06/02/2010Công tác phân loại luôn được các thư viện và cơ quan thông tin trên thế giới hết sức quan tâm. Phân loại tài liệu là một khâu công tác quan trọng giúp cho việc kiểm soát thư mục, góp phần thúc đẩy việc khai thác, trao đổi thông tin trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Trên thế giới và một số thư viện lớn ở Việt Nam, phân loại được áp dụng sâu rộng trong việc tổ chức kho mở và tra cứu thông tin.
Trong xã hội thông tin hiện đại cũng như mọi ngành nghề khác, ngành thư viện thông tin cũng phải đối mặt với những vấn đề có tính chất toàn cầu. Hơn bao giờ hết vấn đề phân loại tài liệu, kiểm soát các nguồn tin, đặc biệt là các nguồn tin trên Internet đang được cộng đồng thư viện thế giới và Việt Nam hết sức quan tâm. Nhận thức được điều đó, nhóm nghiên cứu Khoa Thư viện – Thông tin trường Đại học Văn hoá Hà Nội đã tiến hành một đề tài nghiên cứu về các bảng phân loại tiêu biểu của thế giới và công tác phân loại tài liệu ở Việt Nam. Trong phạm vi của bài viết này chúng tôi chỉ đề cập tới thực trạng công tác phân loại ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra.
Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra bằng an két để tìm hiểu về các bảng phân loại đang được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và thu thập các ý kiến nhận xét và đề xuất về vấn đề nâng cao chất lượng công tác phân loại cũng như các biện pháp hoàn thiện các bảng phân loại hiện hành. Đối tượng điều tra là các cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác phân loại tại các thư viện trong cả nước với các nhóm thư viện như: Các thư viện lớn, thư viện tỉnh, thành phố, thư viện trường đại học, thư viện viện nghiên cứu. Trong đó, mỗi nhóm chúng tôi chọn một số thư viện tiêu biểu. Chúng tôi không tiến hành điều tra các thư viện huyện và thư viện xã, phường vì các thư viện này đều sử dụng bảng phân loại 19 lớp và nhìn chung công tác phân loại trong các thư viện này tương đối giản lược. Từ việc điều tra, chúng tôi đã thu được kết quả cụ thể như sau: Tổng số phiếu phát ra: 120; tổng số phiếu thu vào: 100. Sau khi phân tích và tổng hợp chúng tôi thu được số liệu sau:
Trong các bảng phân loại hiện đang được sử dụng tại Việt Nam, bảng phân loại 19 lớp của Thư viện Quốc gia là bảng phân loại hiện đang được sử dụng nhiều nhất (có 71/100 thư viện, cơ quan thông tin đang sử dụng bảng phân loại này). Tiếp theo đó là bảng phân loại BBK (có 42 thư viện cơ quan thông tin sử dụng BBK, trong đó 19 thư viện sử dụng bảng BBK do Thư viện Khoa học kỹ thuật trung ương biên soạn, 17 thư viện sử dụng BBK do Viện thông tin khoa học xã hội biên soạn, Thư viện Quốc gia Việt Nam sử dụng bảng BBK của mình, 5 thư viện tự dịch). Sau BBK, DDC là bảng phân loại cũng đã được sử dụng khá rộng rãi (14 thư viện), khung đề mục quốc gia và bảng UDC được rất ít các thư viện và cơ quan thông tin sử dụng (chỉ có 3 thư viện và cơ quan thông tin). Qua khảo cứu và điều tra, chúng tôi được biết có một số thư viện và cơ quan thông tin sử dụng các bảng phân loại do tự mình biên soạn ra.
Nhìn chung, các bảng phân loại hiện đã biên soạn bảng tra chủ đề chữ cái, nhờ vậy công tác phân loại có phần nào được thuận tiện.
Tuy nhiên, vẫn có một số khung phân loại vẫn chưa xây dựng được bảng tra chủ đề chữ cái như: Bảng phân loại BBK (phần khoa học xã hội) của Thư viện Quốc gia, Bảng BBK của Viện Thông tin khoa học xã hội, Khung đề mục quốc gia.
Tổng hợp các ý kiến đánh giá của các thư viện, cơ quan thông tin về bảng phân loại hiện đang được sử dụng chúng tôi thu được kết quả sau:
- Chưa có bảng phân loại nào được đánh giá là hoàn toàn thích hợp và đáp ứng yêu cầu xử lý tài liệu của cơ quan.
- Bảng phân loại 19 lớp của Thư viện Quốc gia được đánh giá là bảng phân loại tạo điều kiện cho việc phân loại hết sức dễ dàng. Có 60 trong số 71 thư viện sử dụng bảng phân loại 19 lớp đã nhận xét như vậy.
- Hầu hết các bảng phân loại đều bị đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu chi tiết hoá cho các chuyên ngành phục vụ của cơ quan. 100% ý kiến nhận xét các bảng phân loại của Việt Nam hiện nay chưa cập nhật được các chủ đề mới.
- 20% ý kiến cho rằng bảng phân loại cơ quan mình sử dụng chưa thoả mãn được yêu cầu xử lý tài liệu của cơ quan
- 100% ý kiến cho rằng các bảng phân loại đó cần phải được chỉnh lý, bổ sung.
Về dự kiến của các thư viện và cơ quan thông tin trong tương lai:
- 9 % thư viện có dự kiến chỉnh lý lại bảng phân loại hiện hành.
- 91% các thư viện chờ đợi bảng phân loại chỉnh lý hoàn thiện của các thư viện lớn.
Qua điều tra kết hợp với trao đổi, phỏng vấn, chúng tôi được biết nhiều thư viện và cơ quan thông tin có dự kiến sẽ sử dụng DDC sau khi có bản dịch DDC bằng tiếng Việt.
Nếu như trên thế giới hiện nay đang áp dụng 3 khuynh hướng phân loại: phân loại thập tiến, phân loại phi thập tiến và phân loại theo diện thì ở Việt Nam chỉ có hai khuynh hướng cơ bản là phân loại thập tiến và phân loại phi thập tiến. Nhưng khác với thế giới là DDC đang được sử dụng thịnh hành nhất thì ở Việt Nam, bảng phân loại thập tiến cải biên (Bảng phân loại dùng cho các thư viện khoa học tổng hợp) là bảng được sử dụng nhiều nhất. Bên cạnh đó là Bảng phân loại thư viện thư mục BBK. Bảng phân loại thập phân DDC hiện là bảng được nhiều thư viện quan tâm sử dụng. Ngoài ra cũng phải kể đến một số bảng phân loại khác như Bảng phân loại thập phân bách khoa, Khung đề mục quốc gia, Bảng phân loại dùng cho thư viện các trường phổ thông... và một số bảng phân loại dùng cho các loại hình tài liệu đặc biệt. Sự hiện diện của các bảng phân loại rất phong phú, đa đạng nhưng nhìn chung các bảng phân loại này đều có nhược điểm chung là không được cập nhật. Hiện nay ở Việt Nam đang tồn tại nhiều BBK với các phiên bản khác nhau. Do đó, nhiều thư viện đang sử dụng bảng BBK nhưng không phải là một BBK thống nhất. Hầu hết, các thư viện lớn đã sử dụng BBK nhưng lại chưa có sự bàn bạc nhất quán khi xây dựng ký hiệu. Trong các bảng phân loại hiện đang được sử dụng ở Việt Nam chưa có bảng nào thực sự chú trọng đến việc đặt ra các nguyên tắc và biên soạn bảng hướng dẫn sử dụng bảng phân loại. Khác với các nước ngoài, ứng dụng chủ yếu của phân loại tài liệu ở Việt Nam là để xây dựng ngôn ngữ tìm tin. Vì thế, các thư viện có xu hướng chung là phản ánh đầy đủ nội dung của tài liệu bằng các ký hiệu (nếu tài liệu nói về ba vấn đề trở xuống). Nhưng việc áp dụng phân loại cũng không hoàn toàn thống nhất trong các thư viện. Có thư viện (chẳng hạn như Viện Thông tin Khoa học xã hội) đã định tới 4 ký hiệu phân loại cho một tài liệu trong khi nhiều thư viện chỉ lấy tối đa là 2 ký hiệu. Qua trao đổi, phân tích các ý kiến khác nhau của các cán bộ lãnh đạo cũng như các chuyên gia phân loại của Việt Nam, chúng tôi được biết trong một thời gian dài nữa các thư viện vẫn tiếp tục sử dụng các bảng phân loại hiện có như bảng phân loại 19 lớp, bảng BBK... mà không có sự nhất loạt chuyển sang một bảng phân loại mới vì sự thay đổi việc sử dụng bảng phân loại sẽ kéo theo một hệ quả tất yếu là phải xử lý hồi cố một số lượng tài liệu rất lớn. Công việc này sẽ đòi hỏi chi phí rất lớn về thời gian, tiền bạc và công sức. Mặt khác, sự thay đổi này cũng tác động không nhỏ tới người đọc, người dùng tin, những người vốn đã quen sử dụng một hệ thống phân loại nào đó của các thư viện hoặc các cơ quan thông tin. Tuy nhiên bên cạnh những bảng phân loại hiện hành, các cơ quan thư viện thông tin cùng hướng tới việc sử dụng thêm một khung phân loại mới có khả năng hỗ trợ, trao đổi thông tin và hội nhập quốc tế. Nhiều thư viện và cơ quan thông tin đã đặt kỳ vọng vào bảng DDC được dịch hoàn chỉnh trong tương lai.
Theo kinh nghiệm của các thư viện trên thế giới, để đảm bảo chất lượng cho công tác phân loại tài liệu người ta đã rất quan tâm đến việc chỉnh lý, bổ sung cho các bảng phân loại. Các bảng phân loại loại lớn như DDC, UDC, BBK... thường xuyên được cập nhật và tái bản. Chính sự cập nhật này đã mang lại ưu thế cho các bảng phân loại đó. Bên cạnh đó một số bảng phân loại lớn của nước ngoài còn xây dựng được các bảng hướng dẫn rất cụ thể trong việc sử dụng bảng phân loại đó. Không có một bảng phân loại nào không xây dựng được đầy đủ bảng tra cứu chủ đề. Vì thế, tính thống nhất và các nguyên tắc phân loại luôn được đảm bảo.
Từ thực tiễn nghiên cứu và qua trao đổi ý kiến với các chuyên gia trong ngành, chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị sau:
* Đối với các cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn các bảng phân loại và ngành thư viện thông tin ở Việt Nam:
1/ Các thư viện và cơ quan thông tin lớn cần thường xuyên tiến hành việc chỉnh lý bổ sung cho các bảng phân loại hiện đang được sử dụng trên một số bình diện như:
- Cập nhật các khái niệm mới xuất hiện.
- Loại bỏ thay đổi các thuật ngữ đã lỗi thời.
- Hoàn thiện bảng tra cứu chủ đề, bổ sung thêm các tham chiếu cần thiết.
- Xây dựng các nguyên tắc và các bản hướng dẫn sử dụng bảng.
- Riêng đối với Bảng BBK, cần sử dụng thống nhất mốc phân kỳ lịch sử, xây dựng bảng trợ ký hiệu địa lý thống nhất, phù hợp với bản đồ hành chính hiện tại của các đơn vị hành chính của Việt Nam và thế giới, loại bỏ bớt các đề mục quá chi tiết hoá về Liên Xô trước đây. Riêng đối với các môn ngành khoa học xã hội, Thư viện Quốc gia và Viện Thông tin khoa học xã hội cần sớm hợp tác và bắt tay vào xây dựng bảng tra chủ đề chữ cái. Không thể để tình trạng thiếu bảng tra cứu chủ đề chữ cái kéo dài. Nếu xác định tiếp tục sử dụng BBK thì Thư viện Quốc gia, Viện Thông tin khoa học xã hội và Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ quốc gia cần cùng nhau bàn bạc đi dến xây dựng một khung BBK thống nhất và hoàn chỉnh.
- Với bảng phân loại dùng cho các thư viện khoa học tổng hợp, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng cần tiếp tục chỉnh lý, mở rộng cho phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong thực tế.
2/ Để hướng tới việc đưa bảng phân loại thập phân Dewey vào sử dụng một cách rộng rãi, cần được quan tâm, phổ biến về phương pháp và các nguyên tắc phân loại theo bảng cho các thư viện ở Việt Nam.
3/ Bộ Văn hoá - Thông tin cần sớm giao cho Thư viện Quốc gia Việt Nam đảm trách việc biên soạn biên mục tại nguồn (hình thức biên mục gắn liền với xuất bản phẩm). Thực hiện điều đó chẳng những mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo ra chuẩn thống nhất trong công tác phân loại biên mục.
4/ Để nâng cao tay nghề cho các cán bộ phân loại, các thư viện và trung tâm thông tin lớn cần quan tâm hơn nữa đến việc biên soạn các tài liệu hướng dẫn thực hành gắn với từng bảng phân loại cụ thể và mở các lớp tập huấn, rèn luyện kỹ năng phân loại biên mục.
* Đối với các cơ sở đào tạo cán bộ thông tin thư viện:
Hiện nay, tất cả các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp ngành thư viện thông tin ở Việt Nam đều đưa môn Phân loại tài liệu vào chương trình giảng dậy.
Qua thực tế nghiên cứu khảo sát và điều tra, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị sau:
1/ Về vấn đề lựa chọn bảng phân loại đưa vào chương trình giảng dạy: Cần phải đưa vào giới thiệu các bảng phân loại tiêu biểu của thế giới và Việt Nam. Trong đó phải giành thời lượng nhất định để tập trung vào ba bảng phân loại hiện đang được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan thông tin thư viện ở Việt Nam như: Bảng phân loại thập phân Dewey, Bảng BBK, Bảng phân loại dùng cho thư viện khoa học tổng hợp 19 lớp.
2/ Về nội dung chương trình, ngoài phần hướng dẫn phương pháp phân loại chung cần phải biên soạn các bài giảng hướng dẫn phương pháp phân loại cụ thể đối với ba bảng phân loại kể trên để học sinh, sinh viên có điều kiện nắm bắt và làm quen với các bảng phân loại đó.
3/ Về phương pháp rèn luyện các kỹ năng thực hành phân loại, ngoài việc phải xây dựng được các tủ sách thực hành đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải được trang bị các bảng phân loại, không thể dừng lại ở việc giới thiệu về lý thuyết mà phải tạo điều kiện cho học sinh thực hành phân loại trực tiếp theo các bảng phân loại đó.
4/ Hiện nay cũng như các môn học khác Phân loại tài liệu cũng bị khống chế về mặt thời gian. Để có thể giới thiệu sâu về các bảng có thể mở thêm chuyên đề và có thể cho học sinh tới tham quan nghe báo cáo chuyên đề ở các thư viện, trung tâm thông tin lớn.
Trong điều kiện của Việt Nam, biện pháp trọng yếu để nâng cao chất lượng công tác phân loại là vấn đề cập nhật các bảng phân loại, xây dựng các chuẩn chung thống nhất trong công tác phân loại và nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng thực hành cho những người đảm trách công tác phân loại tài liệu. Công tác đào tạo cán bộ thông tin thư viện tại các cơ sở đào tạo cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ quan thông tin thư viện sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào việc hình thành và phát triển năng lực nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ phân loại.
Hy vọng rằng trong một tương lại không xa, với việc chỉnh lý, bổ sung các bảng phân loại hiện hành cùng với việc dịch hoàn tất bảng phân loại thập phân Dewey, các cơ quan thông tin thư viện ở Việt Nam sẽ từng bước hoàn thiện được các công cụ phân loại, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc áp dụng chuẩn hóa về mặt nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả của hoạt động thư viện thông tin .
Tài liệu tham khảo
1. Bảng phân loại dùng cho các thư viện khoa học tổng hợp / Thư viện Quốc gia. - H.: 1991.
2. Bảng phân loại dùng cho các thư viện khoa học tổng hợp / Thư viện Quốc gia. - H.: 2002.
3. Bảng phân loại dùng cho thư viện trường phổ thông / Đỗ Hữu Dư. - H.: Giáo dục, 1991.
4. Bảng phân loại tài liệu địa chí: Dùng cho các thư viện công cộng / Lê Gia Hội, Nguyễn Hữu Viêm. - H.: Vụ Văn hoá quần chúng và Thư viện, 1993.
5. Bảng phân loại Thư viện - Thư mục BBK / Thư viện Quốc gia. - H., 1983.
6. Hệ thống phân loại thập phân Dewey / Đoàn Huy Oánh biên dịch. - H.: 2000.
7. Khung phân loại Thư viện - Thư mục BBK / Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia. - H.: 2002.
8. Nghiên cứu về các bảng phân loại tiêu biểu của thế giới và công tác phân loại tài liệu ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu cấp trường. - H.: Trường Đại học Văn học Hà Nội, 2002.
Tác giả: Vũ Dương Thúy Ngà
Nguồn: Tạp chí Thư viện
Đã nhiều năm nay, vấn đề lập tiêu đề mô tả cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam dường như ít được quan tâm, kể từ cuộc tranh luận trong thập niên 70 của thế kỉ XX [5], [6] và Hội nghị nghiệp vụ Thư viện công cộng năm 1992 [7]. Và như vậy, trong các CSDL thư mục, các mục lục phiếu của các thư viện Việt Nam mặc nhiên tồn tại nhiều cách trình bày khác nhau về tên tác giả người Việt trên tiêu đề mô tả. Điều này ai cũng nhận thấy là bất lợi cho cho công tác tra cứu tìm tin, nhất là trong điều kiện các thư viện ở nước ta đã bước đầu tin học hoá thành công, nhiều thư viện đã đưa CSDL lên trang Web, tạo ra các OPAC cho người dùng tin trong nước và cả nước ngoài tra cứu.
Thuật ngữ "Tiêu đề mô tả" (TĐMT) được dùng theo truyền thống của kỹ thuật mô tả tài liệu thư viện. Trong biên mục hiện nay, TĐMT được dùng với ý nghĩa rộng hơn, là điểm truy nhập và do vậy, TĐMT chính tương đương với điểm truy nhập chính, còn TĐMT phụ là các điểm truy nhập phụ.
TĐMT chính chỉ có duy nhất, còn TĐMT phụ có thể có nhiều tùy theo từng tài liệu cụ thể.
1. Thử phác hoạ thực trạng cách lập tiêu đề mô tả cho tác giả cá nhân người Việt Nam hiện nay
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát hầu hết các OPAC trên các trang WEB của các cơ quan thông tin – thư viện lớn ở nước ta, như Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN), Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học kỹ thuật Trung ương (TVKHKTTƯ), thư viện các trường đại học… Các khảo sát tập trung chủ yếu vào hình thức trình bày của TĐMT tác giả cá nhân người Việt Nam được thể hiện qua kết quả tìm. Có thể thấy 3 xu hướng sau:
- Xu hướng trình bày TĐMT theo trật tự "thuận" như tên tác giả ghi trên tài liệu, không tác động gì thêm vào trật tự, nhưng:
Viết in hoa toàn bộ tiêu đề mô tả:
Ví dụ: Trên tài liệu: Tô Hoài mô tả TÔ HOÀI
Nguyễn Đình Thi mô tả NGUYỄN ĐÌNH THI
Hoặc viết in hoa chỉ cho chữ cái đầu của các từ trong thành phần của tiêu đề,
Ví dụ: Tô Hoài
Nguyễn Đình Thi
Cách trình bày này tạo ra sự thuận lợi khi không phải phân biệt đâu là tên có họ và tên bút danh, biệt hiệu. Tuy nhiên, trong TĐMT chưa phân biệt được thành phần Họ trong tên người Việt. Điều này thường gây khó khăn cho người nước ngoài sử dụng CSDL các thư viện VN.
- Xu hướng trình bày TĐMT theo trật tự "đảo" : Tên riêng (Họ - Tên đệm), nếu tên tác giả cá nhân có thành phần họ, ví dụ: Thi (Nguyễn Đình).
Còn nếu tên là bút danh, biệt hiệu thì giữ nguyên như trên tài liệu, ví dụ: Tố Hữu, Tô Hoài
Xu hướng lập tiêu đề cho tác giả cá nhân người Việt theo cách trình bày "đảo" hầu như không còn được sử dụng, chỉ còn dùng khi in phiếu mô tả để làm mục lục phiếu ở TVQGVN [ 5 ].
- Đã xuất hiện xu hướng trình bày TĐMT cho tác giả cá nhân người Việt theo trình tự "thuận", nhưng có dấu phảy sau thành phần họ. Đây là yếu tố mới, dựa trên Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (AACR2).
Khi mô tả, trình bày TĐMT như trên tài liệu, nhưng sau họ có dấu phảy đối với tên tác giả cá nhân có cả thành phần họ:
Ví dụ: Nguyễn, Đình Thi
Còn nếu tên là bút danh, biệt hiệu, hay tên tác giả không có thành phần họ, thì giữ nguyên, như trên tài liệu:
Ví dụ: Tố Hữu, Tô Hoài
Như vậy, cho đến nay, hầu hết các thư viện nước ta đều thống nhất cách lập TĐMT cho tên tác giả người Việt, theo trật tự thuận, như xu hướng nêu đầu tiên, nhất là sau Hội nghị nghiệp vụ Thư viện công cộng năm 1992, tại Giảng Võ – Hà Nội [15]. Về mẫu tự của TĐMT, hầu hết đã dùng hình thức chữ in hoa cho kí tự đầu tiên của từ Họ, Đệm và Tên. Vấn đề đáng quan tâm là việc thể hiện yếu tố đầu tiên của TĐMT (dẫn tố - Entry Element) tên tác giả người Việt chưa được rõ ràng và thống nhất.
2. Đi tìm nguyên nhân
Tình trạng không thống nhất trong cách lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam lâu nay là do chúng ta chưa có một quy tắc mô tả thống nhất cho toàn hệ thống thư viện cả nước. Các quy tắc mô tả tài liệu thư viện ở nước ta thường được biên soạn cho các hệ thống riêng rẽ. Điển hình như quy tắc mô tả của TVQGVN, 1994 [13] chủ yếu dùng cho các thư viện công cộng; quy tắc mô tả của TVKHKTTƯ, 1987 [11] chủ yếu dùng cho các thư viện khoa học và kỹ thuật… Ngoài ra, còn một số thư viện cũng soạn riêng cho mình quy tắc mô tả.
Chỉ xem xét 2 quy tắc mô tả trên đã thấy sự khác nhau trong cách lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt.
a/ Tài liệu hướng dẫn mô tả ấn phẩm (dùng cho mục lục thư viện) / TVQGVN,1994 (gọi tắt là Quy tắc mô tả TVQGVN). Trong tài liệu này, TĐMT tác giả Việt Nam được quy định:
- Viết hoa cả họ, đệm tên
- 2 cách lập TĐMT theo trình tự:
+ Họ - tên đệm - tên riêng, xếp mục lục căn cứ theo họ
+ Tên riêng - (Họ - tên đệm), xếp mục lục theo tên riêng
Ví dụ: HOÀNG ĐÌNH CẦU
SIÊM, (Nguyễn văn) (tr.14)
b/ Quy tắc mô tả thư mục xuất bản phẩm: dùng cho các thư viện khoa học và kỹ thuật / TVKHKTTƯ, 1987, T.1: Mô tả sách và xuất bản phẩm tiếp tục. Quy tắc này đã chỉ đưa ra 1 phương pháp lập TĐMT cho tên tác giả cá nhân người Việt là theo trật tự "thuận":
Họ - tên đệm - tên riêng
Và viết hoa chữ cái đầu của họ, tên đệm, tên riêng
Ví dụ: Lương Đình Của
Đào Văn Tiến
Một lý do khách quan nữa là, các thư viện nước ta ở các hệ thống khác nhau được tự do lựa chọn quy tắc biên mục mô tả, chưa có quy định nào bắt buộc phải tuân thủ quy tắc nào, do vậy tình trạng không thống nhất trong biên mục nói chung và biên mục mô tả nói riêng thêm kéo dài.
Còn một khó khăn nữa mà thực tiễn biên mục Việt Nam đang gặp là tập quán đặt tên người Việt gần đây đã có thay đổi. Đã xuất hiện những tên mang cả họ bố và họ mẹ,
Ví dụ, Nguyễn Trần Vân Anh
Trong đó: Nguyễn là họ của bố; Trần là họ của mẹ
Chưa có văn bản pháp luật nào thừa nhận cách đặt tên này là họ có 2 thành phần, và vì vậy với tên như trên thì lấy họ đến đâu? Có thể coi là họ kép như tên người phương Tây được không? Câu trả lời còn đang ở phía trước.
3. Góp thêm vào hướng giải quyết
Có thể nói, trong lý luận cũng như thực tiễn biên mục mô tả Việt Nam đã có nhiều trăn trở để đi đến thống nhất trong quy tắc biên mục mô tả nói chung và phương pháp lập TĐMT nói riêng. Ví như các cuộc tranh luận về mô tả tên tác giả Việt Nam những năm 70 đã nói ở trên và những bài viết gần đây về vấn đề này. Vũ Dương Thuý Ngà (2002), đã lý giải cách trình bày tên tác giả Việt Nam theo xu hướng mô tả "đảo" và mô tả "thuận", trên cơ sở các nghiên cứu về nhân danh học. Đồng thời so sánh với cách mô tả tên người Việt Nam theo quy tắc AACR2. Tuy nhiên, tác giả chưa đi đến một kết luận là dùng cách mô tả nào thì tốt hơn. Còn Đinh Thị Khế (2003) đã bàn nhiều về cách dùng dấu phảy haydấu ngoặc đơn cho TĐMT trong mô tả "đảo". Nhưng tác giả mới chú trọng đến yếu tố thuận lợi hay không thuận lợi cho cán bộ biên mục và bạn đọc ở khía cạnh kỹ thuật soạn thảo văn bản đơn thuần, chứ chưa đề cập đến ý nghĩa của các dấu nhận dạng này trong kỹ thuật lập TĐMT.
Trên bình diện lý luận và thực tiễn biên mục của thư viện nước ngoài, như tiếp cận qui tắc AACR2 [1] cùng các kỹ thuật biên mục theo khổ mẫu MARC21[8] và khảo sát các OPAC của một số thư viện lớn trên thế giới như Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Đại học Harvard, Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Vương quốc Anh, Thư viện Đại học Chulalongkorn… đã giúp chúng ta nhiều cơ sở khoa học cho xây dựng phương pháp lập TĐMT cho tên tác giả người Việt.
* Quy tắc AACR2 là một quy tắc biên mục rất chú trọng đến vấn đề lập điểm truy nhập cho biểu ghi thư mục, trong đó đặc biệt chú ý đến lập điểm truy nhập cho tên cá nhân (có thể là tên tác giả, tên nhân vật… nếu là tên tác giả, theo cách gọi truyền thống là TĐMT). Trong AACR2, phương pháp phân loại tên (họ - đệm - tên) cá nhân rất phức tạp, nhưng quan trọng nhất là rút ra được 2 loại tên chính hay gặp hiện nay và tương ứng có các quy tắc lập điểm truy nhập riêng:
a. Tên không bao gồm họ (hay không có thành phần họ), ví dụ như: tên riêng, bút danh, biệt hiệu. Khi lập điểm truy nhập, giữ nguyên trật tự như trên tài liệu, còn gọi là tiêu đề trực tiếp.
b. Tên bao gồm họ: trong loại này có thể phân chia tiếp ra 2 loại chính là:
- Tên, có thành phần họ ở sau tên riêng và tên đệm (ví dụ: tên người Âu - Mỹ): Khi lập tiêu đề, đảo họ lên vị trí đầu tiên, sau họ có dấu phảy, ví dụ: Lênin, V.I.
- Tên, có thành phần họ ở vị trí đầu tiên, trước tên đệm và tên riêng (ví dụ: tên người Trung Quốc, Việt Nam): khi lập tiêu đề, giữ nguyên vị trí của họ, nhưng sau họ thêm dấu phảy, ví dụ: Nguyễn, Đình Thi.
Vận dụng quy tắc AACR2 vào lập TĐMT cho tên tác giả người Việt, chúng ta có thể làm như sau:
- Đối với tên tác giả là bút danh, biệt hiệu, lập tiêu đề trực tiếp, hay như cách gọi truyền thống là giữ nguyên như trên tài liệu.
Ví dụ: Xuân Diệu mô tả Xuân Diệu
- Đối với tên tác giả có thành phần họ, lập tiêu đề theo trật tự thuận, sau họ thm dấu phảy.
Ví dụ: Nguyễn Đình Thi mô tả Nguyễn, Đình Thi
Như vậy, vai trò của dấu phảy ở đây là để nhận biết thành phần họ trong tên của người Việt Nam. Lúc này thành phần họ đóng vai trò dẫn tố (Entry Element) trong TĐMT. Điều này dễ hiểu và tường minh, nhất là đối với người nước ngoài khi sử dụng CSDL của các thư viện Việt Nam.
* Trong biên mục tự động hoá theo khổ mẫu MARC21, vấn đề lập TĐMT cho tên cá nhân được thể hiện qua cách xử lý chỉ thị trường (Indicators). Kỹ thuật này được thường xuyên áp dụng khi mô tả các trường:
100 Tiêu đề chính - tên cá nhân
600 Tiêu đề bổ sung chủ đề - tên cá nhân
700 Tiêu đề bổ sung - tên cá nhân
Trong các trường này, chỉ thị 1 - dạng dẫn tố của tên cá nhân, có 2 giá trị là 0 và 1 cho phép máy tính nhận biết dạng dẫn tố để thiết lập điểm truy nhập hay TĐMT.
- Giá trị 0: cho biết tiêu đề bắt đầu bằng tên riêng hoặc gồm các từ, cụm từ… ( hay là các tên không có thành phần họ)
- Giá trị 1: cho biết tiêu đề bắt đầu bằng họ (p dụng cho cc tn cĩ thnh phần họ).
Áp dụng cho biên mục tác giả Việt Nam nêu ở ví dụ trên, ở trường 100, mô tả như sau:
100 0# Xuân Diệu
100 1# Nguyễn, Đình Thi
Như vậy, phương pháp lập TĐMT theo AACR2 đ được áp dụng vào MARC21 một cách đầy đủ.
Qua khảo sát các OPAC của các thư viện nước ngoài nêu trên, chỉ tập trung vào các TĐMT là tên tác giả người Việt, chúng tôi thấy, các thư viện này đều áp dụng AACR2 để lập TĐMT/ điểm truy nhập cho biểu ghi thư mục và hình thức thể hiện của TĐMT như trình bày ở trên.
* Các vấn đề về kiểm soát thư mục toàn cầu (UBC- Universal Bibliographic Control) của IFLA được đặt ra từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Các nguyên tắc của UBC đã đề ra việc kiểm soát tiêu đề chuẩn đi đôi với kiểm soát thư mục chuẩn. Mỗi quốc gia chịu trách nhiệm tạo lập ra những hồ sơ tiêu đề chuẩn (Authority files) về tên tác giả cá nhân, tác giả tập thể của mình và có thể cung cấp cho các nước khác sử dụng. Theo Barbara B. Tillett (2002), đến nay, điều kiện công nghệ thông tin đã cho phép hiện thực hoá các mục tiêu về UBC của IFLA, thậm chí còn xuất hiện những đề xuất đặt lợi ích của người dùng tin lên hàng đầu. Đó là, tạo ra một hồ sơ ảo về tiêu đề chuẩn mà người dùng tin có thể tìm tin được bằng bất kỳ ngôn ngữ bản địa nào.
Thư viện Quốc hội Mỹ từ lâu đã có một hồ sơ các tiêu đề chuẩn trên mạng Internet (http://authorities.loc.gov). Trong hồ sơ tiêu đề chuẩn này có cả tiêu đề chuẩn cho tên tác giả, và dĩ nhiên có cả tác giả Việt Nam. Tuy nhiên, Phạm Thị Lệ Hương (2004) vẫn đề nghị các thư viện Việt Nam nên thiết lập một hồ sơ tiêu đề chuẩn cho tên tác giả Việt nam ngay từ bây giờ để dùng chung trong nước và cho cả cộng đồng thư viện thế giới.
Với điều kiện phần lớn các thư viện lớn ở nước ta, trong vài ba năm lại đây đã được hiện đại hoá, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi và với các kinh nghiệm từ các thư viện nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một hồ sơ tiêu đề chuẩn cho tác giả cá nhân người Việt Nam. Vả lại, không ai có thể hiểu cặn kẽ tác giả người Việt bằng chúng ta.
Đã đến lúc các thư viện Việt Nam cần sử dụng một qui tắc mô tả thống nhất. Có lẽ phương án tốt nhất hiện nay là chỉnh lý, bổ sung và hoàn chỉnh Quy tắc mô tả TVQG 1994 để trong thời gian sớm nhất có thể dùng chung cho toàn bộ các thư viện trong cả nước.
Trong điều kiện biên mục tự động như hiện nay, vấn đề chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chung, nhất là chuẩn quốc tế được đặt lên hàng đầu. Những năm vừa qua, các thư viện Việt Nam đã từng bước tiến tới hiện đại hoá, nhất là đã được sử dụng các phần mềm quản trị thư viện tích hợp tiên tiến. Điều đó giúp cho công tác biên mục, trong đó có biên mục mô tả một môi trường thuận lợi đi đến thống nhất theo các tiêu chuẩn chung, trong đó có sự thống nhất trong phương pháp lập TĐMT cho tác giả cá nhân người Việt.
Tài liệu tham khảo
1. CR2 / ALA, CLA, LAP .- 2nd Edition 1998 Revision .-xli,676 p.
2. quy tắc biên mục Anh - Mỹ rút gọn, 1988: ấn bản Việt ngữ lần thứ nhất / M. Gorman; dịch giả: Lâm Vĩnh Thế, Phạm Thị Lệ Hương .- LEAF-VN, 2002 .- XXXI, 290 tr.
3. Cẩm nang nghề thư viện / Lê Văn Viết .- H.: VHTT, 2000.- 630 tr.
4. Cẩm nang hướng dẫn sử dụng bộ quy tắc biên mục Anh- Mỹ rút gọn, 1988 / Phạm Thị Lệ Hương, Ngọc Mỹ Guidarelli biên soạn; Copyright by LEAF-VN. Great Falls,VA, USA., 2004 .- [PDF]
5. Giáo trình biên mục mô tả / Vũ Văn Sơn .- H.: ĐHQGHN, 2000 .- tr. 92-94.
6. Giáo trình thư viện học đại cương / Phan Văn .- H.: ĐHTHHN, 1983 .- tr. 55-67.
7. Hiện trạng và tương lai phát triển khoa học thư viện ở Việt Nam / Bùi Loan Thuỳ .- H.: Nxb Văn hoá Thông tin, 1997 .- Tr. 183-187.
8. Hồ sơ ảo về tiêu đề chuẩn quốc tế: Báo cáo tại Hội đồng Thư viện Đông Á, Hội Á châu học, Uỷ ban kỹ thuật thư viện, Washington,D.C, tháng 4-2002 / Barbara B. Tillett ; Phạm Thị Lệ Hương dịch .- http:// www.leaf-vn.org
9. Khổ mẫu MARC21 cho dữ liệu thư mục. T.2 / Trung tâm TTKH&CNQG .- H., 2004 .- 510 tr.
10. Mô tả tài liệu thư viện / Nguyễn Thị Tuyết Nga .- H.: ĐHVHHN, 1991 .- 146 tr.
11. Nhân danh học và công tác thông tin, thư viện / Vũ Dương Thu# Ng // Tạp chí Thơng tin v Tư liệu, 2002 .- số 4.- Tr.17-20.
12. Quy tắc mô tả thư mục xuất bản phẩm : Dùng cho các thư viện KHKT. Tập 1: mô tả sách và xuất bản phẩm tiếp tục / Thư viện KHKTTƯ .- H., 1987.- 102 tr.
13. Suy nghĩ về chi tiết chưa thống nhất trong thực tiễn miêu tả ấn phẩm hiện nay / Đinh Thị Khế // Tập san Thư viện.- số 1, 2003 .- Tr. 9-12.
14. Tài liệu hướng dẫn mô tả ấn phẩm: Dùng cho mục lục thư viện / Thư viện Quốc gia Việt Nam .- H., 1994 .- 115 tr.
15. Tiếp tục đổi mới hoạt động nghiệp vụ nhằm phục tốt cho xã hội, cho bạn đọc / Phạm Thế Khang // Kỷ yếu Hội nghị tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc 1999 - 2000 .- H.: Vụ Thư viện, 2002 .- Tr. 45-70.
-------------------------------------
Tác giả: Nguyễn Văn Hành
Nguồn: Tạp chí Thư viện số 4/2006
Các tính chất của một khung phân loại bao gồm phân cấp, liệt kê, và tổng hợp; tuy nhiên mỗi khung có một đặc trưng riêng, chẳng hạn như LC có đặc trưng liệt kê; Khung UDC có đặc trưng tổng hợp; DDC là một khung phân loại mang đầy đủ ba tính chất liệt kê, tổng hợp và phân cấp, trong đó phân cấp là tính chất đặc thù của DDC. Do đó việc ấn định số phân loại trong DDC có những đặc điểm sau:
-
Có thể ấn định số phân loại bằng cách chọn số phân loại đã được liệt kê tương đối đầy đủ trong bảng chính.
-
Vì có mang tính chất tổng hợp nên có thể ấn định số phân loại bằng cách cộng vào số căn bản đã được liệt kê trong bảng chính với những ký hiệu khác từ các bảng phụ và từ bảng chính để thiết lập một số phân loại mới. Tuy nhiên tổng hợp chỉ là một tính chất phụ của DDC cho nên việc thiết lập số chỉ phân loại chỉ được thực hiện với sự hướng dẫn trong bảng chính.
-
Vì mang tính chất phân cấp theo cấu trúc và phân cấp theo ký hiệu được thể hiện trong toàn bộ bảng chính, việc chọn chỉ số phân loại trong DDC là dễ dàng.
-
Hệ thống hướng dẫn và chú thích rõ ràng, đầy đủ, chi tiết trong từng mục từ trong bảng chính khiến việc ấn định chỉ số phân loại càng dễ dàng, thuận tiện và chính xác hơn.
Ấn định chỉ số phân loại là Chọn số phân loại trong Bảng chính dựa vào đặc tính phân cấp của DDC và Thiết lập số phân loại từ việc tổng hợp chỉ số phân loại cơ bản trong Bảng chính với một phần chỉ số phân loại khác trong Bảng chính và với ký hiệu trong các Bảng phụ, trong DDC việc tổng hợp này đều theo những công thức chặt chẽ và những chỉ dẫn rõ ràng ngay mỗi mục từ trong Bảng chính và Bảng phụ. Do đó người phân loại thực hiện việc ấn định số phân loại phải tuân thủ những yêu cầu:
-
Cần có ý thức tôn trọng kỷ luật trong lúc Thiết lập số Phân loại Dewey, đó là luôn luôn thực hiện công việc phân loại theo sự chỉ dẫn trong DDC.
-
Dựa vào ưu điểm phân cấp trong DDC để nắm vững cấu trúc và cơ chế của DDC, trong đó phải am hiểu rằng tính phân cấp của DDC được tính theo độ dài của chữ số Dewey và luôn luôn được đọc trong ngữ cảnh chủ đề cấp trên - thể hiện trong các mục từ trong Bảng chính và Bảng Chỉ mục quan hệ. Nhằm dễ dàng trong việc Chọn số Phân loại Dewey.
Các bước thực hiện trong tiến trình ấn định chỉ số phân loại bao gồm:
-
Phân tích chủ đề để xác định lĩnh vực hay môn loại chính, chủ đề chính và các khía cạnh phụ của tài liệu.
-
Ấn định chỉ số phân loại bao gồm chọn chỉ số phân loại và thiết lập chỉ số phân loại hay còn được gọi là tổng hợp số phân loại.
PHÂN TÍCH CHỦ ĐỀ
Việc xác định chủ đề của một tài liệu là bước đầu tiên của công việc phân loại. Phân tích chủ đề nhằm:
-
Xác định chủ đề chính;
-
Xác định lĩnh vực, giới hạn trong 10 lĩnh vực tương ứng 10 môn loại hay lớp chính trong Bảng Tóm lược số 1;
-
Những phần có ý nghĩa đối với chủ đề, thường là khía cạnh phi chủ đề;
-
Sắp xếp thứ tự quan trọng của những phần đó.
CHỌN CHỈ SỐ PHÂN LOẠI
Có hai cách truy nhập vào bảng phân loại để chọn chỉ số phân loại:
-
Tra tìm chủ đề qua bảng chỉ mục quan hệ: Phương pháp này nhanh nhưng không giúp việc hiểu cấu trúc của DDC. Không bao giờ phân loại trực tiếp từ bảng chỉ mục. Luôn kiểm tra lại trong bảng chính.
-
Lần theo hệ phân cấp trong bảng phân loại: Theo thang bậc từ cấp cao xuống đến mỗi cấp có ý nghĩa cho đến khi tìm thấy số phân loại khớp với đề tài nhất. Thường thì bắt đầu bằng những Bảng tóm lược. Đây là phương pháp tốt nhất để hiểu biết cấu trúc của DDC.
Trong công tác phân loại, trường hợp tài liệu có hai chủ đề trở lên thì ta chọn chủ đề bao quát cho tất cả các chủ đề. Nếu không có chủ đề bao quát thì ta chỉ chọn một chủ đề mang một ký hiệu phân loại mà thôi. Những chủ đề khác được giải quyết trong biên mục đề mục để tạo nên những tiêu đề đề mục phản ánh toàn bộ nội dung của tài liệu đó. Có những quy tắc quy định việc chọn một chủ đề trong nhiều chủ đề của tài liệu.
THIẾT LẬP CHỈ SỐ PHÂN LOẠI
Thiết lập số phân loại là một tiến trình tạo nên một số phân loại mới bằng cách cộng thêm vào số căn bản trong bảng chính một ký hiệu từ nơi khác của bảng chính hay từ 6 bảng phụ.
Một điều cần lưu ý khi thiết lập số phân loại là phải theo sự hướng dẫn cụ thể trong bảng chính hay các bảng phụ ngay bên dưới những mục từ. Chỉ có một trường hợp duy nhất không có hướng dẫn là thiết lập số phân loại bằng cách cộng thêm ký hiệu từ Bảng 1.
Trong việc thiết lập số phân loại, việc xác lập trật tự trích dẫn trong phân tích chủ đề là quan trọng. Với một thứ tự trích dẫn đã được phân tích, ta sẽ quyết định những khía cạnh phụ nào được đại diện bởi những ký hiệu phân loại sẽ được cộng thêm vào số căn bản.
Cộng từ Bảng chính
Trong bảng chính có nhiều bảng liệt kê cho một chủ đề và áp dụng đồng đều cho những chủ đề khác cùng loại. Do đó số phân loại chỉ liệt kê một lần, có chỉ dẫn để những chủ đề liên quan có thể sử dụng. Chẳng hạn, những đề tài chuyên biệt của động vật như di truyền, động thái, vv. có thể áp dụng cho mỗi chủng loại động vật riêng biệt. Do đó những số thêm chỉ được liệt kê một lần trong một mục từ chung trong bảng chính, với chỉ dẫn sao chép mẫu này cho những chủng loại động vật chuyên biệt; có số phân loại mà một phần của nó có thể dùng với những số khác.
Khi ấn định chỉ số phân loại, phải theo chỉ dẫn và kiểm tra bảng chính để chắc rằng nó không đối nghịch với một số khác. Có ba cách cộng thêm từ bảng chính:
-
Cộng thêm một ký hiệu phân loại đầy đủ. Trong DDC việc ghép hai số phân loại trong Bảng chính với nhau là trường hợp hãn hữu, chỉ được phép thực hiện phép tổng hợp này khi có chỉ dẫn cụ thể trong từng mục từ trong Bảng chính.
-
Cộng thêm một phần của một ký hiệu phân loại. Trong DDC có những chủ đề liên quan nhau có chung những khía cạnh phụ, những khía cạnh phụ được đặt vào một chủ đề chung nhất. Đôi khi trong khi phân loại, chúng ta được yêu cầu thêm vào những khía cạnh phụ đó tức là phải ghép chỉ một phần của ký hiệu phân loại khác vào số phân loại căn bản. Phần của số phân loại đó được xem như là khía cạnh thứ hai của số DDC hay là khía cạnh phụ của chủ đề.
-
Cộng thêm ký hiệu từ một bảng trong bảng chính. Trong bảng phân loại DDC, nhiều chủ đề liên ngành có cùng chung những khía cạnh đặc trưng. Những khía cạnh đặc trưng này chỉ được biểu thị một nơi dưới dạng bảng, thường là ở mục từ trung tâm biểu thị chủ đề liên ngành, và được áp dụng chung cho các chủ đề liên hệ. Một dấu "*" được đánh dấu trước chủ đề đồng thời cũng biểu thị một lời hướng dẫn ở cuối trang cho phép những số căn bản của những chủ đề đó cộng thêm ký hiệu từ một bảng dưới một mục từ trung tâm nào đó.
Cộng từ Bảng phụ
Ta đã biết trong phần phân tích chủ đề rằng, một tài liệu ngoài một chủ đề chính ra còn có những khía cạnh phụ được gọi là phi chủ đề được thể hiện trong 6 bảng phụ của DDC. Trong việc tổng hợp số phân loại những ký hiệu từ các bảng phụ được cộng vào số căn bản theo quy định chặt chẽ khiến cho chỉ số phân loại mang ý nghĩa đầy đủ hơn.
1. Bảng 1: Tiểu phân mục chung
Những khía cạnh phi chủ đề mang tính chất chung nhất được đặt trong Bảng phụ đầu tiên được gọi là Tiểu phân mục tiêu chuẩn.
Dùng Bảng 1 để cộng thêm vào chủ đề chính thì:
* không cần có chỉ dẫn cụ thể trong bảng phân loại
* chỉ cộng một tiểu phân mục cho mỗi tài liệu
Một số ký hiệu Bảng 1 được làm làm trung gian thể hiện những nội dung nhất định như sau:
* -024 + ký hiệu 001-999 (thay cho ký hiệu 01-99 từ Bảng 7 trong DDC 21) diễn tả nhân vật trong nghề nghiệp chuyên biệt.
* -088 + ký hiệu 001-999 (thay cho ký hiệu 01-99 từ Bảng 7 trong DDC 21) diễn tả nhóm tôn giáo và nghề nghiệp chuyên biệt.
* -089 + ký hiệu 05-9 từ Bảng 5 diễn tả nhóm quốc gia và dân tộc chuyên biệt.
* -09 + ký hiệu 3-9 từ Bảng 2.
2. Bảng 2: Khu vực địa lý, thời kỳ lịch sử, nhân vật:
Có nhiều chủ đề, đặc biệt trong khoa học xã hội và nhân văn, được nghiên cứu tốt nhất trong ngữ cảnh của một khu vực địa lý. Khía cạnh địa lý được nhấn mạnh bằng cách thêm ký hiệu địa lý từ Bảng khu vực địa lý. Bảng này liệt kê tên và ký hiệu khu vực địa lý cho tất cả các quốc gia trên thế giới; các bang, tỉnh, thành phố chính của một số quốc gia. Bảng khu vực địa lý này là Bảng 2.
Có hai cách sử dụng Bảng 2:
-
Có chỉ dẫn: Đơn giản là hoàn toàn theo chỉ dẫn cụ thể dưới những mục từ trong bảng chính và bảng phụ đây là những chủ đề DDC khuyên nên dùng trợ ký hiệu địa lý. Trong trường hợp này ta cũng dùng ký hiệu Bảng 2 để xây dựng ký hiệu phân loại cho địa lý, Lịch sử và Thời kỳ lịch sử của những khu vực chuyên biệt trên thế giới, ví dụ. Lịch sử Hà Nội 9 + 59731 = 959.731, địa lý Hà Nội 91 + 59731 = 915.9731;
-
Không có chỉ dẫn: Một số chủ đề trong bảng phân loại cần xử lý địa lý theo chủ quan của người phân loại, trong trường hợp này sẽ không có chỉ dẫn. Vì thế trước hết phải cộng -09 từ Bảng 1, rồi thêm ký hiệu từ Bảng 2.
3. Bảng 3: Tiểu phân mục cho từng nền văn học, cho các thể loại văn học cụ thể
Bảng 3 chủ yếu được sử dụng với chỉ số phân loại từ môn loại 800 - Văn học và tu từ học.
Văn học được giới hạn trong:
-
những tác phẩm hư cấu được viết bằng thể loại chuyên biệt như thi ca, tiểu thuyết, kịch, tuồng, vv.
-
phê bình, miêu tả những tác phẩm văn học
-
lịch sử của một thể loại (lịch sử văn học) và tiểu sử.
Có 3 bảng phụ:
Bảng 3A dùng cho tác phẩm của hoặc về tác giả cá nhân
Bảng 3B dùng cho tác phẩm của hoặc về nhiều tác giả
Bảng 3C chỉ dùng khi một khía cạnh nào đó của tác phẩm cần được thêm vào; cũng dùng cho 700.4 và 791.4
Văn học trước tiên được phân biệt theo ngôn ngữ gốc. Môn loại 800 được phân chia thành:
800-809 Văn học và Tu từ học
810-819 Văn học Mỹ bằng tiếng Anh
820-829 Văn học tiếng Anh và tiếng Anh cổ
830-839 Văn học ngôn ngữ Germanic (Teutonic)
840-849 Văn học ngôn ngữ Rômanh
850-859 Văn học tiếng Italia, Romanian, Rhaeto-Romanic
860-869 Văn học tiếng Tây Ban Nha & Bồ Đào Nha
880-889 Văn học tiếng Italic Tiếng La Tinh
890-899 Các nền văn học của những ngôn ngữ khác
Với sự phân chia này cho ta thấy rõ ràng quá nhấn mạnh vào văn học Châu Âu phản ánh khuynh hướng của các học giả Mỹ thời Melvil Dewey. Tập trung quá nhiều nền văn học vào 890 - 899 dẫn đến kết quả là một vài số phân loại sẽ rất dài. Điều này khiến chúng ta cần phải xây dựng lại cấu trúc của môn loại 800 nhằm nhấn mạnh nền văn học của chúng ta. Chính các ấn bản của DDC từ lần thứ 18 đến 22 có đề cập đến vấn đề này và đề nghị trong phần tùy chọn dưới mục từ trung tâm 810-890. Để có sự chú trọng về địa phương và muốn cho một con số ngắn hơn về một nền văn học chuyên biệt khác hơn là Văn học Mỹ bằng tiếng Anh, ví dụ: Văn học Châu Phi, xếp nó ở đây; trong trường hợp này xếp Văn học Mỹ bằng Tiếng Anh vào 820. Những tùy chọn khác được miêu tả dưới 810-890.
Như vậy ta có thể lấy con số 810 cho Văn học Việt Nam thay cho 895.922. Tiếp theo ta phải thiết lập các con số tiểu phân cho các thể loại văn học và cho các thời kỳ Văn học Việt Nam.
Ngoài ra còn có một phần tùy chọn khác cũng được chỉ dẫn dưới mục từ trung tâm 810-890 như sau:
(Option C: Nơi đâu có hai hay nhiều hơn hai quốc gia cùng chung ngôn ngữ, thì hoặc là [1] dùng mẫu tự đầu tiên để phân biệt với quốc gia khác, hoặc là [2] dùng số chuyên biệt được chỉ định cho những nền văn học của những quốc gia đó thường không được ưa chuộng hơn).
Và cụ thể hơn là chỉ dẫn ở dưới các mục từ trung tâm 810.1-818 và 820.1-828 cho phép các quốc gia nói tiếng Anh khác Anh-Mỹ chọn sử dụng 810 hoặc 820 với mẫu tự đầu tiên của tên quốc gia mình để biểu thị nền văn học của mình hơn là chọn con số dài hơn do DDC ấn định (ví dụ: Văn học Canada là C810, Jamaica là J810 và Văn học Úc là A820, Ấn Độ là In820).
Trước khi bắt đầu sử dụng Bảng 3, ta phải quyết định xem tác phẩm cần phân loại có tác giả cá nhân hay nhiều tác giả. Vì như đã nêu ở trên, Bảng A được sử dụng với các tác phẩm của hoặc về từng tác giả cá nhân và Bảng 3B với các tác phẩm của hoặc về hai tác giả trở lên viết bằng cùng một ngôn ngữ. Bảng 3C bao gồm các ký hiệu biểu thị các khía cạnh văn học thay vì ngôn ngữ và thể loại.
Bảng 3A - Tác phẩm của hoặc về tác giả cá nhân. Các ký hiệu phân loại được ấn định cho các tác phẩm của hoặc về từng tác giả cá nhân thường gồm ba thành phần theo thứ tự trích dẫn sau:
S nền văn học: xác định bởi tác giả và ngôn ngữ
S thể loại: bao gồm thi ca, kịch, tiểu thuyết, tiểu luận, v.v. Một vài thể loại còn được chia nhỏ hơn, ví dụ: Tiểu thuyết lãng mạn là một tiểu phân mục của Tiểu thuyết. Có bảng tra chéo để tìm khi tác phẩm thuộc nhiều thể loại, ví dụ: vở kịch thơ.
S thời kỳ: Bởi văn phong thay đổi trong các thời kỳ khác nhau, khía cạnh thời gian hay thời kỳ là một điều quan trọng cần phải được cân nhắc trong việc phân loại văn học. Nền văn học trong mỗi ngôn ngữ được phân chia theo các thời kỳ dựa trên sự phát triển và tính đặc thù của nền văn học đó.
Bảng 3B: Phân mục cho tác phẩm của hoặc về nhiều tác giả và Bảng 3C: Ký hiệu được thêm vào những nơi có hướng dẫn trong Bảng 3B, 700.4, 791.4, 808 - 809. Bảng 3B bao gồm các phân mục cho tác phẩm của hoặc về hai tác giả trở lên. Đầu tiên được sắp xếp theo các tiểu phân mục tiêu chuẩn -01 -07 như trong Bảng 1 rồi -08 (Tuyển tập của tác phẩm văn học nhiều thể loại) và -09 (Lịch sử, miêu tả, bình luận những tác phẩm nhiều thể loại); sau đó là theo thể loại văn học -1 -8 như trong Bảng 3A.
Bảng 3C bao gồm những khía cạnh đặc trưng của tác phẩm văn học chẳng hạn như văn phong, quan điểm, chủ đề, văn học cho các nhóm người chuyên biệt, các yếu tố chuyên biệt, v.v.; những khía cạnh đặc trưng này cũng dùng cho những tác phẩm nghệ thuật như phim ảnh, chương trình truyền thanh, truyền hình.
Cách sử dụng Bảng 3B và Bảng 3C
Việc thiết lập số phân loại cho các tác phẩm tổng quát về văn học như tuyển tập văn học, lịch sử văn học và bình luận văn học tương đối khó hơn so với việc thiết lập số phân loại cho một tác giả từ một nền văn học. Ngoài việc biểu thị ngôn ngữ, thể loại và thời kỳ như trong Bảng 3A, các ký hiệu phân loại cho các bộ sưu tập tổng quát và bình luận văn học còn biểu thị các khía cạnh khác như thể loại văn học, thể loại thư mục, phạm vi, phương tiện truyền thông và nét đặc trưng của bất cứ nơi nào có thể áp dụng được.
Đối với những tác phẩm có hơn hai nền văn học, sử dụng Bảng 3C (xác định khía cạnh đặc trưng) cùng với Bảng 3B (xác định thể loại chuyên biệt) và Bảng 1 (xác định thời kỳ lịch sử) cho Sưu tập, Tuyển tập cũng như Bình luận văn học thì ký hiệu phải theo thứ tự trích dẫn như sau:
S 808.8 hoặc 809 + thể loại + thời kỳ
S 808.8 hoặc 809 + thể loại + đặc trưng
S 808.8 hoặc 809 + đặc trưng (bỏ qua thời kỳ) hoặc
808.8 hoặc 809 + thời kỳ nếu được nhấn mạnh (bỏ qua đặc trưng).
Vấn đề chỉ số phân loại cho tác phẩm văn học
Dùng Bảng 3 để thiết lập số phân loại cho tác phẩm văn học khá phức tạp và đôi khi việc tổng hợp này sẽ tạo nên một con số rất dài. Do đó, đối với nhiều thư viện, mức độ phân loại chi tiết về tác phẩm văn học là không thích hợp. Thư viện cần xem mình sẽ có bao nhiêu tác phẩm về chủ đề này, và cân nhắc lợi hại của việc chi tiết hóa vì sẽ tạo nên một số phân loại rất dài. Con số này nằm trên gáy sách hay trên màn hình của mục lục trực tuyến sẽ bất tiện cho bạn đọc ghi chép và cho nhân viên thư viện làm nhãn sách và xếp giá, v.v...
Nhiều thư viện xác định rõ chính sách về mức độ chi tiết của số phân loại văn học. Thư viện có thể quyết định rằng đối với tài liệu văn học có một ngôn ngữ, chỉ phản ánh thể loại và thời kỳ. Thậm chí nhiều thư viện khi phân loại tiểu thuyết, đơn giản chỉ dùng ký hiệu F (Fiction) hay T (Tiểu thuyết) và ký tự đầu của nền văn học, ví dụ: E hay e (English) hay A (Anh). Điều này có nghĩa rằng người ta chỉ quan tâm đến thể loại (tiểu thuyết) và nền văn học.
Đối với văn học thiếu nhi, người ta sử dụng chung một chữ cái J (Juvenile) đối với tác phẩm văn học cho thiếu niên nhi đồng hay chữ cái C (Children) đối với sách văn học chỉ dành cho nhi đồng. Đối với thư viện Việt Nam, chúng ta cũng nên chọn một chữ cái để sử dụng như là một ký hiệu phân loại cho loại hình tài liệu này, chẳng hạn như V (Văn học thiếu nhi).
Tuy nhiên đối với tác phẩm viết về tác phẩm và tác giả cá nhân thì ta vẫn dùng cách phân loại như được hướng dẫn ở trên.
Cách này phổ biến trong tất cả các thư viện xem tiểu thuyết như là sưu tập phụ trong vốn tài liệu chuyên ngành hay tổng hợp của thư viện mình. Chúng ta thường thấy cách này trong các thư viện chuyên ngành không phải Văn học, thư viện đại học, thư viện trường học, và cả trong thư viện công cộng. Với cách sắp xếp này, kệ sách về tiểu thuyết luôn được đặt cuối dãy trong kho sách, rất tiện việc phục vụ tự chọn.
4. Bảng 4: Tiểu phân mục cho từng ngôn ngữ & Bảng 6: Ngôn ngữ.
Bảng 4 là bảng phụ đơn giản nhất của DDC. Đơn giản về cấu trúc và áp dụng, nó bao gồm những tiểu phân mục về ngôn ngữ được dùng riêng biệt với các số phân loại căn bản cho từng ngôn ngữ và họ ngôn ngữ (420-490) trong môn loại 400 - Ngôn ngữ. Tác phẩm có nội dung bao quát về cả ngôn ngữ lẫn văn học được phân loại trong môn loại 400.
Bảng 6 bao gồm các ký hiệu chỉ định các ngôn ngữ chuyên biệt. Bảng 6 có thể được cộng thêm vào số căn bản trong bảng chính hay các ký hiệu phân loại khác từ các bảng phụ khi có hướng dẫn thêm từ Bảng 6.
-
Cộng từ Bảng 4. Dùng bảng phân loại (420-490) để tìm số cơ bản cho ngôn ngữ đó. Chú ý những số phân loại từ Bảng 4 chỉ có thể thêm vào số căn bản (tức số phân loại được nhận diện bằng cụm từ "Số căn bản" hoặc dấu sao " * "). Không thêm từ Bảng 4 nếu ngôn ngữ không được nhận diện bằng số căn bản.
-
Cộng từ Bảng 6. Bảng 6 cung cấp những con số để thêm vào những nơi có hướng dẫn trong khung phân loại hoặc những bảng khác. Điều này cho phép ngôn ngữ được thêm vào như một khía cạnh của nhiều chủ đề, và ngôn ngữ thứ hai được thêm vào nhiều số phân loại trong môn loại 400.
-
Sử dụng Bảng 6 cùng với Bảng 4.
Dùng để biểu thị chủ đề có hai ngôn ngữ. Công thức gồm tổng của ba thành phần sau:
S Số căn bản cho ngôn ngữ thứ nhất (từ bảng phân loại)
S Một ký hiệu từ Bảng 4 biểu thị khía cạnh có liên quan cả hai ngôn ngữ, ví dụ: -03 từ điển, -24 thành phần nước ngoài
S Ký hiệu từ Bảng 6 cho ngôn ngữ thứ hai.
5. Bảng 5: Nhóm dân tộc, quốc gia - Xử lý nhân vật tôn giáo và nghề nghiệp
Bảng 5 được sử dụng để tượng trưng cho nhóm người, liệt kê những ký hiệu dân tộc và nhóm quốc gia.
-
Cộng từ Bảng 5.
Ký hiệu phân loại có thể được thêm trực tiếp vào số khác theo chỉ dẫn, hoặc thêm gián tiếp bằng cách thêm trước -089 từ Bảng 1 (không cần hướng dẫn cụ thể). Điều này cho phép người phân loại thiết lập một số phân loại cho bất kỳ chủ đề nào bằng cách hoặc theo dân tộc hoặc theo nhóm quốc gia. Tuy nhiên, việc thêm ký hiệu của Bảng 5 một cách trực tiếp vào số căn bản, nếu được hướng dẫn, sẽ ưu tiên hơn việc sử dụng -089.
Thêm số 0 sau ký hiệu Bảng 5 rồi cộng với ký hiệu Bảng 2 để tạo nên ký hiệu Bảng 5 cho cộng đồng dân tộc sinh sống trong một quốc gia nào đó, vd. Người Đức ở Brazil -31081; Người Do Thái ở Đức hay Người Đức gốc Do Thái -924041.
-
Xử lý nhân vật tôn giáo, nghề nghiệp.
Để xử lý những chủ đề liên quan đến nhân vật trong tôn giáo và nghề nghiệp chuyên biệt, trước đây DDC sử dụng các ký hiệu 01-99 trong Bảng 7. Bắt đầu từ DDC 22, những chỉ dẫn cho thấy những ký hiệu 001-999 trong Bảng chính đã thay thế những ký hiệu của Bảng 7.
Trường hợp không có hướng dẫn như trên thì ta sử dụng các ký hiệu trung gian từ Bảng 1 như đã trình bày ở Phần Tiểu phân mục tiêu chuẩn:
-024 + Ký hiệu 001-999: Đề tài đối với nhân vật trong nghề nghiệp chuyên biệt, ví dụ: Sử học đối với người làm công tác xã hội 902.4362
-088 + Ký hiệu 001-999: Miêu tả nhân vật trong nghề nghiệp chuyên biệt, ví dụ: Những nhà sử địa làm công tác xã hội 908.8362
KẾT LUẬN
Ấn định chỉ số phân loại gồm chọn số phân loại trong Bảng chính và thiết lập số phân loại tức là tổng hợp từ Bảng chính và Bảng phụ. Công việc này được thực hiện dưới sự chỉ dẫn chặt chẽ trong toàn bộ Khung phân loại DDC. Người phân loại cần lưu ý:
S Phân loại nhằm tạo nên một chỉ số phân loại phản ánh nội dung tài liệu, tuy nhiên không nên quá quan tâm đến việc thể hiện hết nội dung trong chỉ số phân loại DDC, do đó mỗi tài liệu chỉ có một chỉ số phân loại (tuân thủ theo quy tắc phân loại một tác phẩm có nhiều nội dung);
S Tôn trọng kỷ luật phân loại, có nghĩa rằng phải bám sát tất cả những chỉ dẫn dưới mỗi mục từ. Hệ thống chỉ dẫn này rất khoa học (đồng nhất và hợp lý) nên dễ dàng sử dụng, thậm chí có thể biểu diễn bằng lưu đồ (flowchart) như được minh họa ở cuối bài.
Bản thân Khung Phân loại Thập phân Dewey không những là một công cụ để phân loại mà còn là một cộng sự, thậm chí là một người thầy luôn chỉ dẫn cho chúng ta từng chi tiết một trong công việc phân loại; chúng ta đừng tự ý làm những gì mà không có chỉ dẫn.
--------------------------------
NGUYỄN MINH HIỆP, BA., MS.
GĐ Thư viện ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM
Tài liệu là những sản phẩm vật chất rất dễ bị xâm hại và hư hỏng cho dù chúng có được cấu thành từ bất cứ chất liệu gì đi nữa thì các yếu tố khách quan như Ánh sáng, tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm, sự xâm nhập của côn trùng, nấm mốc, thảm hoạ tự nhiên, các tác nhân hoá học đều có thể gây ra gây hư hại đến tài liệu. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan như việc sử dụng tài liệu chưa đúng cách, di chuyển kho tàng, bảo quản tài liệu không hợp lí thì cũng đều ảnh hưởng và làm hư hại tài liệu.
Một ví dụ gần đây nhất: Theo khảo sát của nhiều chuyên gia Pháp, đã có một số lượng lớn các ấn phẩm cổ bị hư hại trong các kho sách, thư viện của ba nước Đông Dương. Họ đã nhận định: "Điều kiện khí hậu và tình trạng bảo quản bấp bênh có thể khiến chúng tan thành bụi trong thời gian ngắn.Nếu điều đó xảy ra, nó sẽ xóa sạch cả một mảng ký ức về Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như một nhân chứng không thể thay thế được của lịch sử nước Pháp trong một giai đoạn lịch sử cùng chia sẻ với ba nước Đông Dương..."[1]
Đó cũng là một sự cảnh báo trực tiếp đối với các cơ quan lưu trữ và cho công tác bảo tồn tài liệu. Tuy nhiên, không phải cho đến hôm nay công tác bảo quản tài liệu mới được nhìn nhận với một vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bảo quản tài liệu đã được nhận định là vấn đề sống còn của mỗi thư viện.
Một vài nét khái quát công tác bảo quản tài liệu đã và đang được tiến hành tại nước ta
Hiện nay chúng ta đã có những văn bản pháp qui trong công tác bảo quản tài liệu như Công văn số 111 ngày 04/04/1995 Cục lưu trữ nhà nước. Các văn bản pháp qui trong công tác bảo quản được phát triển và đưa ra chủ yếu áp dụng cho các cơ quan lưu trữ nhà nước. Tuy nhiên, công tác bảo quản tài liệu được cũng vẫn được quan tâm và triển khai rộng khắp, đặc biệt là ở các tỉnh và thành phố lớn trong cả nước. Nội dung của công tác bảo quản tài liệu hiện nay tập trung vào các công tác trọng tâm bao gồm xây dựng kho lưu trữ, trang thiết bị bảo quản, tổ chức tài liệu và các biện pháp kĩ thuật bảo quản. Vì vậy tại các thư viện, các đơn vị đã đưa ra những phương pháp bảo quản tài liệu riêng biệt tùy theo ngân sách và đặc điểm riêng về tài liệu của đơn vị: Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện đã chọn giải pháp là tiến hành sao chụp, nhân bản các bản sách hán nôm thành ba bản để phục vụ độc giả, bản gốc thì đưa vào kho lưu giữ theo chế độ bảo tàng, bồi vá, tu bổ, phục chế các bản sách nguyên gốc bị rách bị hư hỏng, làm hộp bảo quản sách[2]; Tại thư viện Tổng hợp thành phố Hồ chí Minh, thư viện đã hoàn thành dự án Rèm chống nắng cho tài liệu (tháng 10/2006) và thực hiện rất nhiều các dự án về bảo quản tài liệu[3], ...
Nguyên nhân gây hư hại, mục tiêu và hành động bảo quản tài liệu thực tế
1. Nhận biết sự hư hại tài liệu một cách trực quan
Việc nhận biết những mối nguy hiểm đối với tài liệu đôi khi rất dễ dàng, bằng trực quan, giác quan... mà từ đó đã có thể bảo vệ tài liệu nguyên vẹn tới 100%.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết tài liệu bị hư hại như là với tài liệu giấy thì bị nhạt màu, đổi màu, gấp nếp, rách, thủng lỗ và mất mát, giòn, mốc; tài liệu băng đĩa thì bị gãy, nát, xước...
Sự xuống cấp và hư hại tài liệu có thể được chia ra làm hai nhóm nguyên nhân chính – sự phân chia này dựa theo những đặc trưng căn bản của quá trình sử dụng và bảo quản tài liệu bao gồm:
- Bảo quản và xử lý bảo quản thực tế tài liệu chưa tốt
- Phương pháp lưu trữ và trưng bày, sử dụng chưa thích hợp
Trong hai nhóm nguyên nhân này, nhóm nguyên nhân thứ nhất mang tính chất khách quan hơn, việc phòng trách cũng khó khăn và bị động hơn. Đó là những nguyên nhân hoàn toàn khách quan từ điều kiện khí hậu, môi trường bảo quản tài liệu gây ra những hư hại cho tài liệu như chúng ta đã đề cập: điều kiện tự nhiên, ánh sáng môi trường, côn trùng, nấm mốc, chất hóa học... Để giảm thiếu những tác nhân gây hư hại này phải có những yêu cầu đặc biệt về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên về cơ sở vật chất cũng như những trang thiết bị để phục chế tài liệu hiện nay tại các cơ quan thư viện vẫn còn rất thiếu thốn, lạc hậu không thể khắc phục một cách triệt để nhanh chóng được. Chúng ta cũng đã hạn chế được phần nào các tác nhân này trong điều kiện tốt nhất có thể và cũng phần nào thực hiện công tác phục chế tài liệu ở những kĩ thuật phổ thông nhất như đóng lại sách hay sao chụp tài liệu tăng bản tài liệu. Với những kĩ thuật bảo quản và phục chế tài liệu hiện đại hơn thì chưa phải địa phương nào cũng thực hiện được.
Nhóm nguyên nhân thứ hai ngược lại mang nhiều yếu tố chủ chủ quan hơn và liên quan trực tiếp đến quá trình sử dụng tài liệu. Nhóm nguyên nhân gây hư hại tài liệu này hoàn toàn có thể được kiểm soát và có thể hạn chế được tối đa mức độ hư hại với tài liệu, đặc biệt, đây là nhóm nguyên nhân hết sức trực quan tại các thư viện, nơi mà sự tiếp xúc với tài liệu là linh hồn của hoạt động thư viện. Đây cũng là nhóm nguyên nhân không thực sự được chú trọng đến trong các văn bản pháp quy về bảo tồn tài liệu và thường xuyên bị quên lãng trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về việc bảo quản tài liệu. Cần phải xác định nhóm nguyên nhân này chính là bước xuất phát điểm cho của công tác bảo quản tài liệu, đồng thời nhìn nhận công tác bảo quản dự phòng tài liệu là một bộ phận tích cực góp phần nâng cao nhận thức về việc trân trọng, bảo vệ tài liệu, xây đựng những nét ứng xử đẹp với tài liệu trong văn hóa đọc.
2. Hành động thực tế trong công tác bảo quản tài liệu
Như vậy trong công tác bảo quản tài liệu ngoài việc đặt đối tượng chính của công tác này là tài liệu thì cần phải có sự quan tâm đánh giá thích đáng cho hai nhóm đối tượng: đó là người quản lý tài liệu và người sử dụng tài liệu. Trong đó, việc đưa người sử dụng trở thành một cộng đồng bảo quản tài liệu sẽ duy trì tuổi thọ của tài liệu lâu hơn rất nhiều lần; là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện phần lớn các mục tiêu chiến lược của công tác bảo quản tài liệu bao gồm:
- Đảm bảo chắc chắn tuổi thọ cao nhất có thể cho tài liệu
- Sử dụng hiệu quả tài liệu trong trưng bày giới thiệu, triển lãm tài liệu
- Thiết lập các chính sách ưu tiên cho các tài liệu quan trọng
- Kiểm tra và bảo quản dự phòng tài liệu..
Người sử dụng tài liệu hoàn toàn có thể tham gia những khâu đầu trong công tác bảo quản tài liệu như sử dụng tài liệu đúng cách, hạn chế các yếu tố có thể gây hư hại đến tài liệu trong quá trình sử dụng, hay dự báo sự hư hỏng của tài liệu.
Với rất nhiều nội dung trực quan vô tình hay cố ý người sử dụng cũng có thể gây nguy hại đến tài liệu. Như để sử dụng tài liệu đúng cách, các thư viện đã hướng dẫn độc giả - Ngay khi có thể hãy tránh xa những mối nguy hiểm cho tài liệu:
-Tay phải sạch trước khi tiếp xúc với tài liệu, ví như tay dính dầu ăn, dầu ăn dính lên tài liệu thì sẽ làm biến chất tài liệu
-Tài liệu phải được cất giữ trên giá, không đặt dưới đất, không đặt trên nóc giá;
-Sử dụng tấm ken tài liệu đầy đủ để tài liệu không bị đổ, chồng lên nhau;
-Không để tài liệu ngoài kho vì có thể không đảm bảo được các tác nhân có thể xâm hại tài liệu;
-Không để tài liệu dựa vào tường hay giá bị ẩm ướt;
-Đảm bảo không gian thích hợp để có thể di chuyển được tài liệu, không quá chật hẹp dễ bị xô đẩy, vướng mắc;
-Không gấp trang để đánh dấu tài liệu, không viết đánh dấu vào tài liệu, nếu cần chỉ được dùng bút chì mềm;
-Tránh để thức ăn, đồ uống trong kho;
-Chống nắng tối đa cho tài liệu trong kho;
-Đối với tài liệu điện tử cũng phải được bảo vệ; có hộp để giữ đĩa, không cầm tay trực tiếp vào đĩa, không dán nhãn và dán băng dính trên mặt đĩa;
Trên thực tế, nhiều nội dung như trên được các thư viện đưa trực tiếp thành nội qui của thư viện, cấm vi phạm, vô tình những nội dung đó khiến độc giả có cảm giác không thoải mái, không xây dựng được ý thức, tình cảm về việc trân trọng sử dụng sách đúng cách và đúng mục đích.
Những kiến nghị
1. Các đơn vị Thư viện cần thiết phải chú trọng công tác bảo quản dự phòng tài liệu. Trong đó, cần xây dựng và phổ biến những nội dung của công tác này đến các cán bộ làm việc cũng như người sử dụng tài liệu; mở rộng việc bồi dưỡng như mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, phát tờ rơi về sử dụng tài liệu đúng cách cho độc giả; xây dựng các phanô, áp phích, tranh vẽ trực quan để người sử dụng tài liệu luôn ý thức được các hành động của mình đối với tài liệu.
2. Trang bị các phương tiện sử dụng tài liệu thích hợp như là gối sách, để thuận lợi hơn cho việc đọc các tài liệu khổ lớn, các tài liệu đã bị hư hỏng.
3. Đưa bạn đọc trở thành một đối tượng cùng tham gia quá trình bảo quản tài liệu trong đó các đơn vị thiết kế các phiếu báo cáo về tình trạng tài liệu (tham khảo mẫu kèm theo) để người sử dụng tài liệu có thể báo cáo tình trạng liệu khi có bất kì dấu hiệu bất thường nào của tài liệu (rách, nát, mất trang,...)
4. Nên đưa nội dung về bảo quản dự phòng tài liệu và ý thức về bảo quản tài liệu thành một phần trong nội dung môn học Bảo quản tài liệu dành cho sinh viên chuyên ngành Thông tin - Thư viện
Kết luận
Đã có rất nhiều các tủ sách cá nhân được lưu giữ và trao tặng lại cho thế hệ bạn đọc ngày hôm nay, ở đó chúng ta không chỉ thấy là những bộ sưu tập qúi giá, ở đó chúng ta còn thấy là tình cảm trân trọng vô cùng với những tài liệu, hiện vật. Mong rằng những bộ sưu tập tài liệu của các Thư viện, cơ quan Thông tin, Lưu trữ cũng luôn được trân trọng và bảo vệ như vậy bằng tình cảm của tất cả những ai đã từng quản lý, sử dụng và quan tâm tới những sản phẩm tri thức quí giá này.
Thu Trang
Tài liệu tham khảo
1. Quan tâm và tiếp xúc với vốn tài liệu Thư viện: Tài liệu học tập / Frances Cumming . – Thư viện Quốc gia Việt Nam. Chương trình tình nguyện viên Vida .- 2007
2. Tổ chức và bảo quản tài liệu / Nguyễn Tiến Hiển, Kiều Văn Hốt .- Trường Đại học Văn hóa Hà Nội .- 2005
3. IFLA principle for the care and handling of library material / Edward P. Adcock .- International preservation issue .- 1998
Internet website
http://www.librarypreservation.org
http://www.library.cornell.edu/preservation/tutorial/contents.html
Là một nhà chính trị, hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Và sách báo chính là một nguồn quan trọng cung cấp và phổ biến lý luận cách mạng cho quần chúng. Vì thế không thể không chú ý đến việc tổ chức đọc sách cho công nhân và những người lao động - lực lượng nòng cốt của cách mạng. Thể hiện sự quan tâm ấy, trong cuốn
Cũng như một số lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của thế giới, Hồ Chủ tịch đã có những ý tưởng, việc làm và giành sự quan tâm của mình cho công tác thư viện. Những đóng góp của Hồ Chủ tịch đối với công tác thư viện được thể hiện trên một số bình diện sau:
Thứ nhất: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cần phải xây dựng và phát triển thư viện và có những chính sách đảm bảo cho thư viện.
Thứ hai: Người đánh giá cao những triều đại và quốc gia có sự nghiệp thư viện phát triển.
Thứ ba: Người khẳng định vai trò của thư viện đối với việc nâng cao dân trí và phục vụ các nhiệm vụ cách mạng.
Thứ tư: Người đã có một số đóng góp cụ thể đối với công tác thư viện.
Thứ năm: Người luôn tôn trọng các nguyên tắc, nội quy thư viện.
Là một nhà chính trị, hơn ai hết Bác Hồ thấy rõ không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Và sách báo chính là một nguồn quan trọng cung cấp và phổ biến lý luận cách mạng cho quần chúng. Vì thế không thể không chú ý đến việc tổ chức đọc sách cho công nhân và những người lao động - lực lượng nòng cốt của cách mạng. Thể hiện sự quan tâm ấy, trong cuốn "Đường cách mệnh" phần "Cách tổ chức công hội" khi nêu ra lý do vì sao các hội viên phải đóng lệ phí, Bác đã nêu ra bảy điểm sẽ làm (nếu có tiền dư) trong đó điểm thứ ba là lập nơi xem sách báo cho công nhân được đặt bên cạnh việc lập trường học cho công nhân cùng con em công nhân và lập nhà thương cho họ. Điều đó chứng tỏ ngay từ khi chưa giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch đã rất chú trọng đến công tác thư viện và việc phục vụ nhu cầu đọc sách báo, một nhu cầu thiết yếu của con người được đặt cùng với nhu cầu được học tập và nhu cầu được chữa bệnh khi đau ốm. Điều đó cũng thể hiện sự quan tâm rất thiết thực của Bác Hồ đối với người lao động nói riêng và nhân dân nói chung.
Không dừng lại ở việc hoạch định cho một tương lai như trong Đường cách mệnh "mọi người công nhân và nhân dân lao động sẽ có một nơi đọc sách", ngay sau khi giành được chính quyền, Hồ Chủ tịch đã làm một việc mà bất cứ người nào làm công tác thư viện ở Việt Nam cũng không thể không nhắc tới với một lòng biết ơn vô hạn. Đó là việc Người đã ký Sắc lệnh số 18 về việc đặt thể lệ lưu chiểu văn hoá phẩm trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 31 tháng 1 năm 1946. Nội dung Sắc lệnh gồm có 6 chương quy định rõ về cách tổ chức việc nộp lưu chiểu văn hoá phẩm. Sắc lệnh này đã được thi hành trong nhiều năm góp phần đảm bảo cho các thư viện, đặc biệt là Thư viện Quốc gia Việt Nam có điều kiện thu thập, tàng trữ và sử dụng các tài liệu được xuất bản trên đất nước Việt Nam để phục vụ các nhu cầu đọc của cán bộ và nhân dân.
Nhận thức được sự cần thiết phải tổ chức các thư viện, Hồ Chủ tịch đã luôn có nhận xét, đánh giá về việc tổ chức thư viện ở các nước khác nhau. Đánh giá về các triều đại đã qua, Hồ Chủ tịch đã không đồng tình với Tần Thuỷ Hoàng, một vị vua có đầu óc cách tân nhưng đã có hành động bạo ngược "đốt sách chôn học trò" và Người đã ngợi ca hết lời vị vua sáng suốt đầu nhà Hán và những triều đại tiến bộ về sau.
Là người yêu nước sâu sắc, ngoài hai mươi tuổi Hồ Chủ tịch đã ra đi tìm đường cứu nước. Người đã bôn ba khắp trời Âu biển Á, từ Pari hoa lệ đến xứ sở sương mù, nhưng đọng lại ở Người ấn tượng sâu nặng nhất là nước Nga Xô viết. Mảnh đất này không chỉ hấp dẫn Hồ Chí Minh vì đã biến "người nô lệ thành người tự do" mà nơi ấy còn tạo cho người dân có được cuộc sống đầy đủ về cả vật chất lẫn tinh thần. Nước Nga Xô viết đã khiến Người rung động vì nhiều lẽ trong đó có một điểm khiến Người chú ý là nơi đây có một sự nghiệp thư viện phát triển, mạng lưới thư viện dày đặc khắp toàn quốc. Ở bất cứ nơi đâu, người dân Liên Xô cũng có thể sử dụng thư viện. Về điều này Người đã kể say sưa trong "Liên xô vĩ đại", một tác phẩm Người viết vào tháng 10 năm 1957:
"Liên Xô có 392.000 thư viện với 1.300 triệu sách. To nhất là Thư viện Lênin ở Mátxcơva, với 19 triệu quyển sách bằng 160 thứ tiếng, trong số đó 2.200.000 quyển là sách nước ngoài. Mỗi ngày, hơn 5.000 người đến xem sách ở Thư viện Lênin. Các nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học nào cũng có phòng sách. Chỉ tính ở nông thôn đã có hơn 119.000 thư viện với hơn 300 triệu quyển sách. Cố nhiên gia đình nào cũng có một tủ sách".
Khi mô tả lại sự sung sướng và điều kiện sống thuận lợi của trẻ em ở Liên Xô, Bác đã chú ý đến một chi tiết: "Các thành phố đều có một thư viện và một hàng sách đặc biệt cho trẻ em. Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Tờ báo "Sự thật thiếu nhi" ở Mạc Tư Khoa có một số lớn biên tập viên và thông tin viên trẻ em với độ một triệu bạn đọc nhỏ ".
Người đã ngợi khen người dân Xô viết "Bởi chăm đọc sách nên mau thuận cường". Không chỉ dừng lại ở việc ngợi khen thành tựu thư viện ở các quốc gia, triều đại tiên tiến, từ thực tế của chính cuộc đời mình Bác đã khẳng định vai trò, tác dụng của thư viện đối với quá trình học tập, nghiên cứu, góp phần nâng cao trí lực của mỗi cá nhân và mặt bằng dân trí của xã hội.
Hồ Chủ tịch đã từng bôn ba ở nước ngoài nhiều năm, người đã từng là bạn đọc của một số thư viện, tiêu biểu là Thư viện quốc gia Pháp và Thư viện Đại học Phương Đông. Nhờ sử dụng sách báo tại các thư viện này mà Người đã có nhiều tư liệu quý báu để viết sách, báo và nâng cao kiến thức, lý luận cách mạng.
Với Bác, tác dụng của sách báo và thư viện không chỉ giúp ích cho việc học tập, nâng cao trình độ mà trong những bối cảnh nhất định nó còn có sức công phá mạnh hơn cả đạn bom. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khâm phục đội quân hùng mạnh này. Song, cái làm nên sức mạnh của đội quân ấy không chỉ đơn thuần là sự trang bị đầy đủ về vũ khí, đạn dược có huấn luyện, có tổ chức mà cơ bản là "Hồng quân Liên Xô đã được hưởng thụ một nền văn hoá và giáo dục tốt đẹp... Không nói chi đến việc cung cấp lương thực, quần áo, súng đạn được đầy đủ mà ngay cả đến sách báo... Hồng quân cũng được hưởng đầy đủ". Hệ thống thư viện trong quân đội Xô viết đã cung cấp sách báo cho các chiến sĩ ngay cả chốn sa trường. Và chính điều này đã góp một phần không nhỏ tạo nên sức mạnh tinh thần cho đội quân hùng hậu ấy. Hồ Chủ tịch quả đã không bỏ qua một chi tiết rất nhỏ nhưng quan trọng đó.
Thấy được vai trò, tác dụng của thư viện nên Hồ Chủ tịch đã có nhiều việc làm và đóng góp cho sự nghiệp thư viện của nước nhà. Đây là một nét đặc biệt của chủ tịch Hồ Chí Minh. Khác với những vị quân vương, các nguyên thủ quốc gia khác, sự quan tâm của Hồ Chủ tịch đối với thư viện không chỉ dừng lại ở những ý kiến văn bản, chỉ thị mà Người còn có nhiều việc làm thiết thực, cụ thể để thể hiện sự quan tâm đó.
Theo "Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử" tập 1 và đặc biệt là qua "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng, ngay từ khi còn trẻ tuổi, lúc làm thầy giáo ở trường Dục Thanh - Phan Thiết, thầy Nguyễn Tất Thành đã nung nấu suy nghĩ về việc lập ra một thư viện trong nhà trường để cho các học trò có nhiều sách để đọc. Không kịp thực hiện điều ấy, trước lúc đi xa, Người đã để lại một số tiền góp vào quỹ xây dựng thư viện của trường Dục Thanh. Để ghi nhớ việc làm đầy nghĩa cử ấy, về sau này trong thập kỉ 70, Bộ Giáo dục đã phát động phong trào xây dựng "Tủ sách Nguyễn Tất Thành". Phong trào này đã diễn ra sôi nổi khắp các trường học của miền Bắc một thời. Đó chính là cơ sở để hình thành một hệ thống thư viện nhà trường rộng khắp trên toàn quốc hiện nay.
Để tăng cường "hạt giống" cho phong trào cách mạng Việt Nam, Đảng và Hồ Chủ tịch đã tuyển chọn và gửi một số cán bộ đi học và đào tạo tại nước ngoài (trong đó có Đại học Phương Đông) nhưng số lượng cán bộ gửi ra nước ngoài có hạn và không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì thế, việc đào tạo tại chỗ cần phải tiến hành. Muốn vậy phải có tài liệu sách vở. Thực tế lúc bấy giờ, Việt Nam rất thiếu những tài liệu cần thiết để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và phổ biến lý luận cách mạng. Đứng trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại gửi nhiều bức thư khác nhau cho các tổ chức quốc tế và một số cá nhân để xin sự giúp đỡ về tài liệu.
Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác Hồ cũng luôn quan tâm đến việc xây dựng tủ sách cho các em thiếu nhi. Bằng nhiều cách khác nhau, Người luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để các em có sách đọc. Khi mọi người đề nghị Bác tổ chức sinh nhật, Người đã gạt đi vì theo Người đó là lãng phí không cần thiết khi mà trẻ em thiếu sách và nhiều nơi chưa có phòng đọc trong nhà trường. Ngày 23/3/1963, khi đọc báo Hà Nội mới, qua bài "Tủ sách nhỏ" Người được biết có ba em nhỏ đang góp tiền xây dựng 'Tủ sách Kim Đồng". Đọc xong, Người đã ghi ngay bên cạnh bài báo: "Đi xem. Về, Văn phòng có thể gửi cho một số sách mà các em chưa có".
Trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp, không phải bất cứ ai cũng có tiền mua sách báo, Hồ Chủ tịch đã chỉ ra một biện pháp khắc phục rất dễ thực hiện - đọc tập thể. Không trực tiếp đặt ra việc lập các thư viện công đoàn nhưng Người đã phân tích và vạch ra biện pháp giải quyết về vấn đề này như sau: "Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng, thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu, thì nên viết thư hỏi nhà báo"[1].
Trong cuộc đời, Hồ Chủ tịch đã được nhận và cũng đã trao tặng nhiều sách báo. Người cũng đã có công xây dựng nên phong trào đọc sách ở trong nhân dân và đặc biệt là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Nhân dịp kỉ niệm lần thứ 70 ngày sinh của Bác, thanh thiếu niên xã Ngọc Thuỵ (Gia Lâm - Hà Nội) đã gửi lụa tặng Hồ Chủ tịch và Người đã đáp lại tấm lòng của lớp trẻ bằng một món quà đặc biệt. Cuốn "Bác Hồ với nông dân Hà Nội" đã ghi nhớ về món quà đó như sau: "Bác đã gửi tặng lại thanh niên xã Ngọc Thuỵ một tủ sách hơn 200 cuốn được mua bằng tiền nhuận bút viết báo của Người. Đấy là những cuốn sách hay, những chuyện về các người lãnh đạo giỏi, sách khoa học kỹ thuật nông nghiệp và cả những chuyện cổ tích nữa"[2].
Ngoài những vấn đề trên, có một chi tiết chúng ta không thể bỏ qua khi hệ thống lại những đóng góp và kỷ niệm của Hồ Chủ tịch đối với nghề thư viện, đó là thái độ trân trọng của Người đối với các nguyên tắc sử dụng thư viện. Theo lời kể của ông Rudolf Pfutner, Đại sứ Cộng hoà Dân chủ Đức tại Việt Nam từ năm 1955 đến 1959: Có một lần, Hồ Chủ tịch đã ngỏ ý nhờ ông mượn cho một cuốn sách về các loại mô hình máy móc mà Người đã có dịp xem hồi hoạt động bí mật ở Beclin. Vị đại sứ ấy đã tìm được cuốn sách và xin được tặng Hồ Chủ tịch. Hiềm một nỗi trong sách có in dấu thư viện. Khi nhận được sách, Hồ Chủ tịch đã tỏ ý không hài lòng và Người đã kiên quyết trả lại. Người còn nhắc nhở: "Không được lấy sách thư viện để tặng như vậy". Câu chuyện giản dị ấy sẽ mãi là một bài học cho chúng ta hôm nay.
Hồ Chủ tịch đã đi xa nhưng tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn sống mãi với non sông đất nước. Với những người làm công tác thư viện, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận văn hoá, những đóng góp và kỉ niệm về Bác sẽ mãi là những nguồn động viên khích lệ cho mỗi chúng ta hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Tài liệu tham khảo
1. Bác Hồ trên đất nước Lênin . - H. : Thanh niên, 1980.
2. Bác Hồ về nước: Hồi kí . - H. : Văn học. - 1995.
3. Chúng ta có Bác Hồ . - H. : Lao động. - 1990
4. Hồ Chí Minh toàn tập. - 12 T. - H. : Chính trị quốc gia. - 1995.
hư viện không phải là hiện tượng mới trong đời sống của người dân Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XI, ở nước ta đã xuất hiện các thư viện đầu tiên - các tàng kinh. Nhưng tốc độ phát triển của các thư viện trong các thời kỳ sau này còn chậm, số lượng cũng không nhiều. Trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp cũng chỉ thành lập được 3 thư viện công cộng và một số thư viện tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, công sở của nước ta. Chỉ từ tháng 8 năm 1945 đến nay, sự nghiệp thư viện nước ta mới có điều kiện để phát triển nhanh. Có thể nêu một số thành tựu lớn của ngành thư viện Việt Nam trong 60 năm qua như sau:
1. Sự nghiệp thư viện trở thành sự quan tâm lớn của Đảng, là công việc hàng ngày của Nhà nước và nhân dân ta. Trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt từ Đại hội Đảng lần thứ 3 trở đi công tác thư viện luôn được đề cập tới. Chẳng hạn, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã chỉ rõ "Về công tác thư viện, cần mở rộng các thư viện hiện có, xây dựng thêm một số thư viện ở các khu công nhân, các thị xã và mở rộng phong trào quần chúng đọc sách, báo..."(1). Còn trong các văn kiện của Đại hội lần thứ VI nhấn mạnh: "Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá... từ trung ương đến cơ sở, ở các ngành và các địa phương... Đưa đến tận các đơn vị cơ sở những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kinh tế. Đưa văn hoá, văn nghệ đến vùng rừng núi và vùng nông thôn hẻo lánh"(2) v.v... Đường lối hết sức đúng đắn đó đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động thư viện của nước ta trong thời gian qua.
Về phía Nhà nước, chỉ 6 ngày sau khi tuyên bố Độc lập, ngày 8 tháng 9 năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Sắc lệnh số 13 chuyển giao các thư viện công trong đó có Thư viện Pierre Pasquier* về cho Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý. Cùng ngày hôm đó, Chính phủ lại ra Sắc lệnh số 21 bổ nhiệm ông Ngô Đình Nhu(3) làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Ngày 20/10/1945 Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ra quyết định đổi tên Thư viện Pierre Pasquier thành Quốc gia Thư viện. Ngày 31 tháng 01 năm 1946, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ký ban hành Sắc lệnh 18 - SL quy định chế độ lưu chiểu văn hóa phẩm trên toàn cõi Việt Nam... Điều đó chứng tỏ rằng ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước ta đã coi công tác thư viện là sự nghiệp của mình. Sau này, còn nhiều văn bản pháp quy khác được ban hành trong đó đáng chú ý là Quyết định 178-CP ngày 16/9/1970 của Hội đồng Chính phủ "Về công tác thư viện" và Pháp lệnh Thư viện được ỦY ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ 1/4/2001. Trong các văn bản đó đều quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong tổ chức và hoạt động của thư viện: quản lý, cấp kinh phí, trụ sở, trang thiết bị, nhân sự... cho các thư viện.
Ngoài ra, bằng các văn bản pháp quy, Nhà nước còn động viên, khuyến khích các lực lượng xã hội đóng góp công sức, tiền của xây dựng các thư viện và tham gia vào các hoạt động của chúng.
2. Thành lập được mạng lưới thư viện rộng khắp, từ trung ương tới cơ sở, trong các ban ngành, đoàn thể, phù hợp với nơi ở và làm việc, học tập của người dân với mục đích tạo những điều kiện thuận lợi cho họ sử dụng thư viện. Mạng lưới thư viện này bao gồm nhiều hệ thống khác nhau, trong đó tiêu biểu là các hệ thống:
- Hệ thống thư viện công cộng với Thư viện Quốc gia Việt Nam đứng đầu và 64 thư viện tỉnh, thành, 582 thư viện cấp quận, huyện, gần 6.046 thư viện, phòng đọc sách ở các xã, phường, thôn, bản... Gắn kết với thư viện công cộng còn có 10.000 tủ sách pháp luật và 8.000 điểm bưu điện - văn hóa xã, phường.
- Hệ thống thư viện - thông tin chuyên ngành đa ngành về KH & CN được thành lập ở hầu hết các cơ quan, tổ chức, xí nghiệp... Hệ thống thư viện - thông tin này có 1 trung tâm thông tin tổng hợp; 2 trung tâm thông tin chuyên dạng (trung tâm thông tin về Tiêu chuẩn và trung tâm thông tin về Sở hữu công nghiệp); 218 trung tâm thông tin - thư viện thuộc các bộ, ngành, các cơ quan trung ương, 64 cơ quan, tổ chức thông tin địa phương... và hàng trăm thư viện tại các nhà máy, xí nghiệp, công ty, các viện nghiên cứu, các trung tâm NCKH - SX... Nét nổi bật trong hệ thống này những năm gần đây là các thư viện khoa học, chuyên ngành đầu hệ thống phát triển rất mạnh, rất hiện đại do được đầu tư khá tốt.
- Hệ thống thư viện thuộc Bộ Giáo dục ngày càng phát triển. Hiện nay nước ta có gần 300 thư viện, trung tâm thông tin - thư viện các trường đại học và cao đẳng, gấp hàng chục lần so với trước năm 1954. Còn thư viện trường phổ thông tăng không ngừng, theo sự mở rộng của ngành Giáo dục. Nếu năm 2000 cả nước có 15.574 thư viện trên 24.208 trường phổ thông thì đến năm 2004 con số này đã là 17.842 thư viện/26.345 trường.
- Hệ thống thư viện quân đội cũng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu đọc của các sĩ quan, chiến sĩ với 1 thư viện trung ương, 53 thư viện ở các học viện, quân khu, quân đoàn, 330 phòng đọc sách ở cấp sư đoàn, trung đoàn và tương đương, 620 tủ sách trong các Phòng Hồ Chí Minh, hơn 400 tủ sách ở các đồn biên phòng...
Ngoài ra, các hệ thống thư viện thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Thủy sản... cũng phát triển khá mạnh.
3. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của các thư viện được tăng cường đáng kể. Về nhà cửa, nếu trước kia diện tích của các thư viện hết sức nhỏ thì ngày nay diện tích đó đã được tăng lên gấp nhiều lần. Chẳng hạn, Thư viện Quốc gia Việt Nam trước kia chỉ có khoảng 5.000m2 nhưng vừa qua được Chính phủ cấp cho hơn 80 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nhà và trang thiết bị thư viện nên tổng diện tích nhà đã tăng lên hơn 18.000m2. Thư viện nhiều trường đại học được xây dựng khá hiện đại với trên dưới 10.000 m2 mỗi thư viện. Nhiều thư viện cấp tỉnh đã được xây nhà mới. Chỉ tính riêng 3 năm gần đây từ 2001 - 2003, đã có 9 thư viện cấp tỉnh được xây trụ sở mới với tổng kinh phí là 62,4 tỷ đồng. Các thư viện cấp huyện được xây dựng do chính nguồn tài chính của địa phương. Thư viện cấp huyện ở Nghệ An, An Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu, Hải Dương... đã được xây dựng nhà mới, kiên cố với diện tích khá lớn từ 500 - 1.000m2 mỗi thư viện. Ngoài ra, từ năm 1997, Bộ Văn hoá - Thông tin đã cấp tiền để xây dựng nhà cho các thư viện huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong 2 năm 1997 - 1998 đã có 12 nhà thư viện huyện được xây theo chương trình này với tổng kinh phí là 4,2 tỷ đồng. Nhưng rất tiếc cách đây vài năm, chương trình đã bị ngừng.
Về trang thiết bị, đã có những bước nhảy vọt trong đổi mới công nghệ thư viện, tiếp cận với xu hướng chung của thư viện hiện đại trên thế giới. Hiện nay, hầu như thư viện lớn nào cũng áp dụng CNTT vào công tác của mình. Hàng nghìn máy tính đã được sử dụng trong các thư viện cả nước. Hệ thống thư viện công cộng đã có gần 1.000 máy tính. Nhưng chỉ riêng Trung tâm học liệu của Đại học Huế cũng đã có gần 500 máy tính hiện đại. Cuối tháng 7 vừa qua, Đại học Đà Nẵng đã khai trương Trung tâm Học liệu với 250 máy tính. Nhiều thư viện tạo được mạng LAN và nối kết với Internet. Ngoài ra, các thư viện còn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến khác như công nghệ mã vạch, thẻ từ, cổng từ... Nhờ ứng dụng các công nghệ đó mà các nhân viên thư viện và các thư viện đã có một hình ảnh mới trước công chúng và những khả năng mới trong việc giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong việc cung cấp thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn, chất lượng hơn do được tiếp cận tới các nguồn tin trong và ngoài nước.
4. Các thư viện nước ta xây dựng được nguồn lực thông tin khá lớn, có khả năng đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong nghiên cứu, học tập, sản xuất và giải trí của người dân.
Hệ thống thông tin – thư viện khoa học, chuyên ngành có: 2 triệu đầu sách, 6.000 tên tạp chí, 18,5 triệu bản mô tả sáng chế, phát minh, 200.000 tiêu chuẩn, 40.000 catalô công nghiệp, 13.000 báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, luận án tiến sĩ, 20 triệu biểu ghi trên CD-ROM v.v…
Hệ thống thư viện công cộng có khoảng 15 triệu bản sách; 9.000 tên báo, tạp chí, trong đó phần lớn là báo, tạp chí ngoại văn. Mỗi năm, hệ thống thư viện công cộng bổ sung mới khoảng 800.000 bản sách.
Hệ thống thư viện trường học mỗi năm được cấp khoảng 80 - 100 tỷ đồng cho bổ sung tài liệu và tiến hành các hoạt động nghiệp vụ.
Hệ thống thư viện quân đội: mỗi cán bộ, chiến sĩ được cấp theo định suất 200 trang sách/ năm...
Ngoài các tài liệu truyền thống, các thư viện còn tự tạo lập hoặc mua các tài liệu điện tử: chủ yếu là các CSDL thư mục, CSDL toàn văn các sách có giá trị và các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Với những cố gắng như vậy, chúng ta dần dần sẽ đảm bảo được an toàn thông tin.
5. Hoạt động thư viện đã phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị, sản xuất nghiên cứu khoa học, phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, của địa phương, của các cơ quan, xí nghiệp cũng như góp phần đắc lực nâng cao dân trí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người dân Việt Nam. Việc đảm bảo thông tin cho các đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước, việc tuyên truyền, phổ biến các tài liệu thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ, văn hóa, xã hội mới nhất đã làm cho các cơ quan thông tin, thư viện trở thành những đồng minh thân cận, những trợ thủ đắc lực cho các cơ quan đảng, chính quyền, khoa học, văn hóa, xã hội các cấp. Số lượt người sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của các cơ quan thông tin, thư viện ngày càng tăng. Chỉ tính riêng hệ thống thư viện công cộng thì trong 3 năm từ 2001 - 2003, mỗi năm đã có trung bình 19.922.885 lượt người tới sử dụng các thư viện này. Hoạt động nghiệp vụ của các thư viện đã khởi sắc, có nhiều cách làm mới, hay. Xu hướng cải tiến và đổi mới hoạt động thư viện đang phát triển mạnh mẽ. Các thư viện lớn (Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện tỉnh, thành, thư viện các trường đại học...) tiến hành phục vụ bạn đọc tại kho mở, phòng đọc đa phương tiện có kết nối Internet, tạo điều kiện để bạn đọc tiếp cận tới nhiều nguồn thông tin khác nhau. Các thư viện, cơ quan thông tin tiến hành biên soạn, xuất bản, cung cấp các sản phẩm thông tin – thư mục theo đặc điểm, yêu cầu của các đối tượng người dùng khác nhau vì thế, hiệu quả hoạt động của hình thức này ngày càng được nâng cao.
6. Mức hưởng thụ sách báo của nhân dân tăng lên gấp hàng chục lần. Bình quân sách tính theo đầu người tăng khá ấn tượng. Số lượng sách, báo của 3 thư viện công cộng thời kỳ thuộc Pháp rất ít, chưa chắc đã tới 300.000 bản vì riêng Thư viện Trung ương Đông Dương (nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam) - thư viện lớn nhất thời bấy giờ, đến tháng 12 năm 1953 có khoảng 180.000 bản sách. Nếu dân số Việt Nam thời kỳ này là 30 triệu người thì bình quân mỗi người chỉ có 0,01 bản sách trong các thư viện công cộng. Hiện nay, tổng số sách trong các thư viện công cộng nước ta là 20.000.000 bản trên tổng số dân là hơn 80.000.000 người thì bình quân 1 người có gần 0,25 bản sách. Nếu tính tổng số sách trong tất cả các thư viện nước ta thì mỗi người dân Việt Nam có hơn 1 bản sách. Mức hưởng thụ sách báo của người dân được tăng cường còn do các thư viện mở rộng các hình thức phục vụ bạn đọc. Các thư viện công cộng chú ý phục vụ các đối tượng đặc biệt (thiếu nhi, người khiếm thị, người cao tuổi...), phục vụ họ tại nhà, qua bưu điện. Công tác phục vụ lưu động của các thư viện công cộng từ thư viện tỉnh, huyện đến cơ sở đang được mở rộng, hình thức mượn giữa các thư viện, cung ứng tài liệu qua mạng, FAX... của các thư viện khoa học đang có bước phát triển khá nhỏ ứng dụng CNTT và viễn thông... Những hình thức phục vụ bạn đọc tích cực như vậy đã dần dần tạo nên khả năng sử dụng ngang bằng của mọi người dân Việt Nam nguồn lực thông tin, sản phẩm và dịch vụ của các thư viện trên địa bàn cả nước.
7. Quan hệ hợp tác quốc tế của ngành thư viện được mở rộng và có những kết quả đáng khích lệ. Nếu trước kia các thư viện nước ta chỉ bó hẹp trong quan hệ với các đồng nghiệp trong phe XHCN thì ngày nay nhiều thư viện nước ta đã gia nhập các tổ chức nghề nghiệp quốc tế như IFLA, FID hay khu vực như CONSAL. Trao đổi tài liệu quốc tế được coi là nguồn bổ sung chủ yếu các tài liệu nước ngoài của các thư viện nước ta và hàng năm tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Ngoài ra, Quỹ châu Á từ vài năm nay, mỗi năm cũng hỗ trợ cho các thư viện khoa học Việt Nam 30 - 40 nghìn bản sách khoa học và công nghệ mới với trị giá hàng triệu đô la Mỹ. Hội đồng Anh tài trợ bộ sách Thiên niên kỷ gồm 20.000 bản, giới thiệu 250 tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng thế giới. Các thư viện, cơ quan thông tin nước ta tích cực trao đổi các đoàn chuyên gia, mời họ vào mở lớp đào tạo cán bộ thông tin – thư viện, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học. Những năm 1980 - 1990, các thư viện công cộng nước ta nhận được các dự án từ UNESCO và IFLA: "Giáo dục cộng đồng"; "Luân chuyển sách từ tỉnh, huyện đến cơ sở", "Xây dựng trung tâm tiếp nhận và phát huy tác dụng của tài liệu". Quỹ Force (Hà Lan) tài trợ sách, máy tính, máy trợ thị cho các thư viện công cộng để tổ chức phục vụ người khiếm thị. Các quỹ nước ngoài cũng trợ giúp hàng triệu đô la để xây dựng các trung tâm học liệu hiện đại ở Đại học Huế và Đà Nẵng... Sự hợp tác này đã nâng cao vị thế của các thư viện nước ta trên trường quốc tế, hiện đại hóa thư viện, đồng thời giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, chuyên môn của cán bộ thư viện, tiết kiệm khá nhiều ngân sách cho Nhà nước.
8. Xây dựng đội ngũ những người làm công tác thư viện yêu nghề, trung thành với Đảng, nhiệt tình sáng tạo trong công tác, ngày càng được tăng cường, phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu trước năm 1954, cả nước Việt Nam trong số vài trăm nhân viên thư viện chỉ có vài người được đào tạo chính quy về công tác lưu trữ, thư viện mà phần lớn lại là người Pháp và cả Việt Nam không có một trường đào tạo nhân viên thư viện nào** thì ngày nay nước ta có tới 4 trường đại học (sắp tới thêm trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh), 4 trường cao đẳng, 20 trường trung cấp đào tạo nhân viên thư viện. Việt Nam đã đào tạo được nhân viên thư viện từ sơ cấp tới thạc sĩ khoa học thư viện - thông tin. Đội ngũ những người làm công tác trong ngành thư viện - thông tin có tới hơn 30.000 người, trong đó có hơn 50 người có trình độ tiến sĩ (riêng chuyên ngành thư viện học - thông tin học cũng đã có trên 30 tiến sĩ, trong đó có 1 tiến sĩ khoa học), hàng trăm thạc sĩ, hàng chục nghìn cử nhân tốt nghiệp các trường đại học khác nhau trong và ngoài nước***. Mặc dù lương bổng, thu nhập còn rất thấp so với nhiều ngành nghề khác nhưng phần lớn những người làm công tác thư viện - thông tin vẫn khắc phục mọi khó khăn để lựa chọn, bảo quản, xử lý những tài liệu, thông tin tốt nhất, phù hợp nhất để cung cấp cho các đối tượng bạn đọc khác nhau.
9. Hình thành được các cơ quan ngôn luận của ngành. Trước năm 1954, ngành thư viện Việt Nam chưa có một cơ quan ngôn luận nào. Hiện nay, ngành thư viện - thông tin nước ta có Tạp chí Thư viện Việt Nam và Tạp chí Thông tin & Tư liệu. Cả hai tạp chí này đều xuất bản với định kỳ 4 số/năm. Ngoài ra, một số thư viện còn xuất bản bản tin hoặc tạp chí nhưng ảnh hưởng của chúng đối với bạn đọc không rộng. Việc ra đời các tạp chí này thể hiện sự trưởng thành về mặt lý luận của giới thư viện - thông tin Việt Nam.
10. Hình thành một cách vững chắc cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ ngành thư viện. Việc hình thành Cục Thư viện (nay là Vụ Thư viện) thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin từ năm 1986 là một bước tiến quan trọng của ngành thư viện Việt Nam trong việc khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội. Các cơ quan hướng dẫn nghiệp vụ đứng đầu là Thư viện Quốc gia Việt Nam và các thư viện đứng đầu các bộ, ngành, các thư viện tỉnh, thành luôn luôn đảm bảo cho hoạt động của hệ thống thư viện mình theo những chuẩn nghiệp vụ thống nhất...
Có thể liệt kê thêm một số thành tựu lớn nữa của ngành thư viện trong 60 năm dưới chính thể Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhưng bên cạnh đó cũng cần nhấn mạnh một số tồn tại lớn, ảnh hưởng tới sự phát triển mạnh mẽ của ngành mà cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Đó là: Cơ sở vật chất - kỹ thuật nghèo nàn; nguồn lực thư viện - thông tin còn hạn chế nhưng lại bị phân tán, cắt đoạn giữa các hệ thống với nhau; chưa có sự phối kết hợp tốt giữa các hệ thống; sự phát triển thư viện giữa các vùng nông thôn, thành thị miền xuôi, miền núi còn có sự chênh lệch lớn; tỷ lệ người dân sử dụng tài liệu, các dịch vụ thư viện còn thấp; cán bộ thông tin - thư viện còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, giao tiếp, tin học; hiệu quả xã hội của thư viện chưa thật cao...
Tóm lại, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định nhưng ngành thư viện Việt Nam vẫn còn nhiều nhược điểm cần khắc phục. Hy vọng rằng với sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, sự cố gắng của toàn ngành, đến năm 2020, cùng với các mục tiêu khác, Việt Nam sẽ trở thành một nước tiên tiến về thư viện.
Tài liệu tham khảo
1. Báo cáo tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc năm 2001 - 2003, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm 2004 - 2006/Vụ Thư viện//Kỷ yếu hội nghị tổng kết hoạt động của hệ thống thư viện công cộng toàn quốc 3 năm (2001 - 2003). - H., 2004. - Tr.3-27 (in máy tính).
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 3. Văn kiện. T.3. - H., 1960. - Tr. 70.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội lần thứ 6. Văn kiện.. - H.: Sự thật, 1987. - Tr. 90 - 91.
4. Toan ÁNH. Thư viện Việt Nam//Nghiên cứu Văn học. -Sài gòn. - 1971. - Bộ mới số 3. - Tr. 27 - 28.
5. Việt Nam (CHXHCN). Quốc hội. Pháp lệnh Thư viện: được UB Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28/12/2000 và được Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 01/2001/L-CTN ban hành ngày 11/1/2001.- H.: CTQG, 2001. - 25 tr.
6. Lê Văn Viết. Cẩm nang nghề Thư viện. - H.: Văn hóa thông tin, 2000.-XXV; 635tr.
7. Lê Văn Viết. Thư viện Quốc gia Việt Nam: 55 năm xây dựng và trưởng thành (1917-2002)/ Lê Văn Viết, Nguyễn Hữu Viêm; Chỉ đạo nội dung: Phạm Thế Khang.- H.: TVQGVN, 2002.- 142tr.
|
|
|
|
|