặt lợi ích của người dùng tin lên hàng đầu. Đó là, tạo ra một hồ sơ ảo về tiêu đề chuẩn mà người dùng tin có thể tìm tin được bằng bất kỳ ngôn ngữ bản địa nào.
Thư viện Quốc hội Mỹ từ lâu đã có một hồ sơ các tiêu đề chuẩn trên mạng Internet (http://authorities.loc.gov). Trong hồ sơ tiêu đề chuẩn này có cả tiêu đề chuẩn cho tên tác giả, và dĩ nhiên có cả tác giả Việt Nam. Tuy nhiên, Phạm Thị Lệ Hương (2004) vẫn đề nghị các thư viện Việt Nam nên thiết lập một hồ sơ tiêu đề chuẩn cho tên tác giả Việt nam ngay từ bây giờ để dùng chung trong nước và cho cả cộng đồng thư viện thế giới.
Với điều kiện phần lớn các thư viện lớn ở nước ta, trong vài ba năm lại đây đã được hiện đại hoá, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi và với các kinh nghiệm từ các thư viện nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một hồ sơ tiêu đề chuẩn cho tác giả cá nhân người Việt Nam. Vả lại, không ai có thể hiểu cặn kẽ tác giả người Việt bằng chúng ta.
Đã đến lúc các thư viện Việt Nam cần sử dụng một qui tắc mô tả thống nhất. Có lẽ phương án tốt nhất hiện nay là chỉnh lý, bổ sung và hoàn chỉnh Quy tắc mô tả TVQG 1994 để trong thời gian sớm nhất có thể dùng chung cho toàn bộ các thư viện trong cả nước.
Trong điều kiện biên mục tự động như hiện nay, vấn đề chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chung, nhất là chuẩn quốc tế được đặt lên hàng đầu. Những năm vừa qua, các thư viện Việt Nam đã từng bước tiến tới hiện đại hoá, nhất là đã được sử dụng các phần mềm quản trị thư viện tích hợp tiên tiến. Điều đó giúp cho công tác biên mục, trong đó có biên mục mô tả một môi trường thuận lợi đi đến thống nhất theo các tiêu chuẩn chung, trong đó có sự thống nhất trong phương pháp lập TĐMT cho tác giả cá nhân người Việt.
Tài liệu tham khảo
1. CR2 / ALA, CLA, LAP .- 2nd Edition 1998 Revision .-xli,676 p.
2. quy tắc biên mục Anh - Mỹ rút gọn, 1988: ấn bản Việt ngữ lần thứ nhất / M. Gorman; dịch giả: Lâm Vĩnh Thế, Phạm Thị Lệ Hương .- LEAF-VN, 2002 .- XXXI, 290 tr.
3. Cẩm nang nghề thư viện / Lê Văn Viết .- H.: VHTT, 2000.- 630 tr.
4. Cẩm nang hướng dẫn sử dụng bộ quy tắc biên mục Anh- Mỹ rút gọn, 1988 / Phạm Thị Lệ Hương, Ngọc Mỹ Guidarelli biên soạn; Copyright by LEAF-VN. Great Falls,VA, USA., 2004 .- [PDF]
5. Giáo trình biên mục mô tả / Vũ Văn Sơn .- H.: ĐHQGHN, 2000 .- tr. 92-94.
6. Giáo trình thư viện học đại cương / Phan Văn .- H.: ĐHTHHN, 1983 .- tr. 55-67.
7. Hiện trạng và tương lai phát triển khoa học thư viện ở Việt Nam / Bùi Loan Thuỳ .- H.: Nxb Văn hoá Thông tin, 1997 .- Tr. 183-187.
8. Hồ sơ ảo về tiêu đề chuẩn quốc tế: Báo cáo tại Hội đồng Thư viện Đông Á, Hội Á châu học, Uỷ ban kỹ thuật thư viện, Washington,D.C, tháng 4-2002 / Barbara B. Tillett ; Phạm Thị Lệ Hương dịch .- http:// www.leaf-vn.org
9. Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu thư mục. T.2 / Trung tâm TTKH&CNQG .- H., 2004 .- 510 tr.
10. Mô tả tài liệu thư viện / Nguyễn Thị Tuyết Nga .- H.: ĐHVHHN, 1991 .- 146 tr.
11. Nhân danh học và công tác thông tin, thư viện / Vũ Dương Thu# Ng // Tạp chí Thơng tin v Tư liệu, 2002 .- số 4.- Tr.17-20.
12. Quy tắc mô tả thư mục xuất bản phẩm : Dùng cho các thư viện KHKT. Tập 1: mô tả sách và xuất bản phẩm tiếp tục / Thư viện KHKTTƯ .- H., 1987.- 102 tr.
13. Suy nghĩ về chi tiết chưa thống nhất trong thực tiễn miêu tả ấn phẩm hiện nay / Đinh Thị Khế // Tập san Thư viện.- số 1, 2003 .- Tr. 9-12.
14. Tài liệu hướng dẫn mô tả ấn phẩm: Dùng cho mục lục thư viện / Thư viện Quốc gia Việt Nam .- H., 1994 .- 115 tr.
15. Tiếp tục đổi mới hoạt động nghiệp vụ nhằm phục tốt cho xã hội, cho bạn đọc / Phạm Thế Khang // Kỷ yếu Hội nghị tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc 1999 - 2000 .- H.: Vụ Thư viện, 2002 .- Tr. 45-70.
-------------------------------------
Tác giả: Nguyễn Văn Hành
Nguồn: Tạp chí Thư viện số 4/2006